Chùm truyện vui: Yêu trẻ thơ - mừng ngày Quốc khánh của Phạm Sinh

Ngày đăng: 07:16 31/08/2017 Lượt xem: 1.345
CHÙM TRUYỆN VUI:
YÊU TRẺ THƠ - MỪNG NGÀY QUỐC KHÁNH
 
NHỮNG LỜI CHẤT VẤN NGỘ NGHĨNH VÀ HỒN NHIÊN
  
         Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp này là ông Hòa ( một cựu binh Trường Sơn năm xưa ) lại dẫn con cháu mình về Trung tâm huyện xem ngày hội văn hóa thể thao và lễ mít tinh kỷ niệm Cách mạng tháng tám, Quốc khánh 2- 9 . 
         Ông có thằng cháu nội tên Bình (đang học lớp 5 tuổi tại Trường mần non Sơn ca) - Một đứa trẻ trông thật xinh xắn và rất hiếu động … Trước khi đưa mấy đứa cháu đi ông Hòa không quên cài lên ngực áo mình một vài tấm huân huy chương và huy hiệu, trong đó có tấm huy hiệu Trường Sơn…
 
LỜI CHẤT VẤN THỨ NHẤT:
         Là đứa cháu “đích tôn” nên bé Bình được ông bế trên tay … Trên tay ông bé Bình đưa tay sờ vào từng tấm huân huy chương và huy hiệu trên ngực áo ông mình rồi tò mò hỏi ông tên của từng cái, đến tấm huy hiệu Trường Sơn ông Hòa bảo cháu “đấy là huy hiệu Trường Sơn cháu ạ” - Cháu Bình nhìn ông lắc đầu và nói “ông nói sai rồi đây là huy hiệu Trường Sơn ca chứ”. Té ra vì cháu đang học tại Trường mần non Sơn ca mà hàng ngày mọi người vẫn gọi là “ Trường Sơn ca”…
 
LỜI CHẤT VẤN THỨ HAI :
        Vừa đến cổng Nhà văn hóa trung tâm huyện, nhìn lên tấm băng rôn ghi : “ … Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng tám và Quốc khánh 2-9 …” Nhận dạng được số (2-9) khi đó bé Bình liền hỏi ông “ ông ơi 2 làm sao lại trừ được 9 hả ông ? …”. Té ra Bé Bình đang là học sinh của lớp 5 tuổi - Cháu đã được học nhận dạng 24 chữ cái, biết nhận dạng và cộng trừ các con số từ 1 đến 10 … nên điều thắc mắc của cháu quả là chẳng sai .
 
LỜI CHẤT VẤN THỨ BA :
        Vào cuộc mít tinh một vị lãnh đạo huyện lên đọc diễn văn - Trong diễn văn đoạn nói đến thành tích đóng góp của nhân dân huyện nhà trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có câu “ Thóc không thiếu một cân; quân không thiếu một người …” Nghe được đoạn này cháu Bình liền hỏi ông “ … ông ơi! Thế người lớn cũng biết làm thiếu à ông; sao lại thiếu được hả ông? - Ở trường cháu khi phát quà nếu bạn nào bị thiếu thì bạn ấy khóc đấy, thế thiếu thóc thiếu quân thì người lớn có ai khóc không ông …?”.
        Vật lộn đưa cháu đi chơi và toát mồ hôi vì những câu chất vấn của thằng cháu (đích tôn) của mình … Về nhà ông Hòa kể cho bà và mọi người nghe chuyện của bé Bình. Cả nhà cười ồ trước khi ngồi vào mâm cơm gia đình xum họp mừng “Trường Sơn ca”; mừng “2-9” và mừng “Thóc không thiếu một cân; quân không thiếu một người …”.   
 
Phạm Sinh
 
HỘ CẬN NGHÈO
 
         Thằng cháu nội tên Thanh của ông Truyền năm nay chuẩn bị bước vào lớp 2. Cậu ta rất hiếu động và cũng rất thích “trò chơi điện tử”. Cứ đi học về là cậu đòi bố mẹ mở máy tính hoặc đưa điện thoại cho cậu ta truy cập trò chơi…
        Thấy cháu mình mải chơi và lo ngại việc ham “trò chơi điện tử” của cháu mình sẽ ảnh hưởng đến việc học tập và đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe mắt… Ông Truyền nhắc cháu hạn chế chơi và ông nhấn mạnh “ nếu cháu chơi “trò chơi điện tử” nhiều thì mắt cháu sẽ bị bệnh “cận” đấy. Nghe ông nội nói bệnh “cận ” - Cháu Thanh quay sang hỏi ông:
- Ông ơi! Bị bệnh “cận” thì sẽ làm sao hả ông?
   Ông Truyền trả lời:
- Bị bệnh “cận” có nghĩa là mắt cháu sẽ bị kém và như vậy thì cháu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại, trong học tập, làm việc và do vậy mà cuộc sống sau này của cháu sẽ khó khăn, nghèo đói, không có tiền mua quần áo đẹp, mua kem, mua Bimbim …
    Nghe ông nội nhắc nhiều cậu Thanh thấy rất sợ sau này mình sẽ bị “nghèo đói” (
không có tiền mua quần áo đẹp, mua kem, mua Bimbim …) nên cậu ta cũng dần bớt “truy cập trò chơi” mà dành nhiều thời gian cho học tập…
        Mấy ngày qua hệ thống đài Truyền thanh xã liên tục thông tin về chủ trương bình xét phân loại hộ “nghèo” và “cận nghèo” để hỗ trợ họ trong việc làm và cuộc sống… Cháu Thanh nghe được nhiều lần loa Truyền thanh nhắc câu: Hộ “nghèo” và “cận nghèo” rồi cháu chạy đến bên ông Truyền nói với ông rằng:
- Ông ơi! Đài Truyền thanh họ đang nói “cận nghèo” có phải họ nói đến những người bị bệnh “cận” sẽ “nghèo” phải không ông?
    Ông Truyền ôm lấy thằng cháu yêu của mình cười và trả lời:... Ừ…ừ đúng như ông đã nhiều lần nhắc cháu đấy – Những người bị bệnh “cận” sẽ “nghèo” cháu ạ!
 
Phạm Sinh  
tin tức liên quan