Đảo Chim du ký

Ngày đăng: 04:17 12/10/2015 Lượt xem: 525

                                               Đảo Chim du ký

Quảng Bình có đường bờ biển dài 116,04km, ngoài khơi có 5 hòn đảo nhỏ mà người dân quen gọi với những cái tên rất dân dã đó là Hòn Nồm, Hòn Gió, Hòn La, Hòn Cỏ, Hòn Chùa. Chủ yếu tập trung về phía Đông Bắc của tỉnh. Tôi mới chỉ biết như thế qua sách vở và các tài liệu địa lý về quê hương mà chưa một lần đặt chân đến những hòn đảo đó. Lần lừa mãi, cuối cùng tôi cũng đồng ý với cậu bạn hiện đang làm ở công ty du lịch lữ hành để tham gia chuyến khảo sát, trải nghiệm cuộc sống ngư dân mà cậu ấy đang ấp ủ hình thành.

Đêm lênh đênh trên biển

Đúng 18h30, chúng tôi gặp nhau tại điểm hẹn, hành lý mang theo khá gọn, đón chúng tôi là ông Nguyễn Quang Lâm, một thợ lặn chuyên nghiệp có thâm niên làm nghề trên 20 năm, hiện ông Lâm là một trong số ít những thợ lặn chuyên nghiệp có chứng chỉ lặn quốc tế của khu vực Bắc Trung bộ. Thuyền nổ máy trực chỉ thẳng hướng ra biển, bắt đầu chuyến hải trình. Đoàn chúng tôi gồm có sáu thành viên và bốn thủy thủ. Mấy anh em tranh thủ chụp chung với nhau tấm hình kỷ niệm chuyến đi.

Phía ngoài, cửa sông Nhật Lệ từ mấy năm nay bị bồi lấp rất lớn, chiếc thuyền chạy len lỏi theo luồng nước một cách khéo léo như có định vị sẵn. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn đất liền, nhìn thành phố Đồng Hới từ hướng biển nên tâm trạng bồi hồi khó tả lắm. Những công trình nhà cao tầng, ánh điện đèn lấp lánh cứ thế lùi xa dần về phía ngược lại.

 Thuyền chạy được khoảng 7 hải lý, một số thành viên trong đoàn bắt đầu có biểu hiện say sóng, nằm la liệt trên sàn. Phía chân trời xuất hiện những tia chớp, gió bắt đầu lớn hơn, chiếc thuyền với công suất máy 200 CV, bình quân chạy 6 hải lý một giờ. Khoảng cách từ cửa biện Nhật Lệ ra đến đảo Chim mà người dân quen gọi là hòn Gió là khoảng 27 hải lý. Nhưng tối nay chúng tôi không đi thẳng ra đảo mà đi chếch hướng Đông - Đông Bắc so với đảo, chúng tôi sẽ đi ra đến tọa độ định sẵn mà hằng ngày những người như ông Lâm vẫn ra đó để đánh cá.

 9h tối, anh lái thuyền ra hiệu cho các thủy thủ còn lại chuẩn bị để thả lưới đánh giã cào, đây là dạng lưới thả sát đáy biển mà ngư dân thường gọi là thả “dạ”. Nhờ sức kéo của lưới mà hình như con thuyền bớt lắc lư, trời cũng dần trong hơn, trăng cuối tháng không được như trăng rằm nhưng giữa mênh mông sóng nước này trông cũng vằng vặc, cùng ánh sáng phản chiếu xuống khiến cho biển đêm lung linh kỳ diệu.

Đến với đảo Chim

Sáng sớm chưa nhìn rõ mặt người tôi đã bị đánh thức bởi tiếng rì rào của sóng. Anh lái thuyền cũng vừa thức giấc. Nhổ neo nhé, anh hỏi rồi không đợi tôi trả lời, hai tay thoăn thoắt nắm sợi dây thừng kéo lên, thuyền nổ máy quay ngang 450 hướng về phía Đảo Chim, từ vị trí neo thuyền vào đến đảo khoảng hơn một giờ  đồng hồ. Sau một đêm gầm gào, biển sớm như mệt mỏi, nhẹ nhàng hơn. Phía xa, cuối đường chân trời bắt đầu ửng đỏ.

Sau khi xem quả cầu lửa từ từ nhô lên từ nơi giao nhau giữa trời và biển, bữa sáng đã được chuẩn bị xong, ai cũng tranh thủ ăn vì đảo Chim đã nhìn thấy rõ phía trước. Đảo Chim có diện tích chừng 1km2 nhô lên giữa biển trông lẻ loi và bé nhỏ, nhưng là thiên đường lý tưởng cho hơn 3 triệu con chim hải âu cư trú. Ngoài ra, còn có các loại chim khác như: chim én, chim yến. Là đảo tiền tiêu, nơi đón ánh mặt trời đầu tiên về phía đông của Quảng Bình. Nhìn từ xa, đảo Chim được bao phủ bởi một màu xanh do hoà quyện giữa cây xanh trên đảo với màu nước đại dương. Bao quanh bề mặt hòn đảo là những lùm cây rậm rạp, thấp lè tè chen lẫn với những khối đá sắc nhọn lô nhô.

