Nước ngoài mua tăm cũng hóa đơn, ta vạn nhà lầu, xe hơi đánh thuế được mấy đồng

Ngày đăng: 05:23 08/11/2019 Lượt xem: 1.416

Nước ngoài mua tăm cũng hóa đơn, ta vạn nhà lầu, xe hơi đánh thuế được mấy đồng

Các nước họ tính, mua 1 cái ốc vít, que tăm cũng có hoá đơn, còn ở ta mua xe máy, tivi đều không có chứng từ. Vạn nhà lầu, xe hơi hỏi đánh thuế được bao nhiêu, Thủ tướng nhấn mạnh việc tính toán lại GDP là cần thiết.


 
 

Trả lời ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) về tận dụng thời cơ khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ vào năm sau, Thủ tướng cho rằng ít có nước nào trùng lặp 2 sự kiện quan trọng trong đối ngoại. Cần tận dụng thời cơ này để đưa đất nước có bước phát triển mới tốt hơn, vị thế tốt hơn.

Đối với ASEAN, không những tiếp tục thực hiện tốt 3 mục tiêu quan trọng, còn tiếp tục giữ gìn đoàn kết nội khối, lấy ASEAN là trung tâm để nâng cao vị thế Việt Nam. Đẩy mạnh quan hệ thương mại đầu tư trong nội khối thông qua các FTA, đặc biệt là các nước ASEAN đấu tranh giữ gìn hoà bình thống nhất tiếng nói ASEAN để bảo vệ Luật pháp quốc tế ở khu vực biển Đông Việt Nam.

Về câu hỏi DN nhỏ và vừa, Thủ tướng cho biết các cấp, các ngành đã có Luật DN nhỏ và vừa, đã có Nghị định của Chính phủ, có Ban chỉ đạo quốc gia chỉ đạo thực hiện chương trình hành động.

Tiếp tục tạo điều kiện về tín dụng, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa các thành phần kinh tế, giữa 2 DN nhỏ và vừa với DN Nhà nước, DN FDI các thành phần kinh tế khác để DN nhỏ và vừa có thời cơ.

ĐB Thân nói về kinh tế ban đêm, Thủ tướng nhất trí với vấn đề lớn này, kinh tế ban đêm là một sự năng động kinh tế trong bối cảnh quốc tế, thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng. Chúng ta biết khách du lịch Việt Nam đến như năm nay ít nhất là 18 triệu người, phần lớn trái múi giờ, mình đi ngủ thì họ đi chơi, không có thời cơ để phục vụ nhằm đáp ứng những hiểu biết về văn hoá, ẩm thực, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh ở Việt Nam.

Kinh tế ban đêm tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết lao động, cho nên Thủ tướng mong các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn phát triển mạnh. Cũng là trả lời cho câu làm gì để du khách đến đông hơn, ở lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn, làm gì để du khách quay trở lại sớm nhất có thể.

Tất nhiên kinh tế ban đêm cũng có mặt trái, chính vì vậy các cấp các ngành có điều kiện phát triển kinh tế ban đêm như một số nước thì chúng tôi đề nghị cần phải chú trọng tốt công tác quản lý, không để tiêu cực có thể xảy ra.

Thủ tướng lấy ví dụ như ban đêm ở Cần Thơ sầm uất còn một số thành phố đến 22h đêm thì không còn hoạt động gì. Hiện nay, TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng bắt đầu xây dựng hướng kinh tế mới, kinh tế ban đêm tốt hơn, tổ chức đa dạng phù hợp và quản lý tốt hơn để tránh những mặt tiêu cực, có thể phát triển kinh tế là một xu hướng các nước đang vận dụng Việt Nam nên tận dụng thời cơ này.

16h

Nước ngoài mua que tăm cũng có hóa đơn, ta thì hàng vạn nhà lầu, xe hơi đánh thuế được bao nhiêu?

Trả lời ĐB Quyền về cách tính quy mô GDP mới, Thủ tướng cho biết chúng ta sẽ tăng 25,5%, trên 310 tỷ USD.

Cách tính này áp dụng cho sau năm 2020 chứ không tính ngay bây giờ. Tất cả số liệu đưa hôm nay là số liệu cũ, chưa có số liệu mới.

