Tiền rơi theo từng cung đường vận chuyển

Ngày đăng: 04:43 17/07/2020 Lượt xem: 413

Tiền rơi theo từng cung đường vận chuyển

 Thứ sáu, ngày 17/07/2020 16:11 PM (GMT+7)
 
Khi "vua tôm" Minh Phú so sánh chi phí vận chuyển tôm từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội đắt gấp đôi so với từ Việt Nam sang Mỹ, nhiều ý kiến cho rằng, so sánh đi đường bộ với đường biển là khập khiễng. Nhưng có một sự thật không thể chối cãi, tiền đang rơi quá nhiều trên từng cung đường vận chuyển nông sản.
 
 

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã dùng từ "kỳ lạ" khi nói về chi phí logistics đối với mặt hàng nông sản của Việt Nam. Kỳ lạ là bởi, không thể có chuyện vận chuyển 1 container tôm 40 feet từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội mất tới 80 triệu đồng, trong khi vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ chỉ mất… 40 triệu đồng và từ Việt Nam sang Nhật Bản là 16 triệu đồng. Kỳ lạ là bởi 1 container vận chuyển từ TP.Hồ Chí Minh đến cửa khẩu bên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi từ Ecuador đến cửa khẩu biên giới xa tới hàng nghìn kilomet nhưng giá chỉ bằng một nửa.

Trước nhận định này của ông Quang, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, việc so sánh vận chuyển bằng đường bộ trong nội địa với vận chuyển đường biển sang Mỹ là khập khiễng, do lợi thế về quy mô của phương tiện vận tải biển (một tàu biển có thể chở hàng chục nghìn cho đến trăm nghìn container) nên chi phí tính trên từng container sẽ thấp. Còn container vận chuyển từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng đường bộ, một phương tiện chỉ chở được một container nên không thể so sánh được.

Tiền rơi theo từng cung đường vận chuyển - Ảnh 1.

Cần xây dựng các trung tâm logistics nông sản hiện đại để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Nhưng chắc hẳn khi đưa ra con số này, ông Quang không… nói cho vui mà phải dựa trên thực tế của doanh nghiệp.

Bởi đa phần doanh nghiệp đều chia sẻ với nhận định này của ông Quang. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Nafoods cho biết, doanh nghiệp của ông chuyển 1 container chanh leo từ Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh bằng đường bộ và tàu hỏa giá bằng khoảng 40% chi phí đưa sang châu Âu. "Điều này khiến cho nông sản và nguyên liệu tại các vùng miền bị hạn chế sức cạnh tranh chứ chưa nói đến hạn chế sức cạnh tranh quốc tế" – ông Hùng nói.  

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Minh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cũng thừa nhận một thực tế, chi phí logistics của một số chuỗi cung ứng hiện còn ở mức cao, khiến giá thành sản xuất của nông sản Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác. Có thể lấy ví dụ, chi phí logistics của hải sản chiếm 12,1% giá thành sản xuất, con số này với mặt hàng gạo lên tới 29,8%, rau quả 29,5%.

Chủ một doanh nghiệp xuất khẩu chuối nhiều nhất ở Đức Huệ (Long An)- ông Võ Quan Huy, cho biết, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, chi phí logistics đã tăng tới 45%, thậm chí việc thay đổi quy trình kiểm dịch cũng khiến doanh nghiệp ông Huy tốn thêm 1 – 2 triệu đồng cho mỗi container và mất thêm 6 – 12 giờ chờ đợi.

Vậy, tiền đã rơi xuống đâu trong mỗi cung đường vận chuyển?

Ông Nguyễn Duy Minh nhìn nhận: Nguyên nhân khiến chi phí logistics tăng cao là do phí vận chuyển cao bởi giá nhiên liệu cao, quá nhiều trạm thu phí BOT và các chi phí không chính thức khác, trong khi hệ thống hạ tầng còn hạn chế.

Tiền rơi theo từng cung đường vận chuyển - Ảnh 3.

Container xếp hàng chờ thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh tư liệu.

Ông Đỗ Văn Tôn, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông chỉ ra rằng, chi phí logistics chiếm đến hơn 25% giá thành sản xuất nhiều nông sản, riêng vận chuyển chiếm 14%. Điều ông Tôn mong muốn để giảm bớt phí vận chuyển lại không phải là điều gì cao xa mà là giảm bớt các trạm thu phí (BOT) hoặc miễn giảm phí BOT khi xe trình hóa đơn gốc chở phân bón hay nông sản.

