Bộ Y tế cho biết 1,682 triệu liều vắc-xin Covid-19 do COVAX Facility tài trợ cho Việt Nam đã được chuyển tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tại Hà Nội. Toàn bộ lô vắc-xin hiện đang bảo quản, chờ kiểm định trước khi phân phối cho các địa phương triển khai tiêm đợt 3.
Lô vắc-xin bổ sung này sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng phạm vi tiêm phòng đến nhiều người ở các nhóm ưu tiên, đồng thời cung cấp liều thứ hai cho những người đã được tiêm liều đầu tiên.
Việt Nam vừa có thêm gần 1,7 triệu liều vắc-xin Covid-19
Đây là đợt thứ 2 Việt Nam nhận vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca từ cơ chế COVAX. Đợt 1 gồm 811.200 liều, chuyển tới Việt Nam sáng 1-4 vừa qua, hiện nước ta đã triển khai tiêm gần hết.
Theo cam kết của COVAX, từ nay đến đầu năm 2022 sẽ cung ứng cho Việt Nam gần 39 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 , đủ tiêm cho 19,4 triệu đối tượng thuộc 9 nhóm ưu tiên.
Sau 2 đợt tiêm từ ngày 8-3 đến nay, Việt Nam đã chích ngừa hơn 979.238 liều tại 62 tỉnh, thành phố, đạt tỉ lệ 106% (vắc-xin đóng lọ 5,5-6 ml, có thể tiêm tối đa 12 liều, 0,5 ml mỗi liều), trong đó ghi nhận 1 trường hợp nữ điều dưỡng tại An Giang tử vong do sốc phản vệ.
Các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 là 22.561 người.
GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết hiện Bộ Y tế đang lên kế hoạch phân bổ để tiếp tục ưu tiên cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong đó ưu tiên cho các tỉnh đang có tỷ lệ mắc cao như Bắc Giang, Bắc Ninh và một số tỉnh có dịch.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho cán bộ, nhân viên y tế tham gia công tác phòng chống dịch
"Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia về cơ bản đã hoàn tất, thậm chí hoàn thành vượt mức kế hoạch, đạt công suất 108% bởi lẽ chúng ta tiến hành tiêm tiết kiệm, hiệu quả, thay vì một lọ được 10 người thì cán bộ y tế đã tiết kiệm nâng lên được 11- 12 người một lọ vắc-xin. Về cơ bản các tỉnh sẽ hoàn thiện và hoàn thành trước ngày 23-5 tới đây"- GS Thuấn nói.
Ông Thuấn cũng khẳng định không có loại vắc-xin nào an toàn 100%. Thống kê sơ bộ cho thấy có 18% có phản ứng phụ nhẹ và có 24 trường hợp có phản ứng phụ nặng đã được cấp cứu kịp thời và có 1 trường hợp tử vong. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tập huấn cho cán bộ tiêm chủng các tuyến. Đặc biệt, chúng tôi bơm tiêm ngay lọ thuốc chống sốc trước mặt cán bộ tiêm chủng để giả sử có tình huống không may xảy ra thì cán bộ tiêm chủng sẽ kịp thời xử lý ngay. Việc cấp cứu đó có quan hệ chặt chẽ về thời gian với khả năng cứu sống cho người bị ảnh hưởng phụ"- ông Thuấn nhấn mạnh.
Đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí, Nghị quyết của Chính phủ quy định có 9 nhóm:
Nhóm 1 là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; Nguời tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra); Quân đội; Công an
Nhóm 2 gồm: Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
Nhóm 3 gồm: Người cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước;
Nhóm 4 gồm: Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người
Nhóm 5 gồm: Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi;
Nhóm 6: Người sinh sống tại các vùng có dịch;
Nhóm 7: Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;
Nhóm 8: Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài;
Nhóm 9: Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.
Về địa bàn tiêm, Nghị quyết 21 nêu rõ ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng trên đây ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch. Trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.