Việc tính GDP là theo thông lệ quốc tế. Thủ tướng khẳng định, cách đánh giá này là công khai, minh bạch. Trong quá trình tính toán GDP, chúng ta đã mời quỹ tiền tệ quốc tế IMF, UNDP cùng thảo luận, đánh giá, xác định về quy mô GDP Việt Nam.

Quy mô GDP tính nâng lên, chưa tính kinh tế ngầm, chưa tính kinh tế chính thức mà mới tính bỏ sót, trước hết là 76.000 DN quốc phòng, an ninh, số hộ kinh doanh cá thể chưa tính. Nền kinh tế của chúng ta còn bỏ sót rất lớn về quy mô.

“Trong khi các nước họ tính, mua 1 cái ốc vít, 1 que tăm cũng có hoá đơn, chứng từ; còn ở ta mua xe máy, mua tivi, mọi thứ đều không có chứng từ. Trong khi tính toán bỏ sót rất nhiều và thất thu thuế rất lớn. Hàng vạn nhà lầu, xe hơi hỏi đánh thuế được bao nhiêu", Thủ tướng nhấn mạnh việc tính toán lại GDP là rất cần thiết.

15h57

Sau 15 phút giải lao, QH tiếp tục phiên chất vấn, Thủ tướng trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Thu Dung - Thái Bình trong phiên chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân hôm qua và cũng chuyển tới Thủ tướng về việc, năm 2017 Bộ Chính trị ban hành Quy định số 105 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Năm 2018, ban hành Quy định số 132 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, hiện nay công tác cán bộ của hệ thống chính quyền vẫn thực hiện theo Quy định 27 năm 2003 và Nghị định 56 năm 2015 của Thủ tướng.

Bà hỏi Thủ tướng và Bộ trưởng trách nhiệm này thuộc về ai và giải pháp cụ thể hơn nữa để khắc phục trong thời gian tới?

Liên quan việc này, Thủ tướng cho biết, hôm qua Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã rất thẳng thắn nhận tồn tại này và sẽ sớm trình Thủ tướng thay đổi văn bản, Nghị định 27/2003.

Ông tin rằng lời hứa của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân sẽ ban hành mới để thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ.

Trước hết là thực hiện tốt Quy định số 105 của Trung ương và  thực hiện tốt các Nghị quyết 06 về công tác cán bộ về quy trình 5 bước trong bổ nhiệm cán bộ và các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, phải có sự thay đổi lớn.

Theo Thủ tướng, trong nhiệm kỳ này dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, chúng ta đã có những thay đổi lớn về đánh giá cán bộ, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ qua quy trình 5 bước.

15h27

Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước

Trả lời ĐB Trương Trọng Nghĩa và Lưu Bình Nhưỡng về vấn đề nước sạch, Thủ tướng cho biết đã yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về luật Quản lý tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cho người dân tránh tình trạng như vừa qua.

Về tỷ lệ Nhà nước nắm giữ đối với nước sạch, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành nắm và thực hiện theo đúng quyết định 2502 của Thủ tướng ngày 22/12/2016.

“Tôi nhất trí rằng đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống sức khoẻ của người dân. Chính vì vậy, Thủ tướng phải tăng cường chỉ đạo các cấp kiểm tra để thực hiện đúng luật về bảo vệ tài nguyên nước mà chúng ta đã ban hành”.

Về vấn đề điện Bạc Liêu mà nhiều ĐBQH chất vấn hôm qua, Thủ tướng đã có cuộc họp với các cấp, các ngành, trong đó có Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Điện lực Việt Nam.

Thủ tướng và Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí tại cuộc họp đón đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ ngay sau kỳ họp thứ bảy vừa rồi. Việc để Bạc Liêu xây dựng nhà máy điện khí không trái quy hoạch.

Bởi lẽ trước đây đã có quy hoạch xây dựng nhà máy điện than 1200M tại Bạc Liêu, nay chuyển sang xây dựng điện khí, vì vậy cần phải đưa ngay bổ sung vào sơ đồ quy hoạch điện 7 để tỉnh Bạc Liêu triển khai. Bộ Công Thương, Bạc Liêu cần triển khai ngay việc này lưu ý các cấp, các ngành có liên quan không được để chậm trễ như ĐBQH đã phản ánh.

