Là người sớm tìm đến với Trang Thông tin Điện tử Trường Sơn – Hoàng Văn Kính rất quan tâm đến Trang này và tâm huyết của anh đã dành cho nó với không ít những bài viết rất “xứng tầm” về những mẩu chuyện lục trong ký ức một thời binh nghiệp của mình; những bài viết, những mẩu chuyện mà đời thường hôm nay anh gom chắt được từ cuộc sống muôn màu của xã hội…
Hoàng Văn Kính tự nguyện gia nhập Hội VHNT Trường Sơn và anh cũng là người rất ý thức và tích cực chung vai cùng đồng đội xây dựng Hội ngày một phát triển…
Vừa qua Hội VHNT Trường Sơn đã tổ chức Trại viết (sáng tác) tại Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Hoàng Văn Kính đã đăng ký tham gia Trại viết và anh đã “lọt vào mắt xanh” của Ban Tổ chức… Trong những ngày dự Trại - Hoàng Văn Kính đã tham gia đầy đủ các hoạt động của Trại như sáng tác văn, thơ; Giao lưu bình họa, tham luận… Ngoài ra anh còn biết “biểu diễn” Karaoke nhưng khác với mọi người, Karaoke của anh lại thiên về những bài hát mang đậm nét văn hóa dân tộc.
Điều thú vị và đáng nói hơn trong phần giới thiệu này là “Độ nhậy” của Hoàng Văn Kính khi Ban tổ chức Trại đề cập và phát động thường xuyên viết chuyện vui cười cho chuyên mục “Nụ cười Trường Sơn” của Trang Thông tin Điện tử Trường Sơn. Và thế rồi chỉ trong vài ba ngày Hoàng Văn Kính đã cho ra đời một chùm "sản phẩm đầu tay của mảng đề tài mới" với 10 câu chuyện vui – Những câu chuyện vui có thật tới “Trên trăm phần trăm”, những mẩu chuyện “hồn nhiên”, hài hài, dí dỏm… diễn ra chẳng đâu xa mà nó mang đến ngay từ Trại viết Đồ Sơn – Nơi hội tụ của trên ba chục tay viết với người cao tuổi nhất ở độ 83 và người thấp tuổi nhất ở độ 63…
Ban Biên tập Trang Thông tin Điện tử Trường Sơn xin lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc chùm chuyện vui cười nói trên của tác giả Hoàng Văn Kính.
Tác giả Hoàng Văn Kính tại Trại viết Đồ Sơn
Chuyện vui ở Trại viết Đồ Sơn
VẦN UÂN LÀ EM SƯỚNG RỒI
Tôi, anh Nguyễn Kim Chúc và Nguyễn Đại Duẫn được Ban tổ chức Trại viết 2019 xếp cho ở cùng phòng. Đã được đọc văn thơ của Duẫn trên Bản tin và báo của Hội nhưng cũng nhờ có cơ duyên mà hôm mới được “ mắt thấy, tay sờ “. Duẫn quê Quán Hầu, Quảng Bình thuộc hàng “non và xanh” nhất trại viết, mới 63 tuổi lẻ mấy tháng.
Lúc đầu chúng tôi gọi tên Duẩn thì bị đính chính: Em tên Duẫn chứ không phải Duẩn.
-Tên của chú khó gọi bỏ mẹ, đau cả mồm. Sao không là Duẩn mà lại là Duẫn – Tôi hỏi – Hay chú sợ phạm húy trùng tên với nguyên Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn.
-Khổ lắm bác ơi, chỉ tại cái thủ tục hành chính của ta đấy – Rồi móc túi chìa cho tôi xem cái chứng minh thư : Đấy bác xem chứng minh thư của em tên Duẩn, Nguyễn Đại Duẩn hẳn hoi, thế mà tam sao thất bản lại thành Nguyễn Đại Duẫn.
-Thế sao chú không đi bảo người ta chỉnh lại cho đúng với tên chuẩn của mình?
-Em đã thử rồi nhưng nhiêu khê lắm bác ơi. Phải qua rất nhiều cửa, qua rất nhiều thủ tục hành chính, liên quan đến việc phải điều chỉnh rất nhiều hồ sơ, giấy tờ như: Lý lịch, sổ lương, sổ khám bệnh…mà để đổi được mỗi cái giấy ấy phải chờ đợi cả tháng, phải mất cả chục lần đi lại tốn kém. Vợ em bảo: Chỉ tổ phiền hà, tốn tiền, mất thòi gian, thôi cứ miễn vần UÂN là em sướng rồi.
Bác Chúc ghé tai tôi: Dại quá vần UÂN sao sướng bằng vần UÔI được. Rồi bác tủm tỉm cười.
