Chiến thắng đường 9 nam Lào đánh bại cuộc hành quân Lam sơn 719

Ngày đăng: 12:06 10/03/2015 Lượt xem: 1.011

 

 

CHIẾN THẮNG ĐƯỜNG 9 NAM LÀO 

ĐÁNH BẠI CUỘC HÀNH QUÂN LAM SƠN 719

 

          Từ đầu năm 1970, dự kiến âm mưu mới của đế quốc Mỹ trong thế bị động chiến lược ở Miền Nam Việt Nam, hội nghị lần thứ 18 của Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng phối hợp với quân đội Pa-thét Lào và LLVT cách mạng Cam-pu-chia trong tình huống địch mở rộng chiến tranh ra 3 nước Đông Dương. Tin tình báo chiến lược cho biết, qua bản kế hoạch được ký kết giữa Mỹ và Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn tháng 2-1970, ngoài việc phong tỏa cảng biển, đưa bộ binh sang Lào và Cam-pu-chia, có nhiều khả năng địch mở các cuộc tiến công vào căn cứ, hành lang vận chuyển của ta và cũng không loại trừ tình huống địch tiến công ra miền Nam khu 4 (1). Các nguồn tin tình báo thường lưu ý Tổng hành dinh về yêu cầu bảo vệ đường vận chuyển chiến lược 559. Đầu năm 1971, sau hai năm triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn gặp phải nhiều khó khăn to lớn. Với âm mưu tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc chiến tranh, địch huy động lực lượng mở ba cuộc hành quân lớn đánh vào tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn của ta, trong đó, cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh vào khu vực Đường 9 Nam Lào có quy mô lớn nhất nhằm mục đích cắt đứt tuyến chi viện chiến lược của đối phương và thử nghiệm hiệu lực của công thức: Quân đội Việt Nam cộng hòa cộng cố vấn Mỹ cộng hỏa lực và hậu cần Mỹ. Thực hiện âm mưu trên, địch đã huy động lực lượng lên tới 42.000 quân, lúc cao nhất đạt mức 55.000 quân (có 15.000 quân Mỹ), bao gồm 3 sư đoàn với tổng số 47 tiểu đoàn bộ binh, 460 xe tăng, xe bọc thép, 280 khẩu pháo, 600 máy bay. Ngoài ra, còn có 9 tiểu đoàn thuộc hai binh đoàn cơ động (GM 30 và GM 33) quân phái hữu Lào ở phía tây đánh sang. Cuộc hành quân Trên cơ sở lường định và đánh giá chính xác âm mưu của đối phương, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công tiêu diệt lớn quân địch ở Đường số 9 - Nam Lào với quyết tâm phải đánh thắng trận này, dù có phải động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào. Lực lượng Việt-Lào tham gia chiến dịch gồm có: 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324, 2); 4 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp (177, 197, 241, 491); 4 trung đoàn pháo binh (368, 38, 45, 84); 4 trung đoàn phòng không (230, 237, 241, 491); 3 trung đoàn công binh (7, 83, 219), một số tiểu đoàn đặc công của Bộ; một số lực lượng chiến đấu tại chỗ của Đoàn 559; Mặt trận B4, B5; một số tiểu đoàn, đại đội độc lập chủ lực Bộ và địa phương Quân giải phóng nhân dân Lào. Địa bàn chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào có chiều dài khoảng 90km (từ Đông Hà, Quảng Trị đến Sê-pôn, Xa-va-na-khẹt), rộng khoảng 60km (từ Mường Trương đến Mường Noòng), chủ yếu là rừng, đồi, núi trống trải. Sinh sống ở đây chủ yếu là đồng bào các dân tộc miền Tây Bắc tỉnh Quảng Trị và nhân dân các bộ tộc Lào ở phía Tây Đường 9, vốn có truyền thống yêu nước, đoàn kết chiến đấu chống Mỹ xâm lược, một lòng hướng theo cách mạng. Thực hiện quyết tâm của trên, đồng bào các dân tộc Việt-Lào không quản mưa rừng, thác lũ, ngày đêm sát cánh cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong bạt núi, mở đường, truy bắt lực lượng thám báo địch bảo vệ sự an toàn và bí mật ý định chiến lược của ta; tích cực tham gia xây dựng các trận địa bắn máy bay và vận chuyển các loại vũ khí, đạn dược, hàng hóa khác vào các vị trí tập kết chiến dịch đúng kế hoạch.

