Nơi đây được tăng cường quân số, có bệnh xá làm nhiệm vụ thu dung cứu chữa thương binh, bệnh binh. Tuyến giao liên của trạm bị địch đánh phá ngăn chặn ác liệt, nhưng cũng từ trạm giao liên này, phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ giao liên được thể hiện rõ nét.
Tuyến giao liên trạm 257 đi vào phải qua Km5 đường ngang đi Khâm Đức, xuyên qua khu vực Lân Tôn giao cho đầu mối B46 Khu 5 luôn phải hứng chịu những trận mưa bom bi, bom vướng nổ, các loại mìn lá, mìn tai hồng giặc Mỹ thả xuống. Cũng may là tuyến giao liên đi qua khu rừng già nguyên sinh hoàn toàn kín đáo. Không quân Mỹ cắt bom tìm diệt nên tuyến giao liên trạm 257 phụ trách bị bom từng đoạn là chuyện thường xảy ra. Điều đó nhắc nhở chiến sĩ giao liên dẫn đoàn đi phải tinh tường, cảnh giác, quan sát để tránh thương vong. Chiến sĩ giao liên trạm rất rõ nhiệm vụ của mình là dẫn đoàn đi vào, cáng thương binh, bệnh binh vượt qua khu vực Lân Tôn nhanh chóng, an toàn. Để dễ phát hiện vật liệu nổ, bom, mìn, trước đó, những chiến sĩ giao liên của trạm đã phải gồng mình tranh thủ ngày đêm mở đường, phát quang cây cỏ bên đường. Ở những đoạn dốc thì tạo bậc, chống trơn lầy bằng cách lát bậc bằng cây, gia cố chắc chắn. Những đoạn dốc lớn hơn còn thiết kế tay vịn để khách bộ hành mang vác nặng có chỗ bấu víu, tránh trượt ngã. Hàng chục cây số đường giao liên bộ được các chiến sĩ trạm giao liên 257 mở bằng chính sức lực của mình.
|
Minh họa: QUANG CƯỜNG |
Vị trí đóng quân của trạm 257 ngay trên đỉnh Trường Sơn. Ngoài trạm 256 đi vào dốc lên thoai thoải, từ trạm 257 đi vào phải vượt lên đỉnh dốc rồi đổ dốc sâu về đất Quảng Nam. Do công tác phòng tránh rất tốt nên trạm chưa bao giờ bị địch bắn phá, mặc dù trạm rất gần tuyến vận tải B46 và tuyến ngang về Khâm Đức. Trạm đóng quân bên dòng suối chảy từ đỉnh núi xuống. Trên cùng bố trí bệnh xá giao liên do bác sĩ Tâm phụ trách. Những thời điểm căng thẳng, bệnh xá giao liên còn được tăng cường những tổ công tác gồm y sĩ, dược sĩ, y tá tới cứu chữa thương binh, bệnh binh thu dung về. Sáng sáng, bác sĩ Tâm tới các lán thăm hỏi tình hình sức khỏe đồng đội, cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ trạm 257 người nào việc nấy tỏa đi các hướng dưới lớp sương mù khi dày đặc, khi bảng lảng của đỉnh Trường Sơn.
Ngày mới bắt đầu như thế. Phân đội dẫn quân vào và phân đội dẫn quân ra trang bị giống nhau. Chỉ khác là phân đội dẫn quân ra đi cùng ngay với thương binh, bệnh binh trên cáng, tới điểm giao trực với trạm 256 bàn giao cáng thương và quân ra lại dẫn đoàn đi vào. Phân đội dẫn quân đi vào, tới bãi giao trực với trạm phía trong mới nhận thương binh, bệnh binh và quân ra cáng, đưa về trạm. Công việc ngày nào cũng vậy, tưởng nhẹ nhàng nhưng lại đầy gian nan thử thách. Căng thẳng nhất là đoạn dẫn quân vào. Quân vào thường là những lực lượng tăng cường đội hình tiểu đoàn vào chiến trường Khu 5. Trên vai người chiến sĩ đủ nặng, cố mang được nhiều nhất lương thực, thực phẩm và đủ cơ số đạn. Bởi, vượt qua đất của trạm 257 là họ đã trở thành chiến sĩ Giải phóng quân thực thụ và phải băng qua “tọa độ lửa” Lân Tôn.
