Nhà văn áo lính bỡn nhau
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tại một bệnh viện dã chiến ở Tuyên Quang, có một cô gái-nói đúng ra là một nữ hộ lý tên là Giang rất xinh đẹp và hiền dịu. Thương binh, bệnh binh đến đây đều quý cô, có nhiều anh đem lòng yêu cô. Khi xuân sang, đơn vị tổ chức làm báo tường. Thời cơ đã đến với những anh lính si tình. Họ biến luôn tờ báo tường của viện quân y thành “diễn đàn” để tỏ tình với nữ y sĩ nọ. Thôi thì bằng cả văn thơ, nhạc, họa. Lại có cả câu thách đối nữa. Câu thách đối như sau: "Giang lên rừng tìm nứa".
Ai đọc vế đối này cũng khen vừa thú vị, vừa hóc búa bởi lẽ vừa có chữ Giang-tên cô gái-lại có chữ rừng, nứa, giang, gợi không khí rất rừng núi, chiến khu. Có một anh quân bưu vừa vui tính, vừa trẻ lại đẹp trai tên Chạch, ốm nhẹ thôi, vừa vào viện đã đem lòng yêu cô Giang, nhưng khốn nỗi anh nông dân mặc áo lính này lại rất hiền. Xem vế đối, anh chỉ tủm tỉm cười rồi âm thầm xuống suối bắt cua, đặt bẫy lươn. Anh muốn giúp cô Giang cải thiện thêm cho anh em thương binh, bệnh binh. Chắc anh nghĩ đó là cách thiết thực nhất để tỏ lòng mình với người con gái. Như “đi guốc” trong lòng anh quân bưu, một anh chính trị viên đại đội (sau này là nhà văn tên tuổi) liền nghĩ ra một vế đối lại: "Chạch xuống ruộng mò lươn".
Cả bệnh viện đều khen là giỏi. Câu đối rất chỉnh, vừa có tên anh chàng Chạch, vừa mang nội dung rất đồng quê, hậu phương lớn để đối với Giang, rừng, núi chiến khu ở trên. Trước sự hân hoan, tán thưởng của mọi người, Giang và cả Chạch đều đỏ mặt vì ngượng. Sau đó, họ yêu nhau và cưới nhau... Bây giờ mỗi lần cụ ông, cụ bà Giang-Chạch vui lại nhớ về kỷ niệm xưa. Kỷ niệm về một cái Tết chiến khu, nhờ đôi câu đối mà họ được thành vợ thành chồng.
Thôi thì tự đối!
Cách đây chừng nửa thế kỷ, có anh bộ đội tuổi chừng đôi mươi theo đơn vị về diễn tập ở vùng chợ Cày (Thạch Hà, Hà Tĩnh), thấy cái tên chợ Cày là lạ bèn nảy ra một vế đối: "Đi cày lại, bể lại cày, lại chợ Cày, mua lại cày, về cày lại". Anh mời mọi người trong tiểu đoàn đối. Mọi người nghe thấy toàn những cày là cày rắc rối quá, rắc rối hơn là vế đối lại dùng cả tên riêng, cả từ địa phương như chợ cày, bể (vỡ), lại cày (lưỡi cày)... nên ai cũng lắc đầu. Mấy ngày sau, anh đội viên trẻ nọ, trong một cuộc sinh hoạt văn nghệ đại đội hỏi: "Có đồng chí nào đối được câu đối bữa nọ của tôi chưa?”. Chưa-mọi người trả lời. Anh tiếp lời: “Thôi thì để tôi tự đối” và đọc: "Muốn trổ nghề, không nghề trổ, về quê Trổ, học nghề trổ, mới trổ nghề". Ngẫm nghĩ kỹ mới thấy vế đối thật tài: Toàn là trổ đối với cày. Trổ nghề, nghề trổ, quê Trổ đối lại với cày lại, lại cày, chợ Cày... thật cứ chan chát. Anh bộ đội tuổi đôi mươi hồi đó là ai, chẳng phải mất công tìm. Đó chính là ông Tú Hói (tức nhà văn Xuân Thiều) về sau ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Đối đáp đêm Giao thừa
Quãng những năm 60 của thế kỷ trước, các nhà văn quân đội phần đông còn sống cảnh “Ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”. Tết con trâu năm ấy (1961), các đơn vị quanh khu vực thành đua nhau mổ trâu mừng năm mới. Ăn bữa cơm Tất niên tiễn năm con chuột (1960) xong, mấy nhà văn quân đội ngồi quây quần bên cành đào uống trà và... tán chuyện chờ phút Giao thừa. Nguyễn Ngọc Tấn (tức Nguyễn Thi) ít lời phần vì nỗi nhớ quê Nam, nhưng phần khác cứ bị ám ảnh mãi về bữa thịt trâu “quá tải” hồi chiều. Anh ngâm một vế đối: "Tân là mới, sửu là trâu. Chén bữa thịt trâu mừng năm mới". Anh vừa đọc xong thì Xuân Thiều nghiêm trang bước vào cửa đế luôn: "Canh là phòng, tý là chuột. Đuổi ngay lũ chuột rúc quanh phòng". Đúng đến phiên đổi gác, Nguyễn Thi vội bước ra nhận khẩu súng từ tay bạn, miệng khen rối rít: “Khá, khá!”. Lúc ấy, pháo Giao thừa Hà Nội cũng bắt đầu nổ ran báo hiệu năm Canh Tý đã hết, năm Tân Sửu đã bắt đầu.
Lương tướng - tiền văn
Nhà văn quân đội Dũng Hà được thăng cấp tướng. Nghe tin này, bạn bè văn nghệ kéo đến mừng cho nhà văn, trong số này có nhà Hán học trẻ của quân đội Đào Thái Tôn. Anh có vế đối như sau tặng người bạn vong niên: "Lương tướng quý lắm rồi, chúc anh khỏe để trở thành lương tướng". Cái giỏi của vế đối này là ở chữ "lương tướng", lương tướng ở đây vừa có nghĩa là lương của tướng vừa có nghĩa là vị tướng giỏi. Ứng khẩu được vế đối hay, Đào Thái Tôn khoái lắm-bèn “thách” đối. Một hôm, nhà thơ Vương Trọng gặp Đào tiên sinh bèn kêu dừng lại và thong thả đọc: "Tiền văn thêm được mấy, sao chú vui mà bám gót tiền văn". Cái chỉnh của vế đối này là chữ "tiền văn", tiền văn vừa như là nhuận bút, vừa như là văn chương cổ, văn chương của người xưa. Đào tiên sinh chỉ biết vỗ đùi khen: “Giỏi, giỏi!”.
Cao hổ cốt, vũ ba lê
Hằng năm, cứ vào dịp áp Tết là anh em văn hóa văn nghệ công tác ở các cơ quan dọc đường Lý Nam Đế (Hà Nội) lại kéo nhau đi dạo chợ hoa Hàng Lược. Sắm sanh thì ít mà ngắm nghía thì nhiều. Một năm, nhà thơ Trần Nhương cùng với mấy cây bút trẻ áo lính khác vừa vào cổng chợ đã thoáng thấy nhà văn Vũ Sắc co ro trong bộ đại cán bạc màu, đang ngắm nghía một cành đào cùng với anh Cao Hùng (cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân). Tức cảnh sinh tình, Trần Nhương vừa chỉ tay cho mấy người bạn cùng đi vừa ngâm nga: "Cao Kính, Cao Hùng, Cao... hổ cốt/ Vũ Lai, Vũ Sắc, Vũ... Vũ...", đang bí vần thì một anh bạn đi cùng đế luôn: "Vũ ... Vũ ba lê". Trần Nhương lấy làm tâm đắc lắm.
Vẫn chưa ai đối được
Một chiều, nhà thơ Vương Trọng đang ngồi tán chuyện cùng mấy bạn thơ thì nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đến vừa mở túi sách vừa nhỏ nhẹ: “Tôi có cuốn sách mới, tặng ông”. Vương Trọng trân trọng đỡ bộ tiểu thuyết Đất trắng còn thơm mùi mực từ tay nhà văn cao niên và nói luôn: “Vâng, xin cảm ơn anh. Đúng là Đất trắng, người đen, bàn tay trắng”. Mọi người ngồi quanh đều công nhận câu ứng khẩu của anh là rất hợp với cảnh và người của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh. Bởi lẽ tên sách quả là có chữ trắng, người viết ra nó da dẻ thật là đen và thêm nữa nhà văn này cũng chẳng mấy giàu có gì, nếu như không nói là chỉ có “hai bàn tay trắng”.
Vế ứng khẩu năm ấy của Vương Trọng, đến nay hình như vẫn chưa có ai đối chỉnh.
Thập Tam trại, trước thềm Xuân 2020
Nhà văn NGÔ VĨNH BÌNH
( C. H sưu tầm)