Chúng ta vừa hưởng tiết xuân nắng mát- Xuân Ất Mùi vô cùng dễ chịu, thoải mái, xum vầy bên cháu con. Hơn 40 năm về trước những CCB chúng ta đón xuân ở chiến trường ra sao. Xin giới thiệu với các đồng chí bài viết của Nguyễn Hoàng CCB phòng TM 471 để hiểu rõ hơn về những ngày xuân năm ấy.
NHỮNG DÒNG SÔNG - ĐỜI LÍNH
Nguyễn Hoàng CCB Phòng Tham mưu F471.
Lại một mùa xuân nữa – xuân thứ 30 của cuộc đời; xuân thứ 10 đời lính. Trời Bến Giằng trong xanh. Chúng ta đón tết thứ 2 không còn tiếng súng, không còn bom rơi đạn lạc ít ra là lúc này , là nơi đây . Mọi người hồ hởi đón xuân chúc mừng nhau năm mới an lành. Nhưng những người lính chiến chúng ta đón xuân: Vui đấy nhưng cũng đầy tâm trạng. Gió từ sông Thanh thổi về mát rượi làm cho ta liên tưởng tới những dòng sông- Đời lính.
Ta nhớ tới dòng sông Đà trong xanh. Ngược dòng sông Đà những chàng lính trẻ sinh viên chúng tôi về với quân khu Tây Bắc. Ở Tây Bắc người ta thấy mùa xuân chớm nở từ mùa thu. Tháng 9 đào đã nở những bông đầu tiên. Những cánh đào ướt đẫm sương đêm và ấp ủ những ước mơ của mùa xuân tươi sáng.
Hoa đào- nó đọng lại trong lòng ta nhiều ký ức về mùa xuân về tuổi trẻ đến làm vậy. Sông Đà theo mùa xuân đưa ta ngược dòng xuyên suốt miền Tây Bắc. Đào Mộc Châu- Sơn La đỏ thắm. Càng ngược lên thượng nguồn xen lẫn đào đỏ thắm là màu trắng tinh khôi của hoa mận và những cánh rừng hoa ban trắng. Những cánh hoa ban trắng rắc xuống dòng sông; những cánh hoa ban trắng trên cành và gió đung đưa như những cành bướm trắng xà xuống mặt nước sông uống nước đùa rỡn rồi thả những cánh trắng theo dòng nước trong xanh về xuôi thăm xứ sở của những miền quê yên ả gợi nhớ gợi thương.
Dòng sông Đà đưa ta về nơi chiến địa cũ: Tạ Khoa- Cò Nòi- Nà Sản- Tuần Giáo- Điện Biên… đưa ta về sứ sở của những khúc tình ca của sứ Mường sứ Thái. Theo đường Điện Biên-Tây Trang. Chúng ta – những chàng lính chiến lại xuôi dòng Nậm U chắp tay súng ngăn chặn giặc xâm lăng từ xa. Dòng Nậm U trong xanh, sông không rộng, nước không sâu nhưng nổi tiếng lắm cá.Những bản làng ven sông xanh ngát bóng dừa và những vườn cam quýt trĩu quả. Những tràng ruộng bậc thang quyến rũ. Đêm Đêm tiếng trống lăm vông, những đống lửa trại, những tiếng: “ Xam bai đi” đưa ta vào trận chiến. Lại những ngày nhịn đói, nhịn khát đuổi giặc và những chiến công chói lọi mà đến giờ ít được nhắc tới.
Rồi dòng sông lại đưa chúng ta về nước mẹ thân yêu. Giữa ngày xuân vượt biên giới về nước. Một cái cổng tre đơn sơ – biên giới. Bước một bước là về đất mẹ mà lòng thấy nao nao. Ở nước bạn nắng khô người về đất mẹ dịu mát hoa đào đỏ thắm chào đón ta về.
Thế rồi dòng sông Đà lại đưa chúng ta đi. Đoàn xe kéo pháo về xuôi để lại miền Tây Bắc với những rừng đào rực rỡ. Đào đưa tiễn ta về phương Nam nơi tiền tuyến đang vẫy gọi. Khi ấy bọn ta còn trẻ lắm. Tuổi thanh xuân phơi phới đầy hứa hẹn. Tạm biệt miền hoa Đào, chia tay Đà Giang chúng ta hăm hở theo tiếng gọi: “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” chúng ta bước vào trận đánh mới. Mùa xuân nổi dậy đầy sắc cờ và hoa chiến thắng buộc kẻ địch phải ký kết hiệp định Pari.
