Mời cưới - Chuyện thật như đùa!

Ngày đăng: 10:30 06/12/2017 Lượt xem: 730
                             MỜI CƯỚI - CHUYỆN THẬT NHƯ ĐÙA 

                                                            CTV, Đại tá Hoàng Văn Kính     
    
          Hai nhà ở sát vách nhau, hơn tôi có ba tuổi thế mà bên bác Thành cả 3 đứa con một trai, hai gái đã có chồng con đề huề. Còn tôi thì mãi đến tháng sau mới có cháu gái đi lấy chồng.
          Đi dự đám cưới bạn bè, xóm giềng, nội ngoại thì nhiều nhưng đến lần nhà mình thì thấy cứ bồn chồn, lo lắng mất ăn, mất ngủ chỉ sợ không chu đáo hoặc có xơ xuất gì thì tiếng để đời.
          Tôi tự nhủ: Tốt nhất là cắp cặp sang bác hàng xóm học hỏi kinh nghiệm. Xin tương chẳng xấu mặt nào, chắc chắn sẽ thu hái được nhiều điều bổ ích.
          Khề khà bắn xong điếu thuốc lào bác bảo: Tổ chức thành công một đám cưới là sự liên kết của nhiều bước, nhiều khâu. Trong đó có lẽ mời cưới là mất thời gian, đau đầu nhất, đông thời cũng là thử thách của lòng kiên trì và sự nhẫn nhục. Đây là lúc mình cần người chứ không phải người cần mình, đừng có tự ái mà hỏng việc. Chú thử tưởng tượng cỗ bàn bầy ra, nội ngoại đông đủ mà quan khách thì thưa thớt, hôn trường vắng hoe thì sẽ như thế nào nhỉ. Tôi ngắt lời bác: Em nghĩ cũng đơn giản thôi mà, mình quen biết ai thì mời, chỗ thân thiết thì càng phải mời, hoặc từ trước tới nay ai đã mời mình thì bây giờ mời lại. Thực ra xét trên một khía cạnh nào đó thì nó là cái nợ đồng lần thôi mà, người xưa chả đã tổng kết “Của xin là của lo, của cho là của nợ” mà bác.
          Bác bảo: Chú em đơn giản quá! Không phải như một cộng với một bằng hai đâu. Để anh kể chú nghe mấy chuyện đi mời cưới mà cười ra nước mắt.
           Chuyện thứ nhất: Hồi tôi tổ chức cho cháu thứ ba, có đến mời ông Thắng. Chả là trước đó gặp tôi ông hay hỏi han chuyện hạnh phúc của các cháu và dặn nhớ khi nào chúng nó cưới phải mời ông đến dự cho vui. Tôi nói: Bác cứ đùa em chứ, mời đã chắc bác đến à. Ông bảo: Chỉ sợ vợ chồng mày không có cỗ mà mời chứ đã có nhời dứt khoát tao sẽ đến, không đến dự đám cưới con mày thì còn dự đám nào nữa. Vì cả bốn đứa con ông lần lượt cưới vợ, gả chồng lần nào tôi cũng được mời tới dự. Nghĩ đến tình cảm, chỗ quen biết tôi lóc cóc đội nắng, đạp xe mang thiệp mời đến gõ cửa nhà ông. Chờ lúc sau ông ra mở cổng, vồn vã mời tôi vào nhà. Cầm cái thiệp mời và nghe tôi trình bầy, ông cười cười rồi chẳng biết đùa hay thật: Tao đang bị huyết áp cao, bác sĩ cấm không bia bọt, rượu chè gì, ăn uống càng phải kiêng khem, đi dự đám cưới con chú cho xấu đội hình ra à. Thôi chúc mừng các cháu, thông cảm nhé.
- Xin lỗi bác, sống gần bác mấy chục năm mà em không hay bác bị bệnh. Thế bác bị lâu chưa ạ?
- Cũng ngót nghét chục năm rồi đấy. Trông tao thế này thôi nhưng trong người đầy bệnh.
Tôi ngượng ngùng chữa thẹn: Nom bác còn phong độ lắm, nhưng không sao ạ, em không báo thì bác lại trách, bác đến được với vợ chồng em thì vui. Còn ốm đau thì thôi bác đi lại làm gì cho vất vả. Em cảm ơn bác.
