Từ đầu năm 1973, trải qua hai năm khẩn trương nghiên cứu, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã xây dựng được kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976; nếu tranh thủ thời cơ thì sẽ giải phóng ngay trong năm 1975. Để thực hiện quyết tâm này, ta đã chọn Tây Nguyên làm “đòn điểm huyệt” vào Ngụy quyền Sài Gòn…
|
Quân ta tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên.
(Ảnh Tư liệu)
|
Theo cuốn hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng” (Nxb Quân đội Nhân dân, năm 2005), của cố Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, những diễn biến của chiến dịch giải phóng Tây Nguyên (từ 4/3 đến 3/4/1975), mà “đòn điểm huyệt” là giải phóng Buôn Ma Thuột (ngày 10/3/1975) diễn biến như sau:
…Theo quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đầu năm 1975, đồng chí Văn Tiến Dũng được cử vào Tây Nguyên, cùng với các đồng chí Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng tham mưu trưởng và một số cán bộ, tổ chức thành một bộ phận đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh ở chiến trường miền Nam, mang bí danh Đoàn A.75. Như vậy, cơ quan chỉ huy quân sự tối cao đã hình thành cả ở phía trước và phía sau, vừa sâu sát mặt trận vừa bao quát ở tầm chiến lược, vĩ mô, bảo đảm lãnh đạo chỉ huy đúng đắn, kịp thời. Quyết định này được giữ tuyệt đối bí mật.
Trước ngày đoàn lên đường, đồng chí Văn Tiến Dũng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp nhau trao đổi ý kiến về cách đánh trong chiến dịch Tây Nguyên. Đồng chí Hoàng Văn Thái cùng tham dự. Vốn đã làm việc cùng nhau từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, cùng ở trong Quân ủy, nên những người tham dự cuộc họp đã bàn bạc rất kỹ và nhất trí về nhiều vấn đề, tìm ra phương án tác chiến tối ưu. Đòn tiến công chiến lược đầu tiên phải tranh thủ bất ngờ cao độ, mạnh bạo giải quyết Buôn Ma Thuột trước, bảo đảm chắc thắng ngay từ trận đầu. Tiếp đó, nhanh chóng phát huy thắng lợi, tiến công liên tục nhằm tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, giải phóng địa bàn chiến lược quan trọng ở Tây Nguyên.
Chấp hành ý định của Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 cử Phó Tư lệnh Võ Thứ vào Bình Định điều Sư đoàn 3 lên cắt đứt đường 19. Các đồng chí ở địa phương chưa thật thông, đề nghị chỉ đưa một trung đoàn đi làm nhiệm vụ ấy. Thấy vậy, đồng chí Chu Huy Mân lập tức chống gậy vào can thiệp. Có lệnh của Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu, địa phương mới đồng ý điều Sư đoàn 3. Quân khu cũng điều luôn cả trung đoàn pháo của quân khu cùng với Sư đoàn 3 lên cắt đường 19, thực hiện nhiệm vụ chia cắt chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng trong diễn biến chiến sự sau này.
Các bước thực hiện chiến dịch Tây Nguyên phát triển thuận lợi. Qua nắm tình hình và khai thác tin của địch, cơ quan tác chiến báo cáo:
Ngày 25 tháng 2 năm 1975, ta tăng cường hoạt động nghi binh.
Ngày 1 tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 968 diệt hai cứ điểm địch ( Chốt Mỹ - Đồn Tầm) trên đường 19 phía tây Plây Ku và đánh chiếm sân bay Cù Hanh.
Ngày 4 tháng 3, Trung đoàn 95A và Sư đoàn 3 (Quân khu 5) tiêu diệt một loạt vị trí, cắt đường 19 ở An Khê. Địch cho biệt động ra dò tìm và bắn pháo vào chỗ nghi có quân ta.
Đêm 5 tháng 3, Trung đoàn 25 cắt đường 21 ở phía đông Chư Cúc, diệt một đoàn xe 80 chiếc. Tây Nguyên bước đầu bị cô lập với đồng bằng.
