Vài kỷ niệm của một nữ quân y Trường Sơn

Ngày đăng: 11:24 19/02/2015 Lượt xem: 926

 

VÀI KỶ NIỆM CỦA MỘT NỮ QUÂN Y TRƯỜNG SƠN  

 

 

          Tôi sinh ra và lớn lên trên đất cụ “Đề Thám- Hoàng Hoa Thám” - huyện Yên Thế - tỉnh Bắc Giang.

 

          Gia đình tôi có 7 anh chị em (bố tôi đi công tác), một mình mẹ tôi vất vả nuôi anh chị em tôi trưởng thành. Quê tôi là vùng đất trung du nghèo người ta hay nói nơi ấy là nơi “chó ăn đá gà ăn sỏi”.

 

          Lớn lên các chị em tôi làm giáo viên, anh tôi là bác sĩ, y sĩ, riêng tôi năm 1966 vào trường Y khóa 17 chính quy của Bộ thuộc tỉnh Hà Bắc cũ nay là Bắc Giang và Bắc Ninh. Năm 1968, khi tôi vừa học xong cũng là lúc giặc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc ác liệt. Tôi đã viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ.

 

          Năm 1968. Cục Quân Y về trường tuyển quân. Thế là tôi trúng tuyển được vào bộ đội. Năm ấy, tôi vui mừng không sao kể xiết. Tôi được điều về Viện Quân Y 110 của tỉnh Bắc Ninh bây giờ để huấn luyện 03 tháng.

 

          Đến tháng 12 năm 1968, đoàn sinh viên gồm: 50 bác sĩ, 50 y sĩ và 30 dược sĩ tập trung tại 63 Lý Nam Đế, Hà Nội để chuẩn bị đi B. Đến lúc quyết định đi chúng tôi mới biết là được bổ sung vào đường dây 559. Đoàn bộ 559 lúc đó đóng tại ngã 3 đường 9. Chúng tôi vào nhận nhiệm vụ tại Đoàn bộ 559. Đã giáp Tết rồi, có đồng chí được cử vào sâu hơn, binh trạm 41, 42, 35, 36, người thì được sống về Binh trạm 31, Binh trạm 32 sống trên đất Lào.

 

          Tôi được phân công về binh trạm 32 để nhận nhiệm vụ ở Ban Quân y. Lúc vào đến đơn vị đã là 28 Tết Mậu Thân. Thế là hai chị em (tôi và chị Sáu - người làng Chè, Tiên Sơn, Bắc Ninh)  được ăn Tết tại Ban Quân y.

 

          Cái Tết đầu tiên xa nhà, ôi sao mà buồn đến thế! Chỉ có hai chị em, còn các bạn thì được điều về các đơn vị cả rồi. Cả mấy ngày Tết hai chị em chỉ ở trong hầm chữ A nhỏ, rộng vừa vặn cho hai người. Chúng tôi vừa nhớ nhà vừa nhớ quê hương da diết. Trên trời thì lúc nào cũng không ngớt tiếng máy bay. Nào là đạn 20 ly, nào là bom B52, cùng tiếng phản lực gầm rú suốt ngày đêm không lúc nào yên.

 

          Qua mấy ngày Tết, hai chị em tôi được phân công xuống Đội điều trị nhận công tác. Đến mùa mưa năm 69, tôi được ra Thanh Hóa an dưỡng.

 

          Đến mùa khô, chúng tôi lại hành quân vào đơn vị cũ công tác. Những đêm trực thức trắng đêm là chuyện bình thường. Sau tiếng bom, thương binh ở ngoài đường tuyến được đưa vào. Khi thì đồng chí lái xe đang trên đường vận chuyển vũ khí qua các trọng điểm. Lúc thì đồng chí công binh bám  giữ mặt đường. Cuộc sống nơi chiến trận là như thế đó! Luôn chân, luôn tay không lúc nào ngơi, nhất là gặp 1, 2 ca mổ thì quên cả ăn ngủ luôn. Năm 1970, Ban Quân y Binh trạm cử tôi và y sĩ Độ ra Quân y viện 559 đóng tại Quảng Trạch - Quảng Bình để học chuyên khoa đông y “châm cứu và  bấm huyệt”.

