Chuyện nhặt
Ở câu lạc bộ cầu lông tổ dân phố tôi có cả thẩy 12 cụ, toàn cán bộ trung, cao cấp trong Quân đội nghỉ hưu. Cứ tầm 4-5h chiều là tập trung giao hữu. Ai đấu cứ đấu, còn lại thì ngồi quanh bàn trà điểm tin thời sự, rôm rả lắm. Thôi thì đông, tây, kim, cổ chẳng thiếu chuyện gì. Trong số đó có ông Trung và ông Hải vì tường tận vi tính, ngày nào cũng ngồi cả buổi rong ruổi trên mạng, nên có nhiều chuyện thời sự để đàm luận. Ít tuổi hơn cả nên tôi chỉ chầu rìa, vểnh tai nghe. Năng nhặt chặt bị, được ít chuyện xin kể ra để bạn đọc cùng suy ngẫm.
1: Ông Trung hỏi ông Hải:
-Ông ạ, ở nước ta hình như nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, hứa cho xong chuyện rồi bỏ đấy đã trở thành một căn bệnh của lãnh đạo các cấp rồi hay sao ý.
-Ông Hải: Vâng tôi cũng thấy thế. Chẳng phải bỗng dưng mà có đại biểu Quốc hội đã đăng đàn: Ở nước ta con đường dài nhất không phải từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mâu mà là từ lời nói đến việc làm.
-Thực ra thì đó là một chiêu trò-Ông Trung xen vào- là nghệ thuật trong cẩm nang cầm quyền. Có lẽ nó đã thành một phần đặc trưng của văn hóa lãnh đạo.
-Ông Hải: Cũng dễ hiểu thôi vì nó là con đẻ của bệnh quan liêu, thói mị dân, bệnh thành tích. Chẳng cần phải ai dạy cả, tôi tin rằng nếu một ngày đẹp giời nào đó bỗng dưng ông được ngồi vào một cái ghế lãnh đạo thì tự khắc thứ virut ấy sẽ nhiễm vào ông ngay.
-Ông Trung hỏi: Ông hay xem đài, báo. Không biết ở các nước họ có cái thứ văn hóa ấy không nhỉ.
-Nước nào chả có-Ông Hải nhấn nhá- nhưng đặc trưng thì khác nhau. Như ở Mĩ họ nói đi đôi với làm. Ông Trump với khẩu hiệu tranh cử “Đưa nước Mĩ vĩ đại trở lại”, bất chấp tất cả, đã thay đổi một loạt chính sách đối nội và đối ngoại của người tiền nhiệm. Ở Nhật, Hàn Quốc họ làm trước, nói sau. Sau thế chiến thứ 2 họ âm thầm lặng lẽ xây dựng lại đất nước chỉ 15-20 năm sau đã trở thành cường quốc kinh tế, cả thế giới phải xách cặp đến học hỏi. Trung Quốc thì tệ hại, họ nói một đằng nhưng làm một nẻo, ông này xiên xẹo lắm, cứ tin vào lời nói của họ thì mất nước như chơi. Còn Đức họ cứ lẳng lặng làm, chẳng cần phải khoa chân múa tay, khản cổ hô hào ầm ào trống rong cờ mở, cứ cắm đầu làm, thành quả sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”. Ở ta thì đấy ông xem: Đường sắt Cát Linh-Hà đông, chậm tiến độ cả chục năm, cứ mỗi lần dân kêu họ lại vẽ ra một cái bánh, 4 lần hoãn, nghe đâu phải đợi đến cuối năm sau mới thông tầu. Chuyện chống tham nhũng, hàng chục năm nay cấp nào cũng hô hào, từ TƯ trở xuống đến cơ sở ra biết bao nhiêu nghị quyết xong thì bỏ đấy. Ai cũng nói chống nhưng chẳng ai chịu hành động cả. Cũng may nhiệm kì này có bác Nguyễn Phú Trọng và ban lãnh đạo mới chứ không thì đại họa, chẳng biết đất nước mình rồi sẽ đi về đâu. Mấy cái BOT vẽ bánh thì hay, đến khi đưa vào sử dụng mới lòi ra đủ thứ chuyện. Chuyện bổ nhiệm hotgril ở tỉnh Thanh, nó sai sờ sờ ra đấy, ầm lên một dạo, tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí, các cấp lãnh đạo khản cổ kêu quyết tâm, quyết tâm rồi đâu lại vào đấy, sự việc lại chìm vào quên lãng…nhiều, nhiều lắm.
