Di tích Khe Hó

Ngày đăng: 07:56 02/02/2022 Lượt xem: 1.077
KHE HÓ DI TÍCH TRƯỜNG SƠN "THUỞ BAN ĐẦU"
 
       
  Đoàn trưởng Võ Bẩm khảo sát đường gùi thồ.  
       
    
                                                                      Những chuyến hàng đầu tiên
 
1. Tên gọi di tích: Khe Hó - Căn cứ của Tiểu đoàn 301, Sở chỉ huy Tiền phương Đoàn 559
2.  Địa điểm
     Di tích lịch sử Khe Hó thuộc địa phận xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Bản Khe Hó nằm phía bắc trục đường đi xã Vĩnh Ô khoảng 5 km. Vị trí này là đầu nguồn suối Tiên, một chi lưu của sông Rào Thanh.
3. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích:
      Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (khóa II). Bộ Chính trị quyết định tổ chức Tuyến giao liên vận tải Quân sự xuyên Trường Sơn để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Ngày 5 tháng 5 năm 1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất Trung ương thừa lệnh của Bộ Chính trị trực tiếp giao cho Thượng tá Võ Bẩm - nguyên Cục phó Cục Nông trường tổ chức “Đoàn công tác Quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội; chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại.
     Thượng tá Võ Bẩm được giao làm Đoàn trưởng, kiêm Bí thư. Trung tá Nguyễn Thạnh làm Đoàn phó, Đại úy Nguyễn Chương làm ủy viên Ban Cán sự kiêm trợ lý bảo vệ.
      Sau Hội nghị ở Hồ Xá, Đoàn 559 tổ chức ngay đội khảo sát mở tuyến do Đoàn trưởng Võ Bẩm trực tiếp chỉ huy. Tỉnh ủy Quảng Trị đã cử đồng chí Pả Cương, Thường vụ huyện ủy Hướng Hóa và một số cán bộ địa phương thông thạo địa hình cùng phối hợp với Đoàn 559 tiến hành xoi đường, mở tuyến. Đoàn quyết định chọn Khe Hó làm điểm xuất phát cho Tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn. 
    Khe Hó là một lạch nước sâu, nhỏ ở dưới chân núi Động Nóc, gần thượng nguồn sông Rào Thanh, tây Vĩnh Linh, cách nông trường Bãi Hà gần 1 km về phía Tây Nam, cách giới tuyến quân sự tạm thời không xa. Từ Khe Hó phát triển về hướng Tây Nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Khẩu hiệu có tính mệnh lệnh lúc này là: “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
     Cuối tháng 5 năm 1959, Đoàn 559 đã tuyển chọn được 400 cán bộ, chiến sĩ tổ chức hoàn chỉnh Tiểu đoàn 301. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 301 là con em các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, trong số đó có gần 60 cán bộ, tuyệt đại đa số là đảng viên, số còn lại là đoàn viên. Tiểu đoàn 301 được biên chế thành 11 đội (9 đội làm nhiệm vụ vận tải, 1 đội trinh sát bảo vệ, 1 đội làm nhiệm vụ xây dựng hậu cứ). Sau khi ổn định tổ chức, Tiểu đoàn bước vào học tập Chính trị.
Sau khi hoàn thành các khâu chuẩn bị, ngày 20 tháng 6 năm 1959, Tiểu đoàn 301 hành quân tập kết tại khu vực Khe Hó lấy danh nghĩa là “Công trường khai thác gỗ” và “Nông trường chăn nuôi bò”. Trên cơ sở kết quả khảo sát toàn tuyến được bố trí thành 9 đội, quân số giảm dần từ đội đầu xuống đội cuối cùng, chỉ huy của Tiểu đoàn đặt ở giữaTrạm 5 và 6 trực tiếp chỉ huy toàn tuyến.
