Vụ Thứ trưởng Kim Thoa: Xử lý đảng viên không có chuyện ‘xin thôi việc’
Vụ Thứ trưởng Kim Thoa: Xử lý đảng viên không có chuyện ‘xin thôi việc’
Nguồn:Báo Điện tử
Nói về việc Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa xin thôi việc sau khi UB Kiểm tra TƯ kết luận kỷ luật cảnh cáo và kiến nghị miễn nhiệm, nguyên Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Vũ Quốc Hùng nói: “Trong quy định xử lý đảng viên, không có chuyện cứ 'xin thôi việc' là chạy trốn được mức kỷ luật trong đảng”.
Ông Hùng cho hay, trong quy định xử lý đảng viên không có chuyện chạy trốn kỷ luật. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền vẫn xem xét kiến nghị của UB Kiểm tra TƯ về việc miễn nhiệm các chức vụ của bà Hồ Thị Kim Thoa.
“Mọi đảng viên khi có sai phạm đều phải được xem xét, kết luận một cách công minh, chứ không có chuyện nộp xin từ chức, xin thôi việc là thoát khỏi án kỷ luật, thoát khỏi việc xem xét miễn nhiệm các chức vụ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo nguyên Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ, dù bà Hồ Thị Kim Thoa đã có đơn xin thôi việc thì việc xem xét miễn nhiệm các chức vụ của bà vẫn được thực hiện theo các quy định của Đảng, Nhà nước, chứ không phải vì thế mà dừng lại.
|
Bà Hồ Thị Kim Thoa. Ảnh: Hoàng Long |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết, theo trình tự quy định, sau khi Ban cán sự Đảng Bộ Công thương họp, có báo cáo gửi Ban cán sự Đảng Chính phủ, cơ quan này sẽ báo cáo lên Ban Bí thư xem xét, quyết định.
Về việc bà Thoa chủ động gửi đơn xin thôi việc, ông Phúc phân tích, bà Thoa đang trong diện chờ xem xét kỷ luật, nên phải xem tới đây cơ quan có thẩm quyền đưa ra hình thức kỷ luật như thế nào, sau đó mới xem xét đến việc có cho bà Thoa được nghỉ việc theo nguyện vọng, hay bắt buộc phải nghỉ việc vì có vi phạm.
“Dù gì đi nữa, cũng phải chờ việc thi hành kỷ luật, chứ không phải muốn là xin 'chạy làng' được ngay”, ông Phúc nói và cho rằng với một cán bộ bình thường nếu họ có đơn xin nghỉ việc thì theo quy trình, ai ký bổ nhiệm thì người đó sẽ có quyền cho thôi giữ chức vụ.
Còn trường hợp Thứ trưởng như bà Hồ Thị Kim Thoa là diện cán bộ lãnh đạo do Ban Bí thư quản lý, nên phải có quyết định của Ban Bí thư, sau đó Thủ tướng mới dựa trên cơ sở đó để đưa ra quyết định.
“Nếu chủ động xin thôi việc mà có lý do chính đáng, không dính dáng tới chuyện gì khuất tất, sai phạm thì quy trình sẽ thông qua Ban Bí thư đồng ý, sau đó Thủ tướng ra quyết định cụ thể. Giờ phải chờ kết luận và việc thi hành kỷ luật, nếu kỷ luật không đến mức cách chức thì đơn xin thôi việc của bà Thoa sẽ được xem xét theo quy trình thông thường, còn nếu kỷ luật đến mức cách chức thì đơn xin thôi việc ấy sẽ không có ý nghĩa gì cả”, nguyên Thứ trưởng giải thích.
Theo ông, tới đây, căn cứ vào đề xuất của UB Kiểm tra, Ban Tổ chức TƯ, Bộ Nội vụ, Ban Bí thư sẽ thông qua hình thức kỷ luật đối với Thứ trưởng Bộ Công thương Kim Thoa, sau đó Thủ tướng sẽ dựa vào căn cứ đó ra quyết định cụ thể.
Trước đó, theo phản ảnh của báo chí, sau khi UB Kiểm tra TƯ quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ, bà Thoa đã có đơn xin thôi việc.
Chiều 31/7, thông cáo báo chí phát đi từ UB Kiểm tra TƯ sau phiên họp thứ 16 của cơ quan này (diễn ra từ 25-27/7 tại Hà Nội) cho hay, “UB Kiểm tra TƯ đã kết luận nhiều nội dung quan trọng, gồm cả việc kỷ luật và xem xét kỷ luật nhiều cá nhân, trong đó có bà Hồ Thị Kim Thoa".
Đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương, UB Kiểm tra TƯ đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm bà Thoa trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc công ty bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty bóng đèn Điện Quang (từ 1/2004-5/2010) và nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm là nghiêm trọng nên quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo; đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay của bà Kim Thoa.