Nghĩa trang Trường Sơn-Di sản vô giá.

Ngày đăng: 08:32 09/08/2017 Lượt xem: 3.303
NGHĨA TRANG LIỆT SĨ QUỐC GIA TRƯỜNG SƠN
Một Di tích lịch sử, Một Di sản tinh thần vô giá.


 Thiếu tướng-Anh hùng LLVT Nguyễn Bá Tòng
 
 

 Đài Tưởng niệm và sân hành lễ sau khi nâng cấp năm 1999
 
        Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Trường Sơn là một mặt trận vô cùng ác liệt, với “mưu đồ” thử nghiệm vũ khí để ngăn chặn, cắt đứt Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Chúng đã rải xuống Trường Sơn tất cả những loại bom đạn sát thương hủy diệt mới nhất, tối tân, hiện đại nhất lúc bấy giờ. Chỉ tính riêng các trận oanh kích của máy bay, Trường Sơn đã phải hứng chịu tới 173.000 trận, trong đó B52 oanh kích 26.500 trận. Tổng số bom đạn Mỹ trút xuống Trường Sơn trên 4 triệu tấn và hàng triệu lít chất độc da cam Dioxin. Song Bộ đội Trường Sơn đã kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu đánh địch cả trên không, dưới mặt đất, xây dựng và bảo vệ mạng đường Hồ Chí Minh thành : “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận tải chiến lược chi viện cho cách mạng miền Nam Việt Nam và Lào, Căm Pu Chia. Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã trở thành Tượng đài bất tử của Việt Nam.
        Có được dấu ấn vàng son trong cuộc chiến khốc liệt ở Trường Sơn, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, TNXP, dân công hỏa tuyến đã phải tôn đắp bằng xương máu, công sức của hàng triệu người con thân yêu của Tổ quốc. Trong tổng kết cuộc chiến tại chiến trường Trường Sơn chúng ta đã có 22.300 liệt sĩ, 32.000 thương binh, trên 10.000 chiến sĩ nhiễm chất độc da cam và hàng vạn bệnh binh do chiến tranh hủy hoại về cả tinh thần và sức khỏe.
       Suốt 16 năm chiến đấu, hi sinh  Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị luôn nêu cao trách nhiệm trong việc cứu chữa, chăm sóc thương binh và giải quyết chính sách liệt sĩ. Các chiến sĩ khi hi sinh đã được khâm liệm chu đáo, lau rửa vết thương, vết bẩn, mặc quần áo mới, ghi họ tên, ngày hi sinh bỏ vào lọ Penixilin đã dùng hết, chôn cất liệt sĩ ở các nghĩa trang của đơn vị hoặc gần khu vực trú quân, vẽ sơ đồ địa giới vị trí mộ, viết giấy báo liệt sĩ gửi về hậu phương. Theo quy định của chiến trường chỉ được ghi họ tên, quê quán, ngày tháng hi sinh ở mặt trận phía Tây, phía Nam, không ghi rõ địa bàn hoạt động để giữ bí mật đơn vị. Do chiến trường rộng, dài, nhiều đơn vị hoạt động trên các tuyến đường, nhiều trọng điểm trên dải Trường Sơn, địa hình hiểm trở trên cả ba nước Việt Nam, Lào, Căm Pu Chia, nên liệt sĩ không thể chôn cất tập trung vào một nghĩa trang chung được, mà phải quy tụ theo đơn vị cấp sư đoàn, trung đoàn, binh trạm, thậm chí cả cấp tiểu đoàn, đại đội, khu vực bệnh xá.
     Các cuộc chiến đấu diễn ra liên miên, nhiều nghĩa trang cũng bị bom đạn cày xới kết hợp với mưa nguồn suối lũ làm biến dạng địa hình nơi chôn cất, thậm chí các ngôi mộ còn  bị san phẳng, sau này khi tìm kiếm quy tập rất khó khăn.
       Đầu năm 1973, Hiệp định Pa Ri được ký kết, nhưng cuộc chiến đấu vẫn diễn ra giằng co quyết liệt để giữ đất, giữ dân giữa ta và địch. Mục tiêu chiến lược giai đoạn 1973-1976 đã được quán triệt trong Nghị quyết 21 của TW Đảng và Nghị quyết 81 của Đảng ủy QS Trung ương là Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
      Để đạt được mục tiêu này, cấp trên giao kế hoạch vận chuyển cho Bộ đội Trường Sơn tăng gấp đôi, đặc biệt là vận chuyển các loại vũ khí, khí tài hạng nặng. Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhanh chóng được tổ chức thành 8 sư đoàn, 21 trung đoàn trực thuộc, 4 Đội TNXP (tương đương với 4 trung đoàn), mạng lưới quân y, thông tin được bố trí rộng khắp đáp ứng như cầu của chiến trường, Bộ đội Trường Sơn đã trở thành một Đơn vị Binh chủng hợp thành.
