Nhớ lại ngày này 30-4-1975

Ngày đăng: 10:54 29/04/2015 Lượt xem: 571
Hôm nay, tôi lại nhớ lại như in này 30/4/1975. Ký ức ùa về. Tình cảm như này nào lại xốn sang trong tôi. Sư đoàn tôi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh với nhiều hướng tiến công. Đêm 30/4 hàng ngàn chiến sĩ lái xe Sư đoàn chúng tôi được ngủ ...

                     NHỚ LẠI NGÀY NÀY 30-4-1975

                                       Phạm Thành Long, nguyên Tuyên huấn Sư đoàn 471

 

      Trước giờ G của Chiến dịch, các lực lượng ô tô của Sư đoàn chúng tôi đã cấp tốc chở hơn 6.100 tấn đạn hỏa lực lấp đầy kho của Chiến dịch. Trước giờ nổ súng, Tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó  Tư lệnh  Chiến dịch Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho các cánh quân: “Các cậu cứ bắn thật mạnh vào. Bắn cho nó sợ tới ba đời…” Nếu không có cơ số đạn hỏa lực dồi dào do Bộ đội Trường Sơn cung cấp thì đồng chí  Đinh Đức Thiện không thể tuyên bố tự tin như thế.

      Một bộ phận lực lượng xe của Sư đoàn 471 cơ động Quân đoàn 1 tiến công Sài Gòn theo 2 trục: Trục thứ nhất, Tiểu đoàn 51 và Tiểu đoàn 235, trung đoàn 33 của Sư đoàn cơ động Sư đoàn 320 tiến đánh Tân Uyên. Súng hỏa lực 12,7 ly và súng cối của bộ binh được đặt ngay trên sàn ô tô, đi sau xe tăng, sẵn sàng nhả đạn vào các căn cứ địch trên đường hành tiến. Tại căn cứ này địch chống trả quyết liệt. Hướng tấn công của ta bị chặn lại. Các đơn vị của Sư đoàn 320 đánh trả địch quyết liệt. Khi dừng xe, các chiến sĩ lái xe 471 ôm súng nhảy xuống chiến đấu dũng cảm bên các chiến sĩ bộ binh. Có 3 xe ô tô của Sư đoàn bị bắn cháy, 8 chiếc khác bị hỏng nặng. Một số chiến sĩ lái xe hy sinh, một số khác bị thương. Sau khi bộ binh đánh tan lực lượng xe tăng, thiết giáp và bộ binh ngụy tử thủ tại Tân Uyên, xe tăng và các chiến sa chở lực lượng bộ binh của ta lại tiếp tục tiến quân xốc thẳng hướng cầu Bình Triệu để tiến vào nội đô Sài Gòn.  Trên trục thứ 2, Tiểu đoàn 53 và Tiểu đoàn 734 cơ động lực lượng còn lại của Quân đoàn 1 đánh chiếm Chi khu Bến Cát, rồi vượt cầu Sông Bé rầm rập tiến vào hướng nội đô. Ở hướng Tây Bắc Sài Gòn, Trung đoàn 17, 32, 536 của Sư đoàn 471 đã cơ động Quân đoàn 3 tiến đánh căn cứ Hóc Môn, nhanh chóng tiến thẳng vào chiếm sân bay Tân Sân Nhất, rồi Bộ Tổng Tham mưu ngụy…

     Trung đoàn 9 của Sư đoàn 968 Trường Sơn được xe của Sư đoàn 471 cơ động đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, giải phóng Tây Quy và quận lỵ Hóc Môn, tạo thuận lợi cho Quân đoàn 3 vượt qua địa bàn này để tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn…

