Chuyện vui ở Trại viết Đồ Sơn (Tiếp theo) - Tác giả Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 08:50 26/10/2019 Lượt xem: 878
 Chuyện vui ở Trại viết Đồ Sơn (Tiếp theo) - Tác giả Hoàng Văn Kính
 
Tác giả Hoàng Văn Kính tại Trại viết Đồ Sơn
 
Chuyện vui ở Trại viết Đồ Sơn
 
TẠI RƯỢU EM
          Cả trại viết cả thẩy có 36 “ Văn Nghệ sỹ” nhưng chỉ duy nhất có một người phụ nữ viết. Mặc dù đã thuộc hàng U60 nhưng nom chị còn trẻ trung lắm. Mái tóc thề ngang vai, da trắng, dáng người nhỏ nhắn, tươm tất, chắc chắn chị phải là người phụ nữ của gia đình.
          Không biết uống rượu nhưng chị lại mang theo đến trại viết 3 can rượu trắng, mỗi can 10 lít. Thế là bữa ăn nào chúng tôi cũng có rượu. Mối mâm mỗi bữa chỉ được một chai lavi ½ lít thôi. Cái thứ rượu chỉ nhìn thấy đã muốn uống. Đấy là đặc sản của Thành Nam. Đặc biệt khi được nghe Loan giới thiệu đấy là đặc sản của quê hương Hải Hậu thì cứ muốn uông ngay và… uống mãi.
          Trưa hôm ấy, cơm nước xong tôi với bác Chúc về nghỉ sơm. Đang liu riu thì nghe thấy tiếng nôn thốc, nôn tháo trong toilet. Tôi bung chăn chạy vào, vừa đến cửa thì xộc vào mũi một mùi  lợm lợm, chua chua, tanh tanh.Thấy Duẫn đang cúi đầu vào trong bệ xí thở hổn hển, tôi ôm lấy 2 vai phía sau định dìu nó về giường thì bị phản ứng:
- Không sao đâu, em không say, chỉ thấy 2 mắt cứ lơ mơ thế nào ý.
Bác Chúc phán: Cái say của Duẫn không chỉ từ chất men mà từ đôi mắt và con tim. Ngồi nghe em Loan ca về rượu đặc sản Hải Hậu Nam Định thì chết là phải rồi.
Duẫn lừ mắt lên: Em nói thật nhá, bác với bác Kính mà ngồi đấy còn say hơn cả em. Biết đâu lại gục tại chỗ chứ chả chơi. Em còn biết đường mà mò về chứ 2 bác á có khi lại đi nhầm vào phòng em Loan ý chứ.
Nghe tiếng ồn ào, Loan cầm lọ dầu gió chạy sang. Lách vào giữa tôi và bác Chúc chị xoa dầu lên thái dương Duẫn rồi quay sang Bác Chúc nhưng lại cố ý nói để Duẫn nghe thấy: Tại rượu của em đấy, thôi hôm nào anh về quê em, em sẽ… Biếu thêm cho mỗi người một “can”…
 