-Ông Trung thở dài: Những chuyện như vậy bác có nói cả tuần, cả tháng cũng không hết. Ở xứ ta nói nhiều làm ít, nói hay làm dở đã trở thành căn bệnh trầm kha rồi, một khi đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của trong lãnh đạo thì khó sửa đấy.
Chỉ khổ dân thôi.
2- Ông Trung tò mò hỏi ông Hải: Hôm rồi hình như bác nằm trong thành phần chính của đoàn đại biểu đi dự Đại hội CCB ở Phường. Thế nào thành công tốt đẹp chứ bác.
-Ông Hải: Ừ, hội nghị diễn ra suôn xẻ, đồng chí Bí thư có bài phát biểu quan trọng. Đại hội thành công tốt đẹp.
Nghe ông Trung với ông Hải hỏi nhau, ngứa mồm tôi cũng xen vào: Xin lỗi 2 ông nhé, ở nước mình, bài phát biểu nào chả quan trọng, hội nghị nào chả thành công tốt đẹp. Nói thật nhé em nghe những từ ấy nhàm cả tai rồi. Đang xem tivi cứ đến cái đoạn như thế là em chuyển kênh luôn.
-Ông Hải phản ứng: Chú em nói thế nào ấy chứ.
-Bác chuyên lang thang trên mạng mà chẳng nhớ. Đấy em đố bác tìm được có hội nghị nào từ cao xuống thấp mà không thành công tốt đẹp. Có bài phát biểu nào của lãnh đạo từ TƯ đến cấp cơ sở không quan trọng. Từ bài phát biểu mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế ( đương nhiên là quan trọng thật rồi) đến bài phát biểu dự khai giảng năm học mới của một trường mầm non, bài phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sinh đẻ có kế hoạch...tất tần tật cứ của lãnh đạo từ Xã, Phường trở lên là quan trọng. Nói thật nhiều bài phát biểu quan trọng nghe mà cứ linh ta linh tinh vòng vo Tam quốc chẳng biết họ nói cái gì. Dịp Đại hội đảng bộ nhiệm kì vừa qua tổng hợp ở các Tỉnh, Thành phố trực thuộc TƯ, bầu thiếu 38 cấp ủy viên ( chiếm 1,08%). Bầu Ban Thường vụ thiếu 39 người ( chiếm 4,03%). 41/65 đảng bộ không bầu được cán bộ trẻ tham gia ban thường vụ theo quy định. Số lượng phó bí thư cấp ủy so với đề án nhân sự thiếu 09 người ( chiếm 0,93%). Có 2 Phó Bí thư Tỉnh ủy trúng BCH nhưng không trúng cử Ban Thường vụ. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cá biệt có nơi còn biểu hiện thiếu đoàn kết, thống nhất*. Ấy vậy mà tất cả đều thành công tốt đẹp.
-Ông Trung xen vào: Nói thành công tốt đẹp là có cái lí của họ, chẳng lẽ cả năm trời chuẩn bị, hàng chục cuộc họp, tốn bao nhiêu giấy mực ghi chép, cả tiền của nữa rồi danh dự của cả Đảng bộ, của địa phương...chẳng lẽ nói không thành công à. Tóm lại: Cứ khai mạc đúng giờ, hoàn thành chương trình đề ra và có bế mạc là thành công tốt đẹp.
