Theo bước chân Sư đoàn về giải phóng quê hương
Sau Hiệp định Viêng Chăn tháng 2/1973 về lập lại hoà bình và hoà hợp dân tộc ở Lào, tình hình chiến sự ở Lào đã lắng xuống. Nhờ đó, tháng 12/1974 ta đã rút Sư đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Nam Lào (thuộc Binh đoàn Trường Sơn) về Tây Nguyên, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên năm 1975.
Lúc này, trong đội hình Sư đoàn 968 chỉ có 2 trung đoàn là E19 và E29 (E9 đã sang Tây Nguyên từ tháng 1/1974, E39 tiếp tục ở lại giúp Lào). E29 về thay chân Sư 10 ở địa bàn tỉnh Kon Tum, còn đơn vị chúng tôi (E19) tiếp quản địa bàn của Sư 320A, hoạt động tại phía tây thị xã Plây-ku (tỉnh Gia Lai). Còn hai sư đoàn bạn thì bí mật di chuyển về Nam Tây Nguyên để phối hợp với Sư 316 giải quyết mục tiêu then chốt của chiến dịch là thị xã Buôn Ma Thuột, và các mục tiêu quan trọng khác ở Nam Tây Nguyên.
Ngày 1/3/1975, Trung đoàn 19 được lệnh nổ súng tấn công cứ điểm Đồn Tầm - Chốt Mỹ và một loạt các cứ điểm trên dãy Chư Gôi, Chư Kra, điểm cao 605, uy hiếp quận lỵ Thanh An và căn cứ Thanh Bình..., thực hiện ý đồ nghi binh của Bộ Tư lệnh Chiến dịch.
Đồn Tầm trước đây do quân Mỹ chốt giữ, từ sau Hiệp định Paris, quân ngụy Sài Gòn thay thế. Đây là cứ điểm quan trọng của địch, án ngữ phía tây nam thị xã Plây-ku, trên một quả đồi tương đối rộng, sát phía nam đường 19, địa hình trống trải, cao khoảng 400m so với mực nước biển. Tại đây, địch bố trí một đại đội Biệt động quân trấn giữ, có hàng rào kẽm gai bảo vệ và các bãi mìn chống thâm nhập. Bên trong, địch xây dựng lô cốt, hầm ngầm kiên cố, nối nhau bằng hệ thống giao thông hào chằng chịt, dùng bao cát xếp cao hai bên thành công sự. Ngoài ra, cứ điểm này còn có trận địa pháo hạng nặng ở Hòn Rồng, Bầu Cạn chi viện.
Về phía ta, để bắn phá Đồn Tầm - Chốt Mỹ và áp chế trận địa pháo địch, ta đã tổ chức hỏa lực mạnh, gồm có 2 khẩu pháo 85mm, 3 khẩu pháo 122mm, 3 khẩu cối 120mm, 6 khẩu ĐKZ 75mm, 4 khẩu cối 82mm và 3 súng máy 12,7mm. Bộ binh tấn công, sử dụng 2 đại đội của Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3.
Đêm 28/2 rạng ngày 1/3/1975, quân ta chiếm lĩnh trận địa, đào xong công sự, sẵn sàng chờ lệnh tấn công.
Trang sử truyền thống của Sư đoàn còn ghi: Đúng 16 giờ ngày 1/3, từ cao điểm Chư Nghé, 3 phát pháo hiệu xanh vút lên không trung. Giờ G đã điểm, lập tức pháo của ta đồng loạt bắn vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, căn cứ pháo binh của địch ở Hòn Rồng, Bầu Cạn.
Tại Đồn Tầm - Chốt Mỹ, pháo ta dồn dập nhả đạn trùm lên cứ điểm. Ngay từ loạt đạn đầu đã phá sập hầm chỉ huy và hầm thông tin của địch. Sau 30 phút bắn phá, pháo ta chuyển làn. Bộ binh dùng bộc phá đánh tan các lớp hàng rào kẽm gai của địch và nhanh chóng tiêu diệt lô-cốt đầu cầu. Địch dựa vào hệ thống hầm hào kiên cố, chống cự quyết liệt hòng đẩy lùi các đợt tấn công của ta. Trong khi hướng chính do Đại đội 6 đảm nhiệm gặp khó khăn thì trên hướng thứ yếu, Đại đội 11 do đại đội trưởng Nguyễn Văn Lập chỉ huy đã mở xong cửa mở, xung phong đánh chiếm các vị trí theo kế hoạch, đồng thời tổ chức một mũi vòng bên ngoài cứ điểm, theo Đường 19 đánh thẳng vào khu thông tin. Địch phải rút sâu vào bên trong để chống trả.
Nhân cơ hội đó, Đại đội 6 tổ chức hai mũi tấn công, mũi bên phải do đại đội trưởng Nguyễn Văn Mỉa chỉ huy đánh vào trung tâm cứ điểm, mũi bên trái do chính trị viên Đậu Vĩnh Nguyên chỉ huy, lần lượt đánh vào kho hậu cần, vũ khí, nhà chỉ huy của địch. Đến lô-cốt cuối cùng, đồng chí Đậu Vĩnh Nguyên anh dũng hy sinh. Trung đội trưởng Phan Văn Láy nhận lá cờ Giải phóng từ tay đồng chí Nguyên vừa ngã xuống, xung phong cắm lên trung tâm chỉ huy cứ điểm của địch.
Sau một giờ chiến đấu, ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Đồn Tầm - Chốt Mỹ do đại đội 1, tiểu đoàn 67, Liên đoàn biệt động 25 của ngụy chốt giữ, thu toàn bộ vũ khí cùng nhiều trang bị khác… Trận tấn công tiêu diệt Đồn Tầm - Chốt Mỹ là trận chiến đấu hợp đồng binh chủng quy mô vừa, giành thắng lợi lớn, đạt hiệu suất cao.
Đây là trận đánh đầu tiên của đơn vị chúng tôi trên đất mẹ Việt Nam yêu dấu, và thật vinh dự, đó lại là trận đánh mở màn của chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch tạo ra bước ngoặt quan trọng cho cục diện cuộc chiến tranh giải phóng năm 1975.
Sau chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn chúng tôi tiếp tục phát triển xuống đồng bằng, tham gia giải phóng 3 tỉnh duyên hải Khu V là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa rồi hành tiến về phía nam, tham gia giải phóng Phan Rang, Tháp Chàm; cùng lực lượng hải quân giải phóng toàn bộ các đảo ven biển Trung Bộ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 9 của Sư đoàn đã tấn công căn cứ Đồng Dù, thừa thắng tiến vào giải phóng Tây Quy, giải phóng quận lị Củ Chi, tạo điều kiện cho các đơn vị bạn đánh thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Đây là những trận đánh cuối cùng của Sư đoàn trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, góp phần vẻ vang vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
BÙI THƯỢNG TOẢN
(Nhà báo - CCB Sư đoàn 968)