Một chợ hoa ở Hà Nội không còn nữa.

Ngày đăng: 08:57 29/01/2020 Lượt xem: 866

Một chợ hoa biến mất trong lòng Hà Nội


Khác chợ hoa Hàng Lược chỉ họp một lần trong năm vào dịp Tết,

chợ hoa Hàng Khay chuyên bán cho người Pháp vào tất cả các ngày.

Con phố dài chưa đầy hai trăm mét ven hồ Hoàn Kiếm chỉ có một dãy nhà số lẻ. Cuối thế kỷ XIX khi người Pháp quy hoạch phố phường đã quy định không được xây nhà ở phía bờ Hồ, nên các phố quanh đây đều chỉ có một dãy số. Hàng Khay từng là phường nghề, chuyên bán đồ gỗ khảm trai.

Trong những tấm ảnh tư liệu đầu thế kỷ XX, nơi đây từng có một chợ hoa ven hồ. Theo khảo cứu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, chợ nằm trên góc phố Hàng Khay giao với Đinh Tiên Hoàng. Ban đầu lác đác người bán chứ chưa thành chợ.

Ban đầu chủ yếu là gánh hàng hoa của các thiếu nữ làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp bán cho Tây. Ảnh tư liệu. 

Ban đầu chủ yếu là gánh hàng hoa của các thiếu nữ làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp bán cho Tây. Ảnh tư liệu.

Người bán chủ yếu là các thiếu nữ làng hoa Ngọc Hà, Hữu Tiệp. Các cô hay chít khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân ngồi thành một dãy. Những thiếu nữ khéo tay đã cắm các loại hoa lên một cục đất sét rồi đặt lên khoanh chuối, bày lên mẹt.

Những chùm hoa lạ mắt thu hút sự chú ý của người Pháp làm việc ở khu vực đó. Các cô còn tết hoa trên xe tay cho người Pháp khi họ đi lễ ở Nhà thờ Lớn, trang trí trên mui xe ôtô đi đón quan chức cấp cao từ Pháp sang. Tiếng rao "la flơ bà đầm" (mời bà đầm mua hoa) của những gánh hàng hoa Ngọc Hà được bác sĩ Hocquard, người đã theo chân quân đội Pháp ở Hà Nội từ 1883 ghi lại trong cuốn "Một chiến dịch ở Bắc Kỳ". Vị bác sĩ rất ngạc nhiên về độ khéo tay của các thiếu nữ làng hoa.

Với thói quen cắm hoa tươi trong nhà, người Pháp đã yêu cầu Đốc lý phải xây các kiot bán hoa. Và góc phố Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng được chọn làm nơi để xây kiot. Trúng thầu chủ yếu là người làng hoa Ngọc Hà, Hữu Tiệp. Những người Hà Nội cấp tiến hoặc làm việc trong sở Tây chịu ảnh hưởng của người Pháp cũng mua hoa tươi về cắm hàng ngày. Nhu cầu khiến các kiot phục vụ không đủ, hoa bày bán tràn ra đường rồi thành chợ ven hồ Gươm.

Hà Nội khi ấy đã tồn tại chợ hoa Hàng Lược, nhưng chỉ bán từ 23 tháng Chạp đến ngày 30 Tết. Chợ hoa Nghi Tàm mãi sau này mới xuất hiện. Chợ hoa Hàng Khay là nơi duy nhất có hoa tươi hàng ngày. Phía sau kiot từng có một đài phun nước nhỏ. Các cô lấy nước chỗ này để tưới giữ hoa tươi.

Kiot bán hoa tươi ở góc phố Hàng Khay, phía sau có đài phun nước đều đã bị phá. Ảnh tư liệu.

Kiot bán hoa tươi ở góc phố Hàng Khay, phía sau có đài phun nước đều đã bị phá. Ảnh tư liệu.

Hình ảnh các cô gái làng hoa bên hồ Gươm quá đẹp từng xuất hiện trên bích chương quảng cáo của khách sạn Metropole, năm 1939. Bích chương là hình ảnh hai cô gái, một cô mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ đang bày hoa. Cô còn lại nhìn xa xăm, phía sau là tháp Rùa.

Theo tài liệu của Cục văn thư lưu trữ nhà nước, giáp Tết 1951, nhằm tránh cho việc đi lại trong thành phố bị cản trở và giúp thêm tiền cho cô nhi viện Trung Liệt, Phủ thủ hiến Bắc Việt và Tòa thị chính Hà Nội cho phép Ban tổ chức Chợ phiên Hà Nội mở chợ Tết từ đoạn đền vua Lê, nhà Thủy Tạ đến Nha tổng giám đốc Thông tin. Chợ hoa Hàng Khay cũng được gom vào đây. Trong những ngày chợ Tết họp, các hàng hóa không được bán rong trên phố, lề đường như mọi năm.

Sau năm 1954, những kiot hoa trở thành dãy hàng hoa của Hợp tác xã Ngọc Hà, quầy bán hoa quả mậu dịch, bán lay ơn, cúc, thược dược, mào gà. Nhưng vì che khuất tầm nhìn, quãng những năm 1980, dãy hàng hoa đã bị phá bỏ, rồi trở thành một vườn trồng hoa hình tròn ven góc Hàng Khay. Ở vị trí ấy giờ cũng đặt một chiếc đồng hồ hoa, nhưng nhiều người đi qua không biết.

Thái Mạ- VNexpress

tin tức liên quan