19 hành vi tiêu cực: Cơ sở để cán bộ tự nhận diện, tự soi, tự sửa

Ngày đăng: 05:50 11/11/2022 Lượt xem: 133
19 hành vi tiêu cực: Cơ sở để cán bộ tự nhận diện, tự soi, tự sửa
VOV.VN - Văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương chỉ rõ 19 hành vi tiêu cực cần phòng, chống là sự hướng dẫn kịp thời, rõ ràng để tổ chức Đảng nhận diện, đấu tranh và mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.

Văn bản này nêu rõ 19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống, chỉ rõ những biểu hiện về tư duy nhiệm kỳ, quan liêu, xa rời thực tiễn, tham nhũng, tiêu cực, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, chạy chức, chạy quyền, tổ chức tiệc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình một cách phô trương, hình thức lãng phí nhằm để cảnh tỉnh cán bộ có tâm lý sống xa hoa và xa dân.

Do có những sai phạm liên quan đến đại án Việt Á, ông Phạm Xuân Thăng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã bị Trung ương khai trừ ra khỏi Đảng. Trước đó, ngày 17/9/2022, ông Phạm Xuân Thăng đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Đối chiếu với 19 hành vi tiêu cực mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo Trung ương) yêu cầu phòng, chống, ông Phạm Xuân Thăng đã vi phạm nhiều hành vi, nhưng phải đến khi công khai, công bố sai phạm nhiều người dân mới biết mức độ nghiêm trọng như thế nào.

Trên thực tế, các hành vi tiêu cực mà các cán bộ, công chức mắc phải đã được báo chí phản ánh rất nhiều trong thời gian qua như: chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy tội, dùng xe công đi lễ chùa, đi ăn cưới, mừng nhà mới, thậm chí là tổ chức chia tay để về hưu một cách hoành tráng nhưng chúng ta khó xử lý vì thiếu những quy định cụ thể. Nay Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành văn bản xác định rõ 19 hành vi cần tập trung chống là rất cần thiết.

TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, quy định của Ban chỉ đạo Trung ương rất tinh tế. Bởi vì nhiều người lợi dụng dịp lễ, Tết để quà cáp cho nhau nhằm “tác động” dễ dàng hơn và việc phát hiện cũng khó hơn. Do đó, việc lợi dụng truyền thống văn hóa để trục lợi sẽ bị xử lý là cần thiết.

Thực tế 19 hành vi tiêu cực đã có trong 19 điều đảng viên không được làm nhưng văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần này đã chỉ ra một cách cụ thể hơn để hướng dẫn cho các tổ chức Đảng phát hiện, xử lý những hành vi lợi dụng kẽ hở của chính sách pháp luật để trục lợi, nhất là đối với hành vi của cán bộ quản lý câu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi.

TS Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương chỉ rõ 19 hành vi tiêu cực cần phòng, chống là sự hướng dẫn kịp thời, rõ ràng để tổ chức Đảng nhận diện, đấu tranh và mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa.

“Tiêu cực là mầm mống thúc đẩy tham nhũng. Một cán bộ chỉ thích chơi golf trong khi cả nước chống dịch thì anh đó khó trở thành cán bộ tốt được. Do đó, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ rõ những việc như vậy cần phải tránh, cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự tránh” – ông Đinh Văn Minh cho biết.

Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương cùng với nhiều văn bản khác do Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành gần đây đã tạo ra hành lang pháp lý khá cụ thể, đầy đủ để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi đảng viên quán triệt và thực hiện nghiêm túc.

“Phải quán triệt và có sự thống nhất rất cao trong toàn Đảng, đặc biệt là lãnh đạo cấp chiến lược. Việc từ chức nên coi là việc bình thường trong quá trình làm việc của mỗi cán bộ, tổ chức” – ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết./.


tin tức liên quan