     Đầu tháng 7 năm 1959, Tiểu đoàn 301 đã triển khai được tuyến hành lang thành 8 trạm (mất 8 ngày đi bộ), mỗi chặng mất 1 ngày (mỗi chặng từ 5 - 7 km). Bên cạnh đó lực lượng trinh sát cũng được cài cắm trên tuyến, tích cực nắm tình hình địch, thông báo kịp thời cho từng trạm và Chỉ huy Tiểu đoàn. Từ đây những chuyến hàng đầu tiên đã được bí mật vận chuyển từ Làng Ho (Lệ Thủy - Quảng Bình) đến khu tập kết ở Khe Hó trước khi vận chuyển vào Nam.
      Ngày 20 tháng 8 năm 1959 chuyến hàng đầu tiên ở Khe Hó bắt đầu vượt vĩ tuyến 17. Sau 8 ngày đêm, chuyến hàng đầu tiên bao gồm: 20 khẩu súng tiểu liên Tuyn, 20 khẩu súng trường Mát, 10 thùng đạn tiểu liên và súng trường đã được Tiểu đoàn 301 chuyển tới Tà Riệp bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn. Cán bộ, chiến sĩ Liên khu 5 vô cùng phấn khởi và xúc động khi tiếp nhận chuyến hàng này.
       Phát huy thắng lợi chuyến đầu tiên đồng thời tranh thủ yếu tố bí mật, bất ngờ, toàn Đoàn dồn sức chuyển hàng và dẫn quân qua tuyến. Đến hết tháng 8 năm 1959 Đoàn đã chuyển giao Liên khu 5 được 60 súng trung liên, 100 súng tiểu liên, súng trường và hàng nghìn viên đạn súng bộ binh.
        Cuối năm 1959, tình hình diễn biến chiến lược nước ta có nhiều thay đổi, đòi hỏi sự chi viện khối lượng hàng hóa, vũ khí lớn từ hậu phương miền Bắc vào phục vụ chiến trường miền Nam. Mỹ - Ngụy tăng cường kiểm soát tuần tra Đường 9 nên con đường gùi thồ xuất phát từ Khe Hó vượt Đường 9 vào Tây Nam - Thừa Thiên - Huế gặp rất nhiều khó khăn và có nguy cơ bị lộ.
       Chính vì những lý do trên, tháng 10 năm 1959, Đoàn 559 đã quyết định chuyển Sở chỉ huy Tiền phương và toàn bộ kho tàng từ Khe Hó lùi ra Quảng Bình. Vị trí mới được xây dựng tại làng Mít, nằm ở hữu ngạn sông Kiến Giang, cách Bang Rợn khoảng 10km về phía Nam. Đồng thời theo lệnh của Ban cán sự Đoàn, Đội 12 - Tiểu đoàn 301 khẩn trương cơ động theo hướng Tây tới khu vực làng Ho (Xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), cạnh thượng nguồn một nhánh sông khác của sông Kiên Giang, gấp rút xây dựng lán trại, kho tàng. Đây là khu vực Đoàn 559 chọn làm hậu cứ cơ bản và rất thuận lợi cho việc cơ động, chỉ đạo cả hai tuyến vận tải Đông và Tây Trường Sơn sau này.
4. Xếp hạng: Ngày 09-12-2013 Thủ tướng Chính phủ  ra Quyết đinh số 2383/QĐ/TT-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Khe Hó là 1 trong 37 Di tích đó.

      
Trung tá Trần Anh Don- người cùng 
Đoàn trưởng Võ Bẩm chọn Khe Hó làm căn cứ (1959).    
 
 
                                                                    Khe Hó mùa khô năm 2012                                            
 
 5. Hiện trạng:
         Khe Hó hiện nằm trong khu vực trồng rừng kinh doanh. Từ đường nhựa Bến Quan đi Vĩnh Ô, rẽ vào Khe Hó dài 5 km chỉ là đường lâm nghiệp, xe 3 cầu mới đi được vào mùa khô. UBND tỉnh Quảng Trị khoanh vùng bảo vệ. Khe Hó chưa xây dựng Bia Di tích, chưa có biển chỉ dẫn nên ít có người biết đến địa danh này.


VŨ TRÌNH TƯỜNG

tin tức liên quan