        Sáng 30/4, cơ quan Sư đoàn bộ được lệnh hành quân cấp tốc theo đường 14 tiến về Phú Riềng. Trên đường hành quân, chúng tôi nhận được tin Sài Gòn đã được giải phóng. Tối 30/4, chúng tôi dừng chân tại một khu rừng cao su của đồn điền cao su Phú Riềng. Đêm ấy, chúng tôi ngủ dưới cánh rừng cao su nhiều năm của đồn điền này. Tôi hình dung ra sự mô tả về công nhân từng vùi xác bên gốc cây cao su trước năm 1954. Đồn điền cao su Phú Riềng khá nổi tiếng. Nó đã đi vào thơ ca cách mạng mà thời niên thiếu tôi đã từng đọc... Tôi hình dung ra những linh hồn công nhân cao su năm xưa đã mất dưới những gốc cây cao su bởi sự lao động hà khắc của người Pháp. Đêm nay chắc họ cũng vui mừng cùng chúng tôi khi mà cả miền Nam đã sạch bóng quân thù...Những cây cao su thân khá to và tán rộng. Đêm ấy hầu như chúng tôi ít ai ngủ vì vui sướng trước tin vui Sài Gòn giải phóng. Thế là con đường Trường Sơn chi viện cho miền Nam lâu nay mới dừng lại ở Lộc Ninh thì nay đã chạy thẳng tới Sài Gòn. Tôi hình dung ra hàng ngàn đồng đội trong Sư đoàn đêm nay vinh dự là những chiến sĩ Trường Sơn đầu tiên được ngủ dưới bầu trời Sài Gòn đã sạch bóng kẻ thù. Chắc chắn anh em cũng như chúng tôi, ít ai ngủ, dù hơn một tháng trời nay, nhiều chiến sĩ lái xe của Sư đoàn ôm tay lái làm nhiệm vụ suốt ngày đêm không một giờ ngủ nghỉ… Tôi ôm chiếc orion mở nghe tin tức của Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi từ Hà Nội. Tôi liên tục được nghe bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” được phát đi, phát lại nhiều lần; được nghe tin giờ phút lịch sử 11 giờ 30, lá cờ giải phóng của Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập của ngụy quyền Sài Gòn…Tin tường thuật người dân Thủ đô và các địa phương đổ ra đường ăn mừng giải phóng Sài Gòn… Gần sáng, tôi mới thiếp đi được chút.

      Sáng sớm hôm sau, ngày 1/5, tôi được lệnh mang máy ảnh và sổ tay đi cùng Tư lệnh Sư đoàn Nguyễn Lạn vào Sài Gòn. Tôi hồi hộp và mừng hết chỗ nói. Trên xe, có thêm anh Nguyễn Trúc, Trợ lý Ban Tác chiến và cậu công vụ của Tư lệnh. Xe qua Chi khu Bến Cát, chúng tôi thấy súng đạn, quần áo và tư trang của lính ngụy bỏ lại đầy hai bên đường trên đường tháo chạy. Xe lướt qua Lái Thiêu, tôi thấy nhiều xe tăng địch bị bắn chạy đen thui nằm gục bên đường. Chúng tôi vượt qua cầu Bình Triệu rồi tiến về phía Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Lần đầu tiên chúng tôi được đặt chân tới nơi đầu não chỉ huy của quân ngụy Sài Gòn.

        Chúng tôi vượt qua nhiều con phố nhà binh ở trong khu căn cứ Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Chiếc xe con đít tròn dừng lại trước một ngôi nhà rất uy nghi. Chúng tôi xuống xe. Tư lệnh và anh Nguyễn Trúc đi gặp Tư lệnh Quân đoàn 1 đóng quân tại đây. Tôi và cậu công vụ của Tư lệnh tranh thủ thăm thú mấy ngôi nhà cạnh đấy.

        Chúng tôi bất ngờ đặt chân vào ngôi nhà mà sách, báo vương đầy mặt sàn nhà. Quan sát, tôi phát hiện mình đã đặt chân tới Thư viện của quân ngụy. Bước hẳn vào trong nhà, tôi thấy cơ man nào là sách. Tôi nhặt vội một cuốn vương dưới chân mình. Tôi bất ngờ trước tựa đề của cuốn sách: “Đường mòn Hồ Chí Minh của cộng sản Bắc Việt”. Tôi lần giở nhanh mấy trang đầu. Hình ảnh chụp từ trên máy bay hệ thống đường Trường Sơn của chúng ta với chú thích “Đường mòn Hồ Chí Minh của cộng sản Bắc Việt nhìn từ trên cao”. Lật nhanh các trang tiếp theo tôi bắt gặp hình ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang ngồi trên võng dù ở căn cứ Miền đọc sách. Nhìn Đại tướng thật thanh thản. Hình ảnh tiếp theo là chụp ảnh các đồng chí quân giải phóng đang ngồi xem phim, với chú thích: “Đồng Văn Cống và Lê Đức Anh, chỉ huy cộng quân đang xem phim cùng các cộng sự trong căn cứ cái gọi là Trung ương Cục của cộng sản tại miền Nam”… Cuốn sách dày chừng hơn 200 trang viết một cách phiếm diện của đường Trường Sơn của chúng ta… Tôi cất nhanh cuốn sách vào túi công tác rồi tiếp tục đi tiếp.