Trạm tương đương cấp đại đội nhưng ở trạm không bị di chuyển vị trí, nhiều năm ở một chỗ cũng chỉ làm lán cùng hầm trú ẩn ở ngay nơi đặt trạm chứa được vài chục người. Số này chỉ đủ cho thương binh, bệnh binh ở chiến trường đi ra và các đoàn dân chính nhỏ lẻ đi vào. Còn đại bộ phận quân vào phải ở bãi khách. Bãi khách của trạm 257 được bố trí ở những cánh rừng sát đường giao liên, có đủ nguồn nước chứa được hàng nghìn quân mắc võng nghỉ ngơi qua đêm. Việc phân công các đơn vị vào bãi khách, công tác phòng không, quy định khói lửa... các chiến sĩ giao liên không mất nhiều thời gian, chủ yếu do chỉ huy các đơn vị thực hiện. Công việc chính của các chiến sĩ giao liên là dẫn đoàn vào vị trí và lắng nghe, tìm hiểu quê quán, tìm đồng hương. Ở những bãi khách như thế, các chiến sĩ giao liên đã tìm được người quen thân. Qua câu chuyện của các chiến sĩ giao liên, những chiến binh đang đi vào chiến trường luôn nghĩ về con đường họ sẽ đi tới và nhiều người mong đợi tìm gặp người thân của họ ở phía trong do những cuộc gặp gỡ tình cờ trước đó của các chiến sĩ giao liên truyền đạt lại.
Hành trình của các chiến sĩ giao liên và những chiến binh, những đoàn khách vui vẻ và mong đợi nhất trong ngày là sự gặp gỡ giữa khách vào và khách ra ở điểm giao trực. Điểm giao trực nằm giữa cung đường hai trạm. Nơi ấy thường là những suối cạn hoặc nơi có nguồn nước thuận tiện cho việc ăn, nghỉ trưa. Điểm giao trực của trạm 257 và đầu mối B46 Khu 5 là một dòng suối đầy đá. Về mùa khô chỉ còn một dòng nước nhỏ chảy qua. Những tảng đá đủ hình thù dọc suối là những chỗ cho lính ta để ba lô nặng trĩu. Quân ra hoặc quân vào tới điểm giao trực trước đều tìm chỗ dừng lại nghỉ ngơi, đợi đoàn bạn tới. Quân vào, quân ra gặp nhau cười nói vui vẻ vang vọng núi rừng. Nhiều chuyện cảm động đã diễn ra ở điểm giao trực này. Các chiến sĩ giao liên ứa nước mắt chứng kiến cảnh vợ chồng, anh em họ hàng gặp nhau chốc lát rồi lại phải gạt nước mắt chia xa...