 

          Học xong là sang mùa khô, chúng tôi lại hành quân vào đơn vị cũ công tác. Với kiến thức đã học, tôi về đơn vị bắt tay vào công việc điều trị cho bệnh nhân luôn. Với những bệnh suy nhược thần kinh hay đau đầu, đau khớp, đau lưng, đau thần kinh tọa… không phải dùng đến thuốc tây chỉ châm cứu bấm huyệt. Tôi làm việc miệt mài vì đồng đội. Hàng năm, tổng kết đơn vị về công tác điều trị, tôi luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, kết quả cao, giải quyết được nhiều bệnh nhân trở về đơn vị tiếp tục công tác.  

 

          Ngoài công tác chăm sóc thương bệnh binh, tôi còn tham gia các hoạt động của đơn vị, nào là lấy củi, lấy măng rừng; hàng tháng phải đảm bảo chỉ tiêu mỗi người 10kg măng và 5 bó củi khô nộp cho nhà bếp do chi đoàn phát động. Những khi vào rừng lấy măng, lấy củi gặp vắt rừng bám vào người thì chúng tôi kêu la ầm ĩ . Con gái chúng tôi “sợ nhất là vắt”. Thỉnh thoảng, chúng tôi phải cáng thương ra trạm giao liên 12 để chuyển bệnh nhân nặng về tuyến sau. Cũng chèo đèo, lội suối vất vả vô cùng. Cáng dòng dã một ngày không nghỉ. Chúng tôi chỉ mong đưa các anh về tuyến sau được an toàn.

 

          Tôi nhớ nhất lần chữa cho một bệnh nhân bị nấc. Ở đơn vị, anh ấy bị nấc 3 ngày rồi. Khi đưa đến với tôi, anh mất ăn mất ngủ, người phờ phạc, mệt mỏi vô cùng mà nấc thì mỗi ngày cơn càng dày hơn. Anh là Nguyễn Đức Hoàn, quê anh ở Việt Yên, Bắc Giang.Ban đầu tôi châm cho anh 5 huyệt, rồi 7 huyệt. 1 ngày, 2 ngày cơn nấc của anh đỡ hơn, cơn nấc đã thưa. Đến ngày thứ 4, thứ 5 khỏi bệnh khỏi dần. Đến ngày thứ 7 tôi cho anh xuất viện, trở về tiếp tục công tác.

 

          Sau ngày giải phóng Miền Nam, anh Hoàn được về quê. Anh có lên nhà tôi chơi cứ cám ơn rối rít. Anh nhắc lại chuyện ngày ở chiến trường cái bệnh nấc của anh. Anh nói, nếu không có tôi châm cứu cho anh thì cái bệnh nấc ấy nó hành hạ anh đến bao giờ mới hết. Khi ra về, anh bắt tay tôi xúc động như ngày nào chia tay Đội điều trị ở Trường Sơn.

 

          Năm 1971, tôi ở lại giữa mùa mưa của Trường Sơn. Lần đầu tiên tôi được nếm trải mưa Trường Sơn. Mưa thật khủng khiếp! “Mưa sầm sập, mưa ào ào tưởng chừng không bao giờ ngớt. Mưa suốt cả ngày lẫn đêm, mưa từ ngày này sang ngày khác. Quần áo phơi mấy ngày không khô. Chỉ một trận mưa thì nước đã mênh mông. Các con suối còn cạn khô thì sau trận mưa đã đầy ắp, nước chảy cuồn cuộn như thác. Tôi nhớ không bao giờ quên, một lần đi lấy măng. Có 3 anh em, 2 nữ, 1 nam. Khi đi thì con suối còn lội qua được, lúc về ôi thôi nước ở thượng nguồn chảy về nước to quá, mà không ai biết bơi cả. Lần ấy chúng tôi tưởng phải ngủ lại trong rừng chờ nước rút.

