"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 12)
Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 12)
Bài số 19
NHỮNG CHUYẾN Ô TÔ BÊN LÀO
Chuyến Ô Tô đáng nhớ - Tri ân liệt sĩ, thăm nước Lào, thăm chiến trường xưa .
Giữa tháng 7 năm 2018 nhận lời mời của Doanh nhân Trường Sơn Trần Thị Chung, Phó chủ tịch Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn thuộc Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, chúng tôi: Hoàng Kiền và Ngô Thị Khiếu tham gia chuyến đi Tri ân liệt sĩ, thăm nước Lào, thăm chiến trường xưa.
Đoàn đi Tri ân Liệt sĩ, tham quan du lịch do Doanh nhân Trần Thị Trung, cựu chiến binh Trường Sơn, Phó chủ tịch Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn, Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn Sư đoàn ô tô 471, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gia đình nữ doanh nhân Trường Sơn và chồng là Cựu chiến binh Phan Văn Máy tổ chức. Thành phần gồm các nữ chiến sĩ Trường Sơn, các đại biểu của Hội truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 471 và Công ty của gia đình Cựu chiến binh Phan Văn Máy và Trần Thị Chung: Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Phát triển nhà.
Đoàn khởi hành từ Hà Nội vào sáng ngày 11 tháng 7 năm 2018, vào dâng hương viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, thả hoa đăng viếng các liệt sỹ vẫn nằm lại dưới đáy dòng sông Thạch Hãn. Thực hiện trọn một chương trình tri ân những người đã hi sinh vì Tổ quốc đang yên nghỉ ở những nơi đây, với sự xúc động trào dâng trong lòng mỗi Cựu chiến binh và người thân trong chuyến đi này. Tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang Liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia là Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, là nơi yên nghỉ của hơn 53.955 Liệt sĩ. Một mảnh đất Anh hùng nơi tuyến đầu chống Mỹ với biết bao hy sinh mất mát nay đang vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Buổi tối có chương trình giao lưu nghệ thuật, tặng quà các gia đình chính sách trong tỉnh Quảng Trị do Đoàn phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị, Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí tỉnh Quảng Trị tổ chức, có doanh nhân Cựu chiến binh Trường Sơn Nguyễn Thị Thắm quê Quảng Trị tham gia, thật sâu đậm nghĩa tình.
Tôi gặp lại cựu chiến binh Trường Sơn Hồ Với, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh huyện Đakrông - tỉnh Quảng Trị, bắt chặt tay nhau thật xúc động, gia đình chúng tôi tặng quà Anh. Nhớ lại kỷ niệm dịp 27 tháng 7 năm 2017 đi trong đoàn Trung ương Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Việt Nam vào viếng các Liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn và làm việc với Ban liên lạc Truyền thống Trường Sơn tỉnh Quảng Trị đã gặp anh lần đầu nhưng chưa biết nhau. Họp xong khoảng 10 giờ đêm, tôi ra sân nhà khách dạo bộ, nhìn thấy anh đeo chiếc ba lô đứng ở hiên nhà khách, tôi hỏi:
- Anh đợi ai à?
- Không, mình chờ xem có ai mua mật ong không!
Mình là Hồ Với, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh huyện Đakrông - Tỉnh Quảng Trị, hôm nay Trung ương Hội vào, mình được báo xuống dự họp, mình không có tiền mang 4 chai mật ong rừng bán mà không ai mua cả, không có tiền về.
- Bao nhiêu tiền một chai?
- Hai trăm nghìn!
- Tôi mua hai chai.
Mang lên, cô giáo nhà tôi Ngô Thị Khiếu biết thế nói, khổ thân Bác ấy, đêm khuya còn bán cho ai!
Thế là chúng tôi xuống còn hai chai mua nốt để anh đi ngủ mai còn về lên rừng tìm mật ong.
Mấy tháng sau Anh trong đoàn đại biểu của huyện Đakrông ra thăm Lăng Bác Hồ, anh tranh thủ đến thăm Trung ương Hội Trường Sơn, anh tặng Trung ương Hội một chai mật ong rừng Trường Sơn, thật là trân trọng. Gặp nhau bắt tay cả hai cùng rất mừng.
Tháng 12 năm 2020 gặp anh ở đầu cầu Đakrông dự lễ khánh thành Bia kỷ niệm đoạn đường hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, chưa kịp nói chuyện thì anh về mất.