       Chúng tôi bước vào một ngôi nhà hai tầng gần đó. Tại đây, tôi gặp 3 chiến sĩ. Họ là lính Sư đoàn 320, có nhiệm vụ canh gác ngôi nhà này. 3 chiến sĩ rất trẻ. Hỏi chuyện, tôi được biết họ quê ở Hà Nam Ninh, nhập ngũ năm 1974. Ngôi nhà này là tư gia của Trung tướng ngụy Nguyễn Khắc Lãm, người Nam Định. Ngôi nhà với đồ đạc còn nguyên vẹn. 3 chàng lính trẻ dẫn chúng tôi vào thăm phòng làm việc của Nguyễn Khắc Lãm. Trên bàn làm việc của ông ta có một chiếc giá (như chiếc giá treo những con dấu mà ta thường thấy ở một văn phòng) để những chiến can (gậy) chỉ huy của ông ta. Tôi đã thấy các tướng Mỹ và ngụy khi đi thị sát thường cầm trong tay chiếc can chỉ huy, nên tôi đã giới thiệu với mấy cậu lính trẻ 320: “Đây là những chiếc can chỉ huy của tên Trung tướng Nguyễn Khắc Lãm đấy. Trên giá, có tới 10 chiếc can. Mấy cậu lính 320 mỗi người cầm một chiếc. Đó là những chiếc can bằng gỗ cẩm lai, gỗ trắc có vân rất đẹp. Tôi thấy một chiếc can màu xương đã xỉn nhìn không bắt mắt. Tôi cầm lên và quan sát. Ồ, đây là chiếc can bằng ngà voi, hai đầu được bịt bạc. Trên đó chạm trổ hình con rồng quấn quanh. Tôi biết à một chiếc can quý nên tôi nói với mấy cậu lính chiến: Mình lấy chiếc này nhé! Một anh chàng mà tôi không nhớ tên, nói với tôi: Sao anh lại lấy chiếc gậy xấu nhất thế. Còn mấy chiếc khác đẹp thế sao anh không lấy?...

       Đã hơn 12 giờ mà Tư lệnh và anh Nguyễn Trúc vẫn chưa thấy trở ra. 2 đứa chúng tôi đã được 3 cậu lính trẻ ấy nấu cơm cho ăn. Cơm trắng và rất dẻo. Thức ăn không có gì, ngoài chai ma zi được các cậu ấy lôi ra từ tủ bếp. Bữa cơm ấy sao mà ngon thế. Đã mấy năm rồi tôi chưa được ăn một bữa cơm gạo trắng và dẻo cùng với mazi như thế. Tôi không khách khí gì, đánh liền ba bát ngon lành…

      Quá trưa, Tư lệnh mới trở ra đón chúng tôi. Thì ra ông được lãnh đạo Quân đoàn 1 chiêu đãi cơm trưa. Trên đường về, Tư lệnh nói với chúng tôi: Các anh chỉ huy Quân đoàn 1 đã hết lời ca ngợi và cảm ơn Sư đoàn ta đã hỗ trợ đắc lực để các Sư đoàn của Quân đoàn cơ động tiến quân địch. Ở Trường Sơn, các anh ấy đã chứng kiến Sư đoàn ta xử lý tắc ngẽn trên đèo Ăng Bum. Các anh ấy đã cảm ơn Sư đoàn vì sự chỉ huy các lực lượng hành quân trên đường đâu ra đấy, giải quyết nhanh chóng ách tắc. Trong chiến dịch, các anh ấy hết lời khen lính lái xe Trường Sơn gan dạ và linh hoạt quá. Họ chiến đấu dũng cảm và hiệu quả không kém gì bộ binh chúng tôi. Cảm ơn những lái xe Trường Sơn tài giỏi của Sư đoàn 471…

       Ngay chiều hôm ấy, chúng tôi được lệnh hành quân cấp tốc vào căn cứ Sóng Thần - Căn cứ của Sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy. Tại đây, Sư đoàn được cử hơn 100 chiếc xe zin 3 cầu còn tương đối nguyên vẹn để tham gia chở lực lượng quân đội mừng ngày Toàn thắng 15/5/1975… 

tin tức liên quan