NGƯỜI CHÍNH ỦY TRƯỜNG SƠN
Hồi ký
Văn Mạc bộ Tham mưu quân chủng PKKQ
ĐT:01652141995
Trên 30 năm sống trong quân đội làm người lính Cụ Hồ, sống trong rất nhiều đơn vị, dưới sự lãnh đạo của rất nhiều đồng chí Chính trị viên và Chính ủy. Nhưng chỉ có một người mà tôi cả đời kính yêu và kính phục, đó là Chính Ủy Đặng Tính.
Từ tháng 2/1955 về công tác tại cơ quan Cục không quân. Tôi có dịp công tác gần gũi với đồng chí Đặng Tính lúc đó là Cục trưởng Cục không quân, với cương vị là Đài trưởng vô tuyến điện (VTĐ) của Cục. Lại thường làm tổ trưởng tổ học tập của mấy các chị vợ Chính ủy Cục, vợ Chủ nhiệm chính trị cục Phan Khắc Hy, vợ đồng chí Hoàng Thế Thiện. Tôi mới có dịp thỉnh thoảng tiếp xúc với đồng chí Đặng Tính tại khu nhà nghỉ của Cục.
Dù bất kỳ với cán bộ chiến sĩ ở cấp bậc nào, khi có dịp tiếp xúc với đồng chí Đặng Tính đều cảm thấy rất chân tình gần gũi. Vào thu đông năm 1962, sau khi đi học trường sĩ quan lục quân về Ban Thông tin cục KQ cử tôi đi tham dự cuộc diễn tập “ Chống đổ bộ đồng bằng đường biển” của bộ Tổng Tư lệnh, với cương vị trợ lý thông tin tiền phương của KQ.
Hôm ấy đoàn hành quân bằng xe cơ giới gồm có đồng chí Đặng Tính, một số cán bộ tác chiến, thông tin, quân báo, khí tượng, dẫn đường xuất phát ở Hà Nội từ chiều; đến 12 giờ đêm đoàn mới qua phà Tân Đệ (Thái Bình ) đêm mùa đông song trời sao vằng vặc, tôi một mình ra đứng trước mũi phà nhìn dòng nước mênh mang và trời sao thăm thẳm. Lòng nghĩ về quê hương về người mẹ già cùng đàn em đã ngủ chưa ? Chúng học hành ra sao, riêng bản thân mình đã sắp sửa ngoài 30 tuổi vợ con chưa có, ở trong quân ngũ xa nhà, nay đây mai đó lòng cảm thấm trống chếnh cô đơn. Tự nhiên tôi thấy có người đứng cạnh vỗ vai : “ Này chú Mạc về lấy vợ đi cho bà cụ đỡ buồn, cho các em có người chăm sóc, bản thân mình thoải mái mà lo liệu việc công và thảnh thơi học tập “.
Tôi rất ngạc nhiên là với cương vị Cục trưởng mà đồng chí lại có thể hiểu được hoàn cảnh của tôi, một chiến sĩ bình thường. Tôi rất cảm động và se sẽ trả lời “Vâng tôi sẽ cố gắng”. Nhưng công việc thì bận, đi lại thì khó khăn, phương tiện thì không thuận lợi nên lời hứa trước thủ trưởng chưa thực hiện được ngay.
Những năm 1955 – 1965, cơ quan Cục đóng ở sây bay Gia Lâm, mỗi sáng sáng với đôi chân tập tễnh, vẻ mặt cởi mở chân tình anh đi bộ từ nhà nghỉ lên cơ quan làm việc, với tác phong khẩn trương, nhiệt tình, cho nên dù là Cục trưởng, song thực chất ông là linh hồn của đơn vị.
Vào năm 1963, tôi được Cục và Ban Thông tin không quân (KQ) cử xuống trường Không quân mặt đất Cát Bi tại C21 huấn luyện thông tin làm chủ nhiệm khoa báo vụ VTĐ ( Vô tuyến điện)
Hôm ấy, vào đầu năm 1963 tôi về tiểu đoàn thông tin KQ (D92) báo cáo tình hình công tác huấn luyện báo vụ và xin khí tài học cụ, thì có điện gọi xuống báo: ” Đồng chí Mạc lên gặp Cục trưởng”. Tôi chẳng hiều có việc gì mà thủ trưởng cục lại gọi mình lên gặp; khi lên đến nơi tôi đứng nghiêm báo cáo:
- Tôi có mặt theo lệnh thủ trưởng
- Thôi thôi ngồi xuống uống nước đi. Tớ nhờ việc riêng thế này nhé. Tôi nghe Ban Chính trị trung đoàn dưới Cát Bi báo cáo là thằng Hiền thợ máy nổ C21 xin cưới vợ, trung đoàn đã duyệt, nó là cháu ruột gọi tôi bằng cậu, cha mẹ nó đã mất anh em chẳng còn ai, chú về báo cáo với cấp ủy bảo rằng tôi nhờ đơn vị giúp tôi tổ chức cho nó vui vẻ, tiết kiệm. Tiền tớ chẳng có là bao, có ba trăm đồng (300 đ) mỗi lần lĩnh lương, chú công vụ cứ gửi tiết kiệm mỗi tháng mười đồng nay trong mấy năm có ba trăm tôi gửi cho nó để lo cưới vợ. Vùa qua, Cục có nhượng cho tôi cái xe đạp Stecling của Pháp. Nay chú mang về và nói với nó giúp tôi là cậu gửi cho nó cái xe đạp để nó lấy cái đi lại; lúc được nghỉ ra thăm vợ tại nông trường Thành Tô gần sân bay.
Tôi đã làm theo những yêu cầu của Cục trưởng. Tôi thầm thán phục : Một cán bộ cao cấp, bận trăm công ngàn việc mà lại có những quan tâm đến gia đình chân tình chu đáo đến như vậy.
Vào những năm 1964 khi chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ ra miền bắc, lúc đó lực lượng phòng không và không quân đã hợp nhất, đồng chí Đặng Tính được Đảng và Nhà nước giao cương vị Chính ủy Quân chủng Phòng không, Không quân ( PK-KQ ). Hồi này tôi được điều về làm Trưởng tiểu ban “Tác chiến, huấn luyện” của trung đoàn thông tin Sở chỉ huy Quân chủng. Do Chính ủy và Trung đoàn trưởng làm việc không hợp, nội bộ Ban chỉ huy mất đoàn kết. Quân chủng chỉ thị “ Đảng ủy trung đoàn và các cán bộ liên quan họp để kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy, Ban Chỉ huy trung đoàn, chủ yếu là hai đồng chí chủ chốt là Chính ủy và Trung đoàn trưởng. Đích thân Chính ủy Quân chủng đến dự và nghe kiểm điềm. Thời gian kiểm điểm 3 ngày trong đó có nửa ngày cuối cùng đồng chí Đặng Tính - Chính ủy Quân chủng kết luận . Là một Chính ủy quân chủng, chỉ huy hàng chục sư đoàn, mấy chục sân bay mà sao Chính ủy lại nắm trung đoàn lại chắc như vậy, kết luận rành rẽ như vậy. Sau khi phân tích ưu khuyết điểm của 2 đồng chí chủ trì và phương hướng thời gian tới, Chính ủy Đặng Tính có nêu một ý mà tôi vô cùng tâm đắc: “ Một yêu cầu cao nhất, một tiêu chuẩn cao nhất của người cán bộ là phải có khả năng đoàn kết được đơn vị, nếu đã không đoàn kết được cán bộ, được đơn vị thì đó là cán bộ bất tài, vô dụng và chẳng có khả năng làm được việc gì. Vì sự nghiệp của Đảng là sự nghiệp của quần chúng . Chỉ khi nào anh tập hợp được quần chúng, đồng lòng hiệp sức thì sự nghiệp cách mạng mới thành công”
Sau cuộc họp đó Trung đoàn như có thêm sức mạnh mới, khí thế mới..
Một kỉ niệm sâu sắc về Chính ủy Đặng Tính là vào cuối năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng gay go quyết liệt, sau chiến dịch Lam Sơn 719, địch đổ quân vào Đường 9 - Nam Lào và bị thất bại nặng nề; ta chuẩn bị mở chiến dịch Quảng Trị 1972, theo lệnh của Bộ quốc phòng, bộ phận Tiền phương cuả Quân chủng được thành lập và hành quân vào Trường Sơn. Sở Chỉ huy Tiền phương Quân chủng PK-KQ đóng bên cạnh SCH của Đoàn 559. Trùng hợp trong dịp đó đồng chí Đặng Tính được Quân ủy TW điều vào làm Chính ủy Bộ đội Trường Sơn.
