Mơ về một nền giáo dục mà người thầy thực sự được "Tôn Sư trọng đạo" - Phạm Quốc Khánh - Nam Định

Ngày đăng: 06:57 22/07/2018 Lượt xem: 647
CẢM NHẬN VÀ QUAN ĐIỂM
VỀ CUỘC SỐNG - XÃ HỘI MỖI NGÀY


MƠ VỀ MỘT NỀN GIÁO DỤC 
MÀ NGƯỜI THẦY THỰC SỰ ĐƯỢC "TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO"
Phạm Quốc Khánh
-----------------------------------------------------

TỬ HUYỆT QUỐC GIA (*)

(Gửi ‘thầy giáo Vũ Trọng Lương’ 
và Sở GD ĐT Hà Giang)

“Khảo thí” phù phép gian manh
Công bằng xã hội tanh bành còn đâu
Hà Giang cháy... chuột chạy mau
Nước non ngàn dặm, chỗ nào sạch không?
Bán trách nhiệm, bán lương tâm
Thầy còn gì bán nữa không? Hỡi thầy!

20-7-2018


Mơ về một nền giáo dục mà người thầy thực sự được "Tôn Sư trọng đạo"

 

         Lại một lần nữa hồi chuông báo động tầm quốc gia vang lên từ phía ngành giáo dục. Vụ gian lận kết quả thi tốt nghiệp quốc gia tưởng như chỉ riêng ở Hà Giang, song không phải, nó ở rất nhiều nơi và nhiều người hoài nghi rằng nó tồn tại suốt nhiều năm nay như một căn bệnh trầm kha, chỉ khi vỡ bệnh mới lại đi dò, đi khám, chẩn đoán, thanhtra chữa trị, này nọ...
         Hàng loạt hiện tượng liên tục xảy ra trong ngành giáo dục ở các cấp độ với vô kể tình huống khác nhau: Từ cô giáo Hiệu trưởng trường TH Nam Trung Yên giữa Thủ đô đâm xe ô tô gây thương tích cho học sinh tại sân trường bày trò gian dối để trốn tránh trách nhiệm, cuối cùng bị phanh phui, nhận kỷ luật cách chức đến thầy giáo tát học sinh thủng màng nhĩ, cô giáo phạt học sinh ăn ớt, bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng v.v...
         Với môi trường giáo dục như thế, những cô giáo khi dạy trên lớp thì cầm chừng, lăm lăm dành “bài tủ” dạy thêm để học sinh phải trả thêm tiền cho mình thì chúng ta biết kết quả sẽ là gì rồi.
         Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt (vì hệ thống giáo dục của ta mở quá rộng, tỷ lệ học sinh sinh viên quá cao với một mước nghèo là gánh nặng quá sức cho quốc gia, XH và gia đình): Hơn kém nửa điểm, ¼ điểm đã là 2 khoảng trời cách biệt (!). Vì thế thi tốt nghiệp THPT hay bất cứ cuộc thi nào cũng thường có sự chạy chọt, mua bán, thủ thuật ma giáo, gian lận đủ các kiểu!
         Không phải bỗng dưng “thầy giáo Vũ Trọng Lương” (Hà Giang) làm việc gian lận này và có đủ sức làm được một việc như vậy (?) Bởi làm sao hàng trăm học sinh, phụ huynh họ sinh biết được “thầy Lương” làm vi tính trong Ban Thư ký Hội đồng thi của Tỉnh? Làm sao có chuyện thầy giáo Trưởng phòng Nguyễn Thanh Hoài, Phó Chủ tịch HĐ thi – Trưởng Ban Thư ký HĐ thi lại cả tin sai nguyên tắc, đưa chìa khóa phòng máy tính, hồ sơ, tài liệu, bài thi cho ‘thầy Lương’ để làm cái việc ấy? Thế thì việc ngân sách chi tiền, bố trí cán bộ, công an vòng trong, vòng ngoài bảo vệ để bảo đảm cho kỳ thi khách quan công bằng, chính xác là thừa hay sao?
         Có thể không chủ quan mà nói rằng: Mọi việc đều thành giá mất rồi, các thứ tưởng vô tình, giả bộ làm ngơ kia đều nằm trong mấy chữ “LỢI ÍCH NHÓM” – Thực chất là nhóm cướp, ăn cướp công bằng xã hội!