Tôi tìm hiểu về Chiến sĩ gùi hàng Hồ Với. Anh sinh ở vùng núi miền Tây Quảng Trị , người dân tộc Pa ko , giáp Thừa Thiên, cách biên giới Việt - Lào 12 ki lô mét. Anh không biết chữ, sinh năm 1933, năm 1957 anh đi gùi hàng cho lực lượng vũ trang Trị Thiên trước khi có đoàn 559, liên tục gùi hàng cho đến ngày giải phóng miền Nam 30 tháng 4 năm 1975. Trong suốt 18 năm gùi hàng mỗi tháng 27 ngày, có ngày anh gùi 2 quả đạn DKB nặng 160 kg. Tôi hỏi làm sao mà gùi được, anh nói được chứ, có một số người cũng gùi được. Tháng 12 năm 1978 anh ra quân với quân hàm Trung uý, học bổ túc văn hóa hết lớp 3. Anh sinh 10 người con, 5 trai 5 gái, có 9 người con là Đảng viên gồm: bốn con trai, ba con gái, hai con dâu. Tôi hẹn vào thăm Anh mấy lần mà chưa được.
Một hôm anh gọi điện thông báo có chiếc mật khỉ rừng vào chơi anh tặng!
- Tôi hỏi sao lại đi bắn khỉ.?
- Con khỉ già nó chết.
Mấy năm nay do covid ngăn cản nên chưa vào thăm Anh được, hẹn nhất định sẽ vào.
Năm nay ở tuổi 88 anh vẫn nhiệt tình làm Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị.
Hành trình ngày thứ hai đoàn tham quan qua cửa khẩu Lao Bảo, dọc theo đường số 9 Thiếu tướng Hoàng Kiền giới thiệu với đoàn về Đường Trường Sơn trong 16 năm chống Mỹ, có 14 năm đường đi trên 7 tỉnh Nam Lào. Đường 9 là con đường cắt ngang Đông Dương, mọi con đường vào chiến trường đều phải đi qua đường 9 nên đế quốc Mỹ đã tìm mọi cách ngăn chặn.
- Hàng rào điện tử McNamara đã lập nên dọc theo giới tuyến quân sự Bắc - Nam từ Đông Hà đến Lao Bảo gồm hệ thống dây thép gai dày đặc, sử dụng 20 triệu mìn sỏi, 25 triệu mìn bươm bướm, 10 nghìn bom CBU - 26 B cùng nhiều loại mìn “thông minh” và các “con rệp” cảm nhận từ trường, mùi người, mùi xăng, tiếng động, vật di chuyển; có các đồn bốt liên hoàn, các sân bay dã chiến có thể cất cánh sau 10 -15 phút từ khi nhận được tín hiệu. McNamara tuyên bố: Một con chuột nhắt cũng không chui lọt.
- Hệ thống thám báo tự động: Là một hệ thống mang mật hiệu “Mái lều tròn tuyết trắng”, một loại lều của thổ dân Esquimo miền Bắc Cực. Trung tâm lgloo White đặt tại Nakhon Phanom - Thái Lan. Với 2 máy tính khổng lồ IBM- 360-65. Trung tâm quán xuyến toàn bộ những thiết bị điện tử đã rải xuống 40.000 km2 trên địa bàn Trường Sơn. Chúng kiểm soát từng vùng theo mã số, đánh hơi người, thu âm thanh theo các tần số, phát hiện những vật di động... xác định chính xác thời gian, địa điểm rồi thông báo tức thì cho các loại máy bay túc trực trên không thường xuyên được gọi là “diều hâu săn mồi”đến đánh phá. Chi phí cho toàn bộ hệ thống thám báo tự động này là 1,7 tỷ USD.
- Các thiết bị điện tử thả xuống đại ngàn Trường Sơn gồm 100 loại khác nhau. Người Mỹ mệnh danh là “thám tử dấu mặt”, “những kẻ gác đường”. Nó thả xuống khắp các nẻo đường, các cánh rừng, các con đường giao liên vv... Nó ngửi được mùi mồ hôi, mùi nước tiểu, các tiếng động và bức xạ nhiệt ...Tất cả mọi hoạt động của con người, xe, pháo đều bị chúng phát hiện báo về sở chỉ huy.