Anh nói tiếp: Rồi tới đây chú đi mời cưới con mà xem, như đi ăn cướp. Phải tranh thủ cả sáng, trưa, chiều và tối nữa. Nhiều nhà mình phải đến 2 – 3 lần, phải đứng chầu chực ngoài cổng, thậm chí họ còn không thèm mời vào nhà. Trao và nhận thiệp mời qua khe cổng sắt. Rồi có nhà mình phải căn giờ xem lúc nào họ có nhà để ập vào mời. Gia chủ bỗng thành khổ chủ. Chai mặt đấy, phiền phức và mất thời gian lắm.
Chuyện thứ hai: Chú Hải đi mời cưới con trai. Đến nhà thằng bạn thân vốn là giáo viên cùng Khoa. Cả hai đã về hưu, nhà ở hai tổ dân phố kề nhau. Chú nói chuyện: Em đến lần thứ ba, bấm chuông, chờ một lúc lâu mới thấy chị vợ ra mở cổng. Chị thanh minh mải trông cháu mãi tận tầng hai. Em nói lời mời. Chị cầm thiệp xem qua: Nhà bác vẫn còn đứa nữa cơ à, bác cứ chuẩn bị cỗ đi chắc chắn nhà em có một xuất. Lúc quay vào tôi nghe chị lẩm bẩm: Lại cưới. Hôm tổ chức tiệc cưới họ hàng nội ngoại, anh em bạn bè của bố mẹ, của con đến dự chúc mừng đông vui nên cũng chẳng thể để ý được xem bạn bè ai đến dự, ai bận không đến được. Hai tuần sau tôi gặp anh trên đường thể dục buổi sáng, anh trách tôi:
-Tôi chẳng hiểu ông nghĩ sao mà tổ chức cưới con trai, chỗ bạn bè, thân quen từ lâu, người khác ông còn mời được mà đến tôi ông không có ý kiến gì. Hai đứa con tôi ông đều đến dự mà có ngày vui của con ông thì tôi lại không biết mà đến. Tôi buồn cho ông quá! Bận không đến được thì ông cứ A-lô cho tôi cũng được chứ sao, câu nệ gì.
-Sao ông lại trách tôi. Tôi đến nhà vợ ông đang trông cháu bảo ông đi vắng. Thiệp mời tôi đưa tận tay vợ ông cơ mà, chắc chị ấy quên đấy.
Anh im lặng không nói gì, chúng tôi chuyển nhanh sang đề tài khác.
Hôm sau gặp lại, anh bảo: Tôi thành thật xin lỗi ông, nói ra thì xấu hổ. Tối về tôi hỏi vợ, lúc đầu cô ấy chối bảo không có. Tôi truy tiếp thì cô ấy nhận anh có đến mời, thiệp mời bị cháu nó chơi làm bẩn nên vứt đi thành thử quên. Quên gì mà quên, con mình cưới song rồi, sợ mất tiền mừng chắc không muốn cho chồng đi đây mà. Cách hành sử ích kỉ làm xấu mặt chồng, mất hết cả bạn bè. Bực mình tôi mắng cho một trận, phải xin lỗi rối rít. Tôi nói thẳng lần sau còn tái diễn nữa thì không xong với tôi đâu. Đúng là cái đồ đàn…
-         Này, không được nói xấu vợ đấy nhé.
Thấy anh tỏ thái độ rất bực bội, tôi vội xoa dịu: Chắc bà ấy bức xúc vì ông hay đi vắng để mình bà ấy trông cháu, lo việc nhà nên mới như vậy, chứ chẳng có tâm địa gì đâu. Thôi bỏ qua đi.
Chuyện thứ ba: Chú có thể tin được không, mang phong bì đi ăn cỗ, mừng đám cưới mà lại rút ruột phong bì.
Tôi thực thà: Em không hiểu. Đã tiếc tiền thì đừng đi nữa việc gì phải làm vậy cho mang tiếng ra.
