Nghệ thuật chỉ đạo quân sự, nhân tố quan trọng làm lên chiến thắng

Ngày đăng: 04:50 06/03/2015 Lượt xem: 788

Nghệ thuật chỉ đạo quân sự, nhân tố quan trọng làm lên chiến thắng

 

          Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt nam, một biểu tượng về ý chí quyết tâm và sự hoàn hảo về chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Gần một nửa thế kỷ đã đi qua, thời gian giúp chúng ta có một góc nhìn đầy đủ, rõ nét hơn về tầm vóc vĩ đại và sức mạnh tổng hợp làm lên chiến thắng. Đó là sức mạnh truyền thống dân tộc; sức mạnh của chiến tranh nhân dân gắn với sức mạnh thời đại; sức mạnh của ý chí chiến đấu dũng cảm, bền bỉ của quân và dân cả nước và không thể thiếu một nhân tố quan trọng đó là: “Sức mạnh từ nghệ thuật chỉ đạo quân sự tài tình của Đảng, Bác Hồ kính yêu và Bộ chỉ huy mặt trận”.

 

          Cuộc tổng tiến công và nổi dạy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí minh lịch sử nếu mô tả bằng hình ảnh thu nhỏ, chúng ta có thể thấy chiến cuộc diễn ra đúng như một kịch bản tuyệt vời về tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” của Quân đội ta.

          Yếu tố “Táo bạo, bất ngờ”. Là kế nghi binh địch ở Tây Nguyên. Để chuẩn bị cho trận đánh quyết định vào Buôn Ma Thuột, Quân giải phóng đã tung tin sắp đánh lớn vào Kon Tum và P.LâyCu; Bộ chỉ huy mặt trận cho công binh mở đường quanh các cứ điểm quan trọng hướng bắc Tây Nguyên; điều Sư đoàn 968 từ mặt trận Nam Lào hành quân gấp về Tây Nguyên thay chân cho Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 để hai sư đoàn này bí mật tiếp cận hướng tấn công chính vào Buôn Ma Thuột.

 

Ảnh tư liệu minh họa

 

          Cùng với lực lượng nhỏ để lại của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320, Sư đoàn 968 cùng hỏa lực của Mặt trận B3 làm nhiệm vụ chiến đấu nghi binh thu hút địch, liên tục tiến công vào các chốt của địch ở Gia Lai – Kon Tum; đài 15W liên tục phát đi những tín hiệu và mệnh lệnh giả, xe xích, xe kéo pháo cũng hoạt động suốt đêm. Sư đoàn 968 nhận mệnh lệnh của chỉ huy mặt trận là: “Khắc phục khó khăn, tích cực chiến đấu, đánh một la mười, thu hút và giữ chân lực lượng chủ yếu của địch ở bắc Tây Nguyên tạo điều kiện cho hướng tấn công chủ yếu”. Chính quyền lâm thời ở vùng giải phóng triển khai cho nhân dân các thôn, bản may cờ, băng zôn chào mừng chiến thắng; cùng thời điểm đó lực lượng chính của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 và các đơn vị tăng cường cho hướng tiến công chủ yếu đã bí mật hành quân tiếp cận các vị trí quan trọng hướng tiến công Buôn ma thuột mà quân địch không hay biết. Với những động thái trên, quân địch phán đoán ta sắp đánh lớn vào Kon Tum và P.LâyCu, chúng đã tập trung lực lượng chủ yếu và tăng cường cho hướng Gia Lai – Kon Tum.

          Sau tết nguyên đán Ất Mão (1975). Phòng nhì Quân đoàn 2 và Bộ chỉ huy Quân khu II. Chính phủ Việt Nam cộng hòa triệu tập các tướng lĩnh họp khẩn cấp để ứng phó với tình hình bất lợi ở bắc Tây Nguyên. Bộ chỉ huy mặt trận Tây Nguyên đã quyết định cho pháo binh và các loại hỏa lực của ta hỗ trợ cho lực lượng bộ binh Sư đoàn 968 bắn phá hàng giờ và tiến công liên tục nhiều mục tiêu một lúc trên hướng nghi binh. Từ những yếu tố trên tên thiếu tướng Phạm Văn Phú - chỉ huy quân khu 2 và quân đoàn 2 ngụy nhận định: nhất định P.LâyCu sẽ bị đánh. Vì nó là địa bàn quan trọng nhất ở tây Nguyên, ở đó có sở chỉ huy quân đoàn, là bàn đạp đánh xuống Bình Định. Hơn nữa lại gần hành lang tiếp tế, gần căn cứ phía sau của quân giải phóng và hắn cho rằng: “Đòn quyết định của Quân giải phóng ở Tây Nguyên phải là P.LâyCu – Kon Tum. Mất P.LâyCu, Kon Tum thì Buôn Ma Thuột cũng mất. Vì vậy đại bộ phận chủ lực mạnh tướng Phú bố trí tăng cường hầu hết ở bắc Tây Nguyên.

