Di tích thắng cảnh Hàn Sơn, xứ Thanh.

Ngày đăng: 09:24 13/07/2016 Lượt xem: 1.027

Di tích thắng cảnh đến Hàn Sơn ở Xứ Thanh

         Đền Hàn nằm trên vùng đất thuộc xã Hà Sơn huyện Hà Trung, nơi hội tụ của 4 di tích gồm: Đền cây Thị ở cuối xã Hà Ngọc hay còn gọi là đền Trình; Đền Đức Ông- nơi thờ Thái úy Lê Thọ Vực; Đền Bông tức đền Cô Bơ hay Cô Ba thoải; Đền chúa Ngự hay là đền thờ Mẫu. Đền Phong Mục và Đền Cô Tám (thuộc xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc) là cụm di tích thờ Mẫu ở phía bên kia sông Lèn, đối diện với đền Hà Sơn. Cả 4 cụm, điểm di tích này đều nằm trong không gian văn hóa của lễ hội  Đền Hàn. Đây chính là không gian của một vùng đất cổ có bề dày lịch sử thật sinh động.  

          Theo tài liệu sử sách, bia ký và truyền thuyết dân gian, nhân vật được thờ ở đền Hàn Sơn ( tức đền Đức Ông) là Lê Thọ Vực- người  có công to lớn trong việc bình định Chiêm Thành và là người có công khai hoang vỡ hóa vùng đất Đại Lại xưa để lập ra sở đồn điền và làng, xã xung quanh vùng Hà Sơn, Hà Lĩnh, Hà Đông… của Hà Trung nay. Trên sườn núi Hàn, Đền Đức Ông Sùng Quốc công xưa gồm 4 cung rất uy nghi và tráng lệ ở sát bờ sông Lèn. Cung tứ thờ đức ông Lê Thọ Vực, cung nhất, cung nhị thờ hệ thống Mẫu, cung tam thờ Hội đồng chư vị. Ở đây vị thần được thờ chủ yếu là Đức ông Lê Thọ Vực còn hệ thống mẫu và thờ hội đồng là do người đời sau đưa vào để phối thờ. Đây là điều thường gặp ở các đền khác trên địa bàn Thanh Hóa và cả nước nói chung.

          Sau ngày hòa bình lập lại, do sự nhận thức ấu trĩ về việc bài trừ mê tín dị đoan, toàn bộ kiến trúc cổ kính trên núi Hàn đã tan biến một cách đáng tiếc. Từ trong tâm thức với khát vọng về một nét đẹp văn hóa tâm linh, người dân địa phương và du khánh thập phương đã góp công, góp của để phục dựng lại sự nguy nga của Đền Hàn xưa. Từ năm 2008 xã Hà Sơn đã đầu tư xây dựng hệ thống đền Cô Bơ gồm nhà chính điện và các công trình phụ trợ khác, trị giá  gần 10 tỷ đồng, trong đó  nhà chính điện trị giá hơn 7 tỷ đồng. Chủ yếu là nguồn vận động nhân dân, khách thập phương, các tổ chức, cá nhân và ngân sách địa phương đầu tư xây dựng. 

         Bước vào mùa lễ hội năm 2014, UBND xã Hà Sơn đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội Hà Sơn với nhiệm vụ cụ thể được phân công cho các thành viên trong ban quản lý di tích, thành lập 05 tổ giúp ban quản lý trực tiếp phục vụ lễ hội. Gồm tổ tuyên truyền, tổ hậu cần, tổ an ninh trật tự.v..v. tại đền Hàn Sơn và đền ba Bông. Ngay từ những ngày đầu tháng 6 khách hành hương gần, xa đã về trẩy hội đền Hàn, dẫu thế nào cũng phải đến cho được nơi đền Bông để thỉnh cầu cô Bơ, tức cô Ba thoải chở che, phù hộ. Đó chính là hiện thân của một anh hùng văn hóa bà chúa nước mà chúng ta thường gọi là mẫu thoải ( tức Mẹ Nước) giống như mẫu Địa ( tức Mẹ Đất), Mẫu Thượng ngàn (tức mẹ Rừng Núi), Mẫu Tiên (tức công chúa liễu Hạnh)...v.v.. Ngày cuối cùng của lễ hội Đền Hàn là ngày rước nước lớn nhất ở khu vực Đền Bông. Sau đó là những cuộc đua thuyền  náo nhiệt trên sông nước Hàn Sơn, làm náo động cả một vùng đất của 5 huyện kề sát và hiện nay, ngày rước nước thường được tổ chức vào những năm chẵn. Ngày nay khu di tích Hàn Sơn không những là quần thể du lịch tâm linh mà còn là một quần thể thắng cảnh đẹp thu hút du khách khắp nơi về đây thưởng ngoạn./

Bùi Hoằng

Hà Bình-Hà Trung-Thanh Hóa ( Email: hoang1592@gmail.com)

tin tức liên quan