Theo thống kê, năm 2019, toàn quốc có 88 trạm thu phí, trong đó, Bộ Giao thông vận tải quản lý 73 trạm, UBND các tỉnh, thành phố quản lý 15 trạm; trong số 73 trạm do Bộ Giao thông vận tải quản lý có đến 17 trạm thu phí BOT còn bất cập về vị trí, khoảng cách, mức thu giá dịch vụ…

Thậm chí, chỉ trên địa bàn một tỉnh còn nhiều khó khăn như Bình Phước cũng có tới 9 trạm thu phí BOT, đến mức Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh từng có đơn kêu cứu vì không thể chịu nổi mật độ dày đặc của những trạm thu phí BOT này.

Hiệp hội này từng đưa ra một con số, trung bình mỗi sản phẩm sản xuất ở Bình Dương từ đầu vào đến đầu ra phải chịu 24 lần phí khi đi từ Bình Phước, qua Bình Dương đến TP.Hồ Chí Minh.  

Thống kê của các doanh nghiệp sẽ khiến nhiều người giật mình: Một container từ TP.Hồ Chí Minh đi Bà Rịa – Vũng Tàu tốn đến 5,2 triệu đồng cho 120km, trong đó, riêng vé cầu, vé BOT đã chiếm 1,2 triệu đồng; trong khi cũng container đó chuyển đi Singapore chỉ mất 1 – 2 triệu đồng, sang Thái Lan mất 5 – 10 USD.

Trong các chi phí logistics thì phí nhiên liệu chiếm 30 – 35%, phí BOT dao động từ 15 – 30%, và còn có cả… 5% phí tiêu cực – theo tiết lộ của Hiệp hội Logistics Việt Nam.

"Chi phí vận chuyển một containet từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam. Vậy làm sao chúng ta cạnh tranh nổi" – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có lần đặt câu hỏi.

Nhìn lại, cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có một trung tâm logistics nông sản hiện đại đúng nghĩa. Vậy nên mới có chuyện doanh nghiệp phải đợi cả 24 giờ chỉ để có một container trống cho những chuyến hàng tiếp theo.

Chỉ ra những bất cập này, ông Trần Thanh Hải cho biết, các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long rất thèm thuồng khi nhìn hệ thống cảng biển của các tỉnh miền Trung, bởi tuy là "vựa" lúa, thủy sản, trái cây của cả nước nhưng khu vực này đang thiếu hệ thống cảng trầm trọng.

Trong khi đó, chỉ riêng với ngành tôm, hiện quy hoạch nhà máy chế biến ở một khu riêng, nhà máy thức ăn ở một nơi và vùng nuôi tôm một nẻo. "Đây là một lãng phí lớn, cần xem xét quy hoạch hiệu quả" – Chủ tịch HĐQT Cty Minh Phú Lê Văn Quang nói.

Đại diện doanh nghiệp vận tải, theo ông Lê Tiến Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bắc Kỳ, để cắt giảm chi phí logistics, các thủ tục chuyên ngành của cơ quan nhà nước cần phải được đơn giản hóa và nhanh hơn (kiểm dịch, thông quan), từ đó doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí lưu kho bãi , phí cắm điện lạnh trong lúc chờ thông quan. Nên thực hiện mọi thủ tục qua hình thức online 1 cửa, sử dụng chứng từ bản mềm online, không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình các bộ chứng từ để tiết tiệm thời gian, tiết kiệm chi phí in ấn…

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, cần xử lý nghiêm chuyện làm luật trong giao thông, bởi hiện tại, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đi cửa khẩu và vận chuyển hàng từ cửa khẩu về kho vẫn thường xuyên phải chi các khoản phí không chính thức.

Được biết, cuối năm 2020, Diễn đàn logistics Việt Nam sẽ được tổ chức tại TP.Cần Thơ, chắc chắn những vấn đề còn bất cập của logistics hiện nay như chi phí còn cao, nhiều khoản chi lãng phí, vô lý sẽ được đưa ra bàn thảo; việc quy hoạch các trung tâm logistics hiện đại mang tính kết nối liên vùng, liên phương tiện cũng sẽ được đề cập.

Nhưng đại diện nhiều ngành chức năng cũng thừa nhận, để có được những trung tâm logistics hiện đại là điều không thể có trong một sớm một chiều. Vì vậy, điều các doanh nghiệp mong muốn chính là những khoản phí vô lý sẽ không còn cơ hội để tồn tại, để tiền không rơi một cách âm thầm nhưng vô cùng lãng phí.

 

Anh Thơ

tin tức liên quan