Đền thờ Trần Hưng Đạo ở Xứ Thanh

Ngày đăng: 08:43 21/06/2016 Lượt xem: 903

Đền thờ Trần Hưng Đạo ở Xứ Thanh

      Ở làng Thổ Khối, xã Hà Dương, huyện Hà Trung hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn đền thờ Đức thánh Trần (tức đền thờ Trần Hưng Đạo). Toàn bộ kiến trúc của ngôi đền còn lại hiện nay là kiến trúc Nguyễn. Theo tấm bia đá còn lại, chúng ta được biết chính xác là ngôi đền đã được trùng tu hoàn chỉnh vào năm Tự Đức thứ 3 (1850). Còn theo truyền thuyết dân gian thì Đền thờ đức Thánh Trần có từ rất xưa, lúc đàu còn lợp bằng tranh cỏ (tức cỏ để đánh tranh mà người Hà Trung gọi là cỏ tranh. Loại cỏ này mọc tốt như rừng. Xưa kia, nhiều xã Hà Trung đều lợp nhà bằng loại tranh cỏ này). “Sách Thanh Hóa chư thần lục” (thời Nguyễn) cũng chép việc thờ Trần Hưng Đạo ở làng Thổ Khối này.

         Ở vùng Hà Trung, Nga Sơn và một số huyện lân cận khác đều coi đền Đức Thánh Trần ở Thổ Khối (Hà Dương) là đền thờ chính ở xứ Thanh. Vì vậy,đến ngày giỗ Trần Hưng Đạo, người từ các nơi xa trong, ngoài huyện đã về đây cúng lễ rất đông.

          Theo các nhà nghiên cứu lịch sử trong tỉnh và trong nước thì vùng Thổ Khối (Hà Dương) và một điểm xung quanh là nơi mà vào tháng 3 năm 1285, để bảo toàn lực lượng và né tránh sự bao vây, tấn công của giặc Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo – vị tướng lĩnh tài ba đã trực tiếp đưa hai vua Trần theo đường Thần Phù – sông Hoạt đến vùng Thổ Khối nương náu một cách an toàn. Sau hơn một tháng củng cố lực lượng tại Thổ Khối và vùng Đông Bắc Hà Trung, tháng 5-1285, Trần Hưng Đạo quyết định tiến quân ra bắc một cách bất ngờ và phối hợp cùng với các đạo quân khác làm nên các chiến thắng vang dội như Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết để cuối cùng quét dọn sạch giặc Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi nước ta.

          Cho đến nay, sau hơn 700 năm đã đi qua mà ở vùng đất Thổ Khối – Hà Dương vẫn còn lưu truyền khá nhiều truyền thuyết có liên quan đến Trần Hưng Đạo và quân đội nhà Trần trong những ngày nương náu ở đây (như chuyện nướng cá nấu cơm cho vua ăn, rồi chỗ khu vực đất đền thờ thì dân gian gọi là đất Thành Dinh – tức chỗ Trần Hưng Đạo và hai vua Trần đóng “Dinh” tại đó…). Vì vậy, mà cho đến nay, trong ngày giỗ đức Thánh Trần, dân địa phương vẫn còn giữ tục lệ cúng cơm và cá nướng một cách rất thành kính như ngày nào Trần Hưng Đạo đã từng bắt cá và nướng cá cho vua Trần ăn ở vùng đất này đây.

         Có thể nói, sự ra đời và tồn tại của đền thờ Trần Hưng Đạo ở địa điểm mà quân đội nhà Trần đã rút lui chiến lược về đây với biết bao kỷ niệm tương truyền lại càng trở nên có ý nghĩa và linh thiêng đối với những lớp người hậu thế cả hôm xưa và hôm nay. Giờ đây, đền thờ Trần Hưng Đạo ở làng Thổ Khối vẫ là nơi thu hút rất đông khách hành hương từ các địa phương trong, ngoài huyện về cầu cúng, dâng hương.

          Mặc dù về kiến trúc được làm theo kiểu cuốn vòm, song hình dáng bên ngoài của ngôi đền lại rất cổ kính và uyển chuyển. Đặc biệt, ở gian giữa nhà tiền đường, phần nóc nhà có thêm tầng mái thứ hai theo kiểu mái cong giống vọng lâu. Trên đỉnh tầng mái thứ hai được trang trí hổ phù đội nậm rượu các tầu đao trên mái uốn cong có tác dụng làm cho di tích trở nên mềm mại và cân đối về kiến trúc. Còn trên bờ nóc của chính tẩm lại được trang trí kiểu lưỡng long chầu nguyệt. Nhìn toàn bộ kiến trúc ngôi đền (từ chính tẩm đến tiền đường, bình phong, sân, hồ, sông nước và cây cổ thụ), bất kể một ai cũng đều có chung một cảm nhận đây là chốn thiêng liêng có một sức quyến rũ thật kỳ lạ. Có lẽ chính vì vậy mà bất kể ngày nào, đền Đức Thánh Trần cũng có người đến cúng cầu hương khói.

         Với ý nghĩa và giá trị của di tích, từ năm 1990 di tích đền thờ Trần Hưng Đạo đã được vinh dự công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp đền thờ Trần Hưng Đạo đã và đang được trùng tu tôn cấp để du khách thập phương về dâng hương vào các dịp lễ tết …

                                                                                                          Bùi Hoằng

Bùi Văn Hoằng

Hà Bình-Hà Trung-Thanh Hóa

Email : hoang1592@gmail.com

 

 

tin tức liên quan