Chuyện vui về những ngày ở Trại viết Đồ Sơn (Kỳ thứ 5) - Tác giả Hoàng Văn Kính. Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam
Chuyện vui về những ngày ở Trại viết Đồ Sơn (Kỳ thứ 5) - Tác giả Hoàng Văn Kính
Tác giả Hoàng Văn Kính tại Trại viết Đồ Sơn
Chuyện vui về những ngày ở Trại viết Đồ Sơn
(Kỳ thứ 5)
( Chuyện viết sau khi rời Trại viết Đồ Sơn )
Phạm thượng
Để làm sôi động thêm không khí của trại viết, đồng thời cũng thay đổi phương pháp, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý giành cả một buổi chiều để các trại viên bình họa bài thơ “Lau biên giới” của Chế Lan Viên:
Ai lên biên giới cho lòng ta theo với
Về với ngàn lau chỉ trắng có một mình
Những ngàn lau đứng canh cho bờ cõi
Suốt một đời cùng với gió giao tranh.
Lúc đầu nhiều người còn e ngại: mình mới tập tọe viết, bình thơ của Chế Lan Viên có khác gì đũa mốc chòi mâm son?. Nhưng sau một vài ý kiến khơi mào thì không khí bỗng vỡ òa, ai cũng xin được phát biểu để nói lên cảm xúc, suy nghĩ của mình. Hầu hết các ý kiến đều ca ngợi cái hay, cái đẹp của bài thơ, cái tài của Chế Lan Viên khi dùng hình tượng cây lau, rừng lau để khắc họa tinh thần đoàn kết bảo vệ Biên cương của cả dân tộc nói chung và đồng bào các dân tộc ở vùng Biên nói riệng. Nhiều người còn đi sâu phân tích chỉ ra cái tài của Nhà thơ khi dùng những câu từ đắt giá, ngôn ngữ ẩn dụ làm nổi bật giá trị của tác phẩm. Riêng chữ lòng ở câu một cũng có đến mấy người bình nghe mát lòng, mát dạ.
Ai cũng khen bài thơ hay. Thơ như thế mới là thơ.
Lúc về tôi phải thú thực với cả phòng: Hay thì có hay nhưng có điều nó "Bác học" quá làm cho người đọc không dễ gì cảm thụ hết được cái tinh túy ẩn chứa trong mỗi câu từ. Có những chữ ngẫm nghĩ, lật đi lật lại mãi mà vẫn không sao hiểu được tác giả muốn nói gì như: chỉ trắng trong câu 2, hoặc cùng với gió giao tranh trong câu 4.
Duẫn nghe thế chen vào: Thơ thế mới là thơ chứ, buộc người đọc muốn thưởng thức được cái hay, cái đẹp phải tư duy, phải lao tâm khổ tứ, nhâm nhi dần dần. Chứ cứ chẻ hoe ra như của anh em mình thì cùng lắm cũng chỉ hơn con cóc một tý thôi. Kì này về em bắt vợ phải thuộc lòng bài thơ này để ru cháu. Cứ suốt ngày với mấy bài dân ca Nghệ Tĩnh, chăc nó nghe mãi rồi cũng chán.
Để tôi kể chuyện này cho Duẫn nghe: Mẹ vợ tôi năm nay đã 91 tuổi. Cụ không biết chữ nhưng thuộc đến mấy trăm câu Kiều. Nói đến Thúy Kiều là cụ tả: Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang. Nhắc đến Từ Hải cụ đọc: Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao. Nói đến mùa xuân cụ ngâm: Cỏ non xanh rợn chân trời… Có lần vui câu chuyện tôi hỏi bí quyết nào giúp cụ trường thọ. Chẳng biết thật hay đùa cụ bảo: Nhờ có thơ đấy. Ngày xưa nghèo lắm chỉ có lời ru thôi. Bốn đứa con trưởng thành được như ngày hôm nay cũng chỉ từ bầu sữa và lời ru của mẹ.
Một hôm, tôi mang về cho cụ bài thơ Đường: Con có bài thơ hay lắm để Cụ ru chắt cho nó mới mẻ.
Giương cặp kính lão, cụ vừa cất tiếng ru chưa hết câu đầu, đứa chắt đang lơ mơ bỗng khóc thét lên. Cụ bảo: Thơ này không ru được.
Tôi nghĩ bụng: Thằng bé này mới nứt mắt mà đã phạm thượng, vuốt mặt chẳng nể mũi gì cả.
Duẫn phân vân: Chắc cháu em cũng thế.
Cái tôi
Sáng nay bình minh đẹp nên bác Chúc cứ nấn ná mãi, phải giục năm lần bẩy lượt mới dứt ra được. Về đến nhà ăn thì mọi người đã xong xuôi đang ngồi uống nước. Những bát phở chưa kịp dọn còn la liệt trên bàn, phần cái thì hết sạch còn lại lõng bong toàn nước.
Nhìn nhân viên thu dọn, bác Chúc tiếc rẻ:
-Phở ngon nhất là ở cái nước. Nước phở là sự chắt lọc tinh túy của trời và đất. Bỏ đi thế này phí quá, tiếc quá.
Tôi nói: Chả biết bác thế nào chứ riêng em, đã ăn phở bao giờ cũng chỉ để lại cái chôn bát. Ăn hết và húp sạch. Bánh phở, xương bò, thịt bò và gia vị ở đâu cũng có, chợ nào cũng bán, cũng giống nhau. Cái làm nên sự khác biệt là ở nước phở. Cũng những thực phẩm như nhau nhưng mỗi nhà hàng lại có cách nấu, cách gia giảm khác nhau để làm nên thương hiệu của riêng mình. Để tạo sự độc đáo khác biệt có nhà hàng họ dùng cả con Xá sùng khô cho vào nồi nước dùng, nghe nói một cân đắt ngang một chỉ vàng mười. Ai đã ăn một lần thì không thể đi ăn ở chỗ khác.
-Đây là thương hiệu riêng - Bác Chúc phân tích - Bên cạnh cái chung thì mỗi ông chủ phải luôn tìm tòi, sáng tạo ra cái riêng của mình. Cũng như vậy, mỗi nhà thơ, nhà văn đều có văn phong bút pháp của riêng họ, chẳng lẫn vào đâu được. Bởi vậy có người chỉ thích đọc của người này mà không thích đọc của người kia, đấy cũng là thường tình. Những người tinh ý chỉ cần đọc một vài câu, một vài trang là biết ngay bài thơ ấy, truyện ngắn ấy là của tác giả nào. Đọc giả họ tinh ý lắm.
Duẫn đang ngồi uống nước ở bàn bên nhảy sang góp chuyện: Nghe các bác “ tọa đàm” em thấy phở là phở, văn là văn sao có điểm chung được. Đem phở đổ vào văn thì còn gì mà đọc. Thơ mà bỏ vào bát phở thì khác gì nước cống.
-Ít nhất có hai điểm chung – Bác Chúc giải thích - Thứ nhất: phải thể hiện được cái TÔI nếu muốn có thương hiệu. Thứ hai: Văn chương và phở đều hướng tới con người. Phở cho phần xác, văn thơ cho phần hồn.
-Có thế chứ, em hiểu rồi. Phần xác và phần hồn…đều phải có trong mỗi người chúng ta...