        Phương thức hoạt động theo đơn vị lớn, các tuyến đường được mở rộng, nâng cấp mặt đường, củng cố cầu phà…Đường Đông Trường Sơn được Nhà nước và Bộ Quốc phòng phê duyệt Dự án xây dựng cơ bản từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành ( Bình Phước) dài 1200 km.
        Do nắm bắt được tương quan lực lượng, thời cơ và vận hội mới đã đến, Bộ đội Trường Sơn một mặt vẫn phải tập trung gấp rút hoàn thành kế hoạch vận chuyển trên giao, mặt khác đã bắt đầu thực hiện trách nhiệm nghĩa tình với đồng đội, đồng chí đã hi sinh trên chiến trường Trường Sơn. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã tổ chức hội nghị bàn về chủ trương quy tập các Liệt sĩ và hạ quyết tâm xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Hội nghị đã thành lập Ban Chỉ đạo để hoạch định chương trình thực hiện. Trưởng ban Chỉ đạo là Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, Chính ủy làm Phó ban, Chủ nhiệm Chính trị Võ Sở, Cục trưởng Công binh Phan Quang Tiệp là ủy viên thường trực, một số trưởng phòng khác: Chính sách, Tài chính, Kế hoạch là ủy viên.
Công việc trước tiên là tổ chức cất bốc quy tập hài cốt các liệt sĩ ở hành lang Tây Trường Sơn (trên đất Lào và Căm Pu Chia), bởi lẽ khi chiến tranh kết thúc việc đi lại qua biên giới và các thủ tục ngoại giao sẽ khó khăn. Cuối năm 1973, Bộ Tư lệnh đã giao cho tất cả các đơn vị cấp Sư đoàn, Trung đoàn thành lập mỗi đơn vị một đội từ 15 đến 20 người với đầy đủ phương tiện, lương thực thực phẩm thực thi nhiệm vụ này. Cán bộ chỉ huy được lựa chọn từ những người đã chiến đấu trên địa bàn, am hiểu địa hình các khu vực chôn cất liệt sĩ. Các đội quy tập với trách nhiệm và nỗ lực cao nhất tập trung đưa hài cốt các Liệt sĩ về nước, không để đồng đội phải nằm lại nơi đất khách, quê người.
       Hài cốt liệt sĩ được rửa sạch, lau khô, bọc gói trong bao ni lông, ghi rõ họ tên, quê quán, đơn vị, ngày hi sinh, đưa vào lưu trữ trong các lán xây dựng dọc đường số 9 thuộc huyện Cam Lộ. Sau khi hoàn thành quy tập ở Tây Trường Sơn, các đội Quy tập lại tiếp tục trên địa bàn Đông Trường Sơn. Cuối năm 1974 công việc quy tập đã cơ bản hoàn thành.
        Tiếp theo là công việc chọn địa điểm xây dựng Nghĩa trang. Ban Chỉ đạo đặt ra yêu cầu cho vị trí nghĩa trang: Đảm bảo tính tôn nghiêm, gắn với hoạt động của Bộ đội Trường Sơn, giao thông thuận lợi, địa hình rộng thoáng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với phong thủy truyền thống. Phần quy hoạch thiết kế sao cho nghĩa trang tạo thành một quần thể Nghĩa trang tâm linh- Văn hóa du lịch, gây cảm giác mạnh nhưng không bi lụy trước tầng tầng lớp lớp bia mộ.
        Tư lệnh đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, xin ý kiến Bộ Quốc phòng cho tổ chức đoàn khảo sát hàng tháng trời đi dọc Quốc lộ 1A từ Vĩnh Linh-Dốc Miếu-Thành cổ Quảng Trị; dọc Đường 9 từ Đông Hà-Cam Lộ, Đak Rông-Khe Sanh.
Sau khi phân tích các phương án đoàn khảo sát báo cáo, Ban Chỉ đạo đã chọn khu vực đồi thấp ở Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh để xây dựng Nghĩa trang. Khu đồi Bến Tắt nằm ở chân phía Đông dãy Trường Sơn, nằm ở bờ Nam sông Bến hải, dòng song đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền nam-Bắc suốt mấy chục năm. Phía bắc Bến Tắt mấy chục cây số là Khe Hó nơi tiểu đoàn 301xuất phát chuyến gùi thồ đầu tiên, là Sở chỉ huy tiền phương đầu tiên của Đoàn 559, là điểm vượt sông Bến Hải của các đoàn quân bộ đội Cụ Hồ vào Nam chiến đấu.
  
