Chiều ngày 18/10/2021, phát biểu tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, ông Lê Minh Tấn cho rằng dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp gần 5 tháng qua ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc và khốn khổ vì dịch.
Khi nhiều tờ báo lên tiếng về chuyện người lao động không có thu nhập, phải trông vào sự hỗ trợ của Nhà nước và hoạt động từ thiện từ cộng đồng thì nói như ông Lê Minh Tấn không chỉ không đúng sự thật mà còn cho thấy tâm đức của người cán bộ với chính đồng bào mình.
Cứ như phát biểu của ông Tấn, Nhà nước, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và những người hảo tâm không cần phải lo lắng, không cần phải chi tiền cứu trợ cho người lao động bởi làm gì có ai thiếu ăn, thiếu mặc,…
Nói cách khác việc Thành phố Hồ Chí Minh chi tiền cứu trợ là không cần thiết, là thừa?
Nếu quả thật “chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ” thì vì sao báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh lại viết:
“Đặc biệt, trong đợt dịch bệnh COVID-19, nhiều gia đình đã lâm vào hoàn cảnh bi đát, các em nhỏ mất đi người thân, mất đi chỗ dựa tinh thần không gì có thể bù đắp được”. [1]
|
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh trả lời báo chí vào trưa ngày 19/10. (Ảnh: Baotintuc.vn)
|
Hàng nghìn mảnh đời “lâm vào hoàn cảnh bi đát” chẳng lẽ vẫn chưa phải là “khốn khổ”?
Trưa ngày 19/10/2021, sau khi kết thúc kỳ họp thứ 3 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa 10, ông Lê Minh Tấn cải chính: “Ý của tôi không phải như vậy không. Tại anh em nghe không rõ nên mới đăng vậy. Tôi không nói câu “chưa có ai khốn khổ” mà ý của tôi là “không để ai thiếu đói, thiếu mặc, khốn khổ”. Trách nhiệm của mình phải lo cho bà con như thế”. [2]
Bằng lời phát biểu này, có phải ông Tấn muốn nói báo chí đã đưa thông tin sai sự thật?
Nếu đúng như vậy, theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, báo phải gỡ bài, phải đăng lời cải chính, xin lỗi và rất có thể phải nộp phạt số tiền không nhỏ.
Ngay trong ngày 19/10/2021, vào lúc 16 giờ 38 phút, báo Lao Động cho đăng bài viết kèm theo băng ghi âm với tiêu đề:
“Ông Lê Minh Tấn đã khẳng định: Chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ”. [1]
Băng ghi âm cho thấy ông Tấn đã hai lần nói đến chuyện “chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ...", tại các đoạn 2 phút 31 giây và 3 phút 5 giây.
Chiều 20/10/2021 ông Lê Minh Tấn đã gửi lời xin lỗi đến người dân Thành phố Hồ Chí Minh về phát ngôn của mình, ông nhận rằng đây là “sơ suất của cá nhân” và ông mong muốn tiếp tục nhận được sự góp ý của người dân trong thời gian tới”.
Không thấy ông Tấn xin lỗi báo chí về chuyện ông ấy cho rằng “Anh em nghe không rõ nên mới đăng vậy”.
Chuyện ông Lê Minh Tấn phát ngôn sơ suất thì có thể thông cảm bởi khi “nói vo” ai cũng có thể mắc lỗi, vấn đề là sau đó đổ lỗi cho báo chí rồi xin lỗi nhân dân mà “quên” xin lỗi báo chí thì có nên tiếp tục thông cảm?
Mặt khác, với mong muốn “tiếp tục nhận được sự góp ý của người dân trong thời gian tới” thì hình như nguyện vọng của ông Tấn là ông sẽ tiếp tục vị trí Giám đốc sở thêm một thời gian nữa?
Nếu quả thật ông Tấn là một vị Giám đốc sở có tâm và có tầm thì việc bỏ qua sơ suất để ông tiếp tục ngồi ghế Giám đốc sở không có gì phải bàn luận.
Vấn đề nằm ở chỗ tờ báo của Bộ Tư pháp (Phapluatplus.vn) ngày 11/10/2021 đã đăng bài giới thiệu con đường học vấn và những “biến hóa kỳ diệu” trong hồ sơ học vấn của vị giám đốc này.
Về học vấn, bài báo cho biết ông Lê Minh Tấn tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2003 “Hệ bổ túc”, bằng tốt nghiệp xếp hạng trung bình.
Ông Tấn tốt nghiệp Trung cấp Quản lý nhà nước “Hệ tại chức” và trình độ cũng trung bình.
