Chuyện vui từ Trại viết 2019

Ngày đăng: 04:10 14/10/2019 Lượt xem: 590
 Chuyện vui từ Trại viết 2019.
 
       XIN CHỮ KÝ!
 
          Phạm Thành Long
 
    Chẳng hiểu đốc chứng thế nào mà vừa bước sang ngày thứ hai của Trại viết, nhà thơ Phạm Đăng Kiểm lại nảy ra ý định xin chữ ký của các trại viên để lưu niệm. Chẳng đốc chứng mà 72 tuổi rồi lại muốn “lưu bút” kỷ niệm cứ như thuở học trò ấy!
    Phạm Đăng Kiểm đã xin được chữ ký của một số trại viên. Nhà văn Phạm Thị Hồng Loan (Nam Định) là cây bút nữ duy nhất và cũng ít tuổi nhất Trại viết. Loan ở một mình một phòng cạnh phòng ngủ của Phạm Đăng Kiểm và Nguyễn Doãn Thiết. Nhà thơ Nguyễn Doãn Thiết – một ông bạn thân của Phạm Đăng Kiểm biết ý định của bạn, liền hỏi:
-Thế ông đã xin chữ ký của “bé” Loan chưa? (Gọi là “bé” Loan nhưng chị cũng đã 58 tuổi rồi chứ ít đâu).
-Chưa. “Bé” ở một mình, nên tớ ngại quá!
-Thế ông có muốn xin chữ ký của “bé” không?
-Ông hỏi thừa. Tớ sẽ xin chữ ký của tất cả 35 thành viên của Trại viết.
-Theo tớ, ông không phải thay quần áo nghiêm chỉnh. Cứ cái quần sà lỏn mà ông đang mặc thế này ông gõ cửa phòng em. Tớ tin là ông sẽ được thỏa mãn.
Vừa nghe thế, Phạm Đăng Kiểm dãy nảy lên.
-Ông mách đểu à! Mặc quần sà lỏn mà sang gặp em thì coi sao được.
-Đểu là đểu thế nào. Ông nói thật nhanh mục đích của việc xin chữ ký với em. Tôi tin em sẽ ký vội để ông nhanh chóng mà ra khỏi phòng. Vì nếu không ký ngay để ông ở lâu trong phòng thì e bất tiện. Ông hiểu chưa? Ngẫm nghĩ một lúc rồi Phạm Đăng Kiểm gật gật đầu:
-Ừ. Nghe cũng có lý! Được rồi. Tớ sang luôn đây.
Nói rồi Phạm Đăng Kiểm mạnh dạn gõ cửa. “Bé” Loan mở cửa…
 
                                               xxx
 
    Phải một lúc lâu sau Phạm Đăng Kiểm mới vác sổ về phòng. Mặt anh tươi rói. Thấy vậy, nhà thơ Thiết “Nông dân” vội hỏi bạn.
-Xin được rồi chứ hả?
-Tất nhiên! Phạm Đăng Kiểm cười tươi.
-Đã bảo mà! “Mánh” của tớ chỉ có tuyệt. Nhưng mà sao ông ở phòng em Loan lâu vậy? Liệu có…
-“Mánh” mặc quần sà lỏn của ông trật lấc. Em không những không e ngại gì mà sau khi ký xong vào sổ của tớ, em còn tha thiết mời tớ ngồi xơi nước. Và đặc biệt là nhờ tớ nếm thử rượu của em nữa. Em bảo: “Em biết anh Kiểm sành rượu, nhờ anh “thẩm định” giúp xem can rượu này chất lượng thế nào ạ”.  Thế là tớ ngồi xuống chả ngại ngùng gì về cái quần sà lỏn cả. Chà, gia đình em vừa gửi cho em một can rượu trắng 20 lít để tối nay mời cả Trại viết uống đấy. Rượu thơm và ngon không kém gì rượu bà Nhung nhà tớ tự nấu gửi tặng ông Phạm Thành Long - đồng đội Binh trạm 35 của bà ấy đâu. Nghe Phạm Đăng Kiểm khoe, Nguyễn Doãn Thiết hơi nghi ngờ, nhưng rồi anh bảo:
    -Thế thì chiều nay ông lại kiếm cái cớ gì đó để được em tiếp tục mời nếm rượu lần nữa nhé. Mà này, khi nào đi thì nhớ rủ cả tớ nữa nhé. Nhưng cả hai thằng phải cùng mặc quần sà lỏn đấy!
     Nói rồi cả hai nhà thơ già cùng ôm nhau cười rung giường.
 