Trả lời, ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa Vũng Tàu) xung quanh điện khí hoá lỏng phát triển địa phương như thế nào, Thủ tướng cho biết sẽ có quy hoạch cụ thể để đảm bảo giữa cung và cầu, kể cả nguồn và lưới điện.

Thủ tướng nhất trí rằng điện khí hoá là một loại nhà máy điện sạch hơn các nhà máy điện than rất nhiều.

Chính vì vậy, vấn đề quy hoạch phát triển điện khí Việt Nam đảm bảo cạnh tranh, bảo đảm được lợi ích quốc gia, với dân tộc, người dân Việt Nam có giá điện rẻ để tiêu dùng và sản xuất. Chúng ta mới có công suất hiện nay có 39.000 MW, sắp đến phát triển mạnh các nguồn điện, nhất là ở phía Nam để đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, kịp thời cho sản xuất, tiêu dùng.

Đã giảm được tỷ số giữa GDP và tiêu thụ điện năng, trước đây 1 GDP thì 2 điện năng bây giờ 1 GDP còn 1,6-1,7, phải tính tới mức độ tăng trưởng để phát triển điện, đảm bảo cơ cấu nguồn điện một cách phù hợp trong phát triển.

Điện bây giờ không phải chỉ là kinh tế mà mất điện sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của nhân dân.

Tôi có lần đã nói cơ quan nào, đơn vị có chức năng sản xuất, cung ứng điện không đảm bảo cấp điện thì mất chức chứ không phải bình thường, nêu cao tinh thần trách nhiệm.

Chúng ta đã có một Ban chỉ đạo quốc gia về vấn đề này các cấp, các ngành cùng tham gia, tôi yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Công Thương làm Phó Ban thường trực phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà Thủ tướng đã quy định, giao nhiệm vụ đôn đốc, nhắc nhở rất nhiều chứ không phải để "nước đến chân mới nhảy", không được công bố tình trạng thiếu điện.

Xây dựng một nền năng lượng độc lập, tự chủ và hội nhập vấn đề đặt ra vấn đề phát triển nguồn và lưới điện trong phát triển điện, kể cả các loại hình nhà máy điện.

Quốc hội giải lao.

15h22

DN, người dân đứng trên đôi chân của mình

Thủ tướng trả lời ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) hỏi từ hôm qua về số tiền thưởng 4 tỷ đồng năm 2015 cho Vĩnh Phúc về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay chưa nhận được.

Theo Thủ tướng, trước đây chúng ta đã trình phương án thưởng trái phiếu Chính phủ cho các đơn vị nông thôn mới nhưng QH không đồng ý.
Thủ tướng nhất trí với UB thường vụ QH là không nên dùng trái phiếu Chính phủ để thưởng cho các đơn vị mà nên bố trí ngân sách.

Chính phủ quyết định giao cho Bộ Tài chính Chủ trì với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT đề xuất Thủ tướng nguồn để thưởng cho các đơn vị liên quan về việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

 
{keywords}
Thủ tướng trả lời chất vấn ĐBQH chiều 8/11. Ảnh: Minh Đạt

Trả lời ĐB Nguyễn Thị Kim Bé giải pháp phát triển kinh tế hộ, nhất là hợp tác xã, DN nhỏ và vừa khi Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do, Thủ tướng cho biết, hiện nay chúng ta ký nhiều hiệp định thương mại tự do và có 3 hiệp định lớn đang được thảo luận và sẽ ký kết trong thời gian tới.

Hội nhập là điều rất cần thiết theo đường lối của Đảng, Nhà nước. Chúng ta không hội nhập, không thể phát triển được.

Nhưng hội nhập thì phải có công cụ để phòng vệ thương mại phù hợp với lộ trình hội nhập. Người ta thường sử dụng hàng rào kỹ thuật đúng pháp luật để bảo vệ đúng mức, đúng quy định trong quá trình thảo luận các hiệp định này.

