Đền thờ Lý Thường Kiệt ở Hà Trung.

Ngày đăng: 11:34 28/08/2016 Lượt xem: 1.715

Đền thờ lý Thường Kiệt

      Đền thờ Lý Thường Kiệt ở xã Hà Ngọc-huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá, là một di tích lịch sử, văn hoá và kiến trúc nghệ thuật vô giá còn lại ở nước ta nói chung và Thanh Hoá nói riêng. Về tên gọi thì sách báo, đến nhân dân  đều gọi quen là đền thờ Lý Thường Kiệt, còn xưa kia, người ta thường gọi là “ Đền Lý Thái Uý” hoặc “Lý Đại vương”…

      Lý Thường Kiệt là người phường Thái Hoà, thành Thăng Long, làm quan đời Lý Thánh Tông, ông từng đi kinh lý các xứ Thanh Hoá, Nghệ An. Ông đã dựng chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng Sơn xã này, vì vậy sau này nhân dân nhớ công ơn đã lập đền thờ. Tấm bia đá ở đền Lý Thường Kiệt hiện còn, do học giả Ngữ Bá Sỹ người xã Hoằng Cát, Hoằng Hoá soạn vào năm Tự Đức thứ 13 ngày 29 tháng 8 năm 1861 thì người ta gọi là Miếu Ngưỡng Sơn- nơi thờ Lý Thái Uý ở xã Ngọ Xá, tổng Ngọ Xá, huyện Vĩnh Lộc, Phủ Quảng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, do ba làng Bùi, Đồ, Yên Phú phụng thờ.

      Còn tại nơi đền thờ Lý Thường Kiệt, từ trước tới nay có bức đại tự cổ treo ở gian chính giữa ngôi đền đã khắc chữ “Ngưỡng Sơn Từ”( tức là đền Ngưỡng Sơn) và ngoài cổng đền người xưa đắp ba chữ ở trên là “Lý Đại Vương”.

      Tuy vậy cho dù tên gọi thế nào thì dân gian khắp nơi xa gần đều biết rõ rằng ngôi đền ở núi Ngưỡng sơn thuộc xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung là nơi thờ một vị danh tướng lỗi lạc thời Lý. Theo bia chùa Linh Xứng, một tấm bia từ thời Lý còn lại hiện được lưu giữ tại bảo tàng lịch sử Việt Nam, thì núi Ngưỡng Sơn của xã Hà Ngọc, quận Cửu Chân, trấn Thanh Hoá. Còn từ thời Lê và Nguyễn vùng núi Ngưỡng Sơn thuộc huyện Vĩnh Lộc, từ năm 1939 thì vùng đất này mới thuộc về huyện Hà Trung, cũng kể từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, vùng đất này được đổi tên là xã Hà Ngọc như hiện nay.

      Đền thờ Lý thường Kiệt chỉ cách chùa Linh Xứng hơn hai trăm mét, tất cả đều nằm gọn trong không gian bề mặt hướng ra sông Lèn-một nhánh của sông Mã, đã tạo ra một quần thể Đền-Chùa, núi, sông, làng xóm, đồng ruộng xung quanh núi Ngưỡng Sơn, thật kỳ diệu và lung linh huyền ảo trong suốt hàng ngàn năm lịch sử.

       Căn cứ vào nội dung các văn bia ở chùa Linh Xứng và văn bia ở chùa Báo Ân cũng như các sách sử từ xưa để lại, chúng ta có thể thấy văn bia ở đền thờ Lý Thái Uý, thực sự là một công trình biên soạn vô cùng quí giá và đầy đủ về vị danh tướng vĩ đại của dân tộc ta hồi thế kỷ XI. Theo sử sách thì đến đời vua Lý Anh Tông, năm đầu tiên niên hiệu Thiệu Ninh(1138-1175), sức cho các quan trấn sứ lập đền thờ và giao cho hai tổng Hoàng Xá và Ngọ Xá phụng thờ. Đến đời Trùng Hưng nhà Trần(1285-1293)năm thứ nhất có sắc phong Trung phụ, năm thứ tư gia phong Dũng Vũ. Năm thứ 21 đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) tấn phong Uy Thắng Đại Vương.

       Trải qua mưa nắng và thời gian, đền thờ có xuống cấp, hư hỏng lại thêm tổng Hoàng Xá không chịu phép nước đã bỏ phụng thờ, nên đến năm đầu Lê Trung Hưng, đền được tu sửa, nhà vua còn cấp cho đền 20 tạo lệ hàng ngày lo việc tế lễ.

      Ngày nay có dịp đứng trên đê sông Lèn nhìn về phía núi Ngưỡng Sơn và đền Lý Thường Kiệt, chúng ta bắt gặp một khu di tích thắng cảnh và kiến trúc nghệ thuật rất cổ kính và thơ mộng với hệ thống Nghinh môn, tiền đường , hậu cung, sân đền cùng với những cây cổ thụ vài trăm năm tuổi xoè bóng mát nơi đèn linh thiêng. Đến Lý Thường Kiệt dựa lưng vào núi Ngưỡng Sơn, mặt hướng về phía nam. Xưa kia còn có hai dải vũ, nhưng nay không còn.

       Nhà tiền đường gồm năm gian, hai trái, kết cấu gồm 12 cột cái và 12 cột quân bằng gỗ lim, có ba cửa chính ra và hai cửa phụ, tất cả đều là cửa bức bàn cũ còn lại, các cột đều có kích thước đường kính 400mm và 300mm. Đỡ các cột là các chân tảng bằng đá. Tiền đường có chiều dài 13,55m. chiều rộng 6,85m, Kết cấu vì kèo nhà tiền đường theo kiểu giá chiêng, chồng giường, kẻ bảy. Trên thượng lương có ghi các chữ “Hoàng triều Gia Long thập tam niên tuế thứ giáp Tuất tam nguyệt nhị thập nhịnguyệt thôi trụ thượng lương”.

        Nhà tiền đường được trùng tu vào năm1815, tuy nhiên nhìn chung toàn bộ kiến trúc gỗ vẫn được giữ khá nguyên vẹn, các bức trạm ở cốn, mê, ván nong, kẻ bảy, các con rường, xà ngang phía trên cửa thật sự là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện tài năng của các nghệ  nhân điêu khắc gỗ dân gian, họ đã đầu tư công sức để làm nên những tác phẩm ấy.

        Nhà hậu cung nơi đặt ngai và bài vị thờ Lý Thường Kiệt mới được tu sửa lại năm 1976. Từ nhà tiền đường nhìn ra phía trước chúng ta thấy có hai lớp sân rộng, hai đầu đốc tiền đường có hai cột nanh đội sen, ở phía sát cột nanh hồi là tấm bia đá “Ngưỡng Sơn miếu”. Cổng nghinh môn hai tầng tám mái làm theo kiến trúc thời Nguyễn cũng khá bề thế và uyển chuyển. Có thể nói qui mô kiến trúc đền thờ Lý Thường Kiệt không lớn lắm, nhưng do bố trí khoảng cách từ nghinh môn đến hai lớp sân rộng theo kiểu dật cấp và kéo dài sát tiền đường, làm cho không gian của khu di tích như thoáng rộng và cân đối, hài hoà giữa các kiến trúc và cảnh quan xung quanh.

        Hiện nay nội thất ngôi đền vẫn còn nhiều đồ thờ cổ và quí hiếm, ngoài tấm bia “Ngưỡng Sơn miếu” thì ở đây còn có ba bia đá khác ghi chép việc công đức trùng tu đền. Với tất cả những gì còn lại đến ngày hôm nay thì kiến trúc của ngôi đền thờ Lý Thường Kiệt là một di tích lich sử, văn hoá có kiến trúc nghệ thuật vô giá của đất nước, đây là di tích cấp quốc gia. Trên tuyến du lịch từ cầu Lèn đến đền Hàn Sơn, đền Lý Thường Kiệt cũng là một điểm dừng chân viếng thăm của du khách. 

 

Bùi Văn Hoằng-Hà Bình-Hà Trung-Thanh Hoá

Email:hoang1592@gmail.com

 

tin tức liên quan