Nghịch lý ngành điện: Thiếu điện nhưng có điện không phát được

Ngày đăng: 06:48 28/12/2019 Lượt xem: 454


    Nghịch lý ngành điện: Thiếu điện nhưng có điện không phát được


                                                   Nguồn: Báo Điện tử Tuổi Trẻ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố tính toán cho thấy khả năng năm 2021 sẽ thiếu tới 6,6 tỉ kWh điện


Thủ tướng ra mệnh lệnh không để thiếu điện. Nhưng rủi ro sự cố, thiếu nguồn… có thể phát sinh khiến việc phải cắt điện không phải không xảy ra. Để người dân không phải gánh chịu sự đã rồi, cần giải quyết rốt ráo những nghịch lý của ngành điện.

Có thể thấy rõ nghịch lý của ngành điện hiện nay: thiếu điện nhưng nhà máy làm ra rồi không phát được. Điện gặp khó về vốn đầu tư, giảm giá không được, nhưng hiện điện giá rẻ có vẫn phải đốt dầu giá cao để đủ điện... Tất cả do vướng mắc chính sách và chậm tiến độ.

Thời gian qua, hàng loạt chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời đã bỏ tiền làm nhà máy với nhiều tin tưởng, nhưng phải gửi thư tới Thủ tướng kêu vì giá mua điện mặt trời áp dụng trước đây đã hết hiệu lực từ ngày 1-7-2019, tới nay gần 6 tháng vẫn… chưa có giá mới thay thế. Mà làm nhà máy, không biết giá mua thế nào thì… quá khó.

Đó là chưa kể nhiều dự án điện mặt trời hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ, bỏ tiền đầu tư xong, có thể phát điện thì… không thể bán do không có lưới truyền tải, hoặc có nhưng quá tải, không thể tải đủ lượng điện phát ra.

"Một người lo bằng kho người làm", những vấn đề khúc mắc mà các nhà đầu tư đang phải chịu trên là không đáng có và có thể tránh được nếu khâu quy hoạch, hoạch định chính sách, tham mưu ban hành chính sách được làm tốt.Thiếu điện là nguy cơ thực tế. Mệnh lệnh cho EVN là đúng. Nhưng chỉ EVN chưa đủ khi hầu hết dự án chậm tiến độ là của doanh nghiệp khác, các vấn đề như thiếu khí đốt, thiếu than... không phải EVN giải quyết được.

Giải pháp căn cơ vẫn là làm sao có những nhà máy điện theo đúng quy hoạch, đủ sức đáp ứng nhu cầu điện đang tăng khá mạnh. Nhưng phải thấy thực tế rằng dự án nào có thể tháo gỡ thì đã chạy rồi. Những dự án tồn tại suốt nhiều năm cần giải pháp mạnh hơn và cần sự quyết liệt, tính chịu trách nhiệm của những cấp cao hơn EVN.

Với quyết tâm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện khi áp đặt "mệnh lệnh không thiếu điện", có lẽ đã đến lúc cần giao rõ trách nhiệm, đầu việc, lộ trình ban hành chính sách tháo gỡ, không chỉ ở cấp EVN, lãnh đạo doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án điện, mà thậm chí cả phó thủ tướng phụ trách ngành để tất cả cùng "tăng tốc", tránh khả năng thiếu điện, khi đó dù có truy trách nhiệm thì thiệt hại cũng đã rất lớn.
( C. H sưu tầm)


 

tin tức liên quan