Hôm nay đây chúng ta lại ngược dòng Thu Bồn trong xanh. Những nhánh sông của Thu Bồn bắt nguồn từ những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn đổ về đồng bằng đất Quảng, đổ ra biển Đông ở vĩ tuyến 16- ngày xưa là cửa biển nổi tiếng buôn bán giao thương với các nước. Bất giác ta nhớ câu ca : “ Học trò xứ Quảng ra thi. Nhìn con gái Huế bỏ đi không đành” . Ta chưa được biết tường tận con gái Huế đẹp ra sao. Nhưng nhìn những cô gái đất Quảng- cô giải phóng quân; cô thanh niên xung phong… Cảm nhận rõ các em rất đẹp và anh hùng. Những cô gái áo đủ màu ngược đường chúng ta về xuôi để đón xuân thứ 2 hòa bình chiến thắng. Những cô mến yêu ơi! Em đi đâu mà vội vã. Nón trắng nghiêng nghiêng túi xách chất đầy những gói những quà. Một bó hoa tươi thắm, một dải băng tím viết nắn nót hai chữ “ Hạnh Phúc” . Ta hiểu ra rồi! Họ đang đi mừng hạnh phúc lứa đôi.Biết bao nhiêu cặp vợ chồng đã được tổ chức ở nơi đây. Nhiều đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời; những bé gái bụ bẫm thẹn thùng, những bé trai nghịch ngợm đùa rỡn bên cô bác thật tuyệt diệu…
Nhớ lại những năm trước thăm chiến trường Điện Biên Phủ.Tận mắt nhìn thấy những bông hao mọc xuyên lòng ngũ sắc hoen rỉ của bè lũ thực dân. Hình ảnh đó đã được ống kính thu lại và trở thành biểu tượng tự hào cho dân tộc ta. Thì ở nơi đây hai bên đường 14 những cánh rừng đang thay lá mới một màu xanh dịu mát . Nhưng những cây cổ thụ bị chất độc hóa học tàn phá thì không còn lấy đâu được màu xanh đẹp đẽ ấy. Nó vẫn đứng ngạo nghễ, đâm thẳng bầu trời là chứng tích tố cáo sự tàn phá của chất độc da cam dioxin. Xung quanh nó màu xanh của lớp trẻ không ngừng vươn cao và lan tỏa che phủ cho lớp đất bị tàn phá dâm mát xóa đi vết tích của cuộc chiến năm xưa.
Hạnh phúc và mùa xuân- bản tình ca bất tận. Xe đưa ta ngược dòng sông Cái. Dòng sông Cái chảy ngược về phương bắc rồi lại trở về hợp lưu với dòng Thu Bồn. Nơi đây những năm trước là vùng trắng đầy chết chóc đau thương. Xe lướt nhẹ trên đường . Dòng sông ở bên phải vẫn theo ta từng bước . Gió mát đưa về bên những hương vị của ngày xuân. Bạn bè đón ta vào ăn tết. Cũng bánh chưng xanh, giò, chả lại có cả dưa chua thật tuyệt thật khác xưa…
Nhớ những ngày đầu tiên về với trung trung bộ. Ngày ấy còn khó khăn lắm, đói cơm lạc muối. Đón mừng năm mới mà chỉ có cá sông Trường to bự và củ sắn “hóa học” . Nhưng những người lính- người chiến sĩ cách mạng vẫn tin tưởng tìm thấy niềm vui niềm lạc quan hát vang theo đài tiếng nói Việt Nam “ Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào. Tiến lên chiến sĩ đồng bào, Bắc nam xum họp xuân nào vui hơn.”
Mùa xuân chiến trận lại đưa ta ngược dòng sông Tranh, sông Trà Bồng về với chiến địa đầy máu lửa. Mùa xuân đưa ta vào trận đánh diệu kỳ của dân tộc Việt Nam. Bao chiến công chúng ta dành được đều có bóng dáng của mùa xuân. Bạn bè làm cỗ cho ta ăn trước tết ít ngày để ta đi vào trận đánh. Họ đùa bảo chúng ta : “ Có chết cũng đừng phàn nàn chưa được ăn tết” . Chúng ta vững tay súng vào trận đánh. Thế đấy! Mà chúng ta có sao đâu, lại trở về kịp đón giao thừa. Nghĩ lại cũng thấy hay hay…
Xe lướt nhẹ tên đường 14, những ánh nắng rực rỡ đuổi theo xe. Xuất hiện những vòng hoa, những đài liệt sĩ. Xe dừng ngả mũ tưởng nhớ những người con ưu tú của đất mẹ hy sinh vì sự nghiệp cao cả; Tưởng nhớ những con người đã ngã xuống vì mảnh đất yêu thương mà ta đang đứng. Vĩnh biệt các đồng chí mến yêu. Mùa xuân vĩnh cửu sẽ thuộc về chúng ta những người chiến thắng.
Xuân hối hả tương lai! Ai là người đầu tiên dùng cụm từ này nhỉ? Tuổi trẻ và mùa xuân; những chàng trai trẻ, những cô gái yêu lên đường chống Mỹ cứu nước để lại quê nhà bao nỗi nhớ mong. Quê hương mến thương và mong đợi hẹn ngày chiến thắng trở về.
Dòng sông Cái hôm nay trong xanh. Những cô gái đi cùng ta ngạc nhiên vì cái màu xanh ấy. Có gì lạ hả em! Tất cả mùa xuân trong cái màu sắc ấy. Vững mà đi em nhé. Dòng sông này chỉ một mai ngày nữa những khối nước này sẽ tràn về hạ lưu về cái vùng còn đang bị ách chiếm đóng của bè lũ bán nước. Dòng Thu Bồn trong xanh sẽ cuốn đi mọi tăm tối khổ đau đem lại tình yêu thương hạnh phúc cho chúng ta.
Mùa Xuân! Mùa xuân chiến trận rồi sẽ cùng ta đi nốt những chặng đường mà chúng ta phải bước, để đi tới những ngày tươi sáng đẹp tươi trong cuộc kháng chiến trường kì nhưng nhất định thắng lợi. Chào Xuân Giáp Dần, chào mùa xuân hứa hẹn những chiến công. Tương lai đang bừng sáng. Mùa Xuân chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta- lớp trẻ cầm súng lên đường chống Mỹ cứu nước.
Bến Giằng 23-1-1974
Hà Nội Xuân Ất Mùi 2015
Nguyễn Hoàng CCB PTM 471