Cũng may trong kho tàng từ vựng nước ta còn có cụm từ “Thành công tốt đẹp” để mà khoe.
3-Theo dõi kì họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vừa rồi điều gì làm ông ấn tượng nhất – Ông Hải hỏi ông Trung.
-Nhiều, từ chương trình nghị sự, cách điều hành của chủ tọa, chất lượng phát biểu của các đại biểu…nhưng em ấn tượng nhất là cụm từ “Trên nóng, dưới lạnh”, “ Trên bảo dưới không nghe” mà các bác lãnh đạo Đảng ta và các đại biểu Quốc hội nhiều lần nhắc đến. Điều ấy chứng tỏ ở ta nhà nước pháp quyền đang bị thử thách, một hiện tượng đáng báo động đấy ông ạ.
Ông Hải: Đấy là biểu hiện khá phổ biến hiện nay. Nói là việc của bác, Nghị quyết bác cứ ra, cứ gào thét, cứ kêu gọi còn làm hay không là việc của em.
-Ông Trung tỏ thái độ bất mãn: Thế thì loạn mất, chẳng còn ra thể thống gì cả. Này thế theo ông thì vì đâu nên nỗi ấy nhỉ.
-Tôi thử nói ông xem có phải không nhé -Ông Hải- Quyền lực và trách nhiệm không rõ ràng. Năng lực và đạo đức công vụ kém. Văn hóa ứng sử theo kiểu gia đình chủ nghĩa, giơ cao đánh khẽ…nhưng có lẽ xâu xa nhất là kỉ cương, phép nước không nghiêm. Là Nhà nước pháp quyền nhưng pháp luật lại không được thượng tôn. Cả tỷ chuyện. Phường, xã thì “quên” chỉ đạo của Quận, Huyện. Quận Huyện thì “hiểu nhầm” chỉ đạo của Tỉnh Thành. Tỉnh Thành thì là vua một vùng. Chỉ nói riêng cái vụ Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng ấy thế mà sau một năm rừng vẫn bị tàn phá. Nổi cộm là vụ phá gần 61 ha rừng ở huyện An Lão, Bình Định, rồi hàng trăm ha rừng phòng hộ ở huyện Tiên Phước , Quảng Nam…Tỉnh nào có rừng thì ở đấy có nạn phá rừng. Tám tháng đầu năm 2017 cả nước xẩy ra 11.687 vụ phá rừng trái pháp luật.
Cả một cánh rừng bị tàn phá, hàng trăm m2 gỗ lưu thông chót lọt, có phải cái kim đâu, chẳng lẽ chính quyền ở các địa phương ấy không biết à?
-Ông Trung phân vân: Những vụ việc to như con voi, có lẽ các cấp lãnh đạo mải bận họp nên không nhìn thấy.
-Ông Hải cười to: Biết cả đấy, nhưng anh có, tôi có, chúng ta cùng có thế là huề cả làng, làm gì được nhau ngoài rút kinh nghiệm, phê bình, kiểm điểm “sâu sắc”!
-Ông Trung: Phải thế nào chứ, như thế thì không ổn. Quyền lực của một người do Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Thủ tướng Chính phủ có muốn cũng chẳng làm gì được họ. Có lẽ TƯ phải xem lại cơ chế.
4- Ông ạ. Phen này thì nhiều cầy cáo, sâu mọt sẽ phải vào lò thành than.
-Ông Trung hể hả: Bà con tổ dân phố mình phấn khởi lắm. Lòng tin bắt đầu được khôi phục. Ai cũng ca ngợi bác Nguyễn Phú Trọng. Đi đến đâu nhân dân ta cũng xôn xao bàn tán về mấy vụ án lớn đang xét xử. Những ai có tư tưởng hoài nghi nhất về tuyên ngôn “ không có vùng cấm” cũng phải xem lại.