 
Cổng Nghĩa trang xây dựng lần đầu (Thiết kế Minh Đỉnh). Phía xa là Đài Tưởng niệm.
 
         Khu vực Bến Tắt cũng chứng kiến: sự thất bại của mưu đồ “ Lấp sông Bến Hải Bắc tiến” của Ngô Đình Diệm; sự vô hiệu của “Hàng rào điện tử Mc Namara”; sự thất bại trong chiến dịch Khe Sanh năm 1968; sự phá sản của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971; chiến dịch Quảng Trị năm 1972.
         Sau hiệp định Pa Ri, trụ sở của Chính  phủ cách mạng Lâm thời  Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ từ năm 1973-1975.
Năm 1974-1975, Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn chuyển tới đóng tại khu vực Bến Tắt thuộc xã Gio An. Tại đây Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã được tiếp các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Phạm Hùng, Nguyễn văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Lê Văn Lương, Đinh Đức Thiện, Nguyễn Thọ Chân đến  thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh về công tác đảm bảo hậu cần chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công năm 1975.
       Thiên nhiên ở đây có đồi, có núi, có sông Bến hải đôi bờ ngô lúa xanh tươi tạo nên sức sống cho tương lai. Trong lòng nghĩa trang lại có nguồn nước mát lành không khi nào cạn nước, nay là hồ cá thơ mộng. Đường giao thông đến Nghĩa trang thuận lợi. Cầu treo Bến Tắt nằm trên Đường 15- một trục đường  Trường Sơn do bộ đội Trường Sơn xây dựng năm 1974 bắc qua sông Bến Hải ngay sát cổng Nghĩa trang.
       Đến Nghĩa trang có thể bằng hai hướng: hướng thứ nhất từ Đông Hà theo Đường 9 đến Cam Lộ rẽ theo đường 42 (Đường 15) lên phía bắc tổng cộng là 34 km, hướng thứ hai từ Quốc lộ 1 tại thị trấn Giao Linh  rẽ theo đường 72 hoặc 73 lên phía Tây 20km.
Với tầm nhìn chiến lược Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên ngay những năm đó đã nói: “ Đất nước ta dài hơn 2.000km mà chỉ có một tuyến Quốc lộ 1 A độc đạo là không ổn. Chúng ta cần xây dựng ít nhất một trục dọc nữa, có thể đi qua Nghĩa trang này để phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước sau này.”
        Công việc quy hoạch Nghĩa trang Bộ Tư lệnh giao cho Cục Công binh chủ trì nghiên cứu thiết kế. Nghĩa trang được thiết kế với đặc thù riêng, không sao chép những nghĩa trang đã có. Toàn bộ nghĩa trang được bố trí trên khu đất rộng trên 30 ha với 11 quả đồi cao thấp khác nhau. Mộ liệt sĩ được bố trí thành các khu tập trung theo các địa phương cấp tỉnh. Ngay bên phải cổng vào là Khu quản trang; bên trái là hồ nước rộng thoáng.
         Khu hành lễ đặt trên quả đồi cao nhất nằm trung tâm nghĩa trang với Đài Tưởng niệm uy nghiêm và sân hành lễ, khu mộ các Liệt sĩ Anh hùng Trường Sơn, khu mộ Liệt sĩ các tỉnh Phía Nam, Hà Nội, Nghệ An. Quả đồi bên phải đặt Bia Công tích ghi lại những chiến tích của bộ đội Trường Sơn và khu “quần tượng”.
