Tháng 3-1975 ở Tây Nguyên

Ngày đăng: 02:51 30/03/2015 Lượt xem: 643

     THÁNG 3 NĂM 1975

       Ở TÂY NGUYÊN

                                                            Nguyễn Hoàng – CCB 471

 

Ngay sau tết Ất Mão (1975) đội hình Sư đoàn ô tô vận tải 471 Trường Sơn mang dòng chữ TS2 trên cánh cửa xe và đầu xe đã nằm gọn trên đất Tây Nguyên; Từ Sa Thầy (Kon Tum) tới Bù Gia Mập.. tiếp giáp với miền Đông Nam bộ. Tất cả cho một trận đánh lớn. Các Sư đoàn bộ binh 316, 968 được xe của Sư đoàn ô tô vận tải 471 lặng lẽ chở cả đội hình theo đường mới mở Đông Trường Sơn rải quân ở Buôn Mê Thuật và phía tây Plei Ku mà địch vẫn chưa biết gì về việc này.

Thế rồi Plei Ku bị pháo tầm xa của ta tấn công, các vị trí tiền tiêu bảo vệ sở chỉ huy Quân đoàn 2 ngụy bị thất thủ. Trung đoàn 45 của sư đoàn 23 ngụy ở Buôn Mê Thuật được dịch chuyển lên phía bắc có ý tiếp ứng bảo vệ cho sở chỉ huy quân đoàn 2 ngụy đóng ở Plei Ku.

Địch đang phán đoán ý đồ của ta và tăng cường phòng thủ cho Plei Ku thì ta nổ súng tấn công Buôn Mê Thuột, nơi kẻ địch không ngờ nhất. Ngày 10.3.1975 cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay khắp thành phố Buôn Ma Thuột. Thành phố được giải phóng, chính quyền cách mạng được thành lập. Những ngày sau đó địch luôn vào thế bị động, chống đỡ yếu ớt. quân ta ào ạt tấn công. Cả miền Nam, quân và dân ta nổi dậy tấn công. Thế cùng lực kiệt địch phải tháo chạy khỏi cao nguyên. Toàn bộ cao nguyên trung phần gồm 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk được giải phóng. Quốc lộ 14 đoạn Kon Tum – Plei Ku – Buôn Mê Thuột trở thành con đường tốt nhất vận chuyển binh khí kỹ thuật, đạn dược, hàng hóa chi viện cho chiến trường.

Chúng tôi được lệnh vào thị xã Kon Tum ngay sau khi địch rút chạy. Ở đây chúng tôi gặp lại những người bạn chiến đấu cũ. Những cán bộ chiến sỹ bộ đội Kon Tum cùng với lực lượng chiến đấu của Bộ Tư lệnh khu vực 471 chúng tôi bảo đảm an toàn hành lang vận tải chi viện cho chiến trường năm 1973, 1974 tuyến đông Trường Sơn qua Kon Tum. Sau những cái bắt tay, ôm nhau thật chặt thân thiết, chúng tôi được các bạn chỉ dẫn và bảo đảm an toàn thị sát những nơi cần đến.

Địch vội vã chạy khỏi Kon Tum để lại nhà cửa, cơ sở vật chất hầu như nguyên vẹn. Hai bên phố xá không thấy bóng dáng một người dân nào. Nhiều cửa hàng, cửa hiệu vẫn mở, cửa không khóa. Hàng hóa trong các tủ kính còn nguyên vẹn, chứng tỏ quân ta chấp hành rất nghiêm kỷ luật chiến trường.

Vào dinh tỉnh trưởng, bài trí, bàn ghế, các phòng làm việc, tủ tài liệu vẫn còn nguyên vẹn. ngoài sảnh bể cá cảnh với những con cá đẹp mắt vẫn lội bơi như chưa có biến cố gì xảy ra. Một bức tranh phong cảnh vẽ cảnh hoàng hôn Tây nguyên với màu vàng thau chủ đạo tựa đề: “Chiều xa thành phố” thật bắt mắt khiến người nhìn thưởng thức nó không khỏi tự hỏi: “Mình đang ở đâu?” vẫn được treo ở chỗ trang trọng, dễ nhìn nhất.

