Ông là một người hiểu biết về Phật giáo ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, đó cũng là yếu tố góp phần giúp ông có những quyết định sáng suốt. Những quyết sách của ông thường được đưa ra sau khi bàn bạc với tập thể bộ Tư lệnh mặt trận.

 Khi ta thắng trận, Đại tướng ra lệnh không ai được hạ nhục, đánh đập tù hàng binh, và yêu cầu đối xử với họ rất nhân văn. Một số tù binh sau về nước đã viết hồi ký cảm ơn ông.

 Từ bạn bè, kẻ thù, mọi người đều kính trọng, tôn vinh ông có lẽ cũng vì ông là một đại diện của truyền thống TRÍ TUỆ, NHÂN HẬU của dân tộc Việt Nam. Những năm 1980, tôi từng đến thăm gia đình ông ở 30 Hoàng Diệu thấy ông ngồi thiền, khiến tôi hết sức ngỡ ngàng.

Tác giả Hồng Khanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Nếu ai đã từng nhiều lần tháp tùng Đại tướng đều nhận thấy rằng khi nói chuyện ông đều nói về tấm gương và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bao giờ cũng vậy, trong các buổi nói chuyện, ông đều nói về nhân cách, đạo đức làm người, lấy Bác Hồ làm tấm gương để soi chiếu, học tập.

Đại tướng có tấm lòng tri ân sâu sắc. Tôi vẫn nhớ như in trong một lần đi công tác với Đại tướng về xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, nơi đồng bào ở khu tái định cư vùng hồ thủy điện sông Đà còn nhiều khó khăn, nhà cửa đơn sơ, nhân dân còn có những người mặc áo vá. Khi chứng kiến sự việc này, giọng Đại tướng chùng xuống, ông nói đại ý: Khi nước nhà chưa giành được độc lập, nhân dân hết lòng che chở, đùm bọc, hy sinh tính mạng, tài sản cho tổ quốc. Khi cách mạng giành được chính quyền rồi, mà còn để đồng bào đói rách thì chính phủ có lỗi với bà con. Đại tướng cảm động rưng rưng nước mắt xin lỗi nhân dân rồi lấy khăn lau nước mắt làm chúng tôi cũng rất xúc động.

Đại tướng luôn quan tâm đến mọi người, từ lãnh đạo cấp cao đến những người lính - vệ binh bảo vệ vòng ngoài. Khi chụp ảnh, Đại tướng đề nghị anh em vệ binh gác ở vòng ngoài vào chụp ảnh chung, điều mà ít ai nghĩ tới. Tôi còn nhớ có một người Lãnh đạo ngành du lịch của Pháp đi thăm sông Đà biết Đại tướng đang ở đây đã cố xin gặp cho được. Bảo vệ không đồng ý, nhưng Đại tướng biết đề nghị thư ký bố trí cho ông mươi phút để nói chuyện với họ. Sau đó, độ 10 năm, tôi biết ông ấy có dự một hội nghị ở Bộ Kế hoạch, tôi tìm gặp và tặng ông ta bức ảnh chụp với Đại tướng. Ông nói vô cùng ấn tượng và biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành thời gian để tiếp ông một cách thân mật, vui vẻ.

Gia đình Đại tướng sống rất bình dị. Từ ăn uống, đến sinh hoạt, mọi thứ bố trí trong phòng đều hết sức đơn giản. Chỉ có mấy chiếc ghế mây, còn sách thì rất nhiều, cây cảnh tuy Đại tướng rất yêu quý nhưng cũng chỉ có một ít không nhiều. Bà con anh em trong Quảng Bình hồi đó còn rất nghèo, khi ra thăm ông chỉ mang theo một, hai cân khoai lang miếng hoặc bột khoai vì lương thực hồi đó rất quý hiếm. Mỗi người cán bộ như Đại tướng và chúng tôi cũng chỉ được bán tiêu chuẩn 13,5 kg gạo một tháng. Tiền lương cũng cũng chẳng đáng là bao. Đôi khi khách đến đông, gia đình cũng khó xoay sở. Một con người vĩ đại như Đại tướng mà sống cuộc đời bình dị, thanh bạch đến lạ thường. Ông không thích mọi người gọi mình là Đại tướng, chỉ muốn gọi là anh Văn, tên Bác Hồ đặt cho ông. Trong từng suy nghĩ, hơi thở của ông có lẽ luôn có hình ảnh Bác Hồ đi theo.

Đại tướng không chỉ giỏi nghệ thuật quân sự, mà còn giỏi cả văn chương, nghệ thuật. Tôi chụp tặng đại tướng bức ảnh chân dung mà hình ảnh ông nổi bật giữa sông núi, mái tóc pha sương tung bay trước gió, mặt tươi cười rạng rỡ. Nhận bức ảnh, đại tướng khen động viên tôi, đây là bức ảnh chân dung đẹp nhất trong các bức ảnh chân dung ông đã chụp. Tôi hiểu đây là lời động viên khích lệ và thực sự xúc động.

 Trước khi mất, Đại tướng có di nguyện về quê Quảng Bình, mộ đặt đầu dựa vào núi, hướng ra biển Đông. Chúng tôi đa từng đến thắp hương tại mộ của Đại tướng và chụp được nhiều bức ảnh cảm động về nơi này./. 

Hồng Khanh
( PS st Theo Báo ĐT Đảng CSVN)