CAO THỦ
Trong số 3 anh em ở cùng phòng, bác Nguyễn Kim Chúc thuộc hàng cây cao bóng cả xét trên mọi phương diên: tuổi quân, tuổi đời, lăn lộn trận mạc, kinh nghiệm viết lách…Tôi đã bước sang tuổi 70. Nguyễn Đại Duẫn non và xanh nhất, những kinh nghiệm tình trường thì chưa biết “ mèo nào cắn mửu nào”.
Biết thân phận mình “ nhỏ bé” nên chuyện bếp núc trong phòng Duẫn xung phong làm hết. Chịu khó lắm.
Một hôm ăn sáng, caffé xong về đến phòng, Duẫn móc trong túi ra 3 túi café tan.
-Các bác cứ tập trung viết cho thật hay vào. Caffé, nước sôi có sẵn trong phích, lúc nào thấy bí câu từ thì xin mời các bác cứ tự nhiên.
-Café, cà pháo làm gì. Chú cứ làm ấm trà đặc là được - Bác Chúc bảo - Chú mua lẻ có mấy túm thế họ cũng bán à.
-Mua bán gì đâu – Duẫn thanh minh – Sáng nay mọi người về hết lúc thu dọn em thấy trong hộp cà phê của Trại còn 3 gói thế là em cầm về. Chả tội gì.
-Như vậy gọi là ăn cắp đấy nhá – Tôi đùa.
Duẫn bảo: Bác ơi, thiên hạ này ít nhiều ai mà chả ăn cắp.
Bác Chúc: Chú nói thế là phạm húy đấy nhá.
Em nói nghiêm túc đấy – Duẫn dãi bầy – Chỉ một việc anh em mình đang làm thôi: trong mỗi bài bác viết có bao nhiều hàm lượng là của riêng bác, còn lại bao nhiêu là của nhân loại. Của riêng bác chắc chỉ có ý tưởng và văn phong; còn con chữ, ngữ pháp, dấu chấm phẩy… là của thiên hạ chứ.
Duẫn nói thế anh hiểu rồi – Tôi bảo – Trong 3 cái túi café tan kia, nó có hàm lượng chất xám của các nhà phát minh, sáng chế, mà đấy là tài sản chung anh em mình được quyền sử dụng chứ có gì sai đâu. Nếu bảo là ăn cắp thì thiên hạ này ai chả ít nhiều có đôi ba lần ăn cắp. Mà càng làm nghề viết lách thì càng ăn cắp nhiều.
-Cái đó người ta gọi là đạo văn đấy. Chơi kiểu ấy là không đẹp-Bác Chúc phản đối.
-Em đồng tình với quan điểm của bác-Tôi nói- Nhưng hơn nhau ở chỗ phải biết biến cái của thiên hạ thành tài sản mang thương hiệu của riêng mình. Đấy mới là… cao thủ.
BỎNG MẮT
Trại viết 2019 được tổ chức tại khách san Thanh thiếu niên thuộc TW Doàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở Bãi 3 của bãi biển Đồ Sơn. So với bãi 1 và bài 2 thì ở đây tĩnh lặng, ít ồn ào, xô bồ hơn, rất phù hợp để các Nhà văn, Nhà thơ thả hồn vào những trang giấy.
Bước vào cuối Thu, trời xe lạnh. Trong suốt thời gian ở trại viết tôi chỉ bắt gặp duy nhất một người phụ nữ đều đặn cứ 6h sáng là dầm mình xuống mặt biển.
Tôi vô tình phát hiện được cũng bởi vì cứ tầm ấy tôi và bác Chúc cùng đi thể dục sáng, cùng đứng ngắm bình minh tỏa nắng phía chân trời.
Một buổi sáng, tôi đang đắm mình vào những con sóng lăn tăn lấp lánh ánh vàng. Đúng lúc người phụ nữ kia giũ nước đứng lên. Trong ánh bình minh trông cô đẹp lắm, quý phái lắm, đường cong cơ thể như tinh hoa của biển…Thì bác Chúc kéo tay tôi: Thôi ta đi đi.
Tôi giật tay lại: Bác chả có con mắt thẩm mĩ gì cả. Bình minh đang đẹp thế kia, hấp dẫn thế kia, lộng lẫy thế kia mà lại bỏ đi thì tiếc quá.
- Tớ thấy cũng đẹp thật, nhưng ngắm bình minh theo cái kiểu của cậu thì chỉ có bỏng mắt, còn nhìn thấy gì nữa mà viết.
Tôi đành phải bước đi trong sự nuối tiếc. Trong đầu cứ ao ước giá tạo hóa cho mình một đôi mắt ở phía sau gáy nữa thì quý biết mấy, như vậy con người mới thực sự hoàn chỉnh.