BÀ TRIỆU VÀ DI TÍCH NÚI NƯA
Núi Nưa nằm trên địa phận huyện Triệu Sơn, Nông Cống và Như Thanh. Núi có độ cao 538m, dài 17km, chiếm diện tích 55km2 . Ngọn núi cao và lớn nhất vùng đồng bằng phía Nam tỉnh Thanh đã được sách Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn ghi chép: “ Núi Nưa, tức Na Sơn ở huyện Nông Cống. Mạch núi từ phủ Thọ Xuân kéo đến chạy dài vài ba mươi dặm, đến địa phận tổng Cổ Định thì nổi vọi lên nhiều ngọn, ngọn cao nhất là núi Nưa; bên ngoài thì bốn dòng nước giao lưu, đỉnh núi có động…”.
Núi Nưa gắn liền với Bà Triệu, người nữ anh hùng đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình vì sự trường tồn của non sông đất Việt. Mãi muôn đời sau các thế hệ người dân Việt Nam nói chung, những con dân đất Việt quê Thanh mãi còn ơn sâu nghĩa nặng, tri ân công đức của Bà: Na Sơn nắng quyện mây trời
Dấu xưa Bà triệu còn ngời sử xanh Quê hương Bà Triệu ở Quân Ninh, nay là núi Quan Yên, thuộc xã Định Công, Yên Định. Năm 248, căm thù quân xâm lược giày xéo non sông, Bà đã cùng anh trai phất cờ khởi nghĩa và câu nói của người con gái họ Triệu mãi muôn đời rạng ngời trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc: “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”.
Về Bà Triệu và núi Nưa, sách Việt sử lược chép: “Năm Mậu Thìn ( 248 ), vì quan lại nhà Ngô tàn ác, dân gian khổ sở. Triệu Quốc Đạt mới khởi binh đánh quận Cửu chân. Bà ấy (Bà Triệu) đem quân ra đánh giúp anh, quân sỹ của Triệu Quốc Đạt thấy bà làm tướng có can đảm bèn tôn lên làm chủ".
Núi Nưa đã được Bà Triệu chọn làm căn cứ, bàn đạp cho cuộc khởi nghĩa và ở nơi đây sử sách lưu danh về uy thế của người nữ anh hùng: “Na Sơn nhất phiến, nhất hộ thiên hạ biến” ( một tiếng hô ở núi Nưa chuyển biến cả thiên hạ). “Sinh vi tướng, tử vi thần” hình ảnh Bà Triệu được sử liệu Trung Quốc: Giao chỉ dẫn ghi “trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu vú dài 3 thước, không lấy chồng họp Đảng cướp bóc các huyện trong quận, thường mặc áo ngắn sắc vàng, đi guốc gỗ, ngồi đầu voi đánh nhau, sau chết làm thần” và sự nghiệp cứu nước chống quân Ngô xâm lược của bà là hình ảnh mãi in vào trong tâm thức của muôn dân.
Sau khi bà mất, Bà Triệu từ nhân vật lịch sử có thật đã được dân gian bao phủ một bức màn huyền bí bằng truyền thuyền và các hiện tượng văn hoá tâm linh . Tại đền Bà Triệu ở xã Triệu Lộc còn đôi câu đối tương truyền của Lê Thánh Tông viết về Bà như sau:
Thiên thượng tinh anh vạn nhẫn thanh sơn hiển thánh
Nữ trung hào kiệt, thiên thu bạch tượng truyền thần.
Nghĩa là: Tinh anh ở trên trời, vạn bậc non xanh hiển thánh. Hào kiệt trong nữ giới, nghìn thu voi trắng truyền thần .Các truyền thuyết về bà Triệu trong dân gian và sử sách đến nay vẫn còn ghi lại: “Từ xa xưa, dân gian quanh vùng núi Nưa đã huyền thoại hoá Bà Triệu trong tâm thức của mình. Các thế hệ nơi đây thường truyền nhau truyền thuyết về bà Chúa Thượng Ngàn: trên đỉnh núi Nưa có một nàng tiên xinh đẹp. Nàng sống trong một chiếc am quanh năm mây vờn bao phủ. Sáng chiều bà thường ẩn hiện sau những rặng cây xanh, luôn có hai người tiên nữ đeo kiếm theo hầu. Nàng đẹp tuyệt trần và có quân gia hàng vạn. Nàng Tiên ấy chính là Bà Triệu...” (Lịch sử Thanh Hoá tập 2, tr. 54).