Tin tức từ chiến trường báo về: Ngày 6 tháng 3, một tiểu đội trưởng thông tin của ta bị thương rơi vào tay địch, mang theo trong người cuốn sổ nhật ký. Mọi người lo lắng tuy được biết đồng chí ấy bị thương nặng, phải cưa chân, còn mê man bất tỉnh, địch chưa khai thác được gì.
Ngày 7 tháng 3, quân ta diệt cứ điểm Chư Xê (bắc Buôn Hồ) trên đường 14.
Ngày 8 tháng 3, Trung đoàn 48 Sư đoàn 320 đánh chiếm chi khu quân sự Thuần Mẫn.
Ngày 9 tháng 3, Sư đoàn 10 nổ súng đánh chiếm quận lỵ Đức Lập. Trên hướng bắc, ta tiêu diệt quận lỵ Thanh An, áp sát, uy hiếp thị xã Plây Ku.
Thế chiến lược bao vây, chia cắt, cô lập Buôn Ma Thuột đã được cài xong.
Chiến trường Tây Nguyên chuyển mình, sôi động.
Trận tiến công Đức Lập và tuyến phòng thủ liên hoàn gồm năm cứ điểm trên đường 14 phía tây nam Buôn Ma Thuột của Sư đoàn 10 và Trung đoàn pháo binh 40 đẩy địch ở đây vào tình thế nguy ngập. Các căn cứ Núi Lửa, căn cứ 23 của địch lần lượt bị tiêu diệt. Địch dồn lực lượng vào quận lỵ ngoan cố chống cự. Sư đoàn 10 phải dừng lại củng cố lực lượng rồi tiếp tục tiến công, đến hôm sau mới dứt điểm.
Trước tình hình nguy khốn, Tướng Ngụy Phạm Văn Phú, Tư lệnh Vùng 2 chiến thuật bay đến Buôn Ma Thuột họp với Sư phó Sư đoàn 23 Ngụy và Tỉnh trưởng Đắk Lắk. Phú nhận định: Đức Lập không còn khả năng cứu vãn, không cần tăng viện nữa. Trước mắt, Trung đoàn 3 cố gắng giữ cho được ngã ba Đắc Sắc. Nếu ngày hôm sau tình hình khá hơn, sẽ phản kích lấy lại Đức Lập. Trường hợp không trụ nổi thì được phép tự di tản về hậu cứ. "Cộng sản" đánh Quảng Đức, uy hiếp Buôn Ma Thuột chỉ để nghi binh tạo điều kiện cho vài ngày tới sẽ tập trung lực lượng đánh vào Kon Tum - Plây Ku. Do vậy, việc chính hiện nay là tăng cường mọi khả năng đối phó với địch ở trọng điểm là Kon Tum và Plây Ku.
Đến thời điểm này, quân Ngụy vẫn không biết ý định và hướng tiến công của quân ta. Chúng cho rằng ta uy hiếp Buôn Ma Thuột là nghi binh để đánh Plây Ku và Kon Tum; đánh Đức Lập là để mở thông đường vào Nam Bộ. Từ đó, chúng lo đối phó với ta ở hướng Bắc Tây Nguyên, rút bớt lực lượng ở Nam Tây Nguyên lên tăng viện cho Plây Ku. Phú vẫn cả quyết: Nhất định Plây Ku là hướng chủ yếu, vì Sư đoàn 320 của "Việt cộng" vẫn ở đó, còn Sư đoàn 10 "Việt cộng" vẫn ở Đắc Tô - Tân Cảnh. Ở Buôn Ma Thuột cũng sẽ có hoạt động phối hợp bằng đặc công pháo kích, nhưng không phải là hướng chính.
Hoạt động của quân ta trên các hướng nhịp nhàng ăn khớp. Kế hoạch nghi binh chiến lược thực hiện rất thành công. Trong cuộc đấu trí đầu tiên, bộ tham mưu địch đã phạm sai lầm. Buôn Ma Thuột sơ hở lại càng thêm sơ hở.
Trong lúc Quân đoàn 2 Ngụy ra sức chuẩn bị đối phó với chủ lực ta ở Bắc Tây Nguyên, thì vào lúc 1 giờ 55 phút sáng 10 tháng 3 năm 1975, trận Buôn Ma Thuột bắt đầu. Trung đoàn đặc công 198 cùng một bộ phận pháo cối nổ súng tiến công, đánh chiếm sân bay lên thẳng Ngã Sáu, cụm kho Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình. Pháo binh ta từ các trận địa xung quanh Buôn Ma Thuột bắn phá mãnh liệt hậu cứ sư đoàn 23, sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc, khu doanh trại pháo binh, thiết giáp của địch trong thị xã.
Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ tỉnh Đắc Lắc, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Tây Nguyên, có vị trí quan trọng về quân sự. Thị xã nằm trên ngã ba đường chiến lược số 21 nối với đường số 1 đi Nha Trang và đường số 14, phía bắc lên Plây Ku, phía nam xuống miền Đông Nam Bộ. Dân số khoảng 96.000 người. Địch bố trí ở đây khoảng 8.400 tên, gồm một trung đoàn bộ binh, hai chi đoàn thiết giáp, hai tiểu đoàn pháo binh, sở chỉ huy sư đoàn 23, liên đoàn biệt động 21 cùng các lực lượng bảo an, cảnh sát và các căn cứ trung đoàn bộ binh 45, trung đoàn thiết giáp 8, trung đoàn pháo binh 222, với hai sân bay là sân bay thị xã và sân bay Hòa Bình. Chọn mục tiêu tiến công chủ yếu là Buôn Ma Thuột, Bộ thống soái tối cao dự kiến sẽ làm đảo lộn hoàn toàn thế phòng ngự của địch ở Tây Nguyên, rung chuyển toàn bộ chiến trường miền Nam bằng một đòn điểm huyệt. Mới tờ mờ sáng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận được điện của đồng chí Văn Tiến Dũng:
…"Ngày 10 tháng 3 năm 1975, ta đã đánh Buôn Ma Thuột. Tình hình diễn biến thế nào, có nhận xét gì lớn, tôi sẽ điện tiếp. Chúng tôi vẫn khỏe. Anh Thiện vào 559 trợ lực tích cực cho chiến dịch này. Mọi yêu cầu đều cố gắng bảo đảm. Quân no, lực lượng lớn, vũ khí trang bị đầy đủ, tinh thần phấn chấn, khí thế cao. Chưa bao giờ mạnh và đánh tập trung lớn ở đây như năm nay. Chúc các anh trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương mạnh khỏe. Ký tên: Tuấn".
Chiến dịch Tây Nguyên đã mở màn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chủ trì các cuộc giao ban hằng ngày của Bộ Tổng tham mưu. Dự giao ban thường có các đồng chí Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Trần Sâm, Trần Văn Quang, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài. Anh Phạm Ngọc Mậu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và anh Vũ Xuân Chiêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần cũng thường có mặt.
Sáng 10 tháng 3, trong cuộc giao ban thường lệ ở Sở Chỉ huy "Nhà con rồng”, mọi người phấn khởi đón tin chiến thắng đầu tiên: Ta đã giải quyết xong quận lỵ Đức Lập, Đắc Soạng, Núi Lửa, mở thông hành lang chiến lược Bắc Nam. Trận Buôn Ma Thuột đã bắt đầu từ rạng sáng ngày 10 tháng 3, đang phát triển thuận lợi.
Các cơ quan Tổng hành dinh hoạt động khẩn trương. Cán bộ tác chiến, thông tin, cơ yếu làm việc thâu đêm suốt sáng. Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Cục Quân báo, Cục Tuyên huấn khai thác kịp thời tin tức công khai của địch và của phương Tây... Tất cả đều nhằm giúp Bộ thống soái tối cao nhận định, phán đoán, đánh giá tình hình điều hành chiến tranh từng giây từng phút...
Tin từ nhiều nguồn tới tấp báo về. Tại sân bay Ngã Sáu, Trung đoàn đặc công 198 diệt các mục tiêu quan trọng trong sân bay, phát triển đánh chiếm khu cảnh sát, bệnh viện dã chiến, tạo hành lang thông suốt ở cửa ngõ Đông Bắc thị xã Buôn Ma Thuột. Các chiến sĩ đặc công nhanh chóng diệt sở chỉ huy khu kho Mai Hắc Đế, mở cửa ở hướng tây bắc, chuẩn bị đường tiến đánh căn cứ sư đoàn 23 ngụy.