ĐỔI GIÓ
         Chỉ còn hết ngày hôm nay là các Trại viên phải trả bài viết thực hành, có thể là Thơ hoặc Văn. Ngồi giam mình trong phòng, cắm mặt vào cái laptop suốt từ 8h sáng đến 3h chiều mà vẫn thấy bí rì rì, còn mỗi cái kết cho chuyện ngắn: “Những đứa con báo hiếu” mà cứ dập dập, xóa xóa, viết đi, viết lại mãi không xong.
          Thấy mặt tôi đần ra, Duẫn bảo: Bác cứ ngồi dí một chỗ đầu óc nó mụ mị chẳng sáng tạo được gì đâu, phải đổi gió. Thôi 3 anh em mình ra bãi làm cốc caffé cho thư giãn.
          Chúng tôi ghé vào một quán nước gọi 3 ly caffe đá. Bà chủ còn trẻ, tầm trên dưới 40, mặc áo 2 dây, 2 má hây hây, đôi môi đỏ chót, cười cười nói nói đưa đẩy cứ như đã thân quen từ lâu. Ở phía trong cô con gái cũng xinh như mộng, chỉ khác nó mặc cái quần sooc bò đến nách, lồ lộ 2 khoảng sáng chói mắt. Tôi ngồi nhâm nhi, đắm chìm vào hương thơm của ly caffe.
Quán vắng khách, bà chủ mang cốc nước ra ngồi cùng, chuyên rôm rả lắm, thi thoảng lại cười rung cả núi đồi. Cuối cùng tôi mới vỡ lẽ, chị muốn chúng tôi chuyển sang ăn ở chỗ chị.
 Lúc bà chủ vào nói chuyện với con gái, tôi ngoảnh lại thì chẳng thấy 2 người bạn đâu. Hóa ra họ đã sang bên kia đường ngắm hoàng hôn từ lúc nào. Họ đang cười nói, hỏi chuyện một bà cụ ngồi nghỉ chân vỉa hè. Tay cụ cầm cái gậy, trên đầu treo cái nón đã cũ.
          Bỗng phía trong có tiếng cãi nhau ầm ĩ:
          -Mày là đứa khốn nạn, đứa bất hiếu, mày trả ơn tao như thế à…
Cô con gái cũng chẳng vừa: Mẹ đừng gầm lên nữa, tôi chỉ thế thôi. Ai bảo bà sướng lên rồi đẻ tôi bây giờ còn rên rỉ cái gì…
          Bỏ dở ly caffe, tôi bật dậy hô mọi người ra về.
          -Ấy ấy anh, cho em xin tiền – Bà chủ gọi giật lại.
          Về đến phòng, tôi cắm ngay đầu vào cái laptop, chỉ sau 5 phút đã hoàn thành phần kết của truyện ngắn “ Những đứa con báo hiếu”.
 
BIỂN KHÓC
          -Kính, Kính. Duẫn, Duẫn dậy đi, dậy đi – Bác Chúc gọi giật giọng.
          Tưởng có chuyện gì, tôi và Duẫn vội tung chăn bật dậy.  Nhìn đồng hồ mới 3h sáng.
          Tôi dụi mắt: Chuyện gì mà bác hốt hoảng như có ma ám.
          Bác Chúc giơ một ngón tay trỏ lên môi: Suỵt, có nghe thấy gì không.
          Tôi với Duẫn nhìn nhau lắc đầu.
          Có tiếng khóc – Bác Chúc bảo – Cứ nghe thật kĩ xem.
          Chúng tôi cùng dỏng tai lên. Tôi tự hỏi: Tại sao biển lại khóc nhỉ. Biển mênh mông là thế, rộng dài là thế, mạnh mẽ là thế,  có biết sợ ai đâu.
          Duẫn nói khẽ: Ừ em cũng nghe thấy, tiếng khóc nỉ non lúc gần lúc xa. Chẳng lẽ biển cũng có nỗi niềm riêng à.
          Bác Chúc bảo: Đấy là tiếng khóc của biển. Đúng rồi, để tớ kể  cho các cậu nghe câu chuyện biển khóc nhé…
          Câu chuyện ám ảnh khiến tôi không sao ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là những con sóng lại chồm lên, tung bọt trắng xóa, giận dữ thét gào…  và tôi bật dậy làm bài thơ “ Biển khóc”:

Đêm Đồ Sơn tôi nghe biển khóc
Nươc mắt mặn mòi theo con sóng đầy vơi
Từ ngàn xưa biển và sóng yêu nhau
Biển giành trọn lòng mình cho sóng
Yêu say đắm sóng hòa vào lòng biển
Biển dịu êm ôm sóng vào lòng
Hạnh phúc sáng lung linh mặt biển
Đón cánh buôm rạo rực ra khơi
Rồi một ngày sóng vội vã bỏ đi
Để mình biển cô đơn, khăc khoải
Trách sóng bạc tình, biển mở lòng đón trăng
Lúc trở về thấy trăng  đùa với biển
Chạnh lòng sóng thề không tha thứ
Khi giận hờn, lúc ào ạt cuồng phong
Lúc biển động là sóng đang giận dữ
Tiếng thét gào xé lòng biển đau
Biển ân hận để bạc đầu sóng đợi
Lúc sóng vế lại khóc nỉ non.
tin tức liên quan