Trên đất ngàn Nưa cho đến nay đến mỗi làng quê và địa danh nào cũng được nghe dân gian kể về những chiến công Bà Triệu: Trị voi trắng một ngà, thuần hoá trâu rừng, đánh bại quân Ngô ở huyện lỵ Cư Phong… và hiển hiện các di tích gắn với Na Sơn căn cứ địa của nghĩa quân Bà Triệu. Ở huyện Nông Cống, ở đó có Cây Đa Bàu huyết thuộc làng Yên Dân, Trung Thành tìm thấy chiếc cồng lệnh của Triệu Trinh Nương chẹt giữa lòng cây đa ngàn tuổi. Ở Trung Thành có “cánh đồng bắt voi” tương truyền nơi đây Bà đã quy phục con voi một ngà. Núi Én xã Vạn Thiện nơi Bà cho quân sĩ bắn chim én luyện cung nỏ, Bãi Bò - dân binh nuôi bò cung cấp thịt cho nghĩa quân. Đồng Bể - nơi làm ruộng lấy lương thực nuôi quân. Đồi Chiêng Trống, nơi Bà Triệu khởi binh xuất trận. Núi Sỏi, nơi tìm thấy thanh kiếm lệnh của nữ chủ tướng.
Trên đất Triệu Sơn có làng Sơn Trung, xã Triệu Thành là nơi đóng quân của Triệu Trinh Nương và có miếu thờ Triệu Quốc Đạt, xã Vân Sơn có Khe Bái Đình - đại bản doanh của quân khởi nghiã, có Đình Đồi, nơi Bà Triệu và các tướng lĩnh họp bàn mưu lược. Phủ Tía có nhang án thờ người nữ anh hùng. Đặc biệt ở độ cao 538m trên đỉnh Ngàn Nưa nơi đó hãy còn in dấu Giếng Tiên cung cấp nguồn nước mát lành không bao giờ cạn cho quân sĩ. Trong lòng chiếc giếng tự nhiên ấy mới đây còn tìm thấy thanh kiếm bằng đồng của nghĩa binh Bà Triệu, cách đó một quãng về phía Tây Bắc là thung lũng rộng nơi quân sĩ luyện ôn binh pháp. Giữa đỉnh núi là một khoảng đất bằng, rộng rãi vào năm 1988 đã phục dựng ngôi đền thờ người nữ anh hùng. Trên đỉnh Ngàn Nưa lộng gió, nơi có đền thờ Bà Triệu khói hương lan toả có thể nhìn ra bốn hướng, thu vào tầm mắt muôn trùng nước non hoa gấm, đẹp như tranh vẽ. Không gian núi Nưa, nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa, nơi xuất hiện nàng Tiên núi Nưa xinh đẹp, Bà Triệu- Bà Chúa Thượng Ngàn...cho chúng ta thấy rõ dòng chảy của lịch sử gắn liền với văn hoá dân gian đem đến cho hỡnh tượng Bà Triệu vừa thiờng liờng lại vừa lung linh sắc màu huyền thoại.
Bà Triệu cũng được thờ ở Phủ Na (nay thuộc xã Xuân Du, huyện Như Thanh) và Phủ Nưa (Triệu Sơn) điều đó cũng cho thấy Bà Triệu gắn với đa biểu tượng và đa lớp văn hoá:Bà Triệu người nữ anh hùng có công với dân với nước, Bà Triệu nhân vật lịch sử được huyền thoại hoá, Bà Triệu hội nhập vào hệ thống thờ Mẫu và được địa phương hoá trong quá trình chuyển hoá của tâm thức dân gian ở Ngàn Nưa. Khu di tích lịch sử danh thắng Núi Nưa đã và đang được quy hoạch và đầu tư tôn tạo. Ngày xuân đến với Ngàn Nưa vẳng trong thinh không tiếng cồng Bà Triệu lay động tâm hồn, lên đỉnh núi cao nơi mây trời giăng mắc thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Lệ Hải Bà Vương đã hoá thân vào ngọn núi dòng sông, khiến tâm hồn mọi người dâng lên niềm kiêu hãnh, tự hào xen lẫn xúc động bồi hồi tưởng nhớ tới tiền nhân và trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước. Bảo tồn phát huy giá trị lịch sử và văn hoá vật thể, phi vật thể của Núi Nưa một cách toàn diện, đầy đủ nhằm giáo dục truyền thống, hướng về cội nguồn dân tộc là việc làm quan trọng và cần thiết của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và là trách nhiệm của mỗi người dân tỉnh Thanh, để trong tương lai gần khu di tích, danh thắng Núi Nưa trở thành một trong những trung tâm thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tề về vời Ngàn Nưa linh địa ./
Bùi Văn Hoằng