Nghĩ về trách nhiệm nêu gương của Bí thư Tỉnh ủy Tài Vinh

Ngày đăng: 05:45 05/10/2019 Lượt xem: 352


       Nghĩ về trách nhiệm nêu gương của Bí thư Tỉnh ủy Tài Vinh

                                                 Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Dư luận lại dậy sóng trước việc UB Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang vừa thông báo kết quả kiểm tra, xem xét xử lý đối với cán bộ, đảng viên dính đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.


 

Theo đó, tổng số cán bộ, đảng viên bị xử lý tính đến thời điểm báo cáo ngày 30/9/2019 là 151 trường hợp. Trong số đó có 46 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật (42 trường hợp bị khiển trách, 1 trường hợp bị cảnh cáo, 3 trường hợp bị khai trừ Đảng); 29 cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật thì yêu cầu “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm”.[1]

Đáng chú ý, trong danh sách xử lý kỉ luật, vẫn không thấy có tên đương kim Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh ở thời điểm xảy ra vụ việc, người có con nằm trong số “bị” nâng điểm thi.

Thế nhưng, trong số 29 cán bộ, đảng viên bị yêu cầu “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm” lại có tên bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, là vợ ông.

Bà Hà bị UB Kiểm tra Tỉnh ủy yêu cầu “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm”. Theo UB Kiểm tra Tỉnh ủy, bà Hà là vợ của anh trai bà Triệu Thị Giang (tức ông Triệu Tài Vinh) nên phải “gánh” quả bóng trách nhiệm (dù chỉ là “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm”) vì đã để em chồng tác động nâng điểm cho con.

Ảnh: VTC News

Nhìn vào danh sách xử lý kỷ luật do UB Kiểm tra Tỉnh ủy công bố, không chỉ riêng bà Hà, bà Giang mà còn rất nhiều vị khác “điều động” cả mẹ, vợ hoặc chồng ra làm “bia đỡ đạn” (cho dù chỉ là đạn giấy) thay cho bản thân mình hòng chạy tội trước dư luận. Một sự tính toán rất kỹ, có được sau hơn một năm, Hà Giang im hơi lặng tiếng trước phản ứng quyết liệt của dư luận về vụ gian lận thi động trời năm 2018.

Về vấn đề này, ĐB Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhận xét: “Tôi chỉ có cảm giác một số đối tượng là quan chức có liên quan đến gian lận thi cử bỗng dưng trở thành nạn nhân. Hóa ra vợ ông Triệu Tài Vinh là nạn nhân trong vụ gian lận điểm thi? Vậy ai là nạn nhân của ai".[2]

"Cá nhân tôi cho rằng, thông báo kết quả kiểm tra của UB Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang chẳng khác nào thách đố dư luận xã hội, xem thường cảm xúc của không ít thí sinh bị thiệt thòi về quyền lợi liên quan trong vụ việc tiêu cực thi cử này", ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh.

Nhưng người được dư luận quan tâm nhất vẫn là ông cựu Bí thư Tỉnh ủy. Vài ba năm lại đây, sự nghiệp chính trị của ông luôn “vấp” phải sóng gió. Chưa hạ nhiệt chuyện cả nhà làm quan lại đến vụ con gái “bị” ai đó “gắp điểm bỏ bàn tay” trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Ông cựu bí thư từng tâm tư: "Tôi nói như vậy chắc là nhiều người nghĩ tới chuyện năm 2013, trên Facebook nói về gia đình làm quan và các đồng chí nghĩ đến vừa rồi là gian lận thi cử. Việc đó không sao, phải đối mặt với thực tế, vượt qua nó".[3] Quả là một lãnh đạo có bản lĩnh tuyệt vời.

Nhưng ông cựu Bí thư Tỉnh ủy có lẽ quên mất một điều. Đấy là cái vị trí mình đang nắm giữ, quan trên trông xuống, người dân trông vào. Bởi thế mà ông, có lẽ không còn nhớ Quy định số 08-QĐi/TW) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên mà trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương mới ban hành chưa đầy năm.

Xin nhắc lại vắn tắt một vài nội dung nêu trong Quy định số 08-QĐi/TW:

Điều 2, khoản 2 ghi: Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân.

Khoản 7. Mẫu mực về đạo đức, lối sống; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành. 

Khoản 8. Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm.

Điều 3, khoản 8. Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi.

Qua việc xử lý vụ gian lận thi 2018 tại Hà Giang, người dân không mong muốn gì hơn, chỉ mong ông cựu bí thư tỉnh “đừng xem thường dư luận” như ĐB Phạm Thị Minh Hiền nói; hãy có trách nhiệm với danh dự gia đình và bản thân, hãy tự soi mình một cách nghiêm túc và thành thực để “gương” có bị hoen ố thì tự giác mà lau sạch, cho xứng là “công bộc của dân” và truyền thống cách mạng của gia đình.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan