Di tích Trường Sơn: Bốt Lũ, Hà Nội
Ngày đăng:
12:22 17/03/2020
Lượt xem:
3.511
DI TÍCH TRƯỜNG SƠN: BỐT LŨ, HÀ NỘI
Bốt Lũ khi chưa xây dựng thành Di tích.
Bốt Lũ nằm ở đầu ngõ 40, đường Kim Giang, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, bên bờ sông Tô Lịch Hà Nội.
Đầu năm 1950, thực dân Pháp xây dựng hàng loạt đồn bốt trên địa bàn Hà Nội. Bốt Lũ được Pháp xây bằng gạch có diện tích khoảng 55 m2 (7,4x7,4m), cao khoảng 6m (phần nổi) và một tầng hầm.
Theo sách Lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, thì Bốt Lũ là nơi tập kết vũ khí, khí tài là các chiến lợi phẩm thu được trong kháng chiến chống Pháp. Từ tháng 7/1959, tổ Quân giới gồm 14 chiến sĩ do Trung úy Nguyễn Ngọc Linh chỉ huy được giao nhiệm vụ chuẩn bị các “kiện” hàng cho những chuyến gùi thồ đầu tiên của “Đoàn Công tác Quân sự đặc biệt”. Nhiệm vụ cụ thể là: Sửa chữa, hiệu chỉnh các vũ khí bộ binh có xuất xứ từ các nước Tư bản (súng trường Mat, tiểu liên Tuyn...), các loại khí tài cầm tay: dao găm, ống nhòm, la bàn... Những vũ khí có xuất xứ từ các nước Xã hội chủ nghĩa phải tẩy xóa nhãn hiệu. Sau khi sửa chữa, vũ khí được bôi mỡ, bao gói thành các bọc nặng khoảng 20-25 kg. Việc bao gói còn phải tính đến tình huống khi vận chuyển gặp địch, phải cất giấu trong nước, trong bùn đất. Những khẩu súng bộ binh được bọc bằng nhiều lần vải thấm nến (paraphin) rồi bỏ xuống đáy sông Tô Lịch, nhiều ngày sau vớt lên thấy vũ khí vẫn còn tốt nguyên. Phương pháp bảo quản ấy đã được áp dụng để đóng gói tại Bốt Lũ và vận chuyển bí mật bằng xe ô tô tới Khe Hó (Quảng Trị) để giao cho Tiểu đoàn 301- Đoàn 559.
Ngày 13 tháng 8 năm 1959, Tiểu đoàn 301 đã vận chuyển chuyến hàng đầu tiên (được chuẩn bị từ Bốt Lũ) vượt Đường 9 vào Tà Riệp (Trị Thiên) giao cho Liên khu V. Sau chuyến hàng đầu tiên thắng lợi, 4 tháng cuối năm 1959, Đoàn 559 đã chuyển vào giao cho Liên khu V được 1.667 khẩu súng bộ binh và hàng trăm ngàn viên đạn cùng nhiều khí tài quân sự cầm tay. Trong đó, hầu hết được sửa chữa, hiệu chỉnh và đóng gói tại Bốt Lũ.
Khu vực xung quanh Bốt Lũ là Trạm 63 - một trạm giao liên của Bộ Tư lệnh 559 trên đất Hà Nội, nơi đón và tiễn cán bộ chiến sĩ ra vào Trường Sơn.
Cũng tại khu vực Bốt Lũ đã diễn ra Đại hội Đảng bộ 559 đầu tiên vào cuối năm 1959. Sau năm 1975, nhiều cơ quan của Đoàn 559 đã làm việc tại Trạm 63.
Tháng 3 năm 2019, Hội Trường Sơn Việt Nam đã đề nghị UBND Thành phố Hà Nội cho xây dựng tại đây một Bia Di tích để ghi nhớ sự kiến “Khởi đầu của tuyến Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”.
Ngày 18/2/2020, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết đinh gắn biển “ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM CÁCH MẠNG KHÁNG CHIẾN” cho Di tích Bốt Lũ (Số 788/ QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND Ngô Văn Quý ký).
Bốt Lũ là một trong 2 địa điểm được gắn biển nhân dịp Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Thành ủy Hà Nội (17/3/1930- 19/3/2020).
Đồng chí Trần Thị Chung (Ủy viên BCH Hội Trường Sơn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trường Sơn) đã tài trợ (60 triệu đồng) và tổ chức xây dựng sân và cảnh quan trước Di tích.
Đến ngày 14/3/2020 công tác gắn biển và xây dựng đã cơ bản hoàn thành.
Vũ Trình Tường
Ban Truyền thống Lịch sử
Toàn cảnh Di tích Bốt Lũ - Di tích Trường Sơn (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội)
Nội dung Bi Di tích Bốt Lũ khánh thành ngày 18/3/2020.
tin tức liên quan