“Chúng tôi đề nghị, DN, người dân đứng trên đôi chân của mình. Nhà nước phải làm mấy việc rất quan trọng, không chỉ là công cụ phòng vệ được sử dụng tối đa mà nhà nước phải tạo môi trường và thông tin cho DN nhỏ và vừa cũng như người dân.

Đồng thời đào tạo nguồn nhân lực, tạo nên một nguồn nhân lực tốt kể cả năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật, năng lực quản trị của người dân và DN để hội nhập có thể thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, không phải vì bảo vệ bảo hộ mà bao cấp thì không bao giờ thành công trong bối cảnh hội nhập. Điều đó không cho phép trong quá trình ký kết Hiệp định thương mại tự do.

15h20

ĐB Nguyễn Thị Yến - Bà Rịa Vũng Tàu: Một là, Thủ tướng đánh giá thế nào về mức độ độc lập tự chủ nền kinh tế nước ta hiện nay? Có những giải pháp căn cơ gì để nền kinh tế nước ta phát triển bền vững?

Hai là, nhiều quốc gia trở thành cường quốc kinh tế đồng thời cũng là cường quốc văn hoá trong quá trình phát triển. Thủ tướng cho biết, phát triển văn hoá có phải vấn đề có tầm chiến lược quan trọng trong xây dựng đất nước ta hay không? Thủ tướng có giải pháp đột phá gì?

ĐB Nguyễn Quốc Hận - Cà Mau: Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với nhiều giải pháp và nhiệm vụ cụ thể. Thời gian đã trôi qua gần 2 năm, xin hỏi Thủ tướng các nhiệm vụ cụ thể của Nghị quyết có được các ngành, các cấp nghiêm túc tổ chức thực hiện?

Sự tác động của Nghị quyết này đến sự phát triển của ĐBSCL qua 2 năm? Và Chính phủ dự kiến sơ kết Nghị quyết này?

 
{keywords}
ĐB Nguyễn Quốc Hận. Ảnh: Minh Đạt

ĐB Nguyễn Quốc Hưng - Hà Nội: Chúng tôi rất cảm ơn Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 2 lần trả lời trực tiếp rất thuyết phục bằng văn bản về đảm bảo đầu tư cho văn hoá tương xứng với phát triển kinh tế và những giải pháp đột phá xây dựng con người có văn hoá, nhất là trong tình hình hiện nay khi kinh tế tăng trưởng mạnh, nhưng đạo đức văn hoá còn nhiều bất cập xuống cấp .

Thủ tướng cũng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ kiến nghị QH quan tâm hơn nữa đảm bảo đầu tư ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng kết luận số 30 ngày 20/7/2004 của Hội nghị Trung ương lần thứ 10.

Chúng tôi đại diện cử tri ngành văn hoá thể thao du lịch rất phấn khởi tin tưởng và xin hỏi Thủ tướng trong thời gian tới khi nào, liệu trong nhiệm kỳ này của Thủ tướng thì tư tưởng ý chí chiến lược của Đảng và Thủ tướng có được duyệt không và thực hiện như nào để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu quan trọng trong phát triển đất nước.

15h18

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé - Kiên Giang: Trong thời gian qua Đảng và nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách để khẳng định vai trò của KHCN đối với phát triển đất nước, nhưng đến nay chưa thực sự trở thành yếu tố trực tiếp đóng góp mạnh cho sự phát triển.

 
{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé. Ảnh: Minh Đạt

Chính phủ có giải pháp gì để thị trường khoa học mà cụ thể là các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu KHCN được phát huy vai trò của mình, thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước?.

ĐB Nguyễn Văn Thân - Thái Bình: Năm 2020, Việt Nam sẽ là uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN. Thủ tướng cho biết những quyết sách của Thủ tướng để tận dụng cơ hội này đối với đất nước.

Thời gian tới Thủ tướng sẽ tập trung như thế nào đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để cộng đồng này thực hiện tốt một trong ba trọng tâm của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, là khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.  

Ba là nền kinh tế vào ban đêm đang có nhiều ý kiến trao đổi rất rộng rãi và khác nhau. Quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào xin?