Các đơn vị bộ binh, xe tăng, thiết giáp tranh thủ vượt sông Sêrêpốc, vào chiếm lĩnh các trận địa xuất phát tiến công, hình thành năm mũi nhất tề tiến công vào thị xã.
Cuộc chiến đấu ở khu vực Ngã Sáu diễn ra quyết liệt. Trung đoàn 95b đánh bại cuộc phản công của địch có xe tăng và không quân chi viện.
6 giờ 30 phút sáng ngày 10 tháng 3, dưới sự yểm hộ của pháo binh chiến dịch, các chiến sĩ Sư đoàn 316 đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã Buôn Ma Thuột. Trên hướng tây bắc, quân ta tiến công khu thông tin, khu vận tải, áp sát hậu cứ sư đoàn 23 ngụy.
Ở hướng đông bắc thị xã, bộ binh ta có xe tăng đi cùng tiến công tiểu khu Đắc Lắc, đến 15 giờ ta chiếm được tiểu khu.
Ở hướng nam, quân ta tiến công các mục tiêu quân sự và quận lỵ Hòa Bình.
Trong ngày 10 tháng 3, hầu hết các mục tiêu quan trọng trong thị xã, trừ sở chỉ huy sư đoàn 23, đều bị quân ta đánh chiếm.
Tình hình phát triển thuận lợi. Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định tập trung lực lượng nhanh chóng tiêu diệt sở chỉ huy sư đoàn 23 và các mục tiêu còn lại trong thị xã, đồng thời tiêu diệt các căn cứ Bản Đôn, Chư Nga, Buôn Hồ, ngăn chặn quân tiếp viện từ bên ngoài, bố trí lực lượng sẵn sàng đánh quân địch phản kích.
Mãi đến lúc này, Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu và bọn tướng tá ngụy mới tỉnh ra. Chúng kêu gào trên đài phát thanh Sài Gòn: "Tử thủ Buôn Ma Thuột bằng mọi giá". Rõ ràng là đã quá muộn rồi!
Sáng hôm sau, 11 tháng 3, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp tại Sở Chỉ huy. Đây là cuộc họp đầu tiên của Bộ thống soái tối cao từ khi mở màn chiến dịch Tây Nguyên.
Rất vui trước thắng lợi những ngày đầu chiến dịch, các anh thảo luận sôi nổi về sự phát triển thế và lực của ta, sự suy sụp của địch. Về hoạt động của ta, mọi người đều nhất trí cần khẩn trương tiếp tục mở rộng tiến công, sẵn sàng đánh địch phản kích.
Điều đáng chú ý là tinh thần quân Ngụy sụp xuống rất nhanh. Chúng không chịu nổi những đòn tiến công của quân ta vào các chi khu, quận lỵ. Ai cũng nghĩ đến khả năng giành thắng lợi lớn hơn dự kiến ban đầu. Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu thắng lợi giòn giã. Buôn Ma Thuột đã được giải phóng.
Như vậy, tình hình chiến sự đã phát triển nhanh hơn so với kế hoạch chiến lược cơ bản, trù tính giải phóng Tây Nguyên trong năm 1975, bước một của kế hoạch hai năm.
Với chiến thắng Buôn Ma Thuột đã làm cho kế hoạch giải phóng Tây Nguyên được thực hiện sớm hơn nhiều so với dự kiến. Buôn Ma Thuột thất thủ đã bắt đầu hiệu ứng đô-mi-nô trong quân Ngụy, dẫn đến tình hình rối loạn và thất thủ nhanh chóng của cả khu vực Tây Nguyên. Cuối cùng quân Ngụy đã phải rút chạy khỏi Tây Nguyên.
Việc giải phóng Tây Nguyên một cách nhanh chóng và thuận lợi làm cho cục diện chiến trường xoay chuyển theo hướng có lợi cho ta, đã càng thôi thúc thêm Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngay trong năm 1975, chứ không chờ theo đúng kế hoạch ban đầu là trong hai năm 1975 - 1976. Thực tế lịch sử đã chứng minh chiến thắng của chiến dịch giải phóng Tây Nguyên đã mở đầu cho chiến thắng của một loạt chiến dịch quan trọng sau này, và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975./.
|