 

          Nhưng rồi bất ngờ anh Mão đưa ra sáng kiến: bảo chúng tôi lần lượt ngồi lên vai anh, anh đưa sang bên kia bờ suối. Anh Mão (quê Bá Thước, Thanh Hóa). Tôi ngồi trên vai anh, nước ngập gần tới cổ anh. Hai tay anh Mão chống 2 cây gậy dò dẫm đưa từng người sang một, rồi quay lại đưa tải măng sang sau. Sau này nhớ lại hỏi thăm anh thì anh đã đi xa đã mấy năm nay vì căn bệnh ung thư gan. Tôi nhớ không quên anh Mão và hình ảnh “đặc biệt” lội qua suối đi lấy măng mùa mưa năm 1971 ấy.

 

          Mỗi một mùa mưa là Ban quân y lại đào tạo được một lớp y tá, lấy ở các đơn vị trong toàn Binh trạm lên học. Tôi là một giáo viên giảng bài về môn châm cứu mà tôi dày công nghiên cứu. Hàng ngày lên lớp khoảng 1 - 2 giờ chiều từ lớp học trở về tôi lại tiếp tục điều trị cho bệnh nhân do mình phụ trách. Lớp học đa phần là nam giới, mỗi khi lên lớp giảng bài, học sinh cứ trêu cô giáo nên tôi cảm thấy hơi e ngại. Có học sinh cứ gọi cô giáo là văn công. Vì, một quân y sỹ dịu hiền, biết động viên cán bộ chiến sỹ yên tâm điều trị, tin tưởng vào bàn tay châm cứu cừ khôi và giọng hát quan họ Bắc Ninh mượt mà của tôi. Những năm tháng đó tôi đã chữa khỏi được nhiều bệnh lại không phải dùng đến 1 viên thuốc nào, tiết kiệm được kinh phí cho chiến trường, nên năm nào tôi lúc cũng được biểu dương, khen thưởng. Nhiều lần, bản tin của Binh trạm rồi cả báo Trường Sơn đã viết bài  về tôi - Quân y sỹ Nguyễn Thị Chung.

 

 

Quân y kết hợp cùng Giao liên đưa đón thương binh về điều trị

( Ảnh minh họa )

 

          Lạ một điều là mỗi đêm, khi đến ca trực của tôi là thương binh trên các trọng điểm chuyển vào, là hầu như đêm đó hầu như chúng tôi thức trắng. Y tá Lập, y tá Ngọc, y tá Hạnh rất vui vì được trực cấp cứu cùng tôi. Mọi người bảo trực với tôi tuy vất vả, nhưng tôi mát tay chữ khỏi nhanh, mổ không đau nên đến ca trực của tôi rất yên tâm.

 

          Năm 1970 thủ trưởng  Sỹ - Binh trạm phó gọi tôi lên châm cứu cho thủ trưởng. Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình gan dạ, dũng cảm thật. Một mình hàng ngày cứ đi lên châm cứu cho thủ trưởng sáng đi trưa về, từ Binh trạm xuống tôi điều trị gần một tiếng đồng hồ. Đơn vị bảo cho người đưa tôi đi, tôi bảo không cần tôi đi được một mình. Đến khi châm cứu xong thủ trưởng Hợp, Chính ủy bảo cho người đưa tôi về, tôi cũng bảo tôi về một mình không cần ai đưa cả. Nhưng trong lòng thì nghĩ đi một mình trong rừng thì cũng sợ lắm. Nếu gặp chuyện gì thì sao? Thế là ra khỏi Binh trạm tôi cứ vừa đi vừa chạy cho tới khi về đến đơn vị. Cũng qua bản, qua nương, cũng lội suối chèo đèo mà chỉ có một mình với khẩu súng trên vai và túi thuốc đeo bên mình.

 

          Sau 7 ngày thủ trưởng Sĩ đã đỡ dần và khỏi. Thế là tôi không phải lên nữa. “Mỗi sáng đi qua bản Bung vì tôi hay ra đấy chữa bệnh cho dân, nên họ biết tôi. Họ hỏi đốc tờ hay đi đâu một mình đấy, không sợ biệt kích bắt cóc à? Tôi trả lời: Bộ đội còn sợ cái gì chứ”. Đúng là số mình cũng cao thật, nếu mà hồi đó gặp biệt kích thì tôi đã sang thế giới bên kia rồi.