Trước những hành động ráo riết và khẩn trương của ta, viên trưởng phòng tình báo quân khu 2 VNCH đã khảng định với tướng Phạm Văn Phú là: mùa khô này mục tiêu chính của Việt cộng sẽ là P.LâyCu, Kon Tum “ Việt cộng đã gia tăng lực lượng ở bắc Tây Nguyên lên 3 Sư đoàn, Sư đoàn 968 mệnh danh “con hổ xám” cao nguyên Bô-Lô-Ven đã có mặt, áp lực của Cộng sản đã tăng lên đáng kể ở khu vực này…”.

 

Ảnh tư liệu, chiến thắng đường 7

 

Tướng Phú đã quyết định sai lầm nghiêm trọng về chiến lược. Không điều động quân tăng cường cho Buôn Ma Thuột mà tăng cường quân đối phó ở Kon Tum và P.LâyCu. Kế hoạch nghi binh của ta đã hoàn hảo, đánh lạc hướng hoàn toàn quân đội Việt Nam cộng hòa, góp phần quan trọng cho chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 thuận lợi. Tạo điều kiện lớn cho cuộc tổng tiến công và nổi dạy, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tây Nguyên nhanh chóng bị thất thủ, quân ngụy hoang mang bỏ chạy khỏi Tây Nguyên, cùng lúc đó các tỉnh Miền Trung duyên hải cùng đồng loạt tiến công và nổi dạy như: ở Huế, Đà Nẵng…cũng dành thắng lợi, càng làm cho tinh thần của địch thêm hoảng loạn.

Thời cơ đã đến, tòan miền Nam hừng hực khí thế của người chiến thắng. Phương tiện đủ các loại được huy động để chuyển quân, kéo pháo, tên lửa, tiếp tế lương thực, đạn dược, thuốc men thần tốc tiến vào sào huyệt cuối cùng của kẻ địch. Hậu phương của cả nước cũng dốc toàn lực chi viện cho tiền tuyến.

Ngày 8/4 ta lém bom dinh Độc Lập, ngày 9/4 ta đánh vào Xuân Lộc, ngày 16/4 ta đánh tan tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang, ngày 20/4 Mỹ ép buộc Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, ngày 23/4 Mỹ tuyên bố không thể giúp gì thêm cho Chính phủ VNCH. Những diễn biến dồn dập trên là thời cơ để 5 mũi tiến công của ta triển khai tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch ở Sài Gòn. Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mở màn. Các mục tiêu quan trọng trong thành phố chìm trong bão lửa của quân và dân ta. Mỹ vội vàng ra lệnh mở chiến dịch “ người liều mạng” để di tản các tướng, tá quân đội ngụy quyền Sài Gòn. Dương Văn Minh vừa nhận chức chiều ngày 28/4 đã hoang mang giao động muốn bàn giao quyền lực. Mười giờ 30 phút ngày 30/4 các hướng tiến công của ta đã cơ bản tiếp cận các mục tiêu quan trọng trong thành phố. Cùng thời điểm, bản tuyên bố đơn phương ngừng bắn và chấp nhận đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh đã được phát trên đài phát thanh Sài Gòn. 11 giờ 30 phút, cờ của quân giải phóng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã dành thắng lợi hoàn toàn.

Với nghệ thuật nghi binh tài tình và sử dụng lực lượng của 5 mũi tiến công, chọn thời cơ và hiệp đồng quân binh chủng chặt chẽ, trận đánh cuối cùng vào sào huyệt của kẻ thù cũng là đỉnh cao nghệ thuật của Đảng và Bộ Chỉ huy mặt trận để giành chiến thắng. Trận đánh đã kết thúc hoàn hảo bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, đồng thời cũng là chiến công hiển hách trong thời đại Hồ Chí Minh.

Bốn mươi năm đã đi qua, kỷ niệm chiến thắng 30/4/1975 với cách nhìn của người chiến thắng, luôn tôn trọng khách quan và tôn trọng lịch sử. Trong âm mưu “diễn biến hòa bình” phá hoại ta về tư tưởng hiện nay của các thế lực thù địch, từ tên gọi của cuộc chiến tranh đến những lỗ lực của quân giải phóng trong trận chiến cuối cùng để giành thắng lợi, các thế lực phản động đều đưa ra những luận điểm xuyên tạc và không đúng bản chất của nó. Song, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, được nhân dân thế giới ca ngợi. Đó là cuộc kháng chiến oanh liệt nhất, hào hùng nhất trong thế kỷ XX, là đỉnh cao của trí tuệ nghệ thuật chỉ đạo quân sự tài tình của Đảng và Bộ chỉ huy mặt trận.

Với tầm vóc vĩ đại của chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi là niềm tự hào của quân đội nhân dân và cả dân tộc Việt Nam.

 

                                                                           Nguyễn Quốc Lập BTV trang Web

 

tin tức liên quan