Lòng tin thời virus corona
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Nếu không làm được gì để giúp cho việc phòng chống dịch COVID-19, thì ít nhất nên im lặng. Chính phủ mới có đủ thông tin để ra quyết sách trong lúc dịch bệnh, khủng hoảng.
Hôm qua, trên FB lan truyền ảnh chụp giấy báo tử của Bệnh viện 115 TPHCM với một cô gái trẻ mới 26 tuổi. Nhiều người ở tận đâu đâu, phao tin cô gái mất vì COVID-19 và cáo buộc Việt Nam giấu dịch. Mặc dù Bệnh viện 115 đã thông tin chính thức rằng: Bệnh nhân không có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19, xét nghiệm cho thấy cô âm tính với COVID-19, cô tử vong do viêm cơ tim cấp, suy hô hấp cấp tiến triển và suy đa phủ tạng.
Vậy là chưa rõ bệnh tình người đã khuất ra sao, đã có những người lan truyền tin đồn vô căn cứ về cô, vi phạm quyền riêng tư, xúc phạm người đã khuất, gieo rắc sợ hãi nghi ngờ về nguy cơ nhiễm bệnh cho người thân của cô gái. Cũng không ít người ra sức cho rằng Việt Nam che giấu thông tin , dịch phải nghiêm trọng hơn con số 16 người nhiễm và được chữa khỏi. Họ táng tận lương tâm đến mức xuyên tạc đến cả cái chết của người khác, chỉ để phục vụ cho mục đích của họ. Họ muốn mọi người phải hoang mang hơn nữa thì mới đủ "cảnh giác" với dịch bệnh theo cách họ muốn
Cũng hôm qua, được chia sẻ khá nhiều là tin Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đưa Việt Nam khỏi danh sách điểm đến có khả năng lây lan Covid-19. Thông tin rất đáng mừng bởi điều đó sẽ giúp hồi phục phần nào kinh tế, du lịch, dịch vụ của Việt Nam. Với khuyến cáo này, công dân Mỹ sẽ không còn phải e ngại khi tới Việt Nam nữa. Và đầu tháng Ba tới, sẽ có một đoàn doanh nghiệp Mỹ khá lớn thăm Việt Nam để xúc tiến thương mại.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đưa Việt Nam khỏi danh sách điểm đến có nguy cơ nhiễm COVID-19.
Khi người dân đang tin tưởng rằng những biện pháp mà Chính phủ đang thực hiện để ngăn chặn COVID-19 có hiệu quả, thì có thêm một đánh giá rất tích cực của bên thứ ba, thực sự đó là một tin tốt. Nhưng lại cũng có những người không thỏa mãn với đánh giá của CDC, cho đó là không trung thực, là Việt Nam đã "tác động" theo cách nào đó.
Họ không biết rằng CDC từ đầu dịch tới giờ thường xuyên dự các cuộc họp về phòng chống dịch của Việt Nam. Mỹ có hơn 100 nhân viên y tế thuộc Đại sứ quán tại Việt Nam và CDC đặt văn phòng tại 4 tỉnh thành từ lâu. Chưa nói đến dịch COVID-19, hợp tác Y tế luôn là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của Việt Nam với Mỹ, chiếm 75% viện trợ của Mỹ dành cho Việt Nam - theo con số năm 2015 của Đại sứ quán Mỹ.
Trước đó, đích thân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, khi trả lời cộng đồng người Việt ở Mỹ, đã nhận xét rằng Việt Nam nhìn nhận dịch hết sức nghiêm túc, rất nỗ lực, minh bạch các thông tin về dịch, và hợp tác chặt chẽ với CDC phòng chống dịch.
Không chỉ có Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác khác cũng ca ngợi Việt Nam đã tiến hành các biện pháp theo dõi, cách ly, điều trị bệnh nhân một cách đồng bộ và đầy kinh nghiệm.
Các bên khi đưa ra đánh giá trên, họ đã có quá trình làm việc lâu dài cùng với phía Việt Nam, có những tiêu chuẩn, chỉ số định lượng rõ rệt về chuyên môn. Dịch bệnh không thể coi nhẹ, càng lơ là chủ quan dịch càng dễ bung ra như ở một số nước khác.
Lòng tin luôn luôn khó khăn, ở bất kỳ nước nào cũng vậy. Nhưng với mức độ làm việc minh bạch như vậy mà có người còn cố tình bẻ cong thông tin thì chắc hẳn chỉ là họ không muốn nghe theo sự đúng đắn. Lúc khủng hoảng, chỉ có chính phủ mới nắm thông tin toàn diện để ra quyết sách, và khi quyết sách đó đã đạt hiệu quả thì tại sao lại không đặt lòng tin vào đó?Tất cả các thông tin về phòng chống dịch đều được công bố từng ngày từng giờ trên báo chí, trên cổng thông tin của Bộ Y tế. Các cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thường xuyên có sự tham dự của các đối tác song phương và đa phương. Hàng ngày Bộ Y tế đều nhắn tin đến điện thoại người dân cung cấp những thông tin phòng chống dịch. Ai cũng hiểu việc giấu dịch sẽ càng khiến dịch lây lan nguy hiểm ra sao, những ví dụ đó đã được thấy rất rõ ở bệnh nhân số 31 của Hàn Quốc.
Nhiều người nhắc nhở không được tự mãn khi WHO, CDC hay bất kỳ đối tác nào khen ngợi. Nhưng ai cũng thấy các biện pháp chống dịch ngày càng quyết liệt hơn, thậm chí phải dùng đến biện pháp có thể gây nhiều tổn thương là dừng cấp visa cho du khách Hàn Quốc, trong khi Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Một quan chức phụ trách truyền thông của Bộ Y tế trả lời trên FB cá nhân: Việt Nam chưa bao giờ lơ là trong chống dịch.
Trước khi xúi giục người khác nghi ngờ, hãy nghĩ đến hậu quả của nó với số đông người lao động.
Cách đây vài hôm tôi đi Grab Bike ở Hà Nội. Tôi hỏi cậu lái xe tầm nay em chắc đông khách, người ta sợ dịch, bỏ taxi sang bike hết? Cậu bảo vắng lắm, bởi người ta không ra đường nữa. Tôi hỏi cậu tiếp xúc nhiều người có sợ dịch không? Cậu bảo có gì mà sợ, mình tự phòng vệ kín mít rồi, với em đọc thông tin thì bảo là nó cũng giống cúm mùa, mà ai cơ thể yếu đề kháng kém, có bệnh sẵn rồi mới sợ. Cậu lái xe còn nói, tại báo chí cứ đưa tin quá lên làm người ta sợ, em chỉ lo chạy xe không đủ sống thôi...
Cuối tuần trước, đi Vinh, vào chợ Vinh tôi thấy vắng heo hắt. Hỏi mấy chị bán hàng, dịch thế này khách có vãn không? Chị nào cũng chỉ tay bảo nhìn mà xem, nhiều quầy chả buồn mở. Mọi năm tầm này khách cũng đông, người ta vào Vinh đi lễ, đi công tác, năm nay 10 khách chỉ còn 5.
Trước đó, khi dịch còn chưa bùng phát ở Hàn Quốc mà mới chỉ là ỏ Trung Quốc, tôi nói chuyện với một doanh nhân Hàn Quốc ở Việt Nam. Anh bảo tác động mạnh, một phần khá lớn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc sang, chắc tháng Ba là nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc hết nguyên liệu trong kho để sản xuất. Một cái điện thoại cả nghìn linh kiện, thiếu một chi tiết cũng không thể hoàn thành. Giờ thêm Hàn Quốc dịch lan rộng, thị trường xuất khẩu của Việt Nam càng ảnh hưởng, liệu bao nhiêu người lao động Việt Nam sẽ phải nghỉ không lương hay mất việc?
Ra đường tìm hiểu , mới thấy sự đình trệ tác động đến bát cơm người lao động thế nào. Đọc báo nghe chuyên gia tính toán giảm mấy phần trăm, đôi khi chỉ là con số, không nhìn thấy được nét lo âu trên gương mặt, không nghe được tiếng thở dài.
Vì thế, những người có thừa thời gian chém gió trên mạng xã hội, làm ơn đừng gieo rắc năng lượng xấu, đừng gieo rắc sự nghi kỵ. Không đọc đủ thông tin, không tuân thủ những chỉ dẫn chính thức để phòng chống dịch, họ còn có thể làm gì ngoài việc trả lời đồng ý cho con nghỉ ở nhà rồi lại kêu không biết làm gì vơi con trong thời gian đó?
( C. H sưu tầm)