Cái Tết đầu tiên của tôi ở Trường Sơn là Tết Tân Hợi 1971. Có những kỷ niệm bất ngờ quanh chuyện ăn thịt nhím Mông Một Tết...
ĂN TẾT ĐẦU TIÊN Ở TRƯỜNG SƠN
Phạm Thành Long
Đấy là Tết Tân Hợi 1971 của tôi ở Trường Sơn. Năm ấy, tôi là chàng lính mới của đại đội 2 hậu cần Binh trạm 35. Đơn vị tội đứng chân ở gần bản Hạt Vi, cách nam sông Bạc gần hai giờ cuốc bộ.
Những ngày giáp Tết, đêm đêm, nằm cùng hầm với đại đội trưởng, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc chuyện đêm khuya, tôi càng nhớ nhà da diết. Nước mắt âm thầm chảy.
Chập tối 30, anh Nguyễn Văn Châu, Trung đội phó, (quê ở Diễn Châu, Nghệ An) xách khẩu CKC và đeo chiếc đèn săn vào rừng. Anh là một tay súng săn thiện xạ của đại đội tôi. Hễ khi nào anh xách súng vào rừng thì chưa ra về tay không bao giờ.
Mờ sáng hôm sau anh khệ nệ mang về một chú nhím lớn. Con nhím phải hơn chục cân. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một con nhím nào to như thế. Anh Châu cũng thú nhận: Đi săn được nhím thì nhiều rồi nhưng tớ cũng chưa gặp con nào to như con này.
Tôi thầm nghĩ, rừng đại ngàn Trường Sơn hôm nay đã thương chúng tôi mà cho anh Châu gặp được con nhím này. Thế là sáng Mồng Một Tết, đại đội tôi chắc chắn sẽ được ăn một bữa thịt nhím “ấm chân răng”. Chúng tôi chỉ hơn 60 cán bộ, chiến sĩ, nhưng ở Hạt Vi chỉ hơn bốn mươi người. Trung đội 3 đóng ở Huội Mơn, giáp Binh trạm 34 có hơn mười người.
Gần trưa, các mâm cỗ đã sẵn sang. Ai cũng nôn nao chờ tiếng kẻng. Lần đầu tiên được ăn Tết Trường Sơn, cánh lính trẻ chúng tôi càng háo hức. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Chiêu nhìn đồng hồ. Chúng tôi mừng thầm. Vì ông sắp cho “nổ” kẻng ăn Tết. Nhưng không. Ông nói với cánh lính “Đại đội bộ” chúng tôi: “Tớ ra đón Trưởng bản vào ăn Tết với đơn vị mình đây”. Tôi chạỵ theo sau đại đội trưởng. Trời, không phải một mình ông Trưởng bản mà tới hơn hai mươi người. Đại đội trưởng cũng bất ngờ. Ông bối rối mất một lúc.
Ông mời Trưởng bản và bà con vào đơn vị. Dãy bàn ăn làm bằng nứa của chúng tôi gần như không còn một chỗ trống. Tổ trưởng nuôi quân chạy lên. Anh vô cùng bối rối trước đoàn khách không mời kia.
- Thế nào thủ trưởng ? Ta chỉ mời có một ông Trưởng bản sao họ kéo tới đông thế. Lấy đâu ra cỗ ạ?
- Tớ cũng bất ngờ đây. Ngẫm nghĩ một lúc, ông hội ý nhanh với chính trị viên rồi ra lệnh:
- Mang cỗ Tết ra mời đồng bào! Tổ trưởng nuôi quân lung túng hỏi lại:
- Dạ mang hết cỗ của anh em ạ! Đại đội trưởng cười, dứt khoát:
- Chứ sao!
Lúc này tôi mới kịp quan sát. Tất cả đồng bào, ai cũng cầm trong tay một dóng nứa to. Anh Châu ghé tai tôi nói nhỏ: “Đồng bào không ăn đâu mà họ mang về cho người nhà cùng ăn Tết với bộ đội Việt Nam đấy”.