-Thế mới có chuyện chứ.  Người ta lợi dụng cái sự tế nhị để làm cái việc đốn mạt ấy. Gia chủ kiểm phong bì thấy bên trong không có gì cũng chỉ nghĩ chắc có sự nhầm lẫn hoặc sơ xuất gì đấy. Thông cảm. Ai lại đi hỏi. Chuyện chỉ vỡ lở khi mấy bà có con mới cưới to nhỏ với nhau, thì ra nhà nào cũng có cái phong bì không ruột. Bà Lan bảo: Nếu chỉ một nhà thì không nói làm gì, đằng này cả năm nhà đều có hiện tượng ấy thì chắc có uẩn khúc gì đây. Cũng là chỗ chị em với nhau cả để tôi lựa lời hỏi xem sự thể ra sao.
Nghe xong câu chuyện bà Hải đớ người ra: Chị đã hỏi thật thì em cũng xin nói thật. Chính tay em là người xếp tiền mừng vào phong bì. Dạo này em đang ăn kiêng nên giao cho ông xã đi ăn cỗ mừng các cháu. Xin lỗi chị để em kiểm tra lại xem. Chị nói vậy nhưng trong thâm tâm nghĩ ngay đến chuyện lão chồng đã làm trò ấy, rút ruột lấy tiền chơi đề. Qua truy hỏi cuối cùng lão đành phải nhận. Chị muối mặt hôm sau phải đến xin lỗi từng nhà.
Nghe chuyện đến đây tôi ngạc nhiên: Còn có chuyện ấy cơ à. Nhưng chắc cũng chỉ là cá biệt thôi. Bác bảo: Ừ anh cũng nghĩ như thế. Nhưng người ta có thể rút ruột cả cái phong bì thì những lão bị vợ quản hầu bao, nghiện ngập, hay cá độ, thích cờ bạc, rượu chè, gái gú…ngán gì mà không moi một nửa hoặc một phần ruột cái phong bì. Tệ quá!
Chuyện thứ tư: Hôm ông Hòa rủ anh đi ăn cưới con trai chú Hảo. Muộn con, được mỗi thằng chống gậy nên chú ấy cũng muốn tổ chức sao cho thật đàng hoàng, trang trong. Ông Hòa hỏi anh:
- Minh đi phong bì bao nhiêu bác nhỉ?
- Ít ra thì cũng phải dăm trăm.
- Sao bác đi nhiều thế!
- Thế chú định bỏ phong bì bao nhiêu.
- À mà cũng phải. Bác chơi với ông ấy từ lâu rồi. Còn em chỉ là chỗ quen biết, cũng chẳng thân thiết gì, em đi trả nợ đồng lần. Hồi em tổ chức cho thằng út, anh ấy mừng một trăm, bây giờ em cũng trả lại một trăm. Thế thôi, anh em mình về hưu cả, đến dự cho là tốt lắm rồi.
- Chú dựng vợ cho cậu út chắc cũng được dăm năm rồi nhỉ.
- Quanh đi quẩn lại mà đã 6 năm rồi đấy, nó đã có 2 con rồi. Nhanh thế đấy.
Tế nhị quá, chẳng biết nên góp ý thế nào, tôi vội lảng sang chuyện khác:
- Lương hưu chú được bao nhiêu một tháng nhỉ?
- Em nghỉ hưu quân hàm Đại tá, mỗi tháng được hơn 11 triệu. Bà xã em hơn 6 triệu nữa. Hai vợ chồng trừ chi tiêu xả láng tất tần tật còn lại cũng tiết kiệm được chục triệu mỗi tháng.
Tôi gật gù: Thu nhập của vợ chồng chú như vậy là nhất tổ dân phố ta rồi đấy. Biết tính toán như chú chẳng mấy chốc thành tỷ phú.
Chuyện thứ năm: Hôm có việc về quê, lúc lên trời nắng nóng tôi ghé vào một quán cóc gọi cốc nước mía giải nhiệt. Ngồi bàn bên cạnh có hai ông chạc trên dưới năm mươi, áo quần chải chuốt chắc ăn cỗ cưới về. Nghe hai ông to nhỏ mà thấy buồn lòng.
Ông cravát đỏ:
-         Cưới xin thời buổi này triền miên xuốt cả 4 mùa. Đi ăn cỗ như chạy xô, ngồi vào mâm như tra tấn, mệt mỏi quá. Nợ thì phải trả thôi chứ chẳng sung xướng gì cả. Thế sao ông lại quen biết gia đình ấy.