ĐB Đỗ Thị Thu Hằng - Đồng Nai: Cho phép tôi gửi đến Thủ tướng hai câu hỏi. Thứ nhất, nhiều ý kiến cho rằng sắp xếp lại cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Việc chấp hành niêm yết của doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá chưa nghiêm .

Xin Thủ tướng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này như thế nào? Thời gian tới Chính phủ có giải pháp gì cải thiện tình trạng này?

Thứ hai, để giảm nhẹ các rủi ro và tận dụng triệt để các cơ hội mới trong điều kiện cách mạng công nghệ 4.0, Chính phủ đã xác định coi năng suất và đổi mới sáng tạo là động lực để thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chính phủ sẽ làm gì để triển khai hiệu quả chương trình này?

ĐB Nguyễn Thanh Hồng -  Bình Dương: Theo tôi sự chồng chéo mâu thuẫn, thiếu khả thi của hệ thống pháp luật, việc bảo đảm thi hành pháp luật chưa nghiêm, việc chính sách thiếu liên thông thiếu ổn định, thiếu nhất quán đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Khoảng cách này ngày càng xa, có thể nói pháp luật đang tụt hậu lại phía sau. Điều này thể hiện rất rõ trong phiên chất vấn diễn ra trong 3 ngày hôm nay.

Tôi trân trọng đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm về vấn đề này? Đề nghị QH nếu xét thấy cần thiết tổ chức giám sát chuyên đề hoặc tổ chức phiên chất vấn về vấn đề này?

15h15

Sau bài phát biểu của Thủ tướng, QH chuyển sang phần chất vấn với Thủ tướng. Đã có hơn 40 đại biểu đăng ký.

ĐB Nguyễn Văn Quyền - Cần Thơ: Tôi biết vừa qua Tổng cục Thống kê đã đánh giá lại quy mô GDP Việt Nam giai đoạn 2010-2017 và công bố kết quả năm 2017 đạt 275 tỷ USD, thay cho 220 tỷ báo cáo trước đó.

Nếu tính cả tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 và 2019 thì đã đạt ngưỡng khoảng 310 tỷ USD, thay cho 266,5 tỷ mà Chính phủ đã báo cáo.

Xin Thủ tướng xem quan điểm chúng ta có công nhận kết quả đánh giá lại quy mô nền kinh tế hay không? Nếu công nhận thì rất quan trọng để xây dựng và đóng góp vào chiến lược phát triển kinh tế 10 năm tới và kế hoạch phát triển 5 năm chuẩn bị trình Đại hội Đảng. 

ĐB Lưu Bình Nhưỡng - Bến Tre: Qua việc nhà máy nước sông Đà bị đầu độc, có dấu hiệu lợi ích nhóm, tạo ra một cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, bộc lộ một lỗ hổng về an ninh quốc gia.

 
{keywords}
ĐB Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Minh Đạt

Theo tôi cần làm ba việc: một là, phải xử lý nghiêm các vi phạm; hai là, cần xem xét lại hoàn thiện quy hoạch sản xuất và cung ứng nước sạch; ba là, nghiên cứu xây dựng luật về cung ứng sản xuất và cung ứng nước sạch.

Đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm của mình.

Riêng về vấn đề trách nhiệm của một số cán bộ thuộc Bộ Công an liên quan đến vụ AVG và tổ chức đưa phạm nhân ra làm việc cho doanh nghiệp cũng như sai phạm của cán bộ công chức trong vụ thí điểm xe điện ở Sầm Sơn, Thanh Hoá, tôi sẽ có văn bản riêng gửi Thủ tướng để xem xét xử lý theo thẩm quyền, hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của Đảng và Nhà nước. 

14h55

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo, làm rõ từng nội dung cụ thể.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng lưu ý, không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển đất nước; không được để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công; phải đảm bảo hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất.

 
{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Minh Đạt

Về  dự án trọng điểm quốc gia cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thủ tướng cho biết đây là những dự án đã được QH phê duyệt chủ trương đầu tư, ưu tiên bố trí vốn. Chính phủ đã và đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện.

