Cột mốc số O điểm khởi đầu của con đường huyền thoại
Là vùng đất nằm lọt giữa những thung lũng rộng lớn ôm đôi bờ con sông Con (hay còn gọi là sông Hiếu). Kéo dài từ đông nam Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn) ngược về Phủ Anh Sơn (huyện Anh Sơn) ngày nay.
Trại Lạt, Khe Thần, Tập Mã, Sen Sẻ, Mưng Rọm… Những địa danh mang những cái tên nôm linh thiêng nghe thân quen ấy của miền cao sơn, tiếp giáp với các huyện bán sơn địa: Yên Thành, Đô Lương đã đi vào lịch sử dân tộc.
Tân Kỳ! vùng đất mà kẻ thù vào đó sẽ tiến thoái lưỡng nan, bởi bốn bề đều núi cao, rừng thẳm. Vua Lê xưa đã chọn vùng đất thánh này để lập trại - Trại Lạt; luyện tập binh mã - Tập Mã. Những quản tượng, quản mã huấn luyện binh lính, được đồn trú trong những thung lũng kín đáo, giàu nguồn tiếp tế quân, lương để phục thù, chờ đợi thời cơ đánh đuổi quân xâm lược.
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta. Những binh đoàn “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Như mối lương duyên, Trại Lạt, lại một lần nữa được chọn làm đại bản doanh để xuất binh. Cột mốc số 0 - một di tích lịch sử cấp quốc gia, điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại được cắm mốc tại đây !
Từ ngày đường Hồ Chí Minh mở rộng, nâng cấp. Thị trấn Tân Kỳ, nơi con đường mòn đi qua, đất và người nơi đây thêm khởi sắc và là điểm nhấn của phố huyện từ chân dốc Truông Dong lên, có bến xe, bùng binh ngã tư, cột mốc số 0, nghĩa trang liệt sỹ…
Hiện con đường mòn xưa đi trong tán rừng già luồn lách trong lòng khe, dọc suối để tránh bom thù. Nay đã được nắn thẳng, bạt dốc, san đồi, rải nhựa phẳng lỳ. Những khúc cua, dốc đá, đường suối đã bị bụi thời gian lãng quên phủ mờ nên ta khó nhận ra lối cũ.
Thơ thẩn cùng đồng đội: “về lại chiến trường xưa” tìm lại những kỉ niệm ngày xưa đi dân công hỏa tuyến và thời quân ngũ, rất may mắn. Từ Cột mốc số 0 đến cầu Thực Phẩm thị trấn Lạt vẫn còn con đường xưa in dấu bội đội hành quân…
Chợt nghĩ ! các ban ngành chức năng của huyện, BQL di tích tỉnh cùng các cơ quan chuyên môn, các đơn vị liên quan như hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam cần có một lộ trình để bảo vệ, tôn tạo di tích, phục vụ chuỗi du lịch Cửa Lò
- Quê Bác - Truông Bồn - Cột mốc số 0 - Lễ hội hoa hướng dương - Trang trại TH v.v…
Ý thức hệ thuộc về tham mưu nhạy bén của bộ máy. Cần có tư duy năng động, hoạt động điều phối tốt, đưa ra những biện pháp khả thi.
- Với khả năng sẵn có, với đa dạng sinh học về vùng thực vật đặc hữu. Thị trấn Lạt có thể “xanh hóa” cụm: Bến xe; đoạn đường mòn còn lại gần với cột mốc số 0; dằm cũ của di tích Trường Sư phạm Miền núi, lấy vòng xoay ngã tư đường 15A giao cắt với đường Hồ Chí Minh làm tâm điểm.
- Phát động thi đua trồng cây xanh có chọn lọc. Trại Lạt đã nổi danh với rừng lim cổ thụ, ta có thể nhân giống loại đặc sản này để trồng hai bên con đường di tích. Vòng xoay và cột mốc số 0 còn đơn điệu về sắc màu. Cần bổ sung cây rừng đẹp, dễ trồng, chịu nắng gió đại ngàn như săng lẻ, cây thau thau (cây tràu), cây đậu anh đào .v.v…
- Vận động hội viên CCB, hội viên hội CCB, hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh, TNXP, dân công hỏa tuyến, nhân dân. Những ai còn lưu giữ những kỷ vật về chiến tranh liên quan đến chiến tích đường mòn huyền thoại sưu tầm, biếu tặng, đóng góp để nhà trưng bày phong phú hơn, khu di tích hút khách tham quan hơn.
Nhằm quảng bá tiềm năng, cần có nhiều yếu tố phối hợp hài hòa. Từ khâu tổ chức thực hiện đến phát triển quy hoạch.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức. Đột phá trong cơ chế chính sách hiện đại hóa cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh.
Tăng cường các hoạt động hội nhập toàn diện. Đẩy mạnh quảng bá, kết nối giao lưu. Tạo dấu ấn thu hút và phục vụ du khách. Kinh nghiệm của các huyện miền núi Thanh Chương, Nghĩa Đàn là những ví dụ sinh động. Từ những đồi chè của tổng đội TNXP; Đồi hoa hướng dương của trang trại TH, nay là điểm du lịch hấp dẫn kéo du khách về thăm.
Cần làm cho các địa danh đặc trưng của Tân Kỳ ngày càng trở nên đáng chú ý. Tạo cơ hội tiếp cận phục vụ du lịch cộng đồng. Để cơ hội phát triển, cạnh tranh và hội nhập trở nên có thế mạnh.
Những cái làm được, cần làm để dọn đường, trải thảm thu hút các nhà đầu tư vào du lịch. Nhằm khai thác tiềm năng của miền đất còn nguyên sơ này./.
Nguyễn Viết Lợi
Hội Kiều học Việt Nam tại Nghệ An
Đ/c: Số 99, Nguyễn Cảnh Chân, Quang Trung,
thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
ĐT: 01668 851502