Ở điểm giao trực này, các chiến sĩ giao liên còn nhận những thương binh, bệnh binh phải cáng lên võng đưa về trạm. Đây là cung chặng khó khăn nhất của trạm. Về chiều, sức lực đã cạn, lại phải cáng thương binh, bệnh binh chủ yếu lên dốc đứng. Định biên người rưỡi một đầu cáng, song không đủ người nên phần lớn một người một đầu cáng. Trong khi đó, các chiến sĩ cáng thương luôn bị di chứng những cơn sốt rừng hành hạ: Tóc rụng, “chân ống giang, đầu gối củ lạc”. Nhiều thời điểm đói bụng, mắt mờ, chân run... nhưng khi đã cáng đồng đội lên vai gầy, sức mạnh từ tình thương, trách nhiệm, yêu quý đồng đội... ùa về. Họ chống gậy chạc ba cùng đồng đội băng qua trọng điểm địch đánh phá, quyết không để cho đồng đội đổ máu thêm một lần nữa. Gắng sức cáng thương binh vượt qua trọng điểm, đến lúc đặt được đầu cáng vào giá nghỉ, người cáng ngã gục vì kiệt sức, ít phút sau tỉnh dậy, thở sâu lấy lại sức, đặt đòn cáng lên vai đưa đồng đội về trạm. Nhiệm vụ cáng thương của chiến sĩ giao liên ngày nối ngày, mùa khô cũng như mùa mưa không hề thay đổi. Đòn cáng này hỏng thay đòn cáng khác. Võng này rách thay võng khác. Bàn chân của người chiến sĩ giao liên lõm sâu vào lòng đất, đá núi mòn vẹt, nhưng ý chí, lòng quyết tâm của những chiến sĩ giao liên cáng thương binh không hề giảm. Họ nhẹ nhàng đưa đồng đội về trạm an toàn, giao cho các chiến sĩ quân y chăm sóc và lại đưa những thương binh, bệnh binh ra tuyến ngoài... Hàng nghìn thương binh, bệnh binh từ chiến trường đã được các chiến sĩ giao liên trạm 257 cáng vượt qua trọng điểm Lân Tôn an toàn như thế.
Trạm trưởng Khổng Doãn Uyển, Chính trị viên Thanh cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ trạm đã đồng tâm hiệp lực cùng nhau vượt qua thử thách, bảo đảm cho anh em chiến sĩ có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ, không bị sốt rét rừng hành hạ. Các đồng chí làm nhiệm vụ hậu cần của trạm làm tốt công tác tăng gia sản xuất; làm tốt công tác dân vận, mua được con giống. Trạm có chuồng lợn, chuồng gà đủ để dùng những lúc cần thiết. Đáng kể là đàn gà đông đúc của trạm, đứng đầu là chú gà trống đầy tai tiếng. Ngày ngày nó dẫn đàn nhặt ăn khắp trạm và rất thân thiết với các chiến sĩ. Nó đứng yên cho các chiến sĩ vuốt ve cưng nựng, nhưng hễ thấy bóng dáng chị em là nó rượt theo chực mổ vào chân, vào mông chị em nếu chị em chạy. Thành thử nó là nỗi khiếp đảm của chị em khi phải rời lán xuống suối, đi qua khoảng trống mà bầy gà tìm ăn.
257 là trạm lớn của Tiểu đoàn 17 và là trạm giao liên cuối cùng của tuyến ngang B46. Nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước qua đây. Nhiều đoàn văn công, văn nghệ sĩ đi vào chiến trường dừng chân tại đây. Cán bộ, chiến sĩ của trạm 257 lại được nghe những điệu chèo cổ, những trích đoạn tuồng, chèo hay, được nghe những điều mà họ chưa hề biết, để rồi ngày mai khi trời rạng sáng, những chiến sĩ giao liên “chân đồng vai sắt” lại kề vai sát cánh cùng với những đoàn quân vào, quân ra thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Chuyện hành quân trên đường giao liên Trường Sơn thời đánh Mỹ đã qua từ lâu, bây giờ kể lại, mọi chuyện tưởng như huyền thoại. Chúng tôi-những chiến sĩ Trường Sơn-chiến sĩ giao liên Trường Sơn là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ấy lại càng cảm thấy hãnh diện, tự hào vì một thời mình được sống và chiến đấu như thế. Những trạm giao liên, những bãi khách còn sống mãi trong lòng mỗi người lính. Còn riêng tôi, người đã có thời gian ở Trạm giao liên 257 Trường Sơn thì không bao giờ quên trạm trên đỉnh Trường Sơn, càng nhớ những con người đã làm nên chiến công xứng đáng với Tiểu đoàn 17 giao liên Trường Sơn anh hùng trong lực lượng giao liên Trường Sơn.
NGUYỄN KIM CHÚC