Cầu Hàm Rồng

Ngày đăng: 05:23 26/09/2015 Lượt xem: 890

Cầu Hàm Rồng

          Cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng là cầu đường bộ và đường sắt bắc qua sông Mã.  Cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa. Cầu này bị Việt Minh phá hủy năm 1946 trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến. Năm 1962 cầu Hàm Rồng mới được khởi công xây dựng và hoàn thành ngày 19 tháng 5 năm 1964. Cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ.

Cầu Hàm rông bằng vòm thép do người pháp xây dựng.


         Đây là cây cầu rất nổi tiếng trong chiến tranh, là trọng điểm của cuộc đấu tranh đánh phá và bảo vệ giao thông. Không lực Hoa Kỳ liên tục đánh phá với cường độ rất cao và với các chiến thuật khác nhau. Các đơn vị bảo vệ cầu đã chiến đấu hàng trăm trận, bắn rơi hơn 100 máy bay các loại. Không quân Việt Nam tại đây bắn rơi 4 máy bay Mỹ. Trung đoàn pháo phòng không 228 bảo vệ cầu Hàm Rồng đã bắn rơi 90 máy bay, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

 

Đại tướng Võ nguyên Giáp nói chuyện với các lão dân quân Hàm Rồng 

 

               Vị thế của cầu rất đặc biệt làm cho cầu rất khó bị bom đánh trúng: tại hai đầu Bắc và Nam của cầu có hai hòn núi: núi Rồng và núi Ngọc đã chắn hết các bom định ném xuống cầu. Do vậy nên từ năm 1964-1968 tuy bị đánh phá rất ác liệt nhưng Không quân Mỹ không thể ném bom trúng cầu. Chỉ đến năm 1972, Hoa Kỳ áp dụng bom thông minh điều khiển bằng laser đã đánh trúng cây cầu này và đã làm tê liệt hoàn toàn cầu Hàm Rồng. 

  Cầu hàm Rông mới được xây dưng, phía xa là cầu Hoàng Long      

 

             Năm 1973 cầu được khôi phục lại, trụ giữa vẫn dùng lại làm móng cột ống, tháo dỡ dầm thép cũ, thay bằng 2 nhịp 80 m đơn giản.

             Cầu Hàm Rồng ngày nay trở thành một di tích lịch sử vô giá, là một địa điểm thăm quan thu hút khách du lịch mỗi khi tới thành phố Thanh Hóa.

Tượng đài TNXP  ở bờ nam Hàm Rồng         

             Từ tháng 12/2000, sau khi cầu Hoàng Long khánh thành, cầu Hàm Rồng chỉ dành cho đường sắt. Đứng từ phía cầu Hàm Rồng, người ta có thể nhìn thấy dòng sông Mã cuồn cuộn chảy hùng vĩ, cầu Hoàng Long huyết mạch nối 2 miền Nam - Bắc . Từ năm 2009, khởi công dự án cải tạo Cầu Hàm Rồng và cảnh quan chung quanh thành Công viên Hàm Rồng, trong "Dự án Xử lý sạt lở khẩn cấp đê hữu sông Mã”. Phía Đông- Nam cầu Hàm Rồng xây dựng Tượng đài thanh niên xung phong, trên đỉnh núi Rồng xây dựng Đền tưởng niệm các Liệt sĩ hy sinh ở Hàm Rồng. Cầu Hàm Rồng và cảnh quan xung quanh cầu ghi dấu về một thời hoa lửa.

 

                                                                                                                     Ban Lịch sử, Truyền thống

tin tức liên quan