“Quyết tâm thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đã được duyệt, không ngừng cải thiện đời sống của hơn 20 triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long, phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh và sự đóng góp của vùng, cho đất nước”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Về cơ cấu lại DNNN: Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới năng lực quản trị của DNNN, tăng nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong kế hoạch đã được duyệt. Tiếp tục tạo cơ hội cho khu vực tư nhân, các loại hình hợp tác xã tham gia quá trình tái cơ cấu DNNN.

Đối với các dự án và doanh nghiệp thua lỗ, thất thoát lớn, cần tập trung giải quyết, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước và xử lý nghiêm các sai phạm.

Vấn đề cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải được triển khai, xử lý quyết liệt hơn, nhanh hơn và thực chất hơn.

Về môi trường đầu tư kinh doanh, người đứng đầu Chính phủ tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát, bãi bỏ và giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Về công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước tiếp tục đặt ra yêu cầu cao hơn về an ninh, an toàn và chất lượng cuộc sống của người dân. Quan điểm phát triển hài hòa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Về các vấn đề xã hội, cần nghiêm túc nhìn nhận sâu sắc, toàn diện cả kết quả tích cực có tính lịch sử và cả những hạn chế yếu kém, không được chủ quan, để triển khai tốt hơn nữa trong giai đoạn sắp tới.

Về các vấn đề xã hội bức xúc mà ĐBQH nêu như tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em…, Thủ tướng cho rằng, cần phải có chiến lược, biện pháp cụ thể để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt trái của cơ chế thị trường.

Chính phủ khuyến khích các hoạt động văn hóa lành mạnh, loại bỏ các biểu hiện trái với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng và xã hội.

Về năng lực bộ máy hành chính và chất lượng cán bộ, Thủ tướng nhìn nhận cần phải nghiêm túc đánh giá là hiện nay chưa đáp ứng kịp với yêu cầu quản lý, điều hành kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Thủ tướng hứa tiếp tục chỉ khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, trùng lặp, không phân định và xác định rõ trách nhiệm trong việc triển khai thi hành nhiệm vụ.

Đồng thời đẩy mạnh việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế để tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển gắn với cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết TƯ.

Thủ tướng cũng sẽ chỉ đạo cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về trọng dụng nhân tài.

Về quốc phòng, an ninh, người đứng đầu Chính phủ nhắc đến các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của nước ta và nhấn mạnh: “Khó có ai thấm nhuần ý nghĩa của hòa bình sâu sắc hơn chúng ta”

Chính phủ, Thủ tướng sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động thực thi pháp luật bằng các giải pháp phù hợp, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông.

Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, của những quốc gia và lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý.

Về đấu tranh chống tham nhũng, người đứng đầu Chính phủ khẳng định tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố rà soát lại đội ngũ để đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, gây nhũng nhiễu người dân và DN. 

14h47

Trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng báo cáo, làm rõ một số vấn đề mà QH, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm.

Theo Thủ tướng, thách thức lớn nhất của chúng ta hiện chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm. Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam.

“Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương. Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân.

Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn!”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhắc đến tinh thần “cùng quyết chí, đồng tâm hợp lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đặc biệt là vai trò chủ động, tích cực của các địa phương.

14h46

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, hiện có 40 ĐB đăng ký chất vấn Thủ tướng. Quỹ thời gian còn không nhiều, QH ưu tiên Thủ tướng có bài phát biểu dài hơn các Bộ trưởng.

Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, trực tiếp chỉ đạo, điều hành quản lý rất nhiều công việc của Chính phủ và của cả nước nên Thủ tướng sẽ có báo cáo dài hơn. 

14h45

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp báo cáo, giải trình một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

4 Bộ trưởng đã lần lượt trả lời chất vấn trước Quốc hội là: Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Trong 15 phút cuối của phiên làm việc chiều nay, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phát biểu kết thúc, đánh giá lại toàn bộ phiên chất vấn.

Trên cơ sở đó, QH sẽ ban hành nghị quyết về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này để các bộ, ngành triển khai thực hiện và là cơ sở cho các cơ quan, ĐBQH và cử tri theo dõi, giám sát. 


tin tức liên quan