Bài báo cho biết thêm: “Sự việc không có gì đáng nói nếu như trước đó, ông Tấn đang học bổ túc trung học phổ thông, chưa có bằng tốt nghiệp nhưng ông Tấn lại được “ưu ái” cử đi học hệ cử nhân tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hệ tại chức”. [3]
Song song với sự nhảy cóc về học vấn, con đường quan lộ của ông Lê Minh Tấn có lẽ xứng đáng để đưa vào sách kỷ lục Việt Nam:
Chưa tốt nghiệp trung học phổ thông ông Tấn đã được cử làm Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi.
Chưa tốt nghiệp đại học (chưa có bằng cử nhân) “Ông Tấn bất ngờ leo lên vị trí Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi”.
Đến đây thì không thể không nêu một số câu hỏi:
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, muốn theo học chương trình đào tạo cử nhân (cao đẳng hoặc đại học) thì phải tốt nghiệp trung học phổ thông, vậy trong hồ sơ của ông Lê Minh Tấn lưu trữ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có hay không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông? Nếu có thì đây là bằng thật hay bằng giả?
Thứ hai, được biết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo cấp sở và quận, huyện, theo đó các chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện phải có “Trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm được bổ nhiệm”.
Vậy chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm ông Lê Minh Tấn làm Phó Chủ tịch huyện Củ chi dựa vào quy định nào?
Thứ ba, ông Lê Minh Tấn và những điều đảng viên không được làm.
Tạp chí điện tử Tapchimattran.vn - cơ quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có bài: “Bị phê bình, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM vẫn là “Chiến sĩ thi đua”: Bài học “xương máu”, đắt giá về đạo đức, công minh, liêm chính trong công tác cán bộ”.
Bài báo cho biết: năm 2016 ông Lê Minh Tấn bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Năm 2021, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản số 886/UBND-VX về việc kiểm điểm trách nhiệm ông Lê Minh Tấn căn cứ vào Kết luận nội dung tố cáo số 4474/KL-UBND.
Báo Congly.vn – Cơ quan của Tòa án Nhân dân Tối cao viết: “TP.HCM: Dính sai phạm, Giám đốc Sở LĐ, TB&XH vẫn tự ký nhận “Chiến sĩ thi đua”.
Bài báo cũng cho biết ông Lê Minh Tấn đã sử dụng hiếc xe Toyota biển kiểm soát 50A-001.62 suốt 5 năm “để phục vụ việc đưa đón ông đi làm từ nhà riêng có địa chỉ tại ấp Mỹ Khánh B, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi đến trụ sở làm việc hàng ngày”.
Được biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ôtô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó Bí thư, Chủ tịch huyện và Giám đốc Sở, ngành “không cho phép được dùng xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Tuy nhiên, các chức danh trên vẫn được sử dụng xe công để đi công tác”. [4]
Báo Tuổi trẻ ngày 31/3/2021 đưa tin, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản phê bình, rút kinh nghiệm với ông Lê Minh Tấn - Giám đốc sở Lao động - thương binh và xã hội thành phố vì thiếu sót trong việc bổ nhiệm bà Võ Thị Thanh Kim giữ chức Giám đốc trung tâm hỗ trợ xã hội khi chưa đủ điều kiện. [5]
Với rất nhiều sai phạm, cả về bằng cấp, năng lực lãnh đạo và uy tín cán bộ, vì sao ông Lê Minh Tấn thăng tiến vùn vụt từ năm 2003 (khi tốt nghiệp trung học phổ thông) đến nay?
Báo chí đã nói rất rõ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ và một số cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã vào cuộc, dư luận hy vọng Ban Tổ chức Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dành sự quan tâm kịp thời và đúng mức đến vị Giám đốc “nổi tiếng” này, tránh lặp lại tình trạng “Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm 156 cán bộ lãnh đạo thiếu điều kiện, tiêu chuẩn”. [6]
Tài liệu tham khảo:
[1] https://cand.com.vn/Xa-hoi/tre-em-mo-coi-do-covid-19-duoc-bao-tro-den-khi-hoc-xong-dai-hoc-i630852/
[2] https://laodong.vn/xa-hoi/ong-le-minh-tan-da-khang-dinh-chua-co-ai-thieu-an-thieu-mac-khon-kho-965239.ldo
[3] https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/nhung-dau-hieu-sai-pham-cua-giam-doc-so-ldtbxh-tp-hcmbao-gio-moi-xu-ly-dut-diem-d168365.html
[4] https://baophapluat.vn/giam-doc-so-lanh-dao-huyen-se-khong-duoc-dua-don-bang-xe-cong-post204973.html
[5]https://tuoitre.vn/phe-binh-giam-doc-so-ld-tb-xh-tp-hcm-vi-bo-nhiem-can-bo-chua-du-tieu-chuan-2021033110531858.htm
[6]https://vov.vn/nhan-su/tphcm-bo-nhiem-156-can-bo-lanh-dao-thieu-dieu-kien-tieu-chuan-980668.vov
Xuân Dương
(PS st theo GDVN)