      
Đảo Chim ở Quảng Bình được nhiều nhà khoa học đánh giá là đảo chim thuần chủng lớn nhất Đông Nam Á và vẫn còn mang tính chất hoang sơ. Chiếc thuyền chạy vòng quanh đảo một vòng để chúng tôi tận mắt chứng kiến những dấu tích của thời gian, của quá trình bào mòn, do đá ngầm quanh đảo khá nhiều nên thuyền chỉ cập cách bờ chừng hơn trăm mét.

Một thủy thủ cầm sợi dây nhảy ùm xuống, bơi vào bờ buộc neo vào ngách đá để neo thuyền. Chúng tôi ai nấy mặc áo phao vào rồi cũng nhảy xuống nắm sợi dây mà bơi vào. Những phiến đá trơn trượt bám đầy hàu, sắc lẹm, mọi người cẩn trọng lần bước từng bước một để lên bờ. Là đảo được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất, quá trình nâng lên của vỏ Trái đất, chính vì thế xung quanh chỉ toàn là đá, phía trên đảo chỉ có cây dại và những loài thích nghi được với điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt thiếu nước ngọt, thiếu đất nhưng lại thừa hơi muối.

 Khá vất vả chúng tôi mới leo lên được phía trên đỉnh của hòn đảo. Chủ nhân của đảo có lẽ là hàng trăm loài chim khác nhau, nghe động chúng đập cánh bay lên nháo nhác cả một vùng, rất nhiều tổ chim nhưng tuyệt nhiên không có trứng, mấy anh thủy thủ bảo rằng chỉ vào tầm tháng 2 đến cuối tháng 4 thì chim mới để trứng nhiều.

Đảo Chim hiện nay đang trở thành thiên đường lý tưởng nhất cho Hải âu xám cư trú (còn gọi là chim nhạn), một loài Hải âu biển quý hiếm nhất trên thế giới. Trên đảo ngoài những cây bụi, có rất nhiều dứa dại, những bụi dứa đan vào nhau, rồi những cây sy cằn cổi, rể mọc bám vào đá, rủ xuống như mái tóc. Tôi phát hiên ra trên mỏm đá cao nhất của Đảo, không biết từ bao giờ người ta cho xây bằng xi măng và khắc chữ lên có nội dung: Tổng cục Địa Chính, điểm tọa độ quốc gia: 28167, nghiêm cấm phá hoại.

Phía bờ Tây của đảo hiện còn dấu vết của hai giếng nước khô cạn được xây từ năm 1979. Từ đây nhìn vào bờ có thể thấy rõ Đèo Ngang và khu công nghiệp Vũng Áng. Phía dưới, chiếc thuyền đánh cá trông bé xíu giữa một tấm thảm xanh. Lang thang hơn hai giờ đồng hồ trên đảo, chúng tôi quyết định quay trở lại thuyền. Trong lúc chúng tôi khảo sát trên đảo thì các thủy thủ ở lại, người thì tranh thủ lặn được một số nhím biển, trông xù xì với những cái lông sắc nhọn, người thì câu được một rổ đầy cá. Do đá ngầm nhiều, nước có chỗ sâu chỉ 4-5m, đeo kính lặn vào có thể quan sát đáy biển rất đẹp.

 Anh Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty Du lịch Netin, bạn đồng hành với tôi cho biết, nếu sau này khai thác du lịch biển, công ty anh sẽ đầu tư thuyền cao tốc và bộ đồ lặn bình khí chuyên dụng, chắc chắn du khách sẽ rất thích. Chúng tôi vẫy vùng với biển một hồi rồi lên. Phải nói ông Lâm cùng với mấy anh thủy thủ không chỉ biết đánh cá, mà chế biến món ăn cũng rất cừ. Những thứ đánh bắt được từ mẻ lưới tối qua, cùng với những thứ sáng nay làm thành một bữa tiệc thực thụ giữa biển.

 Sau một đêm nằm lăn lóc, rồi tắm biển, tinh thần các bạn đồng hành có vẻ đã quen với sóng gió biển khơi nên tươi tỉnh hẳn. Bữa trưa được dọn ra, chúng tôi quay quần ngồi lại, chia sẻ những món quà biển cả đã ban tặng, về chuyến hải trình đầy thú vị. Con thuyền nhổ neo, chạy về hướng đất liền, kết thúc một hành trình khám phá thú vị...

                                                                                                      Hải Đăng

 

tin tức liên quan