 

 

 

 

          Từ ngày 30-1 đến 7-2-1971, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã điều động một bộ phận lớn binh lực ra vùng I chiến thuật; tổ chức hành quân chiếm lĩnh các địa bàn làm căn cứ xuất phát tiến công (Đông Hà, Ái Tử, Khe Sanh...); thực hiện nhiều hoạt động nghi binh chiến lược. Ngày 8-2-1971, một số đơn vị đối phương tổ chức vượt biên giới, tiến về phía khu vực Đường 9 - Nam Lào. Hàng chục trận địa pháo với hàng trăm khẩu bố trí dọc biên giới Việt Nam và Lào đồng loạt đánh phá dữ dội các mục tiêu, hỗ trợ cho các cánh quân bộ binh tiến công. Dựa vào thế trận đã bố trí sẵn sàng, liên quân Việt Nam - Lào kiên cường giáng trả quyết liệt các mũi tiến công của địch; đẩy lui và làm chậm bước tiến quân của chúng; tập trung lực lượng và hỏa lực tiêu diệt một bộ phận lớn quân địch ở các điểm cao 316, 456, 500, 543. Từ ngày 12-2 đến 3-3-1971, đồng bào các dân tộc Việt-Lào trên địa bàn chiến dịch đã tích cực tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu, dẫn đường cho các đơn vị chủ lực, đặc công Việt Nam đánh vào sở chỉ huy địch, diệt gọn các cụm cứ điểm then chốt trên điểm cao 500 và 543, đập tan cuộc phản kích lớn của lữ đoàn dù số 3 và trung đoàn thiết giáp số 17 của quân đội Việt Nam cộng hòa, bẻ gãy cánh quân ở phía bắc Đường 9, chặn đứng các mũi tiến công của đối phương. Ngày 13-3-1971, toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch được lệnh gấp rút chuyển từ phản công sang tiến công trên toàn tuyến, đánh vào đội hình hành quân của địch. Đến ngày 23-3-1971, trải qua hơn 50 ngày chiến đấu gian khổ, ác liệt, được sự ủng hộ, phối hợp chiến đấu hiệu quả của quân dân các bộ tộc Lào, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào đã kết thúc thắng lợi với 21.102 tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, phá hủy và bắn chìm 43 tàu và xà lan, phá hủy 1.138 xe cơ giới, 112 khẩu pháo và súng cối hạng nặng. Những thắng lợi to lớn này đã tác động mạnh mẽ đến cục diện chung chiến trường ba nước Đông Dương, đánh bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ và “mở ra những triển vọng vô cùng tốt đẹp đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng”; đồng thời, tô thắm thêm tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam và Lào, như đồng chí Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Tư lệnh Đoàn 559 đã nói: “Trong cuộc chiến này, khi mà đối phương huy động tối đa sức mạnh tổng lực hòng xóa con đường Trường Sơn; khi mà biết bao đồng chí, đồng bào ngã xuống, nằm lại vĩnh viễn với những đồi lau xơ xác, những bìa rừng khuất nẻo... vì sự sống của con đường, vì sự toàn thắng của chiến dịch, nếu như ai đó thi vị hóa hết thảy sẽ là tội lỗi. Nhưng nếu không tìm thấy cội nguồn chiến thắng từ những bước chân nhún nhảy của những chàng trai, cô gái Pa Cô trên đường tải đạn, trong âm vang réo rắt tiếng đàn ta lư, hay điệu lăm vông của những nam nữ chiến sĩ Quân giải phóng Lào sau từng trận đánh...thì cũng khó lý giải hết tầm thế của chiến công này...và vì sao ta chiến thắng!”. Sau hơn một thàng phản công, quân và dân ta đã đập tan cuộc hành quân Lam sơn 719 của Mỹ- Ngụy và làm thất bại âm mưu “ Việt Nam hóa chiến tranh” của chúng. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân đội ta thực hành thắng lợi một chiến dịch phản công quy mô lớn bằng các lực lượng binh chủng hợp thành. Ngày 31/3/1971, lực lượng tham gia chiến dịch được Ban chấp hành Trung ương Đảng gửi thư khen: “Đánh giỏi, thắng giòn giã, lập chiến công xuất sắc”

 

Bùi Hoằng

( Tư liệu lịch sử quân sự VN)

 

 

 

 

 


 

tin tức liên quan