Cho tai uống rượu

Ngày đăng: 03:02 11/11/2015 Lượt xem: 507

                         CHO TAI... UỐNG RƯỢU

        Trong các bữa tiệc, trên bàn nhậu người ta đều thích chạm cốc khi uống rượu để tăng thêm không khí vui mừng, long trọng hoặc thể hiện cái thiện chí của mình. Nhiều người đặt câu hỏi từ đâu mà có tập quán này?

       Có người giải thích một cách dí dỏm rằng: Khi uống rượu có nhiều bộ phận  trên cơ thể con người được hưởng thụ cái khoái này, như mũi thì được ngửi mùi thơm của rượu, mắt thì có thể ngắm màu sắc của rượu, lưỡi thì có thể thưởng thức  hương vị của rượu. Còn hai cái tai thì bị gạt ra... rìa, chẳng được hưởng cái thú gì cả. Vậy thì làm thế nào để cái tai đỡ thiệt thòi? Kết quả là người ra đã nghĩ ra được một cách: Trước khi uống rượu, ta hãy cho hai cái cốc chạm vào nhau, như thế tai sẽ được nghe tiếng của những cốc rượu vang lên khi chạm vào nhau và thế là cũng được hưởng cái lạc thú khi uống rượu. Sau đó, cùng với thời gian việc chạm cốc khi uống rượu đã trở thành một tập quán hay. Bạn đừng tưởng đây là chuyện phiếm của những “con ma men”. Người ta đã truy nguyên tập quán chạm cốc khi uống rượu đã có thời đại cổ Hy Lạp. Người Hy Lạp thời cổ đại vốn rất thích uống rượu và họ đã “sáng tạo”  ra lối chạm cốc như trên.

         Lại có người cho rằng tập quán chạm cốc uống rượu bắt đầu có từ thời cổ đại La Mã cơ. Người thời bấy giờ rất trọng sức mạnh và thường tổ chức những cuộc đấu võ. Trước khi vào cuộc đấu, các đấu sĩ thường uống rượu để tỏ ý tôn trọng và khích lệ lẫn nhau. Nhưng để đề phòng những kẻ có lòng dạ bất chính cho thuốc độc vào rượu của đối phương, người ta mới nghĩ ra một cách là trước khi vào đấu, hai đối thủ sẽ đổ ít rượu trong cốc của mình vào cốc của đối phương để cho thấy trong rượu không có gì là giả trá. Khi làm động tác này, hai chén rượu tất nhiên phải chạm vào nhau. Về sau, nghi thức này dần dần đã trở thành một lễ tiết không thể thiếu trong các buổi giao đãi, tiệc tùng.

        Còn ở Việt Nam bây giờ, trong những cuộc nhậu tưng bừng, người ta cũng chạm cốc và khi đã vào độ, để tăng thêm hưng phấn cho… cái tai, ngoài việc cụng ly, người ta còn luôn miệng hô hào: "Dzô...dzô". Lúc đầu “nghi thức” này chỉ thịnh hành trong giới trẻ, song dần dần được mọi giới chấp nhận, thậm chí trong các đám cưới, người MC cũng cầm chịnh, hô “Một, hai, ba…dzô!” để thực khách hoan hỉ cùng chạm cốc chúc mừng đôi uyên ương. Có lần đi du lịch đến Vân Nam (Trung Quốc), dù chưa vào trong quán ăn nhưng nghe những tiếng “dzô... dzô..” vọng ra, tôi đã biết ngay là đang có tốp nhậu của "đồng hương"... người Việt ở trong đó. Có lẽ chưa có nước nào lại có tục uống rượu mang tính cộng đồng cao như vậy. Biết đâu rồi dần dần, nó sẽ trở thành một tập tục mới, mang thương hiệu Việt Nam và lan truyền ra khắp thế giới thì sao?

                                                                           Bùi Thượng Toản

 

tin tức liên quan