 

          Sống và chiến đấu trên đất Trường Sơn, tôi đã dầy dạn lên nhiều, khó khăn gian khổ đã quen, nhưng nói đến ở lại mùa mưa của Trường Sơn thì không sao tả hết nổi. Qua đợt điều trị cho thủ trưởng Sĩ - Binh trạm phó đỡ và khỏi bệnh tôi gặp và quen anh Nguyễn Thuận Quảng (nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn 471) tức ông xã của tôi bây giờ. Năm 1970 anh đang là Tham mưu phó Binh trạm. Qua những buổi trò chuyện, gặp nhau anh hỏi han quê quán tôi ở Bắc Giang huyện nào, xã nào. Rồi anh nhận là đồng hương của tôi. Chả là hồi nhỏ anh tản cư lên quê tôi học văn hóa thế là thôn xã ở quê tôi anh thuộc như lòng bàn tay, tôi tưởng anh cùng quê tôi thật. Sau vài lần gặp anh tôi có cảm tình rồi quen thân lúc nào không ai biết.

 

          Tình yêu ở Trường Sơn vô cùng thơ mộng, không có hẹn hò, không tâm sự được nhiều. Vì ở xa nhau hàng 4 - 5 tiếng vượt rừng, vượt bom đạn mà chúng tôi chỉ có niềm tin son sắt trong trái tim người lính thủy chung. Đến với nhau qua giọng nói, điện thoại vội vàng thương nhớ hai đầu dây. Mỗi khi thủ trưởng của đơn vị tôi lên Binh trạm họp quân chính, anh lại gửi cho tôi những lá thư tay ngắn ngủi, trong thư chỉ hỏi thăm và quan tâm đến sức khỏe của tôi. Biết tin anh đi công tác xa là tôi cảm thấy lo lắng,  đến khi anh trở về an toàn tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tình yêu đến lúc nào chúng tôi cũng không biết. Thấm thoát đã mấy năm từ 1970 - 1971,1972 đến tháng 3 năm 1973. Đại hội mừng công của Đoàn bộ 559 được tổ chức tại Quảng Ninh, Quảng Bình.

 

          Tôi cũng được ra với nhiệm vụ Quân y bảo vệ sức khỏe thủ trưởng Binh trạm đi họp. 6 lần vượt Trường Sơn vừa ra vừa vào của tôi thật gian khổ, tối đâu mắc võng ngủ đấy, nhất là gặp những ngày trong tháng của phụ nữ thì khổ biết chừng nào? Nhất là lúc lội qua suối. Đại hội mừng công xong, tình yêu đã chín mùi chúng tôi mới báo cáo tổ chức. Thế là các anh ở Bộ Tư lệnh nhất trí cho chúng tôi làm đám cưới. Vì điều kiện thời chiến tranh, Miền Nam chưa hoàn toàn giải phóng nên đám cưới cũng gọn nhẹ, không linh đình. Có đoàn văn công Nam Hà, cùng bè bạn trong đơn vị…

 

          Thấm thoát đã hơn 40 năm rồi, giờ đây các con tôi đã trưởng thành, theo con đường binh nghiệp của bố. Chúng đều là sĩ quan trong quân đội (cháu là kỹ sư, 2 cháu là Thạc sĩ) còn tôi vẫn tham gia công tác xã hội, luôn mang bản chất người lính Trường Sơn, nhiệt tình trong mọi công tác như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh của phường, Quận, luôn là tấm gương tiêu biểu hàng năm. Được mọi người trong khu dân cư mình đang sinh sống  yêu mến. Năm 2012 rất vinh dự tôi được nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

 

          Kỷ niệm cuộc sống trong quân ngũ ở Trường Sơn tôi luôn khắc sâu trong tâm hồn và nỗi nhớ. Mỗi khi tâm sự, các con tôi đều tròn mắt ngạc nhiên như huyền thoại của người mẹ là Quân y sĩ nhỏ nhắn và gan dạ ngày nào đã cứu chữa cho bao thương bệnh binh không cần thuốc tây…  

       

        Nguyễn Thị Chung

       Quân y sĩ E32, F471

           ĐT:0437543100

 

 

 

 

Quân y sĩ Nguyễn Thị Chung cùng chồng - Đại tá Nguyễn Thuận Quảng

tại Thành cổ Quảng Trị ( Trong chuyến đi thăm lại chiến trường xưa )

 

 

 

 

 

tin tức liên quan