Điển hình là ASIT: Còn gọi là cây nhiệt đới. Đây là một thiết bị trinh sát điện tử thu tiếng động. Hình dáng của nó tròn dài, đầu nhọn, dùng máy bay trinh sát bay thấp thả xuống các khu vực nghi có lực lượng của ta. Nó rơi cắm sâu xuống đất thò lên chiếc anten có râu trông giống như cây rừng nhiệt đới. Nó thu tiếng động phát ra báo về sở chỉ huy phân tích là xe hay đoàn người hành quân hay nơi trú quân. Trên trời có máy bay trinh sát điện tử, thu thập báo về Trung tâm máy tính đặt tại Thái Lan, nó lập trình rồi điều máy bay đến đánh phá tự động.
Hệ thống đánh phá tự động có mật danh là Commando Hunt, gồm rất nhiều loại vũ khí mới, kéo dài suốt 3 năm, từ tháng 11 Năm 1968 đến tháng 3 năm 1973. Chia làm 7 đợt, đánh số la mã từ I đến VII, mỗi đợt kéo dài 6 tháng. Tổng số 300 nghìn phi vụ, trong đó có 3.100 phi vụ B52. Tổng số bom của cả 7 đợt là 643 nghìn tấn, trung bình mỗi ngày có 180 đến 400 phi vụ không kích và 22 đến 30 vụ oanh kích của B52 trên toàn dãy Trường Sơn.
Năm 1971, tôi ở Binh trạm 32 đang mở đường kín ngay nam Đường 9, tự nhiên một tốp 3 máy bay B52 đến thả bom bi nổ chậm, nó nổ rầm rầm liên tục rồi thưa dần mãi cả tuần không hết, một tiểu đoàn dân công hỏa tuyến Nam Hà mới vào, hy sinh gần hai chục cô nữ, hơn một tuần mới vào lấy được thi thể. Do nó thả cây nhiệt đới phát hiện ra quân ta làm đường. Sau đó khi thấy máy bay bay qua nghe tiếng rơi bịch bịch mà không nổ là đài quan sát báo về địch thả cây nhiệt đới. Tổ chức truy tìm, thu hồi cây nhiệt đới túm các ăng ten buộc lại. Tìm khu vực xa đường, xa các vị trí kho tàng, đóng quân của ta, dùng chiếc máy cát - séc đã thu tiếng động các loại rồi đem đến vị trí dự kiến, cắm các cây nhiệt đới, mở cát séc, thả ăng ten cây nhiệt đới ra thế là máy bay phản lực, B52 đến đánh phá liên tục.
Sau này khi chiến tranh kết thúc, làm đường Tuần tra biên giới tôi mang được một cây nhiệt đới từ Trường Sơn Tây Nguyên về, hiện nay đang trưng bày trong Bảo Tàng Đồng Quê còn nguyên vẹn. Tại Bảo Tàng Đường Hồ Chí Minh có một cây nhưng cụt mất hai râu còn có 3 râu.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nữ chiến sĩ vào Trường Sơn rất đông. Bộ đội vào sâu qua đường 9 đến tận cuối tuyến trên đất Campuchia, Thanh niên xung phong chỉ vào từ bắc đường 9 trở ra. Năm 1971 để đối phó với máy bay AC- 130 đánh xe mà trọng tâm dọc theo đường 9 này, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đưa ra phương án mở đường kín. Đã huy động dân công hỏa tuyến của 7 tỉnh miền Bắc vào nam đường 9 để mở đường. Như vậy nữ chiến sĩ Trường Sơn gồm : Bộ đội, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến. Đây là lực lượng đông đảo và chịu hy sinh về rất nhiều mặt. Trong 16 năm hoạt động, hơn 20.000 cán bộ chiến sĩ Trường Sơn hi sinh, hơn 30.000 người bị thương . Gần 5.000 phương tiện : ô tô, xe máy, súng pháo, xe tăng bị đánh cháy, phá hủy và hư hỏng. Ngoài những tổn thất trực tiếp trên chiến trường còn phải kể đến những tổn thương kéo dài nhiều thập kỷ sau chiến tranh. Đó là ảnh hưởng của chất độc dioxin với số lượng rất lớn những chiến sĩ trên chiến trường Trường Sơn và cả dân cư