Thừa nhận gây rúng động của NATO về Triều Tiên
Nguồn:Báo Điện tử VnMedia
Các tên lửa của Triều Tiên hiện giờ đã có tầm bắn vươn đến châu Âu, đặt các thành viên NATO vào vòng nguy hiểm, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phát biểu như vậy trước thềm chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Stoltenberg khẳng định, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có năng lực để có thể phản ứng với bất kỳ mối đe dọa nào.
|
“Chúng tôi thừa nhận rằng châu Âu đã nằm trong tầm bắn của các tên lửa Triều Tiên và các nước thành viên NATO thực sự đã nằm trong vòng nguy hiểm”, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho tờ Yomiuri Shimbun biết. “NATO đã bảo vệ các nước thành viên khỏi mối đe dọa từ các tên lửa đạn đạo thông qua năng lực răn đe” nhưng sẽ cần nhiều nỗ lực ngoại giao hơn nữa để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, vị quan chức cấp cao nhất của liên minh quân sự phương Tây nói thêm.
“NATO có năng lực và quyết tâm trong việc phản ứng lại với bất kỳ mối đe dọa nào cũng như bất kỳ kẻ xâm lược nào”, ông Stoltenberg đã tuyên bố rõ ràng như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Jiji Press số ra ngày hôm qua (29/10). Ông này đồng thời nhấn mạnh rằng, NATO không muốn chiến tranh. “Không có đồng minh nào của NATO và tất nhiên là cả NATO đều không muốn chiến tranh…. Đó sẽ là một thảm họa”.
Ông Stoltenberg dự kiến sẽ có chuyến thăm đến Nhật Bản trong ngày hôm nay (30/10) và ngày mai (31/10). Tại đây, Tổng thư ký NATO sẽ có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera. Ông Stoltenberg cũng sẽ có chuyến thăm đến căn cứ hải quân của Nhật Bản ở Yokosuka trước khi đến Hàn Quốc.
NATO không có liên quan trực tiếp đến các nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đang “sôi sùng sục” trên bán đảo Triều Tiên nhưng liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ủng hộ hoàn toàn nỗ lực của các đồng minh trong khu vực trong mục tiêu ngăn chặn chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Mỹ là một thành viên chủ chốt của NATO và Mỹ liên tục nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của nước này đối với việc bảo vệ các đồng minh trong khu vực trước mối đe dọa mang tên Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis trong chuyến thăm đến Hàn Quốc hồi cuối tuần vừa rồi đã tuyên bố cứng rắn rằng: “Sẽ không có bất kỳ sai lầm nào – bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ sẽ bị đánh bại. Và bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hóa học nào đều sẽ phải đối mặt với đòn đáp trả quân sự toàn diện không chỉ mang tính hiệu quả mà còn có tính áp đảo”.
Washington cho rằng, Triều Tiên chỉ còn vài tháng nữa là có thể gây ra mối đe dọa thực sự đối với lục địa Mỹ. Vì thế, Mỹ đã lên tiếng thề rằng họ sẽ ngăn chặn điều này xảy ra bằng bất kỳ giá nào. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng được tin là đã sở hữu trong tay công nghệ có thể tấn công bất kỳ đồng minh nào của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có cả lãnh thổ Guam của Mỹ.
NATO đang xúc tiến kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa dưới sự chỉ đạo của Mỹ. Theo ông Stoltenberg, hệ thống trên được thiết kế để bảo vệ Châu Âu khỏi các mối đe dọa từ Triều Tiên và Iran. Hệ thống phòng thủ tên lửa sử dụng một mạng lưới radar có thể phát hiện và dò theo những mối đe dọa tiềm năng trước khi phóng đi một tên lửa đánh chặn từ một căn cứ cố định hay từ một chiến hạm.
Năm ngoái, NATO đã chính thức đưa hệ thống phòng thủ tên lửa ở Deveselu, Rumani vào hoạt động. Cùng với đó, NATO đang xúc tiến kế hoạch triển khai một hệ thống lá chắn tên lửa khác ở Ba Lan. Mặc dù NATO luôn khẳng định hệ thống lá chắn tên lửa của họ là nhằm để chống lại Triều Tiên và Iran nhưng nó lại gây bất an và lo lắng cho Nga. Moscow phản đối mạnh mẽ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở Châu Âu, nhấn mạnh rằng mối đe dọa Triều Tiên chỉ là cái cớ và rằng mục đích thực sự của những hệ thống vũ khí đó là nhằm vào Nga, Trung Quốc.