     “NÔNG DÂN 6 CON 9”

 
    Dời đêm giao lưu thơ ca trở về phòng, Hoàng Sỹ Khiêm đã hỏi ngay hai ông bạn nhà thơ Phạm Đăng Kiểm và Nguyễn Doãn Thiết, ngủ cùng phòng:
-Này hai anh. Tại sao lúc tôi đọc thơ thì mọi người lại cười rũ ra như thế nhỉ? Ở quê, lần nào tôi được mời lên đọc thơ thì mọi người đều vỗ tay khá nồng nhiệt. Hôm nay thì khác. Lạ quá! Tôi cứ thắc mắc không hiểu tại sao mọi người lại cười nhỉ? Hay mọi người cười tôi sơ suất trong ăn mặc?
Phạm Đăng Kiểm và Nguyễn Doãn Thiết lại được dịp cười. Lần này là cười cho sự thật thà, nông dân của Hoàng Sỹ Khiêm. Nhìn ông bạn thơ đồng niên Hoàng Sỹ Khiêm, Phạm Đăng Kiểm vừa cười vừa giải thích:
-“Trước đài liệt sĩ xã ta/Vẳng nghe những khúc tình ca không lời…” Khi nghe ông đọc câu thơ này mọi người cười câu thơ quá thật thà của anh chỉ một phần, còn chủ yếu là cười cái thần thái đọc thơ của ông!
-Nhìn tôi lúc ấy tội nghiệp lắm hả?
-Quả có thế. Nhìn anh thấy tồi tội thế nào ấy…
-Này ông Khiêm - Lúc này nhà thơ Nguyễn Doãn Thiết mới lên tiếng –  đám bạn bè vẫn bảo là tôi là ông nông dân thứ thiệt. Vàng chỉ 4 con 9 là “kịch đường tàu”. Tôi thì đám bạn bảo là “Nông dân 5 con 9” cơ. Mình cũng tự thấy như thế. Còn ông, ông hơn tôi một bậc đấy. trong con mắt tôi thì ông là “Nông dân 6 con 9”. Ông là nông dân xịn từ đầu tới chân đấy.
Đến lúc này, Hoàng Sỹ Khiêm cũng nhoẻn cười thật thà hỏi lại:
-Tôi nông dân lắm phải không?
-Anh là “Nông dân 6 con 9” thật mà. Mặc dù tôi vừa hỏi ông Phạm Thành Long, Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn được biết rằng, ông là lính thông tin tiểu đoàn 446, Sư đoàn 471. Ông dời Trường Sơn ra học đại học kinh tế quốc dân cuối năm 1974. Tốt nghiệp, ông công tác tại Sở Thương mại Thanh Hóa và nghỉ hưu tại đây. Ông là một trí thức. Nhưng dưới con mắt của nhiều người, trong đó có hai chúng tôi, thì ông là “Nông dân 6 con 9”. 
Hoàng Sỹ Khiêm lúc này đã cười một cách thoải mái. Giờ thì anh đã hiểu. Thì ra tiếng cười hôm nay trong đêm giao lưu thơ ca dành cho anh là như vậy – Một “Nông dân 6 con 9”!!!
 
PTL 

tin tức liên quan