trên địa bàn. Ảnh hưởng này kéo dài đối với con người, đời con, cháu của họ và còn qua nhiều thế hệ. Điều thương tâm nữa là hàng vạn thiếu nữ vào chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn, hoà bình lập lại cả nước được hưởng yên vui thái bình thì tuổi xuân của họ đã để lại chiến trường, hàng nghìn người không lập được gia đình. Tại cuộc giao lưu Trường Sơn Một Thời Con Gái do Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Mở đường Hồ Chí Minh, ngày Truyền thống của Bộ đội Trường Sơn thật xúc động. Hội nữ Trường Sơn Thái Bình đã báo cáo, toàn tỉnh có gần một nghìn chị em nữ Trường Sơn không có chồng, Hội nữ Trường Sơn Hà Tĩnh báo cáo toàn tỉnh có gần ba trăm nữ Trường Sơn không có chồng. Cuộc sống của họ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân, Đồng đội quan tâm chăm lo, giúp đỡ. Nhưng hạnh phúc gia đình thì không thể nào tìm lại được. Có những trường hợp không còn giấy tờ, không còn người thân để nương tựa, phải sống cô đơn. Chỉ có tình đồng chí đồng đội Trường Sơn mới thương yêu đùm bọc cho nhau. Một bi kịch cuộc đời nhưng là sự hi sinh cao cả cho con đường Trường Sơn Huyền thoại, cho con đường Thống nhất non sông, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Tôi có một đồng đội ở Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 472 quê Thái Bình cũng sống độc thân. Rất nhiều lần họp Ban liên lạc điện mời mà chị ấy không lên, thật là thương.
Thả hoa đăng trên dòng Thạch Hãn
Qua đường 9 đã để lại cho mỗi cựu chiến binh Trường Sơn rất nhiều kỷ niệm, nhất là các chiến sĩ nữ Trường Sơn, cũng giúp các thành viên khác hiểu thêm về Trường Sơn Huyền thoại, về Trường Sơn một thời con gái là như thế.
Xe lên đến Thủ đô Viêng Chăn dừng chân nghỉ, hôm sau thăm các danh lam thắng cảnh trọn một ngày. Tiếp tục hành trình lên Xiêng Khoảng, thăm cánh đồng Chum, trên đường đi theo yêu cầu của đoàn tôi giới thiệu về Chiến dịch Phòng ngự Cánh đồng Chum.
Sầm Nưa là căn cứ ATK, được gọi là Thủ đô kháng chiến của cách mạng Lào. Quân địch mở cuộc tiến công đánh ra cánh đồng Chum để đánh lên Sầm Nưa. Quyết tâm của hai Đảng phải ngăn chặn đánh bại cuộc tiến công của địch.
Chiến dịch phòng ngự của liên quân Việt-Lào nhằm đánh bại kế hoạch lấn chiếm mùa mưa của quân phái hữu Lào và QĐ Thái Lan, bảo vệ vùng giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng,
Bảo vệ căn cứ địa cách mạng Sầm Nưa, giữ vững thế chiến lược của ta ở Bắc Lào, phối hợp với cuộc tiến công 1972 ở chiến trường Trị-Thiên và Bắc Tây Nguyên.
Tháng 5-1972, lực lượng địch ở khu vực Quân khu 2 (Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng) có 76 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh. Trong đó lính đánh thuê có 18 tiểu đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn pháo binh. Lực lượng tăng cường từ Quân khu 1, Quân khu 3 có GM 10B9(1), GM30; đồng thời tại khu vực Sa La Phu Khun có hai lữ thuộc Sư đoàn bộ binh 1, có 2 tiểu đoàn quân trung lập; một tiểu đoàn đặc biệt; một đại đội pháo binh. Tại sân bay ở Long Chẹng có hai đại đội T28 với 9 máy bay, riêng không quân Mỹ chi viện từ 50 đến 70 lần chiếc/ngày.