        Ngày 22/2/1975 Nghĩa trang Trường Sơn được chính thức khởi công.  Chỉ huy xây dựng là Bộ tư lệnh sư đoàn 559 với sự tham gia của hơn 40* đơn vị thuộc Cơ quan Bộ TL và các đơn vị trực thuộc. Ngoài ra còn có tổ công nhân chuyên khắc chữ vào bia đá xã Hoà Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
       Hạng mục đầu tiên là san lấp mặt bằng, chia hàng đào huyệt, xếp hài cốt vào tiểu sành. Ngày 14/5/1975 bắt đầu an tang hài cốt liệt sĩ. Ngày 22/12/1975 đã an tang xong 10 263 hài cốt liệt sĩ là con em của 53 tỉnh thành trên cả nước. Điều đặc biệt là tuyệt đại đa số các ngôi mộ đều có đủ họ tên, quê quán, ngày hi sinh… Đây là kết quả của công tác lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Trường Sơn và trách nhiệm rất cao của các ngành, ban, đơn vị trong việc thực hiện chính sách nghĩa tình với đồng đội. Số Liệt sĩ được an táng trong 24 khu mộ nằm trên 6 quả đồi có địa hình cao thấp khác nhau, mang tính hiện đại, bề thế, được trồng cây xanh xen kẽ che chắn, tạo lập không gian tĩnh lặng tôn nghiêm, tránh được cảm giác nặng nề choáng ngợp trước tầng tầng, lớp lớp bia mộ.
        

 
                            Đài Tưởng niệm Liệt sĩ khi khánh thành.      Quang cảnh  xây dựng Nghĩa trang năm 1975.                      
Ngày 22/12/1976 công việc xây dựng đã hoàn thành. Ngày 10/4/1977 tổ chức lễ Khánh thành.
Trong việc xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn, khâu khó khăn nhất vẫn là khâu tài chính. Tại thời điểm đó Bộ đội Trường Sơn đang dồn sức thực hiện vận chuyển hàng hóa, quân lực, khí tài với khối lượng gấp nhiều lần so với các năm trước đó. Đảng và Nhà nước chưa có chủ trương xây dựng các nghĩa trang có quy mô lớn, do vậy tất cả các công việc đầu tư cho Nghĩa trang Bộ Tư lệnh đều phải huy động tại chỗ: nhân lực, xe máy lấy từ các đơn vị công binh (F472,473) theo tinh thần “Lao động xã hội chủ nghĩa”; vật liệu đá, cát sỏi tự khai thác. Các vật liệu phải mua sắm bằng tiền được ghi chép sổ sách rõ ràng, minh bạch, sau đó báo cáo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng cho phép dùng lợi nhuận từ Dự án xây dựng đường Đông Trường Sơn để thanh quyết toán.
Một điều kỳ lạ linh thiêng là khi xây dựng xong Đài Tưởng niệm, một cây bồ đề tự nhiên bám vào tường bao phía sau Tương đài. Cây bồ đề lớn nhanh một cách kỳ lạ, chẳng bao lâu cây đã phát triển xanh tươi, tán lá tỏa xum xuê che mát một góc Đài Tưởng niệm như đôi tay của người Mẹ ôm giữ lấy kỷ vật quý báu của Tổ quốc. Cây bồ đề nay đã trở thành cổ thụ, nơi hội tụ của 23.000 hương hồn các liệt sĩ Trường Sơn, mỗi khi trăng thanh gió mát người dân quanh đây lại được nghe những bài ca Trường Sơn hào hùng một thời khói lửa, trong tiếng nhạc rừng trên những quả đồi nghĩa trang lan tỏa.                                       
 