Ông cravát xanh:
-Nào thân thiết gì đâu. Bà xã tôi có thuê mấy thước ruộng để trồng rau muống cạnh ruộng rau nhà ông ấy. Thi thoảng gặp ngoài ruộng rau chào hỏi mấy câu gọi là chỗ quen biết. Hôm nhận được thiệp mời tối cứ đớ người ra. Cho xe loanh quanh, hỏi đường cả tiếng đồng hồ bạc hết cả mắt. Chả nhẽ họ đã cất công mời mình lại không đi. Mà đi thì thấy mình cũng vô duyên. May mà còn có ông chứ đến đấy chẳng lễ cứ cắm mặt vào ăn, chẳng quen biết ai mà trò chuyện cả. Cũng đã có trường hợp khi gặp nhau chỉ chào hỏi mấy câu xã giao. Cũng có khi chỉ quen biết khi đến cửa hàng mua mấy viên thuốc… Nhưng khi nhà có đám cưới là có thiệp mời. Cầm cái thiệp mời trên tay mà phải đắn đo nên đi hay không.
 Nghe chuyện đến đây tôi thấy đau hết cả đầu. Ai ngờ chuyện mời đám cưới tưởng đơn giản lại quá phức tạp như vậy. Tôi thưa: Thôi em hiểu rồi, bây giờ em xin bác một lời chỉ dẫn khái quát để em lấy đường xoay xở.
-To hay nhỏ là chuyện của chú, nhưng đây là đứa đầu nên chắc cũng đông người đến chia vui. Còn cụ thể mời những ai thì anh không dám khuyên chú – Bácbảo - bởi còn tùy thuộc vào tình cảm và mối quan hệ của chú. Nhưng mời ai thì chú cũng phải cân nhắc, đặc biệt với những người đã lớn tuổi, người đang có bệnh phải kiêng khem, các đối tượng con cái họ đã trưởng thành, đã lập gia đình. Ở khu vực ta đây không phải trung tâm thành phố mà mời đi khách sạn là nhiều người ngại đấy. Những người không phải chỗ bạn bè thân thiết mời chỉ làm khó người ta. Rồi chú còn phải trừ đi một tỷ lệ %  vì lí do đột xuất không đến được. Mục đích sao cho vừa cỗ. Đấy nhà ông Trương, ông Canh cùng đơn vị với mình làm rõ to đều hơn trăm mâm. Cứ tưởng đã mời thì ai cũng đến. Cuối cùng thừa bứa, mang cho không xong phải chờ đến tối thuê xe mang đi đổ. Như vậy vừa lãng phí mà còn để tiếng, thiên hạ họ cười cho. Rồi dẫn đến trách móc, bạn bè chẳng thèm nhìn mặt nhau nữa.
Cả đời người chỉ có một lần, đàng hoàng, nhưng phải chân tình. Cái quan trọng là thái độ của cả người đi mời và người được mời. Nếu chỉ mang tâm trạng đòi và trả hay tính toán vụ lợi thì chẳng còn ý nghĩa gì cả.
-         Vâng em đã hiểu, phức tạp quá bác nhỉ.
          Bác bảo: - Chú cứ vui vẻ mà lo sao cho vẹn toàn. Nói đi nhưng cũng phải nói lại, đa số anh em bạn bè đến với mình vì cái tình, cái nghĩa. Đấy hôm anh tổ chức cho thằng thứ hai nghĩ đường xá xa xôi, trời đông giá rét nên không mời số anh em ở Ninh Bình. Thế mà chúng nó điện lên trách rồi báo 3 mâm, hôm sau đánh 2 cái ô tô lên chia vui.  Mấy ông bạn ở Hà Đông, Bắc Ninh chẳng biết nghe ai mách cũng đi xe máy mấy chục cây số đến chúc mừng. Nhà có việc, mình đã có lời là bà con lối xóm mỗi người một chân, một tay sang giúp cứ vui như tết. Quý lắm. Tình nghĩa như vậy có núi tiền cũng chẳng mua được chú ạ.   
Sự chân thành và cởi mở của bác làm tôi thấy yên lòng.
 
tin tức liên quan