-Giỏi quá đi chứ - Ông Hải cũng phấn khởi- nếu không phải là bác Trọng dám phanh phui, gột rửa những nhem nhuốc, mà để cho cái đồng chí X nào đấy cầm trịch thì đại họa rồi. Ở thời điểm này có lẽ chỉ bác ấy là người có đủ tầm của một lãnh tụ để châm lửa đốt lò thiêu cháy cả củi to, củi nhỏ, củi khô, củi ướt như thế. Nếu tình hình tham nhũng và suy thoái không được loại trừ thì Đảng này, chế độ này, đất nước này không biết rồi sẽ đi về đâu.
-Ông Trung: Tham nhũng, lãng phí như thế chả trách dân ta vẫn nghèo. Đấy ông xem đã hơn 40 năm từ ngày đất nước thống nhất, 30 năm từ ngày đổi mới ta mới thoát nghèo thành nước có thu nhập trung bình. Bình quân đầu người mới đạt 2.400 USD. Đau quá, nhìn người ta mà thèm.
Ông ạ, bác Trọng là người lĩnh xướng, trực tiếp chỉ đạo. Nhưng thành công hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố, nhất là sự đồng lòng, hợp lực của toàn Đảng, toàn dân ta.
-Ủng hộ quá đi chứ-Ông Hải khảng khái- có sức đến đâu thì ta ủng hộ đến đấy. Tôi, ông và tất cả chúng ta phải sắn tay áo vào, tiếp thêm lửa cho cái lò ấy cháy to hơn, nóng hơn để diêt trừ cho bằng hết lũ tham nhũng, sâu mọt.
-Tôi ủng hộ, ông đúng là một CCB có chí khí.
5-Thế ông đã biết tin ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1-thành phố Hồ Chí Minh nộp đơn xin từ quan chưa?
-Ông Hải trầm tư: Mới nghe tin lúc sáng. Ông này là Phó Chủ tịch được phân công phụ trách mảng quản lí trật tự đô thị. Hồi ông ý ra quân chỉ đạo việc giải phóng, lập lại trật tự vỉa hè lòng đường được dân chúng ca ngợi lắm. Nhưng rồi “lực bất tòng tâm”.
-Ông Trung tỏ ra bức xúc-Sao lại “lực bất tòng tâm”, đứng phía sau ông ấy là Đảng, chính quyền, còn cả hệ thống chính trị nữa cơ mà. Chẳng lẽ tất cả đều bất lực à.
-Đấy, vấn đề là ở chỗ ấy.
-Tại sao một việc làm tốt như thế, được đông đảo người dân ủng hộ mà lại gặp khó khăn nhỉ. Tôi e rằng có điều gì không ổn ở phía sau cái đơn xin từ quan của ông ấy.
-Ông Hải rành rẽ: Thì ông ấy chả đã nói trong đơn rồi là gì: Việc sử lí hành vi lấn chiếm lòng lề đường đã đụng chạm đến lợi ích của các bãi giữ ô tô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền… “ và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó”. Mặc dù đã nộp đơn rồi, trong khi đang chờ đợi nhưng ông ấy vẫn quyết liệt, vừa rồi tiếp tục chỉ đạo đình chỉ 48 bãi trông giữ xe do các phòng, ban của UBND Quận 1 đứng tên quả lí. Những bãi giữ xe có dấu hiệu trục lợi.
Ông Trung thở dài: Thời buổi này muốn làm người tử tế cũng khó nhỉ.
-Ông Hải: Đây là một sự kiện có một không hai trong công tác cán bộ ở ta. Người ta đánh giá đó là một người có lòng tự trọng, một con người liêm sỉ. Dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt với sự thật và không coi việc tham quyền cố vị như một lợi ích đương nhiên.
-Ông Trung thở dài: Giá công bộc nào cũng được như ông ý nhỉ.