Bốn mâm cỗ Tết được bày lên. Tôi thấy có cơm, canh măng nấu xương, một đĩa thịt nhím, một đĩa cá khô “lướt” qua mỡ, rau cải xào, củ cải kho.
Quả đúng như lời anh Châu, đồng bào không ăn mà cho thức ăn vào trong những ống nứa ngộ trước con mắt vô cùng ngạc nhiên của cánh lính trẻ chúng tôi. Riêng bát canh măng thì đồng bào vớt hết cái mang về, nước canh còn trong bát thì đồng bào thay nhau húp. Họ gật đầu với nhau khen ngon.
Tôi đi tới chỗ anh nuôi trưởng, đang đứng nhìn đồng bào ăn, hỏi nhỏ.
- Thế thì hết thịt nhím hả anh?
- Thì cậu thấy đấy. Bốn mâm ngoài kế hoạch thì con đâu nữa. Nghe anh nói mà tôi buồn. Thế là sáng mồng một Tết không được ăn thịt nhím rồi.
Chờ ông Trưởng bản và đồng bào về, chúng tôi mới được “ăn Tết”. Tổ nuôi quân phải làm bổ sung những thứ mà đơn vị trồng, hái được như rau cải, củ cải, măng le… Thấy mâm cỗ Tết mà toàn rau và một ít cá khô, anh Châu gọi tổ trưởng nuôi quân tới chất vấn:
- Này! Thế thịt nhím đâu ?
- Ô hay. Đại trưởng đãi khách rồi còn đâu nữa anh.
- Thằng này nói lạ. Con nhím những hơn một chục cân kia mà?
- Thì anh nhẩm xem. Riêng bộ lông của nó đã mất vài cân rồi. Thịt lên giỏi lắm chỉ được vài cân móc hàm. Cái dạ dày của nó to lắm, toàn cây thuốc bên trong anh ạ. Em đã cất để trả lại anh đấy. Nghe nói dạ dày nhím phơi khô chữa đau dạ dày hay lắm. Nói rồi, anh Hùng nhoẻn cười nắm tay anh Châu đi về phía bếp. Một lát sau, anh Châu ló đầu từ cửa hầm bếp, kêu lớn:
- Mỗi mâm cử người xuống lấy thịt nhím lên đi.
Các tiểu đội ùa xuống bếp. Thì ra lão Hùng nuôi quân đánh lừa mọi người. Anh ta còn bớt lại thịt nhím để chia cho mỗi mâm một ít. Tuy không nhiều nhưng ít ra mỗi người cũng còn được một hai lần gắp. Có vẫn hơn không. Cả đơn vị vỗ tay và gõ bát, gõ xoong vang trời.
Tết năm ấy, lần đầu tiên tôi vẫn được nếm thịt nhím. Sao thịt nó ngon làm vậy. Ăn nó tôi cứ tưởng tượng mình đang ăn miếng mề gà, mề ngan ngỗng trong mồm. Tôi quay sang anh Châu:
- Tối nay anh lại vào rừng săn nhím nữa anh nhé. Ngon tuyệt vời anh ạ!
Nghe tôi nói, thằng Hào, cùng vào Trường Sơn một đợt với tôi, gạt đi:
- Thôi đi bố. Đi săn liên tục thì sức đâu. Thức gần hết đêm đấy , mày hiểu chưa?
Tôi chợt thấy mình vô duyên quá. Đi kiếm thực phẩm về cải thiện cho đơn vị, phải thức suốt đêm mà sáng ra anh ấy vẫn lên rãy như anh em thì tội thật.
- Đêm nào anh đi săn em sẽ làm “trợ lý” cho anh nhé? Anh Châu nheo mắt cười:
- Được! Nhưng chỉ sợ cậu té đái ra quần vì sợ thôi.
Anh Châu vừa dứt thì tất cả đều hướng về tôi vỗ tay rần rần. Tôi cúi gầm mặt vì thẹn.