Xe chạy tới khu đất trống gần ty “Chiêu hồi” Kon Tum, một kỳ đài dựng tạm vương vãi những băng giấy, ngổn ngang bàn ghế, hình như nơi đây đã là nơi tụ tập đông người. Cờ ba sọc bị xé nát dẫm đạp lấm lem đất đỏ ba zan. Ngay bên phải lối vào một mái ni lon căng tạm bên dưới có hàng quan tài xếp dọc theo bờ tường. Ba chiếc quan tài bên ngoài đã được đậy nắp trên phủ kín cờ ba sọc. Thì ra bọn địch rút chạy vội vã nên chưa làm xong nghĩa tử với đồng đội…

Đường phố vắng lặng, những đoàn xe tải của quân ta vẫn rầm rập tiến về phía nam. Cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên các công sở, những cửa cổng vẫn cửa đóng then cài chờ chủ nhân vào tiếp quản.

Các đồng chí thuộc tỉnh đội Kon Tum đưa chúng tôi thăm khu sân bay, khu kho, trại lính. Tất cả đều trống rỗng. Tất cả đã theo đoàn quân rút chạy theo đường 7 về duyên hải miền Trung.

Tạm biệt Kon Tum, chúng tôi xuôi về hướng nam. Ra khỏi thị xã, dọc đường 14 dấu vết của cuộc tháo chạy vội vã bắt đầu lộ rõ. Mới đầu chỉ là những quần áo, chăn màn vung vãi dọc đường. Sau đó là những túi đồ, hòm xiểng, những xe ba gác, những rơ mooc kéo hàng, rồi xe lật nghiêng bên đường. Giầy, dép trẻ con, người lớn, mũ mã quần áo quân phục vung vãi. Dấu vết của cuộc rút chạy hoảng loạn vội vã.

Xe vào thị xã Plei Ku cảnh tượng không khác mấy Kon Tum. Phố xá vẫn vắng bóng người. Các cửa hàng cửa hiệu phần lớn bị đập phá, đồ đạc, giấy tờ vương vãi. Phố xá xác xơ nhưng không có cảnh tàn phá bom đạn mà chỉ bị phá phách của bàn tay con người khi rút chạy đập phá, cướp của nhau gây nên.

Bỏ lại thị xã Plei Ku xe chúng tôi theo đường 14 về phía nam nhằm hướng Buôn Mê  Thuột. Tây nguyên với ba tỉnh Kon Tum – Gia Lai - Đắk Lắk đã được giải phóng. Đường Đông Trường Sơn tới Đăk Tô – Tân Cảnh theo đường 14 qua Kon Tum – Plei Ku – Buôn Mê Thuột về miền đông Nam Bộ đường thảm nhựa, cầu cống còn nguyên vẹn, xe hoạt động rất tốt. Những đoàn xe tải chở nặng hàng phủ bạt kín mít nối đuôi nhau về phía Nam.

Núi rừng Tây Nguyên im tiếng súng, không thấy không quân địch hoạt động. Mặc dù vậy quân ta vẫn hết sức đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, các xe trên đường đều được trang bị súng AK sẵn sàng nhả đạn. Đội hình, chỉ huy hành quân, bố trí lực lượng vẫn được duy trì chặt chẽ.

Bốn trung đoàn ô tô vận tải thuộc sư đoàn 471 Trường Sơn chiếm lĩnh Tây Nguyên. Để rồi từ đây làm nhiệm vụ cơ động các sư đoàn bộ binh 320, 968, 316… truy kích tàn quân địch và giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung. Mạng lưới thông tin liên lạc luôn được củng cố và giữ vững. Tất cả được chỉ huy thống nhất từ tổng hành dinh đến các tiểu đoàn tham gia trận chiến..

Khi còn ở trong rừng – đường Trường Sơn, các lực lượng tham gia vận chuyển hàng hóa, đảm bảo cầu đường, tác chiến đánh địch trên không và trên mặt đất được giao đảm trách một khu vực nào đấy luôn cảm thấy mình làm chủ khu vực, làm chủ tình thế… thì giờ đây trên đất Tây Nguyên những ngày này đều cảm thấy mình là nhỏ bé, đều cảm thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa mới đáp ứng được đòi hỏi mau lẹ của cuộc chiến. Khi còn trên đường Trường Sơn thấy xe ô tô thì chỉ là xe của 559 mang dòng chữ TS1 hoặc TS2 thì giờ đây các đoàn xe trên đường phần lớn là các xe đi thẳng chi viện cho chiến trường. Các xe của Sư đoàn 471 mang dòng chữ TS2 của các trung đoàn xe: 17, 32, 33, 536 gồm hàng nghìn xe tải được chỉ huy chặt chẽ  phối thuộc với các sư đoàn bộ binh cơ động đánh địch giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… rồi về lại Tây Nguyên sẵn sàng cho nhiệm vụ mới – cơ động các quân đoàn vào miền đông Nam Bộ.