***

         Quay lại cái chung: Do đâu mà ngành giáo dục lại rơi vào những bê bối thảm hại như vậy? 
         Trước hết chúng ta phải thấy rằng đã chấp nhận kinh tế thị trường là buộc phải cùng sống chung với mặt trái của nó. Ta tận hưởng “động lực phát triển, tính khách quan, hiệu quả của thị trường” thì ta cũng phải buộc mình với những tiêu cực từ cạnh tranh không lành mạnh, tính vụ lợi và cơ hội của nó. Tuy nhiên, dường như chúng ta lúng túng và bế tắc khi số trường học mở ra quá nhiều, khi lối tư duy cũ của XH chỉ có một lối nghĩ là cứ nhất thiết phải vào đại học, mà quên đi học ĐH để làm gì? Dẫn đến hàng ngàn, hàng vạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Hậu quả là nhà trường không còn thiêng liêng nữa, vì nhà trường không đem lại tương lai, hạnh phúc cho người học mà chỉ là chỗ gửi chân tạm thời để chờ cơ hội mà thôi.

***

         Vấn đề đáng nói là: chúng ta thực hiện một nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN nhưng cái thị trường có tổ chức và định hướng chúng ta chờ đợi mãi chẳng thấy nó trật tự hơn mà cứ lộn xộn và hình như ngày càng lộn xộn(?). Ngành giáo dục thì hiện tượng rối ren càng rõ hơn (!)
         Vũ Trọng Lương chính là thành phẩm của nền giáo dục XHCN mà chúng ta hằng ca ngợi tính ưu việt của nó. Bởi Vũ Trọng Lương sinh năm 1978, đã từng học qua các cấp học mà trưởng thành lên, Lương không phải chịu ảnh hưởng của chiến tranh, trọn vẹn sống trong môi trường giáo dục XHCN, có tài năng và là nhân cốt tin cậy. Ấy vậy mà kết cục lại là như thế thì nguyên do sâu xa ở đâu? 
         Nhìn lại gốc rễ con người: những người vi phạm, bị kỷ luật, bị pháp luật xử lý về tội lạm dụng chức quyền, tham nhũng hiện nay đều vốn là những học sinh, sinh viên từ nền giáo dục VN và họ là những nhân tài, đã vượt qua hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người để lên đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, Cục trưởng, Tổng cục trưởng, Bộ trưởng, Ủy viên TWĐ, Ủy viên BCT... nghĩa là họ là sản phẩm tinh hoa của nền giáo dục của chúng ta mà lại vi phạm những thứ vô cùng nghiêm trọng cả từ tư cách, phẩm chất, nguyên tắc, quy trình hành sự, lãnh đạo quản lý, gây ra biết bao tổn thất về tổ chức, con người, kinh tế, chính trị, công bằng xã hội... Như vậy có sự lệch lạc nghiêm trọng về dạy chữ và dạy làm người, tiêu chí “khuôn vàng thước ngọc” của nền giáo dục đã bị sai lệch, mất chuẩn mực do chủ quan hoặc do trào lưu thương mại hóa của cơ chế thị trường chi phối. Sẽ không quá đáng, nếu nói rằng: Đó là nền giáo dục hỏng (!) 

***

         Chung quy, tất cả thành bại của XH hay quốc gia đều từ con người mà môi trường đào tạo con người lại mất tính chuẩn mực như thế thì làm sao chúng ta ngóc đầu lên được?
         Nhìn lại, chúng ta hòa bình thống nhất từ 1975 đến nay đã 43 năm, bằng thời gian ấy một nước Nhật Bản xơ xác với hậu quả sau CTTG 2 và 2 quả bom nguyên tử, họ đã đủ thì giờ gượng dậy và trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới. Điều gì làm nên kỳ tích này? Người Nhật họ đã tổng kết vẻn vẹn: “Sự kỳ diệu của đất nước Nhật là thành công từ giáo dục tiểu học!” . Nhiều người bảo: Vì từ đó, nước Nhật không có chiến tranh nữa! Xin thưa: động đất, sóng thần, thiên tai, thảm họa... đe dọa và tàn phá họ cũng thật kinh khủng, chỉ có tai nạn giao thông chết người mất của là ở Nhật rất ít hơn VN mà thôi (!).
         Họ nhìn xa, thấy trước và dạy con người theo một triết lý khác hẳn, đó là: tự lực, tự tôn, tự giác và nhất quán (Họ tin dùng người có ý thức tổ chức và kiên quyết không dùng người thiếu phẩm chất, không đáng tin cậy cho dù người đó có tài giỏi đến mấy!). Chỉ cần nhìn cầu thủ Nhật Bản thi đấu World Cup mỉm cười nhận lỗi khi trọng tài thổi phạt, chỉ cần nhìn khán giả, cổ động viên Nhật dọn sạch rác tại các khán đài, các VĐV dọn sạch phòng thay đồ sau mỗi trận đấu, ta thấy họ có một nền giáo dục và một ý thức XH như thế nào.
         Trong một chuyến đi công tác tại Nhật, thấy đường phố sạch như trong nhà, trật tự vệ sinh ngăn nắp, chứng kiến nếp sống văn minh đẹp đẽ của thành phố Nhật, một ông lãnh đạo cấp cao nhất đoàn (và là loại TN nặng) hỏi lãnh đạo phía nước bạn một câu ngây ngô rằng: “Các ông mất bao nhiêu năm để lập được trật tự xã hội như thế này?”. Họ trả lời: “Trật tự của chúng tôi từ xưa đến nay vẫn như thế này!” Qua đó ta mới thấy: Thành quả giáo dục quan trọng như thế nào và giáo dục Nhật Bản đã thành công như thế nào!
         Và cũng như Trời có mắt, nỗ lực và phẩm giá của họ cũng được đáp đền, có giá trị hẳn hoi, không phải đơn thuần là cảm tính hay cảm nhận nữa. Chính phong cách tốt, thẻ phạt ít mà tuy ngang nhau hoàn toàn về điểm số và chỉ số phụ mà Đội tuyển bóng đá Nhật tại World Cup 2018 vừa qua đã vượt qua Xê nê gan để vào thi đấu vòng trong (Chắc hẳn Xenegan thấy phong cách đội Nhật quá đáng khâm phục nên chấp nhận tuyệt đối!) 