Cùng thời gian này, lực lượng quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng có Trung đoàn 148, Trung đoàn 174 thuộc Sư đoàn bộ binh 316, Trung đoàn 866 tình nguyện độc lập, Trung đoàn 335 độc lập thuộc Quân khu Tây Bắc; hai tiểu đoàn đặc công 41, 27; tiểu đoàn pháo binh 42; tiểu đoàn tăng-thiết giáp; hai tiểu đoàn cao xạ 37 mm; hai tiểu đoàn súng máy cao xạ 12,7 mm; hai tiểu đoàn công binh với 4 máy húc. Tới tháng 10-1972, Bộ Tổng tư lệnh tăng cường Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn bộ binh 308C. Về phía lực lượng Quân đội giải phóng nhân dân Lào có các Tiểu đoàn 1, 2, 12, 24, 701, Tiểu đoàn pháo binh; một đại đội xe tăng; một đại đội pháo mang vác nữ; hai đại đội pháo cao xạ; một đại đội công binh, lực lượng trung lập yêu nước có các Tiểu đoàn 15, 46, 48.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, tháng 2-1972, Hội nghị Quân ủy Trung ương đã xác định: Phải giành thắng lợi to lớn, tạo nên so sánh lực lượng và cục diện mới có lợi cho ta, buộc địch phải chấm dứt chiến tranh năm 1972 theo điều kiện của ta, đồng thời có sự chuẩn bị mọi mặt để tiếp tục đánh mạnh hơn nữa vào mùa khô 1972-1973 nếu địch còn ngoan cố kéo dài chiến tranh.
Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Bộ tư lệnh chiến dịch do Đại tá Vũ Lập làm Tư lệnh, Đại tá Lê Linh làm Chính ủy, Thượng tá Ngô Thế Trung - Sư trưởng Sư 316 làm Tư lệnh mặt trận tiền phương. Phía bạn Lào, đồng chí Khẻm Phon, Tư lệnh quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng làm Phó tư lệnh chiến dịch. Sở chỉ huy chiến dịch đặt tại Phu Nhu.
Lực lượng địch thuộc Quân khu 2 địch gồm: 76 tiểu đoàn bộ binh (Thái Lan có 18 tiểu đoàn tổ chức thành các GM), 3 tiểu đoàn pháo binh; bố trí theo 4 khu vực quanh Cánh Đồng Chum, được không quân Mỹ chi viện.
Chiến dịch diễn ra bốn đợt:
Đợt 1 (21/5-10/8/1972); Đợt 2(11/8-10/9/1972); Đợt3 (11-30/9/1972); Đợt 4(1/10-15/11/1972);
Kết quả: Với 244 trận đánh, loại khỏi chiến đấu hơn 5.600 địch, bị bắt và ra hàng 1.137 tên. Ta bắn rơi và phá hủy 130 máy bay, thu 136 khẩu súng pháo và cối. Riêng quân và dân Lào diệt gần 400 tên, bắt 139 tên địch, gọi hàng 230 tên, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, phá 32 ấp, giải phóng 3 huyện, thu nhiều quân trang, quân dụng, vũ khí của địch.
Trước thất bại không gượng nổi trên toàn bộ chiến trường, Tổng thống Mỹ lúc đó Richard Nixon buộc phải để cho Phuma công khai đề nghị ngừng bắn trên toàn bộ lãnh thổ Lào có quốc tế giám sát và đồng ý lấy đề nghị 5 điểm của Pathet Lào làm cơ sở thương lượng về giải pháp hòa bình ở Lào.
Những chiến công vang dội trên Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 đã góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975); cổ vũ mạnh mẽ và tạo điều kiện cho quân và dân Lào liên tiếp nổi dậy, giành chính quyền trong cả nước và thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975. Đây là chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh đầu tiên của QĐNDVN và Quân Giải phóng Nhân dân Lào với cách đánh sáng tạo, hiệu quả; góp phần đúc kết kinh nghiệm, làm phong phú lí luận về nghệ thuật chiến dịch VN trong kháng chiến chống Mỹ.
Nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu cho chiến dịch phòng ngự này hết sức quan trọng. Khoa Công trình Quân sự thuộc Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự đã cử một đoàn Giáo viên và học viên lớp Công sự khóa 2 do Trung tá Nguyễn Thuận - Trưởng bộ môn Công Sự dẫn đầu sang làm nhiệm vụ kỹ thuật xây dựng hệ thống công trình phòng ngự, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch phòng Cánh đồng Chum.
Tồn thất của ta cũng lớn, hơn hai nghìn bộ đội Việt Nam hy sinh. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Tượng đài chiến thắng của Liên quân Lào - Việt được xây dựng. Đoàn đến dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước của hai dân tộc Việt Nam và Lào với tấm lòng tri ân sâu sắc.
