Phút chia tay - Truyện vui cười: Phan Vĩnh Điển

Ngày đăng: 09:23 23/07/2024 Lượt xem: 274
PHÚT CHIA TAY
        
        Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhiều đơn vị của Bộ đội Trường Sơn chuyển sang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biên giới; kết hợp làm kinh tế trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
       Cuộc sống lao động, sẵn sàng chiến đấu chống Fullro những ngày đầu sau giải phóng; không kém phần vất vả, so với thời chiến tranh là mấy. Vẫn có những đêm hành quân, phục kích Fullro dưới mưa rừng tầm tã, vắt bám đầy người… Có những đồng đội bị Fullro bắn lén, hy sinh ngay trong thời bình.
       Những đơn vị chuyển sang làm kinh tế và sẵn sàng chiến đấu ở Tây Nguyên, sau này tuyển thêm rất nhiều bộ đội nữ. Chị em bộ đội nữ thời kỳ này không phải đi chiến đấu, phục kích Fullro; nhưng phải lao động vất vả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Tây Nguyên. Về mùa khô thì nắng cháy, khô hạn. Về mùa mưa thì mưa dầm có khi cả tháng trời, quần áo thì ẩm ướt, rách nát nhiều; vì phải lao động phát nương làm rẫy, vào rừng cắt tranh, chặt tre làm doanh trại…
      Trong điều kiện đất nước mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh, bắt đầu xây dựng cuộc sống mới, bộn bề khó khăn. cuộc sống của bộ đội lúc này cũng còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn. Lương thực vẫn phải ăn độn ngô hoặc sắn. Quân trang một năm được phát 2 bộ nhiều khi còn chậm, có năm chỉ có 1 bộ. Chị em nữ chỉ có hai bộ quân phục, vừa là quần áo mặc học tập, sinh hoạt, vừa là quần áo Bảo hộ lao động luôn; nên nhiều bộ quân phục đã cũ, rách, bị sờn hết đầu gối… Chị em có sáng kiến quay phần ống rách đằng trước ra đằng sau, nên được gọi là “quần quay ống”; để làm quần bảo hộ lao động.
       Có lần phái Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp kết hợp vào thăm chị em làm kinh tế ở Tây Nguyên trông thấy hoàn cảnh chị em phải mặc quần áo rách thương quá! Có đồng chí cán bộ trong Đoàn công tác, hứa lần này về tôi sẽ nói với Bộ; cấp thêm cho chị em 1 năm thêm một bộ quần áo nữa… Nhưng có phải hứa là làm được ngay đâu, vì lúc này nước ta đang diễn ra cuộc chiến đấu ở phía Tây Nam và Biên giới phía Bắc biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ và thiếu thốn…
        Sau một năm chờ đợi, không nhận thêm được bộ quần áo nào nên chị em có thơ rằng:
                       “Bộ vào thì nói giành thương/ Nhưng ra đến đường thì Bộ lại quên…”
       Thấm thỏa đã qua hơn 3 năm trong quân ngũ, lúc này đã có “Luật nghĩa vụ quân sự”; chị em lần lượt được xuất ngũ trở về nhà, hoặc chuyển ngành, đi học… Đợt ra quân đầu tiên, số lượng ra quân còn ít; đa số chị em vẫn còn phải ở lại thêm một thời gian nữa, chờ lực lượng người thay thế. Phút chia tay diễn ra thật cảm động, từng tốp chị em bịn rịn chia tay; giữa người đi, người ở, hơn 3 năm trời gian khổ có nhau, buồn vui chia sẻ…
        Họ ôm lấy nhau, nước mắt lưng tròng; đến khi xe nổ máy, chuẩn bị lên đường. Nhiều chị em khóc nấc không thành tiếng, nhưng có chị em khóc rõ to, vừa mếu máo vừa nói:
        Bao năm trời gắn bó, bây giờ mày về, tao biết ăn, nằm với ai… Nhưng chợt nhớ ra:
          À, thế còn “Cái quần bảo hộ lao động” mày để ở đâu?
              Ôi, nhiều người cười; mà rơi nước mắt…! 

         Phan Vĩnh Điển 
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn 
 
tin tức liên quan