***

         Lại nói một chút về lịch sử. Là con cháu mà khen tổ tiên thì quá bình thường, nhưng phải công bằng mà nói: Các bậc tiền nhân chúng ta đã coi Nhật Bản như một hình mẫu của Châu Á, kính nể gọi họ là “anh cả da vàng” kể cũng xứng đáng! Các cụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can... đã tổ chức phong trào Đông du, Đông kinh nghĩa thục để học tập tư duy văn minh ấy từ đầu thế kỷ trước, quả là đáng kính phục!
         Dường như nói về những điều trên làm chúng ta trở nên hoang mang, buồn bã, thiếu tự tin. Tất nhiên, buồn là tâm trạng chung có trong nhiều người cũng là đúng. Bởi chúng ta không chỉ buồn về ngành giáo dục mà còn buồn cho bao vấn đề lớn của quốc gia nữa. Mọi thứ sai trái, bất cập như căn bệnh thấm vào cả lục phủ ngũ tạng rồi, vẫn phải vừa vận động, vừa chữa trị. Ví như quốc nạn tham nhũng, trung ương đang chỉ đạo, vẫn phải tiếp tục xử lý. Song, theo tôi, đó chỉ là phần ngọn. Gốc của mọi điều tệ hại là từ con người. Gốc của con người là giáo dục. Nhất là giáo dục mầm non, tiểu học, tiếp sau là các cấp giáo dục phổ thông nói chung.
         Ta thử xem nhà trường không chuẩn đào tạo ra những con người tham lam, giả dối, kém đạo đức sẽ không trung thành với công vụ thì gây ra những gì?
         Giao làm kiểm lâm thì ăn tiền, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Làm Thủ kho thì thông đồng với trộm để lấy mất tài sản. Làm cảnh sát giao thông thì bảo kê, thu tiền mãi lộ. Xử phạt thì thay vì thu cho ngân sách lại tìm cách lấy tiền hưởng riêng. Làm nhiệm vụ chống ma túy lại là kẻ trùm buôn ma túy. Làm nhiệm vụ chống tội phạm công nghệ cao thì bảo kê đánh bạc qua mạng. Làm công tác tổ chức chọn hiền tài cho dân nước thì bán ghế, bán danh, bán tước. Làm khảo thí quản lý chất lượng giáo dục thì gian lận kết quả thi. Làm thuế vụ thì chia chác thuế với người kinh doanh gây thất thu ngân sách nhà nước... Những phẩm chất ấy, những con người ấy đẻ ra ngàn vạn tham nhũng làm hiểm họa đục khoét và sập đổ mọi thành trì quốc gia! 

***

         Vì thế chống gì thì chống, sai phạm thì phải chống nhưng phải mau mau chọn đường xây dựng con người từ tuổi mầm non cho tương lai bằng công cuộc cách mạng trong tư duy, tổ chức, hoạt động của ngành giáo dục, đồng thời khẩn cấp sàng lọc đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Nếu lãnh đạo để mất lòng tin thì sự nghiệp này đổ vỡ là không tránh khỏi!
         Với vụ việc gian lận kết quả thi cử cỡ lớn xảy ra từ chính các nhà giáo, từ ngành giáo dục, từ cơ quan quản lý chất lượng giáo dục cần nhìn rộng ra rồi lại nhìn sâu vào bản chất sự việc để nhận thức kịp thời vấn đề này: 
         - ĐÂY CHÍNH LÀ TỬ HUYỆT QUỐC GIA! 
        - CẦN GẤP RÚT CHUẨN HÓA LẠI TOÀN BỘ HỆ THỐNG GIÁO DỤC. ĐẤY LÀ SỰ TỒN VONG CỦA QUỐC GIA!


Không - Đây vẫn là và mãi phải là hình ảnh đẹp của xã hội chúng ta

 
Phạm Quốc Khánh - Nam Định

 

tin tức liên quan