Năm 1981 Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam đã cử một lực lượng thuộc Cục Công trình và Đoàn 530 sang giúp bạn xây dựng hệ thống công trình khu vực Xiêng Khoảng và sân bay cánh đồng Chum, đến năm 1991 hoàn thành sân bay và các công trình, bàn giao rút quân về nước.
Trên đường về tôi nhớ đến những kỷ niệm khi xưa. Năm 1971 tiểu đoàn dân công hỏa tuyến Nam Hà vào mở đường kín khu vực Binh trạm 32 phụ trách. Có anh Tống Ngọc tỉnh thôn Ngọc Thỏ xã Tân Thịnh huyện Nam Trực tỉnh Nam Hà là Trung cấp đường sắt, được giao nhiệm vụ thống kê của Tiểu đoàn, tôi là thống kê của Binh trạm anh em làm việc với nhau hàng tuần. Thế rồi chú ấy bị sốt rét ác tính phải lên Ban Công binh Binh trạm 32 nằm tiêm, uống thuốc. Hàng ngày tôi nấu cháo chăm sóc chu đáo tận tình cho đến khi cắt sốt. Chú được ra Bắc sớm trong khi đường chưa xong. Tôi chắt chiu được ít thuốc tiêm B12 suốt mấy năm tiêu chuẩn cấp phát không tiêm ống nào, còn mượn thêm gửi về cho bố, vì bố bị bệnh lao phổi.
Nhận được thư bố gửi vào, không thấy anh Tỉnh xuống nhà, không có thuốc B12, tôi sững sờ ra.
Chiến trường chiu chắt thuốc men
Quân ra con gửi người quen đi cùng
Vượt qua lửa đạn mịt mùng
Thư vào chẳng thấy bố mừng, mẹ vui
Tim con đứng lặng bùi ngùi
Thuốc không nhận được lệ chùi xót xa
Đáy lòng thương mẹ, thương cha
Chắc do bom đánh hay là bị rơi
Bê mười hai (B12) quý nhất đời
Vượt qua lửa đạn vào nơi chiến trường
Ngược dòng quay lại hậu phương
Hai lần bom đánh chặn đường vào ra
Mỹ kia cướp thuốc của ta
Bao ngày lòng dạ xát trà, ngẩn ngơ.
Cuối năm 1972, đường kín hoàn thành, tiểu đoàn dân công hỏa tuyến Nam Hà quê tôi hoàn thành nhiệm vụ trở về Tổ quốc, trong đoàn có Bác Đính là Đại đội trưởng quê xã Hải Lộc huyện Hải Hậu gần nhà tôi về . Tôi có mấy ống thuốc B12 mới viết thư cùng thuốc gửi về . Mấy tuần sau nhận được thư của gia đình, bố đã nhận được thuốc rồi, sao thuốc hôm trước không để gửi Bác Đính mà lại gửi anh Tỉnh .
Con muốn gửi ra sớm, vì chú Tỉnh ra trước để bố tiêm cho khỏe.
Năm 1976 được về nước, đi học tại Trường đại học Kỹ thuật Quân sự. Tết năm 1977 về nghỉ tết lên trường, hai anh em Hoàng Kiền, Đỗ Ngọc Kiên vào nhà hàng ăn tại ga Năng Tĩnh - Nam Định ăn cơm khi chờ tàu. Trông thấy Tống Ngọc Tỉnh đang ngồi ăn cùng bạn ở đường sắt ga Nam Định, tôi nóng bừng mắt lên xông đến túm lấy cổ áo Tống Ngọc Tỉnh giơ nắm đấm lên! Thuốc B12 của bố tao đâu? Anh Kiên trông thấy chạy đến can. Tỉnh run cầm cập, em đi ra bị sốt rét, họ lấy cắp hết anh ạ. Mất thì cũng xuống báo cho bố tao chứ!
Họ lấy mất cả thư của anh nên không còn địa chỉ, em áy náy lắm.
Nghe chú nói thế tôi nguôi giận, do thằng Mỹ nó cướp mất, đúng như bài thơ đã viết. Tôi không tức nữa nhưng vẫn giận, bây giờ hết giận rồi, có dịp sẽ đến nhà Tống Ngọc Tỉnh thăm chơi.
Trường Sơn có một thời như thế, chuyến đi thật nhiều kỷ niệm.
Ngày 18 tháng 8 năm 2021
Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn % Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
(Còn nữa)