 


Mô hình Hầm chi huy XD 1992-1994


Trồng cây phủ kín đất trống  1992-1994 
 
   
         
  Cổng nghĩa trang XD năm 1992



Cải tạo hồ nước trong lần nâng cấp 1992-1994
 
 
       Sau 15 đi vào sử dụng, năm 1992 Nghĩa trang bị xuống cấp nghiêm trọng. Bằng nguồn vốn huy động từ các địa phương, các doanh nghiệp lớn hơn 1 tỷ đồng, Binh đoàn 12 đã tổ chức cải tạo, nâng cấp lần thứ nhất với các phần việc: Cắm mốc giới cấp đất cho Nghĩa trang, xây dựng hàng rào, cải tạo và mở mới hệ thống đường nội bộ, cải tạo các khu mộ, đào sâu và mở rộng hồ nước hiện có, xây dựng thêm hồ nước thứ hai phía bắc Nghĩa trang, xây dựng bãi đỗ xe, xây dựng Mô hình Hầm chỉ huy Bộ TL 559**, cải tạo cổng NT, cải tạo nhà khách, nhà quản trang, trồng cây xanh phủ kín các khu đất trống…      
        Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/1999), Bộ Lao động TB và Xã hội, UBND tỉnh Quảng Trị và Binh đoàn 12 đã ttoor chức khởi công tôn tạo lớn Nghĩa trang Trường Sơn vào ngày 14/5/1999. Các hạng mục tôn tạo nâng cấp lần này gồm có: Làm mới Đài Tưởng niệm, nâng cấp Sân Tưởng niệm, lối lên khu hành lễ, cải tạo toàn bộ các khu mộ, làm mới nhà Tưởng niệm Hồ Chí Minh, nâng cấp đường nội bộ, thay các tượng trong nghĩa trang bằng chất liệu đồng…Đây là đợt nâng cấp cơ bản bằng vốn ngân sách.
 

 
 
             
                     Một số hạng mục trong lần nâng cấp năm 1999 bằng vốn ngân sách.                            
 
