“Chống tham nhũng làm trong sạch đất nước” – Tác giả: Nhà văn PHẠM TRỌNG THANH - Nam Định
CHỐNG THAM NHŨNG, LÀM TRONG SẠCH ĐẤT NƯỚC
Phạm Trọng Thanh
Công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo sau hơn 30 năm đã đạt những thành tựu to lớn vượt bậc. Một đất nước thắt lưng buộc bụng khắc phục hậu quả chiến tranh nặng nề, lại phải đương đầu ngay với những thế lực thù địch ngoại bang tráo trở, cấm vận, phát động chiến tranh biên giới...Vượt qua những khó khăn chống chất, một lần nữa, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng Việt Nam trước những thử thách của lịch sử. Chúng ta có quyền tự hào về Đảng quang vinh, về tập thể Ban Chấp hành trung Trung ương với những quyết sách đúng đắn trong từng giai đoạn cách mạng. Sự kiên định về chủ trương, đường lối độc lập tự chủ, sự sáng tạo về sách lược chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao... đã nâng vị thế nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam lên tầm cao mới, được nhân dân tin tưởng, bạn bè thế giới ghi nhận.
Tuy nhiên, khi chuyển hướng phát triển kinh tế đất nước sang “ kinh thế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta nhận ra mặt trái của nó. Đó là sự cạnh tranh lành mạnh song hành với tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, sự phân biệt giàu nghèo diễn ra nhanh chóng. Đáng lưu ý là sự xuống cấp đạo đức xã hội, sự suy thoái phẩm chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp. Tệ nạn tham nhũng có cơ phát triển thành quốc nạn gây nên những tổn hại cho nền kinh tế quốc dân, làm thất thoát tài sản quốc gia, đặc biệt ở những ngành mũi nhọn, chủ chốt... làm suy giảm đà tăng trưởng của đất nước, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là trận tuyến không khoan nhượng của những đảng viên chân chính hết lòng phục vụ nhân dân với những kẻ cơ hội lợi dụng sự sơ hở của pháp luật Nhà nước và trình độ quản lý còn bất cập; lợi dụng chức vụ, quyền hạn được phân công để liên kết, thao túng, phung phí ngân sách, chiếm dụng đất đai, tài nguyên, mưu cầu lợi ích cá nhân làm giàu bất chính. Những kẻ biến chất, ôm mộng “vinh thân phì gia”, cặp kè lối sống “đại gia” trên đất nước thấm đẫm mồ hôi của hàng chục triệu người lao động hết mình trên các công trường xây dựng, trong các nhà máy, trên đồng ruộng; trên xương máu của hàng triệu thương binh, anh hùng liệt sĩ anh dũng hy sinh vì tự do độc lập của Tổ quốc. Bọn “cướp ngày” này đã và sẽ phải trả giá cho các tội danh tham nhũng của chúng theo luật pháp hiện hành của Nhà nước.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh của ý Đảng , lòng dân. Kể từ thời điểm Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, có những biện pháp đồng bộ, nhất quán, quyết liệt, đã xử lý tài chính, thu hồi những khoản tiền khổng lồ cùng tài sản, đất đai... bị tham nhũng chiếm đoạt. Những tội danh tầy đình lần lượt bị truy tố và xử lý nghiêm minh. Đám quan chức tham nhũng cùng đồng lõa đã ra hầu tòa, cúi đầu nhận tội. Thắng lợi bước đầu tạo ra bước đột phá quan trọng, lấy lại niềm tin của nhân dân vào sự trong sáng và tính chiến đấu của Đảng. Không có “vùng cấm” trong cuộc đấu tranh này, đó là phương châm nhất quán của Ban Chỉ đạo thể hiện sự minh bạch và bản lĩnh của những người cộng sản chân chính trong thời gian qua.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiếp tục với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Xin lược trích bài viết của nhà báo Nguyễn Minh trên báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 22/5/2019, Đấu tranh phòng, chống tham nhũng không ngừng nghỉ:
“Vừa qua, tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần kiên quyết, kiên trì. Tinh thần ấy được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao”...
“Ngày 21/5/2019, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, về phòng, chống tham nhũng, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 15 đến nay. Thường trực Ban Chỉ đạo biểu dương các cơ quan chức năng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Kết luận của đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo”.
“Theo đó, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hoàn thành đúng tiến độ, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; xác minh, xử lý các vụ việc theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo, phấn đấu từ nay đến hết năm 2019, kết thúc điều tra 28 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 24 vụ án, xét sơ thẩm 29 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh 36 vụ việc. Trong đó tập trung diều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 28 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm trong năm 2019”...
Trong cuộc đấu tranh phòng, tham nhũng, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc. Sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử... đạt hiệu quả cao, được nhân dân ủng hộ. Nhân dân theo dõi, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực ... một khi được pháp luật Nhà nước bảo vệ. Trong con mắt người dân, chưa cần “kê khai tài sản”, cứ nhìn vào khối lượng tài sản kếch xù của một số quan chức nhà nước, so với tiền lương mà các đối tượng ấy được hưởng, có thể nhận ra ngay đám người đặc quyền, đặc lợi ấy có liêm chính hay không?