Đồng chí Đặng Tính vào Trường Sơn sau chúng tôi độ 2 tuần. Trước khi đến bắt đầu cương vị mới, anh đã sang SCH Tiền phương Quân chủng PK-KQ thăm và ở lại với chúng tôi gần 2 ngày. Trong 2 ngày đó anh gặp gỡ tâm tình với các bộ phận, dặn dò anh em làm tròn nhiệm vụ. Sở CH tiền phương thịt một con lợn, tổ chức bữa cơm liên hoan tiễn chân Chính ủy QC sang nhận nhiệm vụ là Chính ủy Đoàn 559. Cuộc chia tay của cán bộ Sở CH Tiền phương Quân chủng với vị Chính ủy bịn rịn lưu luyến vô cùng. Tôi đã đi nhiều đơn vị, ở quân đội trên hai, ba mươi năm mà chẳng thấy mấy người cán bộ lại được anh em yên mến, tin cậy như vậy.
Trong buổi liên hoan văn nghệ tối ngày cuối cùng thật vô cùng ấm cúng và xúc động. Các đồng chí cán bộ phụ trách SCH Tiền phương thay mặt cán bộ, chiến sĩ hứa với Chính ủy hứa quyết tâm làm tròn nhiệm vụ và chúc Chính ủy sang Đoàn 559 chân cứng, đá mềm, hoàn thành suất sắc niệm vụ mà Đảng và quân đội giao cho.
Chính ủy Đặng Tính rất cảm động trước tấm lòng yêu mến mà cán bộ chiến sĩ bộ đội (PK-KQ) đã giành cho mình thông qua buổi họp mặt chia tay SCH Tiền phương Quân chủng PK-KQ. Tại buổi tối hôm ấy Chính ủy Đặng Tính có làm một bài thơ tặng anh em mà tôi chỉ nhớ mang máng là :
Bồi hồi nhớ buổi chia tay
Kẻ đi người ở lòng say mặn nồng
Chúng ta đoàn kết một lòng
Dựng xây Quân chủng anh hùng từ đây
Ấm tình đồng đội hôm nay
Chia tay vẫn hẹn có ngày gặp nhau….
Sáng hôm sau, xe của Sở CH Tiền phương QK-KQ đưa anh vào trong SCH của Đoàn 559 để nhận nhiệm vụ. Chúng tôi chẳng có ai nghĩ rằng lần chia tay lại lần chia tay cuối cùng. Một thời gian sau, anh đã hy sinh tại Nam Lào, trên đường đi thị sát chiến trường vào ngày 03-4-1973.
Chúng tôi đã nhiều lần vào viếng Nghĩa trang Trường Sơn, nơi an nghỉ trên 10 ngàn liệt sĩ Trường Sơn. Hòa cùng đoàn người vào viếng nghĩa trang, chúng tôi thắp những nén nhang thơm, rưng rưng dòng lệ cắm lên đỉnh hương của Kỳ đài và ngay sau đó là mộ của anh Đặng Tính người Chính ủy, người đồng đội, người anh vô cùng kính mến của chúng tôi.
Sau 30 năm từ ngày chia tay tại Sở Chỉ huy Tiền phương Quân chủng PK-KQ , Bộ Tư lệnh 559 tại núi rừng Quảng Bình, hôm nay trước phần mộ của anh, tôi vô cùng xúc động và ứng tác tặng Anh mấy câu thơ :
Anh đi xa nơi núi rừng quạnh vắng
Ba chục năm sau tôi mới đến đây
Dưới Kỳ Đàì - trước mộ Anh lặng lẽ
Khói hương nhòa,
mắt tràn lệ nhớ thương Anh
Ngôi Sao vàng dưới tán thông xanh.
Vẫn sáng mãi ngàn đời bất diệt.
Kính chúc anh nơi ‘Cửu tuyền” an giấc.
Hẹn một ngày được chung bước hành quân.
5/2005 - Văn Mạc