Hưởng ứng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Phòng, chống tham nhũng với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn

Ngày đăng: 08:00 15/12/2020 Lượt xem: 251
Hưởng ứng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:

Phòng, chống tham nhũng với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn


                                      Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân


Đồng chí CHU MẠNH PHỒN, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam: Tham nhũng vẫn là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ

 
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013-2020 đã đưa ra những con số hết sức ấn tượng về công tác PCTN trong 8 năm qua và cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ này.

Cụ thể: Trong giai đoạn 2013-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có hơn 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng...

Mặc dù vậy, những số liệu trên cũng phản ánh thực trạng đáng lo ngại về nạn tham nhũng, về sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên trước ma lực của đồng tiền và lợi ích nhóm. Đây là những sâu mọt, đục khoét làm mục ruỗng cơ quan, tổ chức, làm băng hoại đạo đức của cán bộ, đảng viên; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của những cán bộ có năng lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức trong sáng và xói mòn niềm tin trong nhân dân vào Đảng và chế độ XHCN. Nó giống như ổ mối, tổ kiến ăn mòn, đục ruỗng chân đê, khiến cho con đê tưởng như vững chãi nhưng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Nó làm méo mó hình ảnh của một Đảng chân chính đang nỗ lực không ngừng để làm trong sạch đội ngũ và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh răn dạy đội ngũ cán bộ cách mạng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Danh dự của người cán bộ, đảng viên là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Thế nhưng trước những tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên chỉ vì những lợi ích vật chất trước mắt mà đánh mất phẩm giá, đạo đức cách mạng, quên mất mình là công bộc của dân, quên mất “phải lấy chữ Liêm làm đầu”.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh: "Tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta". Đấu tranh PCTN luôn là công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải kiên trì, kiên quyết, không nhụt chí, không ngừng, không nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN được tổ chức trước thềm Đại hội XIII của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng; giúp Trung ương có đánh giá tổng quát về kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế và đúc rút được nhiều bài học quý báu. Những thành quả bước đầu, những kinh nghiệm quý, cách làm hay trong công tác PCTN sẽ là động lực to lớn trong cuộc đấu tranh đầy cam go, phức tạp, lâu dài trong giai đoạn mới.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé (tỉnh Điện Biên): Kiên quyết khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Hiện nay, trong khi có những cán bộ nhiệt tình hết lòng vì việc chung, nói đi đôi với làm, hành động quyết liệt, hiệu quả thì một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cấp cơ sở chỉ làm việc cầm chừng, chiếu lệ, hình thức, nguội lạnh, lý tưởng phai nhạt, thậm chí là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hành vi này rất nguy hiểm, mà xét ở dưới góc độ công tác Đảng thì “trên nóng, dưới lạnh” là biểu hiện của vấn đề chậm chuyển biến ở cấp cơ sở trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Biểu hiện là trên thì chỉ đạo sát sao, tích cực, nhưng càng xuống dưới càng thờ ơ, không quyết liệt, né tránh, nể nang, thấy sai không dám đấu tranh, bảo vệ.

Hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh” làm cho việc thực hiện nhiều quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kém hiệu quả, chậm đi vào cuộc sống, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế, xã hội và niềm tin của người dân. Thậm chí tình trạng này là rào cản làm chậm bước tiến sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, có thể vô hiệu hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nếu như không được khắc phục.

Theo tôi, thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; từ đó tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa vi phạm trong cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng tự chỉnh đốn, tự đổi mới với chính bản thân mình, kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng và sự phát triển của đất nước. Muốn vậy thì phải thẳng thắn, khách quan, công tâm chỉ đích danh và công khai những nơi, bộ phận, cá nhân thờ ơ, né tránh, từ đó quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Làm được điều này chính là góp phần chỉnh đốn Đảng, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thiếu tướng LÊ HUY MAI, nguyên Phó chánh thanh tra Bộ Quốc phòng: Gắn trách nhiệm của cấp ủy, chi bộ trong chống "giặc nội xâm"

Tôi rất tâm đắc với bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, giải pháp trong PCTN, tôi thấy các cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên phải nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân, với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền; bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng, phát hiện và xử lý kịp thời việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái. Trong đó, việc gắn trách nhiệm của cấp ủy, chi bộ để nâng cao hiệu quả PCTN là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Bởi, thực tế qua nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui đã cho thấy, những chi bộ có đảng viên có chức vụ, quyền hạn sinh hoạt mà cấp ủy Đảng không sâu sát, trong sinh hoạt chi bộ tự phê bình và phê bình kém, không nghiêm túc, nể nang, né tránh, ngại va chạm... là nơi dễ xảy ra tiêu cực nói chung và tham nhũng nói riêng. Hay nói cách khác, sự buông lỏng quản lý đảng viên, thiếu tính chiến đấu của cấp ủy, chi bộ đã tạo mảnh đất màu mỡ cho những cám dỗ về vật chất làm tha hóa, biến chất đảng viên.

Việc gắn trách nhiệm, lấy kết quả PCTN là một trong những thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chi bộ sẽ góp phần nâng cao quyết tâm, ý thức chính trị của cấp ủy, chi bộ đối với PCTN. Qua đó, sẽ nâng cao chất lượng tập trung dân chủ, phát huy cao độ tính tự phê bình, phê bình của tập thể và cá nhân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên (nhất là ở những vị trí việc làm dễ phát sinh tham nhũng) để ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm...

Thiếu tướng CẦM XUÂN Ế, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Sơn La: Mong Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng

Tôi rất đồng tình với bài phát biểu tâm huyết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020. Chúng ta thấy rõ: Thời gian qua, công tác đấu tranh PCTN đã được Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. 

Tuy nhiên, công tác PCTN là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp. Thời gian tới, tôi mong Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công tác này và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Trước mắt, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế, nói đi đôi với làm, quyết liệt, gương mẫu trong PCTN. Đảng, Nhà nước phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng" và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng"; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; gắn công tác PCTN với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời luôn cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh PCTN để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta...

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan