Một thời ở Trường Sơn - Ký của Trần Hồng Thương

Ngày đăng: 10:49 20/03/2015 Lượt xem: 632
Đường ơi lúc hoàng hôn sà xuống mày chút hơi thở cuối cùng, lẽ nào xa bọn tao rồi hả Đường... cầu chúc cho mày được mồ yên mả đẹp, khi nào về nước đồng đội sẽ đưa mày về quê mẹ bên đất ...

 

MỘT THỜI Ở TRƯỜNG SƠN

(Ký)

 

 

Tác giả: Trần Hồng Thương

 

          Tôi nhập ngũ vào mùa xuân năm 1973 trước ngày miền Nam giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn quyết liệt để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Rời quê làng Yên tôi được chuyển về làng Đông để tập trung huấn luyện trước khi vào chiến trường. Đơn vị lính con gái chúng tôi chưa biết làm nhiệm vụ gì, nhưng suốt trong mấy tháng huấn luyện những động tác quân sự đầu tiên như sắp xếp đội hình, tập đi đều, tập hành quân mang vác nặng, báo động đêm, tập nấu cơm bằng kiểu bếp Hoàng Cầm, tập tháo lắp súng đạn vv... Tất cả đều giả định trận địa núi rừng... cũng khiến lũ con gái chúng tôi mệt nhoài. Chúng tôi nhiều quê cùng tỉnh nhưng cũng vui. Giờ học tập trên thao trường gọi nhau là đồng chí, giờ nghỉ thì vẫn mày tao chí tớ như chị em trong gia đình lớn. Riêng cái Nụ, cái Liên, cái Đường chúng nó còn ít tuổi, lần đầu tiên xa nhà, đôi lúc nhớ quê nhớ thầy, nhớ bu còn sụt sịt khóc.Các cô thôn nữ trẻ mới rời nhà ra đi sống tập thể tránh sao khỏi lão lòng, những khóc đấy rồi lại cười đấy, vui đùa chế nhau cũng vui vẻ, ấm cúng trong tình bạn, tình đồng đội. Được khoác trên người bộ đồng phục, nom đứa nào cũng rắn rỏi hẳn lên. Rồi mũ cối, mũ mềm ba lô súng đạn lỉnh kỉnh, nhìn nhau cứ rũ ra cười nhất là cái Liên nó cứ cuống quýt cả lên mỗi khi nghe tiếng còi tập hợp chưa phân biệt được lúc nào là đội mũ mềm, lúc nào đội mũ cứng. Nhưng rồi tiếng kẻng, tiếng còi hiệu lệnh là răm rắp chỉnh tề đội ngũ. Các đồng chí huấn luyện đều lớn tuổi. C trưởng C phó và anh nuôi cũng rất thông cảm với lính mới "tò te" nên các anh cũng chỉ bảo, hướng dẫn tận tình giờ nào việc nấy nhất là giờ tập quân sự thì các anh ấy nghiêm lắm, đứa nào quen mồm anh anh em em, các anh ấy yêu cầu báo cáo gọi lại theo đúng điều lệnh. Ngày nào cũng phải cắt cử hai người ra phụ giúp anh nuôi nên nhiều đứa xung phong vì không phải đi tập, được thoải mái hơn.

          Những kỷ niệm vui, buồn của những ngày tập luyện rồi cũng qua nhanh. Đã đến lúc chúng tôi được lệnh bổ xung quân cho chiến trường. Ai cũng náo nức chờ đợi cái ngày lên đường, nhưng chưa rõ là đến với Trường Sơn Đông hay Trường Sơn Tây....

 

 

(Ảnh minh họa)

 

          Chúng tôi được lệnh tăng cường cho chiến trường C. Từ xa ba chiếc xe Zin ba cầu lần lượt vào làng để đón chúng tôi lên đường. Lại một lần nữa chia tay với nhân dân địa phương và các đồng chí giao liên binh trạm các anh huấn luyện chúng tôi như những người anh lớn trong gia đình.

          Chào các em, chào các đồng chí, chào ba mươi tư cô gái Thái Bình lên đường mạnh khoẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

          Xe từ từ lăn bánh. Vẫy chào nhau lần cuối cùng để lại hai bên đường những chùm hoa tím ngắt. Những bụi cây xấu hổ ven đường cũng đung đưa lay động từ từ khép lá như đưa tiễn chúng tôi.

          - Cái Thân sao mày lại khóc? Tôi hỏi nó

          - Tự nhiên tao thấy nhớ nhà, khóc một tý dở thôi.

          Ba chiếc xe len lỏi qua đường rừng cứ nghiêng ngả lên xuống lắc lư như đánh võng. Chỉ vài giờ sau mọi tiếng chuyện trò to nhỏ im bặt thỉnh thoảng xen vào la ối! Đau quá rồi có người nôn oẹ vì xe sóc. Xe được nguỵ trang kín mít chiều đến cánh lá cũng khô héo tơi tả. Nó như con ngựa bất khan cứ lồng lộn tiến về phía trước rồi đất Do Linh qua ngầm qua suối cũng đưa chúng tôi đến được một làng đồng bào Vân Kiều rồi nghỉ lại. Trời tối đã nhọ mặt nhưng dân làng vắng vẻ, chúng tôi nghỉ lại nấu lấy cơm ăn, mắc tăng võng nghỉ bìa rừng nơi xe đậu. Các đồng chí lái phụ xe quen rồi nên xung phong canh gác cho chúng tôi ngủ đêm. Đêm Trường Sơn mịt mù và sâu lắng, gió lạnh bâng khuâng những nỗi miền xen lẫn.

          Đơn vị tập kết ở một bìa rừng trên đất bạn Lào đã có sãn lán trại của đơn vị cũ để lại hoang vắng cỏ mọc dột nát. Những ngày đầu tiên phải tu sửa, dọn dẹp lại. Đứng trên sườn núi cao nhìn thấy đoạn sông Sê Pôn và đường ô tô chạy mấp mé bên bờ vực sâu. Quang cảnh khí hậu gần giống như ở Tây Bắc Việt Nam chỉ có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Đêm thì vẫn lạnh, bọn con gái chúng tôi sợ nhất là mùa mưa rả rích nhiều ngày, muỗi rừng và vắt thì nhiều vô kể. Vắt len lỏi theo người lên tận giường ngủ. Nhưng về mùa khô cũng dễ chịu hơn, trú quân dưới tán lá rừng cây xăng lẻ, thèm khát đôi chút nắng vàng le lói, được thưởng thức cái nắng gió Lào khô khốc tre nứa nổ đôm đốp cùng tiếng ve kêu râm ran cũng có cái thú vui rủ nhau đi kiếm rau rừng măng rừng về cải thiện sinh hoạt. Thiếu rau xanh, lương khô, thịt hộp ăn mãi cũng chán. Thế mới biết ở đâu có bàn tay con gái, nơi ăn chốn ở sạch sẽ, gọn gàng, lại có cả hoa tươi núi rừng cắm lọ cũng vui mắt.

          Đoạn sông này rộng lắm  nhìn sang bờ bên kia rộng như sông Hồng bên đất Việt. Tôi rủ cái Đường và bọn con gái dưới chân dốc (Đường làm ở tổng kho hậu cần của đơn vị) đi tắm tập thể. Tắm "tiên" nên cũng phải thay nhau canh gác, súng ống đầy đủ để phòng biệt kích. Nơi đóng quân xa dân, xa bản, tiếp tế gặp nhau hầu hết thông qua đường dây để giữ bí mật. Mỗi lần cánh đường dây đi xa về tìm được bồ kết lại thông báo cho nhau như nhận được quà quý rủ nhau "liên hoan" gội đầu tập thể. Riêng cái Đường nó vẫn giữ được mái tóc dài đen óng mượt cho nên cỡ mũ của nó to nhất tiểu đội, nhìn nó mà thèm. Nhiều bữa tiếp tế thực phẩm trục trặc nhất là về mùa mưa, chúng tôi phải ăn lương khô trừ bữa ngồi  bó gối ở nhà buồn như trấu cắn chỉ có biết hỏi nhau, nói chuyện qua đường dây. Có lần cái Đường alô rồi nói "Hôm nay là sinh nhật em lần thứ 19 rồi đấy chị Loan ạ!".

          - Chị nhớ rồi, nếu đi được chị tặng em bó măng củ vừa đào được nhé!

          - Chán bỏ mẹ! Ngày nào cũng măng! ních đầy cả bụng đến nôn oẹ cả ra.

          - Thế thì chị tặng em bó hoa rừng vậy đồng ý không!

          Cái Đường toét ra cười rồi cúp máy. Tôi và Đường ở cách xa nhau thường chỉ gặp nhau qua dây nói, nó là lính đường dây lên cũng hay đi nối, mắc dây cho bộ chỉ huy và trận địa pháo phòng không.

          Vào một buổi chiều dưới cánh rừng già. Mặt trời đã xuống núi, mới ba bốn giờ mà nắng đã yếu chỉ còn le lói đôi chút xiên qua những tán lá rừng. Chỉ có tôi cái Hoa và cái Nương là gần nhau. Bỗng từ đầu dây bên kia:

          - Alô! Alô! Alô, chị Loan ơi! Cái Đường... hy sinh rồi. Tiếng Mùi ở đầu dây nghẹn ngào trong tiếng nấc đứt quãng.

          Tôi hỏi lại: "Mùi đấy à? Nói to lên...

          Chị... chị ơi! Đường nó đi phát cỏ tăng gia vướng phải bom hy sinh rồi.

          Tôi thật không tin ở tai mình nữa. Mới ban sáng nó còn thông báo nói chuyện sinh nhật cơ mà. Bần thần cả người, đau sót thương tiếc bạn vô cùng. Con bé vui tính hay hát ,hay cười, đùa vui tếu táo nhất đơn vị đã ra đi vừa tròn ở tuổi 19 tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời con gái...

          Cùng lúc cái Nương y tá chạy đến, thấy tôi ngồi khóc, cũng lờ mờ hiểu ra. Tôi bảo Nương:

          - Chị thương nó quá Nương ơi! Cùng nhập ngũ một ngày cùng huấn luyện rồi cùng đến đây với nhau cùng một ngày sao nó đi sớm thế chẳng kịp dặn dò gì cả.

          Tôi cứ lẩm bẩm nói với các bạn như thể còn tâm sự với Đường lần cuối:

          - Đường ơi lúc hoàng hôn sà xuống mày chút hơi thở cuối cùng, lẽ nào xa bọn tao rồi hả Đường... cầu chúc cho mày được mồ yên mả đẹp, khi nào về nước đồng đội sẽ đưa mày về quê mẹ bên đất Việt.

 

 

tin tức liên quan