" Thương cho người đồng hương" - Văn học chống tham nhũng của Nguyễn Tiến Du

Ngày đăng: 02:44 22/02/2022 Lượt xem: 338
THƯƠNG CHO NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG
 
"Sông Thao nước đục người đen,
Ai lên Vũ Ẻn cũng quên đường về."
       Câu ca dao ấy luôn quấn quyện cùng người dân quê tôi một thời xa lắm. Không biết tuổi thơ của anh Chung nguyên Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã từng uống nước đục của con sông Thao ấy chưa? Với tôi thì thỉnh thoảng cũng từng được uống, vì hầu hết người dân quê tôi khi xưa sống hai bên bờ con sông Thao đều gánh nước ấy lắng phèn cho trong làm nước sinh hoạt. Và nhà anh Chung cũng chẳng xa con sông ấy là bao nhiêu.
       Ngày xưa Vũ Ẻn là một nơi tụ hội của thuyền bè, dân cư sống bằng nghề buôn bán trên sông nước. Có điều tôi luôn thắc mắc: Tại sao nước sông Thao có màu hồng, người sông Thao quê tôi thường có làn da rất trắng, vậy mà sao ca dao ngàn đời lại nhẫn tâm dìm hình ảnh người quê tôi đến thế. Có lẽ chỉ đến khi Xuân Diệu một thanh niên sành gái, đa tình với chất chơi lãng mạn bỏ qua "cái khăn mỏ quạ, cái quần lĩnh đen", bỏ qua phấn hoa phố thị để vượt chặng đường dài hun hút sơn khê về với Sông Thao quê tôi để tìm người trong mộng. Thì mới minh chứng được người quê tôi không đen. Gái quê tôi cũng nghiêng nước nghiêng thành lắm chứ:
"Anh về Ấm Thượng tìm em,
Nhà gianh một túp, hương đêm một vùng.
Bóng xanh vườn nhãn um tùm,
Khói ngưng mặt nước, sương trùm đầu non...
Thấy anh, em xiết nỗi mừng
Nhìn em, gương mặt sáng bừng đêm khuya..."
       Và chỉ một câu "sáng bừng" ấy thôi, nhà thơ Xuân Diệu đã đạp đi cả một thời gian dài oan ức của dân tôi. Và chẳng biết có phải nhờ Xuân Diệu hay không mà giờ đây câu ca dao ấy không thấy còn xuất hiện trên diễn đàn Văn học cũng như truyền lại hậu thế vùng quê bên giòng sông Thao ấy nữa.
       Lan man mãi cuối cùng túm lại: Anh Chung nhà em đã lên Vũ Ẻn, nhà anh cũng chỉ cách bến sông vài con dao quăng. Nhưng có lẽ anh sẽ mãi quên đường về vì cái tội đánh nước sông Tô Lịch cho sạch bằng phương pháp cổ truyền của quê hương. Nhưng có điều nước sông Thao thì đánh phèn, còn sông Tô Lịch thì anh lại cho đánh bằng việc nhập chế phẩm Redoxy-3C của Đức mà nghe nói vì lợi ích sân sau. Sông Tô Lịch thì linh lắm chứ không như dòng sông quê hương hiền hòa đâu, nên đã trào sóng hất anh từ đỉnh cao danh vọng xuống đáy bùn sâu mang nỗi tiếc thương cho quê nhà một thời tự hào về anh, một người con tài ba và đầy chí hướng. Đúng là "Sông Thao nước đục người đen" còn sông Tô Lịch thì "nước đen người đục". Không biết khi đứng trước vành móng ngựa anh có nhận ra điều này không nhỉ? Thành thật chia buồn với anh, với tư cách một đồng hương cùng uống chung dòng nước sông Thao một thời.
 
Nguyễn Tiến Du - Quảng Ninh
 
tin tức liên quan