Chúng tôi về làng Kim Tân, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh gặp Thiếu tá Nguyễn Duy Ân (SN 1947) giữa những ngày cả dân tộc đang hướng về ngày 30/4 lịch sử. Khuôn mặt ông phấn chấn hẳn lên khi được hỏi về một thời hào hùng cùng đồng đội, cùng cả dân tộc giành độc lập tự do. Đáng nhớ nhất là giây phút ông cùng đồng đội bắn cháy cùng lúc 3 chiếc xe tăng của địch, tiếp đó oai dũng ngồi trên chiếc xe tăng của quân ta tiến thẳng vào Dinh Độc Lập.
Thiếu tá Nguyễn Duy Ân không thể quên những ngày tháng 4 lịch sử.
Thiếu tá Nguyễn Duy Ân nguyên là chính trị viên Đại đội 6 bộ binh (gọi tắt là C6) thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Nguyễn Duy Ân lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi và là cán bộ thủy lợi công tác tại quê nhà. Sau gần 1 tháng huấn luyện, anh lính trẻ được chuyển vào tiểu đoàn 1, trung đoàn 9, sư đoàn 304; đến tháng 1/1974 chuyển về tiểu đoàn 2, trung đoàn 9, sư đoàn 304 (gọi tắt C6D12F304). Khi được điều động về đây, chiến sĩ Ân gia nhập Đại đội trinh sát sư đoàn 304 tham gia vào mặt trận B5. Đây là mặt trận Trị Thiên - Huế, có vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp khu vực Vĩnh Linh, có đường chiến lược 12, đối đầu trực tiếp với Vùng chiến thuật I, Quân đoàn I của Mỹ.
Ngồi hồi ức lại những giây phút sinh tử, ông Ân kể cho chúng tôi nghe tường tận từng trận đánh, từng giây phút giáp lá cà với địch mà chỉ có sự gan dạ, mưu trí và một chút may mắn, ông và đồng đội mới thoát khỏi sức công phá của bom đạn địch để rồi giành thắng lợi oanh liệt.
Chính trị viên Nguyễn Duy Ân đang động viên các chiến sĩ trẻ trước trận đánh quyết tử (ảnh nhân vật cung cấp)
Thiếu tá Ân thuật lại: "Mở màn cho chiến dịch xuất phát từ Quảng Trị, Đại đội 6 chúng tôi lúc này có 115 cán bộ chiến sĩ, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng Huế, đánh thắng địch ở Hòa Khánh, giải phóng thành phố Đà Nẵng. Ngày 29/3/1975, tiếp tục hành quân thần tốc vào tham gia chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh. Đến ngày 26/4, mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại đội 6 cùng tiểu đoàn 2 và các tiểu đoàn trong đội hình trung đoàn 9 đã áp sát tấn công Trường sĩ quan tăng thiết giáp của địch tại căn cứ Nước Trong, Long Thành, Đồng Nai.
Vào đúng 17h ngày 26/4/1975, được lệnh nổ súng giải phóng trường thiết giáp, trận đánh này chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày 27-28/4, đơn vị tiếp tục trấn giữ trận tuyến phòng ngự chiến đấu, tiếp tục chiếm căn cứ của địch. Đến 17h ngày 28/4, chúng tôi đã đánh chiếm được lô cốt khu vực Ngã ba Thái Lan hướng từ Nước Trong đi nối huyện lỵ Long Thành với Ngã ba Vũng Tàu.
Vào trưa 28/4, không trụ nổi trước thế tiến công mãnh liệt của quân ta, địch ở căn cứ Nước Trong bỏ chạy, đơn vị của chúng tôi làm chủ trận địa, mở thông đường hành quân tiến vào nội đô.
Đến ngày 29/4 chúng tôi luồn sâu vào lô cốt của địch. Lúc này chúng tôi nhận được lệnh cắm cờ trên lô cốt địch làm mục tiêu cho quân ta tiến quân đúng hướng. Vào 7h sáng ngày 29/4 chúng tôi đã vào lô cốt địch cắm cờ. Bất ngờ 3 chiếc xe tăng của địch tập kích, lô cốt bị sập, hàng chục anh em C6 đã hy sinh và bị thương, trong lần đó tôi cũng bị thương, nhưng vẫn cầm súng chiến đấu.
Trong tình thế cấp bách, tôi ra hiệu cho 2 chiến sĩ đi cùng bắn thẳng vào xe tăng, thế nhưng xe không cháy. Tôi liền giật lấy khẩu súng B41 nhắm thẳng vào 3 chiếc xe tăng lần lượt nã đạn. Cả 3 chiếc nổ tung, quân địch nhảy khỏi xe tăng tháo chạy. (Khẩu súng B41c6d2e9f304QĐ2 chiến sĩ Ân sử dụng khi đó đang được trưng bày tại Viện bảo tàng Quân đoàn 2 - PV). Tôi và các đồng chí trong C6 đuổi địch đến cầu Sông Buông thì địch đã đánh sập cầu, ngăn đường quân ta đuổi theo. Lúc đó chúng tôi được lệnh nối lại cầu trong thời gian nhanh nhất để cho xe cơ giới có đường tiến thẳng vào nội đô. Mặc hiểm nguy chúng tôi bắt tay ngay nối lại cầu.
Đến 12h ngày 29/4, C6 do tôi và đồng chí Trần Quốc Ái, Đại đội trưởng chỉ huy anh em dùng xe tăng đánh tan các điểm chốt phòng ngự của địch từ cầu sông Buông trở vào, đánh tan bộ binh của địch. Đến 17h ngày 29/4 đánh chiếm được cầu sông Đồng Nai, đêm hôm đó anh em chúng tôi không nghỉ, tiếp tục truy kích địch đến 7h ngày 30/4 thì chúng tôi đánh chiếm được cầu Thị Nghè, đánh thắng cả tàu chiến của địch trên sông Sài Gòn. Đến 10h30 phút ngày 30/4, chúng tôi đã tập tan chốt chặt của ngụy quân Sài Gòn.
Lúc này tôi cùng 4 chiến sĩ gồm: đồng chí Minh, đồng chí Đức Hải, đồng chí Trần Đức Tình, đồng chí Đoàn Văn Nguyễn ngồi lên tháp pháo xe tăng 390. Chiếc xe tăng 843 húc vào cổng phụ Dinh Độc Lập và bị mắc kẹt. Xe 390 chúng tôi liền húc tung cánh cổng chính Dinh Độc Lập, tiến thẳng vào sân dinh...".