Sư đoàn bộ sư đoàn ô tô vận tải 471 được lệnh vào đóng quân ở Buôn Mê Thuột tiếp quản doanh trại của sư đoàn 23 ngụy. Doanh trại sư đoàn 23 ngụy được xây dựng kiên cố, nhưng trước sức mạnh hỏa lực của tăng, pháo, sức mạnh của quân ta nhiều khu cũng bị hư hại. Việc đầu tiên của chúng tôi là thu dọn, chôn lấp xác chết, tẩy uế, sửa chữa cửa giả, bố trí các phòng ngủ nghỉ làm việc cho Bộ Tư lệnh, các phòng tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật và các đơn vị trực thuộc. Chỉ trong một thời gian ngắn mọi việc đi vào nề nếp. Điện, nước đã có dùng. Thiếu chỗ ở một số đơn vị trực thuộc phải bố trí ở khu gia binh trên đường vào khu kho Mai Hắc Đế, liền kề với khu dân cư. Đây cũng là một thử thách với chúng tôi – những người lính Trường Sơn lần đầu tiếp xúc với dân vùng địch kiểm soát. Vào đóng quân được ít ngày đã phải giải quyết những bức súc thường nhật hoặc đưa người dân đi cấp cứu hoặc giải quyết những việc lình xình trai gái do những kẻ “dặt dẹo” gây nên.

Những ngày cuối tháng 3 năm 1975 tin vui dồn dập được loan báo: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… lần lượt được giải phóng. Cả Tây Nguyên chào đón tin vui. Đoàn cán bộ của các Phòng tham mưu, chính trị, kĩ thuật… đi xem xét các khu vực lân cận để bố trí các đơn vị trực thuộc. Chúng tôi nhớ mãi cảm giác vượt cầu Sêrêpak để thị sát Đức Lập. Xe đang chạy mát ga trên đường 14 bất ngờ đồng chí lái xe đột ngột giảm ga ngó nghiêng đường xá. Thì ra tới sông Sêrêpak, cây cầu bê tông sắt bắc qua sông với một làn xe, hai bên lan can cao vút tựa như đi vào đường ống. Đồng chí lái xe chần chừ giây lát rồi mới chầm chậm cho xe bò qua. Đồng chí Hậu phòng kỹ thuật cùng ngồi trên xe cho chúng tôi biết: Đó là cảm giác thường gặp của cánh lái xe lần đầu đi qua loại như cầu Sêrêpak này. Xe đang chạy thoải mái đường bằng phẳng bất ngờ vào cầu như chui vào đường ống, từ xa nhìn tới có cảm giác xe đi không lọt, xe dễ bị va chạm… Lần đầu người lái xe qua cầu này cũng có cảm giác như vậy.

Tháng 3 năm 1975 ở Tây Nguyên với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân Tây Nguyên đã nổ súng mở màn cho cuộc tổng tiến công đại thắng. Chúng tôi những chiến sỹ bộ đội Trường Sơn cũng được góp công sức của mình cho trận chiến, cũng coi như mình có trong cuộc chiến. Bốn mươi năm đã đi qua nhưng chúng tôi – những chiến sỹ Trường Sơn thuộc sư đoàn vận tải 471 anh hùng vẫn giữ trong mình những ký ức về cuộc chiến. Luôn giữ trong mình những ngày tháng ở Tây Nguyên năm ấy, để rồi luôn nhắc lại cho thế hệ mai sau những hy sinh cống hiến của thế hệ đi trước cho chúng ta có những ngày tươi đẹp như hôm nay.

 

                                                                         Hà Nôi, tháng 3 – 2015

                                                                             Nguyễn Hoàng

                                                                         CCB phòng TM 471

tin tức liên quan