Chính nhân dân chứ không phải ai khác, đã nói tiếng nói khẩn thiết của mình với Đảng. Người dân đã gánh chịu chịu tệ “tham nhũng vặt”, họ nhận mặt những mánh khóe nhiễu nhương ở một số “cửa quyền”, ở các “sân sau”... của đám quan chức to, nhỏ... dù có lúc, có nơi họ được xem là những người “không thức thời”, không biết “chạy chọt”. Nhân dân đã nhận diện không nhầm lẫn đám người “ăn cây táo”, mà lại làm cái việc thất đức là “đào cây táo” - Đó là bọn sâu mọt độc hại len lỏi, gậm nhấm truyền thống đạo lý dân tộc, hủy hoại thành quả lao động sáng tạo của đất nước. Trên báo Văn nghệ, Hội nhà văn Việt Nam, số 19 (ngày 11-5-2019), chuyên mục “Tiếng nói nhà văn”, trong bài Chống tham nhũng để lấy lại lòng tin, nhà văn Võ Khăc Nghiêm viết: “Tham nhũng ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện, tham nhũng hiện đại cũng mang màu sắc trí thức, vừa khôn ngoan lách luật, vừa mưu mẹo che chắn giảo quyệt, nhất là với những kẻ có chức, có quyền, kinh nghiệm đầy mình, biết né tránh, biết đánh bóng vỏ bọc đạo đức nhân nghĩa, cao giọng vì dân. Khi bọn tội phạm tham nhũng thông minh hơn, quyết liệt hơn những người chống tham nhũng thì đó là bi kịch lớn cho đất nước. Quan chức lãnh đạo một quốc gia lớn phải ngửa mặt mà than rằng: Chống tham nhũng là khó nhất. Chống ai? Trước hết phải chống chính cái thói tham lam tiền bạc trong mỗi chúng ta”. Các nhà văn Việt Nam lần lượt lên tiếng ủng hộ, tán thành chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhiều ý kiến trong giới văn nghệ sĩ, trí thức khá sâu sắc, thấm nhuần tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Tôi tìm đọc cuốn sách Quyết tâm ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội – tháng 04/2019). Tôi đọc trong tác phẩm này những lời tâm huyết, những ý kiến chỉ đạo sáng suốt, vừa có tính lý luận vừa có tính thực tiễn. Các bài phát biểu của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước bao gồm cả những kiến giải sâu sắc, những luận điểm sáng rõ, khúc chiết; những biện pháp và giải pháp cho từng vấn đề được đặt ra và giải quyết thấu đáo. Một tác phẩm có giá trị thực thi, có ý nghĩa tổng kết từng đợt triển khai công tác, quán triệt đầy đủ tình hình và nhiệm vụ phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng trong “cuộc đấu tranh chưa ngừng nghỉ” này.
Tôi tâm đắc những điều Tổng Bí thư – Chủ tịch nước nhấn mạnh về tu dưỡng đạo đức cách mạng trong mỗi cán bộ đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, những người được đảng cử, dân tin trên những cương vị được bầu, được giữ trọng trách. Thật sâu sắc, trong cuộc đấu tranh này, phòng, chống tham nhũng bắt đầu từ cơ quan, đơn vị, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và là cuộc đấu tranh loại bỏ tư tưởng suy thoái, hành vi tiêu cực ngay trong mỗi con người chúng ta.
Nhớ lại những tháng năm gian khổ mà hào hùng, cha ông ta thấm nhuần đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính chí công vô tư, theo lời Bác dạy, chủ động đương đầu và chiến thắng các thế lực thực dân đế quốc đầu sỏ tàn bạo, giành lại độc lập tụ do cho Tổ quốc. Đạo đức cách mạng là viên ngọc sáng của tâm hồn và trí tuệ những người trung kiên, không vàng nào mua được. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh điều đó.
Cuộc đấu tranh làm trong sạch đất nước, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái vẫn tiếp tục. Chúng ta ghi nhận công sức của nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức liêm khiết, trung thực, thể hiện vai trò của mình trong công tác “có tác động to lớn, đưa đất nước đổi mới, phát triển, nâng tầm vóc Việt Nam trong hội nhập toàn cầu”. Đội ngũ chỉnh tề, họ tiếp tục vững bước, tự tin trong cuộc chiến đấu này. Tôi tin tưởng với “quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Ban Chỉ đạo, được dư luận, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao”(1), cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được triển khai đồng bộ, toàn diện sẽ về đích thắng lợi trong thời gian không xa.
Thành phố Nam Đinh, ngày 28/5/2019
Nhà văn Phạm Trọng Thanh
-------------------------------------------------------------------
(1)Trích“Phát biểu Kết luận tại Phiên họp thứ 15 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng” ngày 21tháng 01 năm 2019 của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ( trang (365, sách đã dẫn).