6- Sáng nay tôi mới nghe được thông tin ở Xã Vạn Thọ-Nghệ An nghịch tử Nguyễn Văn S. 37 tuổi con ông Nguyễn Văn Th vì thua cá độ bóng đá trận bán kết Việt-Nam – I-rắc tức khí nốc rượu say rồi nửa đêm về đốt nhà. Thật chẳng còn ra cái thể thống gì cả.
Ông Hải tỏ rõ là người am tường: Chẳng phải dân cá độ nhưng trong thâm tâm tôi cũng nghĩ đội U23 Việt-Nam ta không thể thắng nổi đội U23 I-Răc. Thú thực tôi xem chỉ để xem ta thua như thế nào và thua bao nhiêu thôi. Họ được dư luận cả quốc tế và trong nước đánh giá cao hơn ta về mọi mặt, là một đội bóng mạnh nhất nhì châu lục, từng Vô địch AFF cúp, trước khi gặp đội VN ở vòng loại trực tiếp họ là đội bất bại. Đấy bác xem, họ sở hữu một dàn cầu thủ có thể hình to cao, thể lực xung mãn. Kĩ thuật đi bóng, cầm bóng, chuyền bóng cũng thuộc hạng điêu luyện…thế mà phải gục ngã trước đội tuyển của chúng ta. Đúng là một kì tích, kì tích. U23 VN là đại diện duy nhất của bóng đá Đông Nam Á vào bán kết. Tự hào lắm!
Ông Trung cũng thể hiện mình không thua kém: Trận đấu đầy kịch tính, mang lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, không dành cho người yếu tim. Hàng chục năm nay, đây mới là một trận đấu hay và đáng xem như thế. Tỉ số rượt đuổi đến chóng mặt ở 2 hiệp phụ. Nhưng gay cấn, hồi hộp nhất là ở loạt đá penanti. Phải nói rằng đội hình của ta không thua kém gì đội bạn cả về thể lực, kĩ thuật và chiến thuật. Còn tinh thần, ý chí, bản lĩnh, lòng tự tin dám cầm bong, dám đôi công, nhiều miếng đánh, nhiều đòn thế thì khỏi phải nói, quá tuyệt vời. Chiến thuật phòng ngự chủ động, những miếng đánh phối hợp phản công nhanh, những đường chuyền ngắn đan cài biến hóa, những pha tranh cướp bóng quyết liệt, lăn xả, không ngại va chạm, kĩ năng chớp thời cơ ghi bàn và một thủ môn tài hoa…tất cả đã làm nên một chiến thắng tuyệt vời.
-Ông Hải cười vui: Còn một nhân tố nữa là vai trò của huấn luyện viên người Hàn Quốc, ông: Park Hang-seo. Ngoài độ quái trong chiến thuật, sử dụng người hợp lí, bất ngờ khi thay cầu thủ... Ông còn truyền cho học trò của mình ngọn lửa tự tin trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh kể cả khi bị dẫn bàn trước, nhưng lúc bị trọng tài o ép, sử phạt nặng tay… Một nhân tố có tính chất quyết định. Xin cảm ơn ông Park.
Ai mà trót bỏ lỡ không xem trận đấu có một không hai này thì quả thật đáng tiếc. Thể thao đẹp, trung thực, cống hiến mang lại sự hứng khởi cho cả một dân tộc. Đấy ông xem ở tất cả các thành phố, đô thị rừng người, rừng cờ nườm nượp, tươi vui, cười nói, biểu lộ tình yếu với bóng đá, với đội nhà. Nhưng cũng phải luôn nhắc nhau: Không quá khích, cạo đầu, khỏa than, đập tivi la ó, có cử chỉ và hành động thiếu văn hóa.
-Ông Trung đồng tình: Đúng đấy, xem cổ vũ cho vui, cho biết chứ chớ có cá độ rồi bán nhà ra đê mà ở đấy.
CTV: Hoàng Văn Kính