Trong các năm tiếp theo, Nghĩa trang được các địa phương xây dựng và nâng cấp các khu mộ của tỉnh mình. UBND tỉnh Quản Trị xây dựng “Nhà trưng bày” các hiện vật Trường Sơn. Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” xây dựng Đền thờ vọng các Liệt sĩ Trường Sơn tại đầu cầu treo Bến Tắt…
Về công tác quản lý, từ khi khánh thành 1977 đến tháng 10 năm 1979, Nghĩa trang do Binh đoàn 12 quản lý. Lúc đầu Ban Quản trang có 20 người. Trong điều kiện vật chất khó khăn, nhưng với trách nhiệm với các Liệt sĩ, anh chị em trong Ban Quản trang luôn tận tình chu đáo chăm sóc phần mộ, tiếp đón gia đình các liệt sĩ và du khách tới viếng.
Từ tháng 10/1979 đến tháng 7/1989 nghĩa trang chuyển về cho tỉnh Bình Trị Thiên quản lý. Sau khi tách tỉnh đến nay, Nghĩa trang do tỉnh Quảng Trị quản lý.
Hiện tại Ban Quản lý Nghĩa trang có 20 người do Hồ Tất Ái làm Trưởng ban. Trong những ngày tháng gắn bó với công việc chăm sóc phần mộ cho các Liệt sĩ, Hồ Tất Ái đã chứng kiến nhiều sự kiện, nhiều câu chuyện cảm động, ly kỳ. Một trong những câu chuyện ấy : Dịp kỷ niêm ngày TBLS 27/7/2010, Ban QT dự kiến sẽ tổ chức giỗ đúng ngày cho các Liệt sĩ, nhưng do bận công việc ngày 27 chưa tổ chức được. Đêm đó an hem đến gõ cửa, chê trách Ban không giữ vững lời hứa. Hôm sau Ban tổ chức cúng giỗ, các anh linh Liệt sĩ mới không về trách cứ nữa.
Những đêm trăng thanh gió mát, những cán bộ quản trang có thể lắng nghe thấy văng vẳng từ đâu đó trong Nghĩa trang những bài ca Trường Sơn, những hô tiếng tập thể dục…
Những câu chuyện về sự linh thiêng của Nghĩa trang còn nhiều, âu đó cũng là sự đồng cảm giao hòa giữa hai thế giới, là “Đức tin” mạnh mẽ của những người đang sống với các Liệt sĩ.
 
                         
                                
                                                                  Những khu mộ thuộc các địa phương.     
           
 
        Nghĩa trang Trường Sơn đã có lịch sử 43 năm, từ buổi đầu phôi thai do Bộ Tư lệnh Trường Sơn khởi xướng và xây dựng. Được sự quan tâm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Quảng Trị, chính quyền và nhân dân các địa phương trong cả nước, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn hàng năm được tu bổ, chỉnh trang đã trở thành một “Công viên Tâm linh” hàng đầu, có sức hấp dẫn kỳ lạ. Các đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm viếng ngày càng đông. Các sự kiện văn hóa, xã hội quan trong hàng năm được tổ chức tại Nghĩa trang có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
        Tính đến nay sau 43 năm, theo số liệu thống kê đã có 107 triệu 500 ngàn lượt khách đến viếng. Trung bình mỗi năm có 2,5 triệu lượt người, số lượng người đến viếng tăng theo hàng năm.
        Năm 2014, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn đã được Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Sự kiện này đã làm Nghĩa trang được nâng lên một vị thế mới, gắn kết với các Di tích lịch sử trong khu vực như: Di tích hai bờ cầu Hiền Lương, Địa đạo Vĩnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang đường 9, Khe Sanh-Hường Hóa…hình thành một quần thể Di tích Lịch sử cánh mạng hấp dẫn của hành trình du lịch về nguồn, là chiếc cầu nối quá khứ với hiện tại và tương lai./
 
Hà Nội, tháng 7/2017

 
NBT, viết theo lời kể của nguyên Tư lênh Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Võ Sở-Chủ tịch Hội TT Trường Sơn Việt Nam-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
 
Ghi chú:
*Các đơn vị tham gia thi công Nghĩa trang
Công trường 175: C175, phân đội xe máy cơ quan.
 - Các tiiểu đoàn: 674, 965 ô tô, 24, 226, 30, 676, 976, 34, 66.
- Các đại đội: 14, 670, Cảnh vệ: 50, T60, K76
Các xưởng: 934, 320, 30, Mỹ thuật quân đội. Các trường: 975, 963, Y sĩ, Y tá, 969.
Các trung doàn: 573, 49 thông tin, 532 căn cứ.
- Các Cục : Hậu cần, Công binh, Chính trị, Xăng dầu, Vân chuyển, TM tác chiến.
 Các Sư đoàn: 473, 565, 472, 968.
Tổ công nhân khắc chữ bia đá xã Hòa Hái – Hòa Vang – Quáng Nam.
** Hầm Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1969) tại chân núi Phu Ca tôn thuộc bản NaHi (nay là bản Huội Chăng) huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet, Lào.

tin tức liên quan